Ngày xuân nói chuyện chơi chim

Nguyễn Văn Thanh

19/01/2022 14:28

Theo dõi trên

Chính vì kì công của nghề chơi như vậy, nên người ta khó lòng định giá được một con chim cảnh. Một con chào mào lúc còn “mộc” giá chỉ khoảng 100 nghìn, nhưng khi đã được luyện có thể lên tới vài ba triệu, thậm chí cả chục triệu đồng. Giá gấp nhau vài ba chục lần trong kinh doanh chim cảnh là thường tình. Có những con chim quý được xem là vô giá.

1-choi-chim-1642577043.jpg
1. Những chiếc Cúp vàng nghệ nhân  Hồ Đại Trung đạt được trong nhuwgx năm qua

 

Vài nét về nghề chơi

Trong rất nhiều thú chơi của Người Việt Nam, chơi đồ cổ, chơi tranh, chơi câu đối, chơi tem…chơi chim cảnh là một thú chơi được liệt vào dạng lâu đời và gần gủi với phong cách của người Á Đông hơn cả.

Theo sách xưa kể lại, thú chơi này từng được phổ biến rộng rãi trong xã hội. Không chỉ nhà giàu, bậc tao nhân mặc khách, mà ngay cả những người dân bình thường cũng rất ham chuộng thú chơi thanh cảnh này. Trong những ngày lễ hội ở xứ Bắc Hà xưa kia, có những cuộc thi chim dân gian cuốn hút hàng vạn người tham gia.

Trải qua năm tháng thú chơi chim cảnh dần dần trở thành một nghề thật sự của người Việt-một thứ nghệ thuật thanh tao và đầy tính nhân bản. Theo lời kể của những nghệ nhân luyện chim lâu đời, người biết chơi chim cảnh không phải chỉ có nghề (bao gồm sự hiểu biết về nghề chim, những ngón luyện chim thành thục) mà còn phải có niềm đam mê và thật sự gắn bó với con vật cảnh của mình. Đã là nghệ thuật thì lĩnh vực nào cũng vậy thôi, nếu thiếu hai yếu tố đó, khó lòng mà đạt đến sự tận mỹ.

Cái khó nhất của nghề chơi này là khâu tìm kiếm và thuần dưỡng chim. Anh Hồ Văn Trung, một nghệ nhân chơi chim lâu năm ở CLB chim Đường 9 TP.Đông Hà cho biết: “Để có một con chim hay và đẹp phải mất đến hàng năm trời. Từ những năm 1992, 1993 anh đã theo các bậc lớn tuổi lùng sục khắp nơi để đánh bắt những con chim hay về thuần phục thi đấu từ các vùng như Khe Lấp, Cùa hay chim vùng Trại Lấu, Hướng Hiệp. Qua sàng lọc, giao thương, trao đổi âu cũng cái duyên có những con chim đã ở lại với bản thân mình và tạo nên những “kì tích” trong thi đấu.

Bắt đầu từ những năm 2010 thì nhu cầu chơi và chăm chim chào mào mũ lại được chú trọng hơn, từ những chú chim gần gũi với tuổi thơ với bà con ở vùng nông thôn, đã được chăm chút công phu hơn, thuần hoá một cách kĩ càng hơn để mang đi thi đấu. Khác với cách đấu “xổ lòng” như chim họa mi, chim choè than, choè lửa…. Chúng nó khoá chân khoá mỏ thì con chim chào mào lại có cách đấu khác như chúng tôi thường gọi đó là cách đấu “Thanh-Sắc-Bộ” đó là âm thanh phải hay, trong trẻo, rõ ràng và luyến láy, bóng bộ hoạt bát nhanh nhẹn. Muốn đạt được những điều này trước hết chúng ta phải gặp được những con chim hay, nó phải già rừng, âm giọng phải mạnh mẽ, có tính đe nẹt và nó thường là những con chim đầu đàn đầy uy lực, thân hình cân đối, ngực nở, vai rộng long mượt…. Để có được con chim vừa ý là cả một quá trình đầy công phu mà dân chơi chim chúng tôi thường ví “còn chăm hơn chăm con mọn” từ thức ăn, tắm chim, luyện tập cho chim…. Đã sở hữu được chim hay chúng ta phải chọn lựa thức ăn cho phù hợp mà dân chơi chúng tôi thường hay gọi là “cám” nó tổ hợp của các loại ngũ cốc được xay mịn, trộn thêm trứng gà, tôm… mang xấu khô hoặc phơi mà đây là một tỉ lệ không ai làm cám giống ai, ngoài ra cũng có những người cho ăn riêng như tổ hợp của củ cà rốt, khoai, chuối ….

 Ngoài “cám” ra chúng ta phải có thức ăn tươi bổ sung chất tanh cho chim như cào cào, dế, sâu hay trứng kiến… đặc biệt con chim chào mào khác hẳn chim khướu, chèo hay họa mi thì chào mào luôn có các loại trái cây tươi như ổi, chuối, thanh long hoặc đu đủ thường xuyên đặc biệt chim ăn những loại trái cây có sắc tố tốt thì tách đỏ hay màu dưới đít chim sẽ đẹp hơn. Ngoài ra chúng ta phải thường xuyên phơi nắng, vệ sinh lòng và tắm cho chim thường xuyên và đúng giờ để tập thói quen sinh học cho chim. Chúng ta phải thường xuyên mang đi tập dợt để con chim đó được cọ xát chiến đấu với những chú chim xung quanh để tạo cho nó có được bản lĩnh tranh giành lãnh thổ, tạo thói quen thì đấu.”. Chính nghệ thuật chơi chim rất cầu kì đó mà trong những năm qua nghệ nhân Hồ Văn Trung đã đạt 30 giải cúp  vàng, nhất, nhì…(Ảnh 1)

Mỗi nghệ nhân chơi chim đều phải có tính kiên nhẫn, tỉ mỉ và phải có tình yêu thực sự với những chú chim. Anh Lê Thọ, một nghệ nhân nuôi chim, hiện đang sinh hoạt ở CLB chào mào Hải Lăng chia sẻ: “Mình chơi chim cảnh lâu rồi, biết là mất rất nhiều thời gian, tốn công sức và cũng chẳng mang lại tiền bạc gì nhưng sau mỗi tuần làm ăn chỉ mong đến thứ 7, chủ nhật để gặp anh em bè bạn trao đổi tâm tình qua tiếng con chim hót, thực sự thấy thanh thản, quên hết lo toan, mệt mỏi; cũng là cách để mọi người giảm bớt áp lực công việc, lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống”. Và rồi, những chú chim của anh Lê Thọ đã làm nên điều kì diệu, xuất sắc giành về rất nhiều giải thưởng cao quý, như cúp vàng, xe máy…

2-choi-chim-1642577110.jpg
2. Nghệ nhân Lê Thọ CLB chào mào Hải Lăng

Tuy nhiên, theo lời kể của các nghệ nhân, có him hay chưa đủ. Một con chim quý phải  có một chiếc lồng tương xứng. Lồng chim là một yếu tố để cấu thành thú chơi chim cảnh, đồng thời nó phản ánh trình độ của người chơi chim. Bởi vì người có tay nghề cao, thường biết sử dụng loại lồng  thích hợp cho từng loại chim và cho từng giai đoạn phát triển của chúng. Ví như để thuần một con chim họa mi, đầu tiên phải sử dụng loại lồng “mi lau; có nan dày và vải phủ ở đỉnh lồng để ngăn cho chim không bị bệnh “ngưỡng thiên” (nhìn trời) và sợ người lạ. Khi con chim đã bắt đầu tập hót, phải nhốt chúng vào “lồng tức”-một loại lồng có kích thước nhỏ để chúng thấy bức bối và phát ra tiếng hót. Đối với chim chào mào, vấn đề chọn lồng hay bố trì cầu cóng còn tùy thuộc vào sở thích và hoạt động chú chim để chúng ta có cách chơi chim phù hợp. Có chú hay chuyền cầu hay chạy cầu thì cho chúng ở trong những chiếc lồng tròn và dùng cầu ngang. Nhưng cũng có chú chim lười chuyền cầu nhưng lại thích bung cánh thì có thể cho chúng vào trong những chiếc lồng vuông hay lồng tròn kiểu bán nguyệt. Vì vậy, cách chọn lồng phải hợp lý và bố trí cầu cũng cần như vậy để giúp cho chim tránh các tật lỗi và giúp chơi chim tốt hơn.

Chính vì kì công của nghề chơi như vậy, nên người ta khó lòng định giá được một con chim cảnh. Một con chào mào lúc còn “mộc” giá chỉ khoảng 100 nghìn, nhưng khi đã được luyện có thể lên tới vài ba triệu, thậm chí cả chục triệu đồng. Giá gấp nhau vài ba chục lần trong kinh doanh chim cảnh là thường tình. Có những con chim quý được xem là vô giá.

Từ  lâu, quán cà phê Nhạc Hoa Viên trên đường Tôn Thất Thuyết (Tp Đông Hà) là điểm hẹn thường xuyên của những thành viên các CLB chim trên địa bàn thành phố và các  vùng lân cận. Mỗi sáng, họ thường mang các lồng chim của mình đến để chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc và luyện hót, đấu. Như một thói quen, mọi người đến đây chỉ việc lặng lẽ treo lồng chim của mình lên. Chọn một chỗ ngồi hợp lý rồi cùng nhìn ngắm, lắng nghe những chú chim cất tiếng hót, đấu. Không phân biệt nghề nghiệp, tuổi tác, họ đều có chung một sở thích và đam mê với chim cảnh.

Phó chủ nhiệm CLB chim chào mào đường 9 (Tp Đông Hà ), nghệ nhân Hồ Xuân Vũ cho biết, “Chúng tôi thường tổ chức thi đấu vào dịp cuối hàng tháng, hàng quý… để anh em trong các CLB được thử sức và bắt đầu cho những giải đấu lớn hơn. Những cuộc thi như thế này không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ thành viên CLB mà tất cả những ai đam mê chim cảnh ở khắp nơi đều có thể tham gia. Sau những cuộc thi như thế này, những chú chim nổi bật thường được những người “chịu chơi” trả giá vài chục triệu, có khi đến cả trăm triệu đồng”.  

 Nghệ nhân Hồ Xuân Vũ cho biết thêm: “Hội thi bên cạnh động viên chủ nhân của những chú chim chào mào nuôi và huấn luyện chim tốt, còn là sân chơi để anh em nghệ nhân giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về một thú chơi lành mạnh này. Ở các cuộc thi chim, Ban giám khảo sẽ đánh giá chất lượng chim và chất giọng, chia thành nhiều vòng khác nhau. Những tiêu chí đánh giá chim gồm có: Thái độ thi (chim nếu mắc các tật xấu như: lộn cầu, hót giọng mái, xù lông, tắm,… thì sẽ bị loại); độ bền và chất giọng hót; phong cách trình diễn (bung cánh, sàn cầu, sổ giọng,…). Mặc dù việc đánh giá chim hay dở mang tính tương đối và có phần chủ quan của giám khảo nhưng ban tổ chức các hội thi luôn cố gắng tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình làm việc của ban giám khảo cũng như dư luận từ phía những người tham gia”.

3-choi-chim-1642577306.jpg
3. Nghệ nhân Hồ Xuân Vũ (người thứ 2 bên trái) Phó chủ nhiệm CLB chim chào mào đường 9 (Tp Đông Hà ),

Chơi chim, nghề đang khởi sắc

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, người dân ta đang có xu hướng tìm về với những thú chơi mang đậm bản sắc dân tộc của mình. Trong bối cảnh ấy, nghề chơi chim cảnh cũng được khơi dậy và có thêm sức sống mới. Lực lượng tham gia vào thú chơi tao nhã đang  phát triển rộng rãi, nhất là ở thành phố Đông Hà và khắp các huyện đều có CLB chim như Hải Lăng, Hướng Hoá, Gio Linh, Vĩnh Linh… trở thành "món ăn” tinh thần không thể thiếu của những người đam mê bảo tồn và phát triển các loài chim quý.

Thú chơi chim cảnh không dừng lại ở nét đẹp nghệ thuật dân gian thuần túy mà từng bước nâng lên tầm cao mới, với một quan niệm sống mới. Người chơi tìm thấy những âm thanh nguyên sơ, trong trẻo, những niềm vui nho nhỏ từ thú vui này. Con chim trở thành người bầu bạn sớm hôm, bằng giọng hót du dương, trầm bổng, nó khiến con người quên đi bao nỗi lo toan của cuộc sống thường ngày. Hạnh phúc nào bằng khi mỗi sáng nhâm nhi ly café, tận hưởng tiếng chim hót thánh thót trên cao ở giữa phố phường như được thả hồn, khỏa mình trong thiên nhiên hoang sơ, như được trở về dòng sông thơ ấu vậy!

4-choi-chim-1642577174.jpg
4. Hội thi chim chào mào đấu-hót tại quán cà phê trường chim Nhạc Hoa Viên

 

Bạn đang đọc bài viết "Ngày xuân nói chuyện chơi chim" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn