Ông còn mê bóng đá. Trên đường phố Hải Phòng hồi đấy, nếu thấy một ông già mặc bộ quần áo nâu mải mê dõi theo đám trẻ con đá bóng, đó đích thực là nhà văn Nguyên Hồng.
Ông đi công tác Hà Giang, nghe ông Đình Khải tường thuật trận đấu qua chiếc đài bán dẫn, biết đội Hải Phòng thắng đội Thể Công 4 – 0, ông vội ra bưu điện “đánh dây thép” gửi 4 bức điện chúc mừng về Hải Phòng cho Thành ủy, Sở TDTT, Đội tuyển thành phố và cho riêng cầu thủ con cưng Trần Hùng. Khi đó cước phí bưu điện rất cao nhưng ông bất chấp. Hết tiền cũng được, miễn là cái be rượu trong chiếc tay nải mang theo vẫn còn đầy là được.
Ông Nguyên Hồng là nhà văn lớn nên có chiếc đài mang theo.
Hồi đấy ở các vùng quê xa Hà Nội, mọi người phải nghe tường thuật bóng đá qua chiếc ga-len, loại radio dân Việt Nam tự tạo có cuộn dây đồng, chiếc nam châm, miếng kim loại thật mỏng để tạo âm thanh đẩy ra chiếc loa hình nón phát ra âm thanh. Tín hiệu đầu vào đến từ đoạn dây kim loại (dây đồng là chủ yếu) căng giữa hai cây tre, càng cao càng tốt.
Tiếng bình luận viên của Đài Tiếng nói Việt Nam chập chờn, lúc gần lúc xa nên khi đấy trẻ con không được đùa nghịch và chó mèo cũng không được kêu để những người hâm mộ môn túc cầu nghe được rõ.
Ở Hà Nội thì sướng hơn. Phố nào cũng được lắp loa công suất lớn, tiếng các bình luận viên Quang Hiệp, Nguyễn Thu, Hoài Sơn, Đình Khải… nghe rõ mồn một. Quanh Hồ Hoàn Kiếm còn lắp loa dày đặc hơn. Người đứng xúm đông xúm đỏ quanh những cột loa, nghe như nuốt từng lời người tường thuật trận đấu. Bình luận viên kiêm người tường thuật, tả cho khán giả nghe đài quang cảnh trên sân, diễn biến trận đấu. Đôi lúc BLV vận dụng những hiểu biết riêng của mình về từng sở trường sở đoản của cầu thủ để bình phẩm những pha bóng hay, khiến đám đông quanh chiếc loa trầm trồ tán thưởng.
Thập niên 1960 chủ yếu là cụ Quang Hiệp và Nguyễn Thu là bình luận viên bóng đá, là dân “Tây học” nên kiến thức uyên thâm. Trước khi về hưu, các cụ đã kịp truyền nghề tận tình cho các ông Hoài Sơn, Đình Khải. Thời của các cụ này người nghe đài ít để í. Do chiến tranh phá hoại nên các buổi tường thuật bóng đá được phát theo kiểu cuốn chiếu. Sang hiệp 2 của trận đấu mới phát tường thuật của hiệp 1. Kết thúc trận đấu mới phát tiếp hiệp 2. Một phần cũng vì vậy nên bình luận hoặc tường thuật trận đấu đều có độ chuẩn xác rất cao.
Dù Đài Tiếng nói Việt Nam đã có buổi phát hình đầu tiên trên sóng viba tối 7/9/1970, nhưng do chiến tranh và những khó khăn thời hậu chiến khiến mười năm sau, ngày 19/8/1980, Ban biên tập vô tuyến truyền hình mới tách khỏi Đài Tiếng nói Việt Nam để trở thành Đài truyền hình Trung ương.
Năm 1978 có giải bóng đá thế giới tổ chức tại Argentina, Việt Nam được quyền phát lại các trận đấu phục vụ người hâm mộ. Đến Espana 82, Việt Nam được bản quyền phát trực tiếp một số trận đấu. Năm 1986 là năm bùng nổ về truyền hình trực tiếp vòng chung kết giải vô địch thế giới tại Mexico. Tín hiệu được lấy từ vệ tinh Hoa sen của Liên Xô. Đến vòng chung kết năm 1990 và 1994 được Đài CFI của Pháp hỗ trợ bản quyền phát sóng. Năm 1998, lần đầu tiên VTV bỏ tiền mua được sóng sạch, không lẫn tiếng bình luận viên nước ngoài và logo VTV chễm chệ một mình trên sóng, không phải kèm logo nhà đài khác.
Bình luận viên lên sóng có cả hình lẫn tiếng thủa ban đầu là ông Trần Tiến Đức (con Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng) và ông Vũ Huy Hùng (từng tập ở Thể công cùng lứa Ngô Tử Hà và Trịnh Minh Huế). Hai ông này hiểu biết cặn kẽ về thể thao, lại đam mê bóng đá nên người xem truyền hình lúc đấy, dù màn hình bị muỗi nhằng nhịt hoặc đổ xiên đổ vẹo, vẫn nghe như nuốt từng lời các bình luận viên đang tường thuật trận đấu. Thi thoảng có thêm ông Trần Văn Quang nhưng ông này chỉ làm một thời gian ngắn lại rẽ ngang.
Bình luận viên hồi đấy quá trâu cày. Toàn thức đêm vì giờ phát sóng thường từ nửa đêm về sáng. Ngủ được chút ít lại căng mắt ra để cập nhật thông tin từ các nguồn sách báo và truyền hình từ nước ngoài để có tư liệu phục vụ những trận sau.
Một anh bạn thuộc thế hệ Lính Sinh viên thời chống Mỹ về làm ở VTV kể lại : “Chiếc máy đọc băng Umatic của Phòng Thể thao bị hỏng. Sốt ruột vì sợ fan hâm mộ chờ lâu, BLV Quang Huy đã bê chiếc máy nặng 23 kg chạy thật nhanh 4 tầng nhà để xuống nhờ Tổ VTR sửa gấp mà không thấy mệt”.
Ấy vậy hỏi các ông này về thời gian khó ấy, ông nào cũng cười rất tươi và hăm hở muốn trở lại thủa ban đầu của truyền hình Việt Nam. Chắc cũng vì các ông ấy muốn trở về “Ký ức vui vẻ” tuổi thanh xuân.
“Bám” nghiệp bình luận đến tận bây giờ là các ông Long Vũ, Quang Huy, Quang Tùng. Đến bây giờ người ta phong ba ông này là những “Bình luận viên gạo cội” của truyền hình bóng đá.
Ông Long Vũ hiện vẫn ở VTV. Ông Quang Huy sang VTC. Ông Quang Tùng sang truyền hình Quốc phòng.
Những dịp trọng đại, người ta lại thấy cả 3 ông này xuất hiện cùng trong một chương trình truyền hình. Thương hiệu lớn làm nhà sản xuất chương trình chấp nhận tốn kém để mời cả 3 ông một lúc.
Cách bình luận của 3 ông này, lớp trẻ bây giờ vẫn không theo kịp.
Sinh ra và lớn lên ở đất Hà thành, cả 3 ông này đều nói tròn vành rõ tiếng. Kiến thức rộng nhưng khiêm tốn, hợp với cốt cách thanh lịch của người gốc Hà Nội nên khi bình luận không có những lúc lên gân hoặc nói những câu thừa. Họ biết nói đủ là đủ.
Xin hé lộ. Nhân thân của cả 3 ông này đều dính dáng tới bóng đá.
Quang Huy có ông bác là Nguyễn Duy Thìn, đá ở đội Thanh niên Hà Nội xưa. Quang Tùng có ông bố danh thủ nổi tiếng của Thế công là Ngô Xuân Quýnh. Long Vũ là con rể của danh thủ Hùng “rồng” đá ở đội Thanh niên Hà Nội. Riêng anh chàng này mỗi khi đội Cựu cầu thủ CAHN thi đấu trên sân Hàng Đẫy đều có suất đá bên cạnh những Xuân Thắng, Minh Hiếu, Tuấn Thành, Trung Phong. Có tư duy, kỹ thuật, Long Vũ vào sân đã đảm nhiệm tốt vị trí của mình.
Rất muốn kể tiếp các lứa bình luận viên kế cận nhưng không nhớ ra ai. May ra có con ông bạn Đặng Gia Mẫn, người mới tham gia bình luận trên truyền hình. Anh chàng này tên Đặng Phương Nam, lính mới nhưng không trẻ. Phương Nam là cựu tuyển thủ quốc gia và là huấn luyện viên nên phân tích trận đấu và các tình tiết trên sân sắc sảo. Phương Nam cũng có ưu điểm là chỉ trợ giúp người xem hiểu hơn về các tình huống trên sân một cách nhỏ nhẹ, điềm tính chứ không gào lên như những bình luận viên đương đại.
Nhiều bình luận viên bây giờ họ nói như được khoán, ong hết cả đầu. Rõ ràng người xem nhìn rõ mồn một mọi thứ ống kính máy quay mà họ vẫn kể ra, như văn tường thuật. Họ không xác định rằng giờ họ là bình luận viên chứ không đơn thuần tường thuật trận đấu như xưa.
Chuyện Làng Quê