Chương trình Liên hoan thực hành Tín ngưỡng thờ mẫu Tam - Tứ phủ của Người Việt tại đền Ông Hoàng Mười do Viện nghiên cứu Văn hoá và Phát triển tổ chức vào ngày 4/12/2023 và 5/12/2023 (Tức ngày 22 - 23/10 Quý Mão) là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười năm 2023, góp phần đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” do Thủ tướng Chính phủ cam kết với UNESCO (năm 2017.
Về dự Liên hoan, có nhà báo Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện tư vấn công nghệ và đào tạo toàn cầu, đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Hưng Thịnh. Về phía Ban tổ chức, có TS. Phạm Việt Long - Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển - Trưởng ban tổ chức; Nghệ nhân ưu tú Lương Thị Nguyên - Thủ nhang đền Tam Lang - Phó trưởng Ban tổ chức; Nghệ nhân, Đồng thầy Trần Thị Hoà - Đền Lăng Quan Hoàng Mười - Phó trưởng Ban tổ chức; Nhà báo Nguyễn Danh Hòa - Thư ký Tòa soạn Tạp chí điện Điện tử Văn hóa và Phát triển - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Quốc Gia; Nhà báo Lương Xuân Huy - Trưởng Ban tuyên truyền Tạp chí điện điện tử Văn hóa và Phát triển.
Đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An) được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng Di tích Lịch sử, Văn hoá, là địa điểm du lịch tâm linh chứa nhiều giá trị văn hóa gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, là nơi thờ Ông Hoàng Mười và các vị thần thuộc hệ thống đạo Mẫu Tứ Phủ của Việt Nam. Chương trình nhằm tôn vinh nét đẹp truyền thống văn hoá, giới thiệu quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế những giá trị tinh hoa văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, đã chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Chương trình là dịp để các nghệ nhân, thanh đồng trong và ngoài tỉnh Nghệ An giao lưu thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu, thể hiện tài năng Hát văn, Chầu văn, từ đó nâng cao các giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Đồng thời cũng là dịp Góp phần quảng bá giá trị văn hóa của điểm du lịch tâm linh Đền Ông Hoàng Mười tại Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đến đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu chủ yếu được cộng đồng biết tới qua khái niệm “hầu đồng”. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng đã nhấn mạnh đến vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt. Người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người. Sức mạnh và ý nghĩa của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe…
Tăng cường tuyên truyền về nhận thức cho thanh đồng, đồng thầy về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt (nghi lễ Hầu đồng là một trong những hoạt động chính). Qua hoạt động hầu đồng, giáo dục cho người dân chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tự do tín ngưỡng, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sức dân tộc.
Chương trình tạo sân chơi, địa điểm giao lưu cho các nghệ nhân văn hóa, người hoạt động trong lĩnh vực thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt có cơ hội giao lưu, trau dồi kỹ năng và lưu truyền hoạt động văn hóa trong nhân dân, đồng thời đây cũng là hình thức tuyên truyền hoạt động theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Các tiết mục diễn xướng (hầu đồng) tham gia tại liên hoan có chất lượng cao; Nội dung Hầu đồng, trình tự, nghi thức vấn hầu, người thực hành tín ngưỡng, trang phục, Cung văn đều đúng thể thức, theo tiêu chí Ban tổ chức đề ra. Đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn trong quá trình tổ chức; Chương trình được chuẩn bị chu đáo, phát huy tiềm năng, nguồn lực con người và lan tỏa thông điệp trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của nhân loại đến với bạn bè trong nước và quốc tế.