Ngày Xuân, thăm nhà Trung tướng Đặng Quân Thụy - Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội

Có lẽ ở nước ta, Trung tướng Đặng Quân Thụy là một trong số không nhiều vị Tướng trận mạc, đã trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cả các cuộc chiến tranh Biên giới Tây Nam và Biên giới phía Bắc, còn khoẻ mạnh và minh mẫn đến hôm nay.

Trung tướng Đặng Quân Thụy sinh năm 1928 tại Xuân Trường - Nam Định. (Cùng họ, cùng làng Hành Thiện với cố Tổng Bí thư Trường Chinh, nhưng người thân của ông cho biết: Thời còn công tác, ông luôn giấu và chưa bao giờ lợi dụng chi tiết này để thăng tiến).

b3vhas1q-1680514130.jpg

Trung tướng Đặng Quân Thụy (thứ hai từ phải sang) tại tư gia.

 

Đặng Quân Thụy là cựu học sinh Trường Bưởi lừng danh. Bởi thế, ông rất giỏi tiếng Pháp. Sau này, khi được sang Liên Xô học về Hóa học - Phòng hóa, chỉ trong một thời gian ngắn ông đã sử dụng được tiếng Nga. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, khi ở chiến trường, trong điều kiện gian khổ và ác liệt, Đặng Quân Thụy còn tự học thêm tiếng Anh, để trực tiếp khai thác tù binh Mỹ. Bây giờ, ông sử dụng thành thạo cả 3 ngoại ngữ đó. Có thể tiếp chuyện với người nước ngoài mà không cần phiên dịch.

b1vh1aq-1680514417.jpg
 

Phu nhân của Tướng Đặng Quân Thụy là bà Nguyễn Thị Ban, cùng tuổi với chồng. Bà quê Hưng Yên, từ khi còn là nữ sinh Trường Đồng Khánh nổi tiếng, bà đã tham gia hoạt động tuyên truyền Cách mạng bằng diễn kịch hát “Lưu Nguyễn nhật Thiên Thai”. Ông bà quen nhau trong kháng chiến chống Pháp. Khi bà vừa làm y tá, vừa làm phiên dịch và hoạt động văn nghệ phục vụ bộ đội; còn ông cùng đơn vị đi tham gia chiến đấu ở nhiều chiến dịch... Mối tình đẹp của họ đã trở thành một đám cưới kháng chiến giữa năm 1950. Nhưng phải đợi đến năm Giải phóng Điện Biên, ông bà mới sinh con đầu lòng...

b2vh2aqs-1680514460.jpg
 

Năm 1963, Trung tá Đặng Quân Thụy nhận lệnh vào chiến trường B, bằng tàu Không số theo đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong chiến dịch Mậu Thân – 1968, Đặng Quân Thuỵ cùng bộ đội biệt động vào tới tận sân bay Tân Sơn Nhất (Sài Gòn). Năm 1973, Thượng tá Đặng Quân Thuỵ, khi đó đảm nhiệm trọng trách Phó phòng (phụ trách) Tác chiến Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam đã vinh dự được tháp tùng các đồng chí Nguyễn Văn Linh (Phó Bí thư Trung ương Cục); Hoàng Văn Thái (Tư lệnh Miền); Võ Văn Kiệt (Bí thư Sài Gòn – Gia Định);… ra Bắc để báo cáo tình hình với Trung ương Đảng. Ông còn giữ được tấm ảnh chụp đoàn cán bộ đang đi bộ qua cầu Hiền Lương về sự kiện này.

Năm 1978, trong cuộc chiến tranh tại biên giới Tây Nam, Đặng Quân Thụy bị thương rất nặng, vỡ 2 xương chậu, tưởng không qua khỏi. Trực tiếp bà Ban xin nghỉ việc để đến Quân y viện chăm sóc ông. Bằng nghị lực phi thường và cả sự màu nhiệm, ông đã từ cõi chết trở về. Không ai nghĩ rằng, chỉ một năm sau, Đặng Quân Thụy đã có thể trực tiếp chỉ huy bộ đội chiến đấu tại biên giới Phía Bắc. Đặc biệt, là giữa thập niên 80, ông được giao trọng trách Tư lệnh Quân khu 2, trực tiếp chỉ huy cuộc chiến tranh Vị Xuyên – Hà Giang, vô cùng ác liệt…

Giờ đây, khi tiếp xúc với các CCB Quân khu 2, thời chiến tranh biên giới và sau này, nhiều anh em vẫn nhắc đến vị Cựu Tư lệnh của mình với một tình cảm yêu quý và trân trọng đặc biệt. Hình ảnh mỗi cuối tuần, vợ ông đi xe khách từ Hà Nội lên Việt Trì thăm chồng, rồi sau đó ông tiễn vợ ra tận đường đón xe khách bình dân trở về Hà Nội (ông kiên quyết không cho anh em cấp dưới dùng xe công chở vợ con, như một số cán bộ có quyền lực bây giờ) đã in đậm trong tâm trí và cảm mến bao người…

Khi còn đương chức, Đặng Quân Thụy sống rất giản dị, luôn hòa mình và gần gũi với lính. Ở cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội, lại kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh như ông, giờ đây người ta thường có quân hàm Thượng tướng, thậm chí Đại Tướng... Nhưng ông vẫn khiêm tốn mang quân hàm Trung tướng...

Sau khi đã được Đảng và Nhà nước cho nghỉ ngơi, dù đã ở tuổi ngoài 90, nhưng Tướng Đặng Quân Thụy vẫn thường xuyên trở về với đồng đội cũ ở khắp mọi miền đất nước. Những chuyến đi ấy, có bao nhiều tiền lương hưu tiết kiệm mang theo, ông thường móc đến đồng cuối cùng để tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Sáng nay, Ban vận động thành lập Hội đồng Họ Đặng Hà Nội, do Trung tướng Đặng Vũ Sơn dẫn đầu, cùng các thành viên nhóm Thường trực: Đặng Duy Khanh, Đặng Thị Quỳnh Hoa và Đặng Vương Hưng đã tới thăm Trung tướng Đặng Quân Thụy tại nhà riêng ở phố Tôn Thất Thiệp, Hà Nội, vừa là để chúc mừng ông được nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, vừa trân trọng mời ông tham dự Lễ ra mắt Hội đồng lâm thời Họ Đặng Hà Nội, vào ngày Chủ nhật, 9/4/2023 tới.

Hà Nội, 3/4/2023

Đ.V.H
Trái tim người lính