Nghề dệt thủ công này đã không còn nữa bởi xã hội ngày nay đã đổi mới đi lên, hiện đại và phát triển nên chẳng còn dùng đến chiếu cói quê tôi nữa mà thay vào đó là các loại chiếu nhựa chiếu trúc rồi.
Chẳng biết nghề dệt chiếu của làng tôi có từ khi nào, chỉ biết rằng tôi sinh ra thì đã có nghề dệt này rồi. Tiếng lách cách đâm gon nhịp nhàng như một bản nhạc tình quê đã ăn sâu vào tâm trí tôi từ thời tôi còn nằm trong nôi. Làng tôi có tới tám mươi phần trăm số hộ làm nghề dệt chiếu, số còn lại là những gia đình làm nghề khác, hoặc đi buôn, hoặc công tác xã hội.
Khi những chú gà trống cất tiếng gáy báo hiệu một ngày mới bắt đầu, con người như bừng tỉnh đón chào bình minh lên, chào một ngày mới giống như mọi ngày. Chao ôi! Công việc thường nhật của người dân quê tôi lại bắt đầu bằng những tiếng gon lách cách nhịp nhàng nhưng đầy hối hả. Vâng ạ! Để làm ra được một lá chiếu (một chiếc)nguyên liệu cần có là:một ki-lô-gam cói và một lạng đay hột. Trước tiên tôi xin sơ lược về cách sản xuất cói và đay.
SẢN XUẤT CÓI
CÓI: thuộc họ nhà cỏ nên có tên gọi là cỏ cói, cói cao chừng hai mét. Gốc cứng, phần thân cói gần gốc thì tròn nhưng lên cao dần tới phần ngọn thì không tròn mà lại có ba cạnh, cói không có lá nhưng lại có hoa.
Nếu nói về trồng cói, thì làng tôi cũng không trồng nhiều lắm, từ lúc tôi còn bé thì có rất nhiều nhà trồng, nhưng dần dà phá bớt để trồng lúa xong lại sang huyện bên để mua cói khô về dệt chiếu. Để làm ra được những bó cói phải mất rất nhiều thời gian. Cói được trồng tại ruộng, bốn xung quanh ruộng người nông dân phải đào một rạch có lòng chừng ba bốn mươi phân để dẫn nước vào ruộng. Khi cói cao được chừng năm sáu mươi phân thì là lúc phải làm cỏ chân rồi bón đạm cho cói, mức bón thì phải theo kinh nghiệm của nhiều năm mà phải bón làm sao cho cói tốt vừa đủ, cây phải cao nhưng không được xanh thẫm, chân mống phải dầy thì mới cho một vụ cói được mùa. Tháng sáu, khi thu hoạch xong vụ lúa, cói cũng đã có hoa vậy là cói đã già, người dân lại chuyển sang cắt cói. Cói cao hơn cả đầu người, lúc cắt người cắt phải đứng rộng hai chân, người cúi xuống, tay trái vơ cói đã được cắt, tay phải cầm liềm kéo dài từ ngoài dật vào trong lòng mình, sau đó lên xanh (bó) gánh về. Mỗi bó xanh nặng chừng hai mươi lăm ki-lô-gam dùng một cây đòn sóc có hai đầu nhọn xọc vào hai xanh cói, như vậy là người trồng cói phải gánh năm mươi ki-lô-gam trên đôi vai về nhà , vì vào thời điểm đó chưa có xe thồ. Những chỗ râm mát như gốc tre được làm nơi nhặt cói, những cây nào già quá đã bị úa là phải nhặt bỏ đi, tiếp theo là dùng móng tay trẩy hết hoa cói, đặt thước đo. Thước chuyên dùng ở đây là cây gậy nhỏ dài chừng gần hai mét được khấc sẵn ba cỡ là một mét sáu mươi lăm, một mét ba mươi lăm và một mét mười lăm. Cỡ cói dài nhất dùng để dệt chiếu một mét năm mươi phân (hay còn gọi là mét rưỡi ) thì phải cắt cói là một mét sáu mươi lăm phân. Cỡ thứ hai là dùng để dệt chiếu trải cho giường mét hai thì phải cắt cói là một mét ba mươi lăm. Cỡ ngắn nhất dùng dệt loại chiếu trải giường một mét thì phải cắt cói một mét mười lăm phân. Một bó khi mang về, xanh phải dỗ xuống đất cho bằng sau đó dùng thước đo rồi rút cói, cứ như vậy ba lượt để được ba cỡ. Các đống xanh được đặt nằm ngay ngắn song và thẳng, sau đó đưa vào máy chẻ làm đôi. Máy chẻ cũng phải hai người, một người đâm gốc cói vào máy, một người ngồi đối diện rút ra. Người rút cói ra cũng phải thẳng tay, không được bẻ ngang bẻ dọc sẽ làm cho cói bị lãi không đều, nửa to nửa bé. Tiếp theo cói được mang đi phơi, người phơi cói cũng phải là người quen làm thì mới phơi đều được, cói mới khô đều và nỏ đều và trắng đều nữa. Sau ba nắng thì cói đã trắng tinh, nỏ dòn và được đưa vào ổ. Ổ cói cũng phải chèn rơm khô để giữ nhiệt , không thể để không khí lọt vào sẽ làm ẩm cói ra. Một sào ruộng có thể cho được hai tạ cói bao gồm ba loại kể trên.
Đấy ạ! Sản xuất ra cây cói cũng nhiều công đoạn lắm mọi người ạ.!.
Còn nhớ! Trước những năm hai nghìn trở về trước người dân quê tôi còn tự trồng cói, rồi sau đó cứ phá bỏ dần để trồng lúa. Sau những năm hai nghìn dân chúng tôi đổ xô xuống dân gần biển, giáp biển để mua những đầm cói. Đầm cói của người dân biển trồng ở những đầm nước lợ không ưa với trồng lúa mà dùng để nuôi cua. Những đầm cói ở đây có diện tích hẳn mẫu, hoặc vài mẫu, có thể là bốn năm người mua chung. Khi cói còn thấp người dân xuống mua rồi bón đạm rồi để đó quay về, sau đó thỉnh thoảng cất công chạy khoảng ba chục cây số xuống thăm xem khi nào được cắt. Những người đi xuống biển cắt cói chủ yếu là đàn ông. Vất vả lắm, ăn tạm bợ, ngủ tạm bợ trên những túp lều tạm bợ tự dựng. Đã xuống dưới này làm là làm hết mình, ngủ ít tranh thủ với đợt nắng thì cói mới trắng và đẹp. Cói biển được cắt và không phân loại như cói ruộng nhà, cói được phơi trên những triền đê, sau đó thuê xe ô tô chở về và chia ra cho từng nhà.
Chia cói là lúc vui nhất, vẻ mặt phấn khởi lộ trên khuôn mặt mỗi con người nơi đây. Những người vợ nhìn những người chồng của mình về mang theo về một làn da cháy nắng, thương vô vàn.
Vậy đó! Sau mỗi vụ cói làng chúng tôi nhà nào cũng dự trữ được vài tấn cói trong nhà sao cho đủ dệt trong một năm, năm sau sẽ tiếp nối năm này.
ĐAY: là loại cây có thân cao chừng hai mét rồi ra chánh, đay được trồng ở những nơi đất rộng như bãi nằm ở những triền đê. Đay được thu hoạch về, vỏ đay được lột ra khỏi thân, sau đó cạo sạch lớp vỏ bì sần sùi bên ngoài bỏ đi, tiếp theo mang phơi khô cuối cùng bó lại thành từng bó và bảo quản bằng cách gác đay lên trên cao cho khỏi bị hút ẩm. Cây đay được trồng ở huyện bên, sau khi thu hoạch, được những thương lái buôn về rồi bán cho những người dân xã bạn.
Lần đay:mới đầu người làm phải mang đay đi nhúng nước, chờ một lúc cho đay mềm mới dùng tay xé dọc thành nhiều sợi nhỏ, sau đó lại nhặt hai hoặc ba sợi vê lại, chắp nối, dùng máy cuốn thành từng búp. Dân lần đay sợi cũng là dân xã bạn, sáng sớm họ mang tới chợ xã tôi để bán, người xã tôi cũng phải đi chợ từ lúc bốn giờ sáng để mua đay hột (đay đã lần thành sợi dài) về để dệt chiếu.
KHUNG CHIẾU: Khung chiếu chiếm diện tích của hai gian nhà. Một gian đặt khung chiếu, một gian để đâm gon. Khung chiếu được làm bằng hai cọc cái và bốn cọc con.
Dụng cụ gồm: ghế, ngựa, go và gon.
DỆT CHIẾU: bước đầu tiên của việc dệt chiếu không thể bỏ qua khâu chải mào cói được. Đầu tiên phải dùng hai tay vò vào đoạn gốc cói, tay trái cầm nắm gốc cói xoè ra, tay phải chải mào cói tuột ra để lộ ra là da trắng hồng của gốc cói. Tiếp theo là chọn cói, những sợi to được phân loại ra để dệt vào hai đầu lá chiếu, sợi nhỏ dùng để dệt vào thân lá chiếu. Công đoạn đầu tiên này thường được tranh thủ chuẩn bị từ đêm hôm trước. Sáng ra khi vừa thức giấc người ta phải mang cói đi nhúng nước sau đó mắc đay vào khung. Dệt chiếu phải có hai người mới làm được, một người cầm go, hai tay cầm sao cho cái go thật thăng bằng, không được cầm lệch, nếu cầm lệch khi đập vào sẽ vả bên trái rồi lại vả bên phải chiếu sẽ không thẳng không đều và không đẹp. Đầu tiên người dệt phải đưa go ra chừng bốn chục phân và giữ go ở tư thế úp cho người gon đưa cói vào khung. Người cầm go đập một cái sau đó tay phải giữ go nằm tư thế ngửa, tay trái bắt bờ biên bên trái. Đập một cái thứ hai sau đó tay trái giữ go ở ở tư thế úp đồng thời tay phải bắt bờ biên bên phải. Lúc này loại cói to và cứng sẽ được dệt cho đầu chiếu. Người thứ hai ngồi trải chiếu dưới đất, quấn từng sợi cói vào đầu nhọn của mũi gon sau đó đưa vào khung nhanh và rút ra cũng nhanh. Công thức dệt hai đầu lá chiếu là ngọn gốc, ngọn gốc, đến khi nào được chừng ba bốn mươi phân thì chuyển sang gon hoa,cứ gốc, ngọn, hai gốc.: ngọn, gốc, hai ngọn. Cứ nhưng vậy mỗi một sợi cói đưa vào khung là một tiếng đập (thịch) và một tiếng gon (cách ). Nhịp nhàng nhưng lại rất nhanh, thoăn thoắt như thoi đưa, sau gần một tiếng hoặc một tiếng là thành phẩm một lá chiếu ra đời. Thời gian nhanh hay chậm thì sẽ phụ thuộc vào tay nghề của từng người.
Nghề dệt chiếu rất vất vả, cứ luôn chân tay cả ngày, phải tranh thủ tận dụng thời gian hết mức, từ sáng tới đêm mịt mới được nghỉ. Nhà nào tự cắt được cói về dệt thì công còn cao, nhà nào không tự đi cắt được nên phải đi mua cói về dệt thì công chẳng được là bao. Một công dệt chiếu chỉ được vài chục nghìn thôi. Thời gian nào chiếu chạy thì dệt đến đâu thương lái đến tận nhà mua hết đến đấy mà chưa kịp ghim xén cắt tỉa gì, thời gian nào chậm thì phải mang phơi chiếu sau đó mang về ghim xén, cắt tỉa rồi sáng sớm hôm sau mang đi chợ bán. Sáng sớm lại gọi nhau í ới rồi rì rầm nói chuyện suốt một chặng đường dài cho tới chợ.
Để làm ra được những sản phẩm chiếu cói trong đó chứa đựng bao nhiêu công sức của rất nhiều người, bao giọt mồ hôi mặn chát trên môi mới có được thành phẩm mang đi phục vụ cho cuộc sống biết bao con người khắp nơi trong nước, tới từng ngõ, từng bản, từng làng, từng bệnh viện, từng doanh trại toàn dùng chiếu của làng tôi đó. Hễ đi đâu bắt gặp được những sản phẩm của người dân quê mình làm ra, lòng càng thấy tự hào và yêu quê hương lắm.
Hơn chục năm trở về đây nghề dệt chiếu của làng tôi bị mai một, buồn vui lẫn lộn trong lòng mỗi người nơi đây khi nhớ đến nghề, buồn vì mất nghề nhưng lại thấy vui, thấy mừng vì giờ đây dân đã giàu, nước đã mạnh, xã hội ngày một đổi mới, đời sống con người được đi lên, thay vào đó bằng nhiều công việc khác nhau đáp ứng với sức lao động hơn trước, chính vì vậy nên con người không phải dùng đến chiếu của làng quê tôi nữa thay vào đó là chiếu trúc, chiếu nhựa.
Những năm gần đây, những người đàn ông từng dầm dãi dưới những đầm cói nay chuyển nghề thành những thợ xây, những đứa trẻ năm xưa thường phụ giúp bố mẹ cắt tỉa ghim xén chiếu, nhờ những nhọc nhằn vất vả của bố mẹ nuôi lớn các em trưởng thành. Một số thì đi học trên Hà Nội rồi làm việc và sinh sống tại đó, một số em cũng kinh doanh trên thủ đô, trong số đó có những cháu đi du học hoặc lao động bên nước bạn. Khu công nghiệp giờ đây cũng nhiều, giải quyết được rất nhiều dân công lao động cho quê tôi. Đời sống dân quê tôi ngày một cải thiện, nhà cao tầng mọc lên san sát, đường trường trạm cũng thay đổi áo mới, âu cũng là điều đáng quý, đáng trân trọng lắm.
Những lớp trẻ em mới sinh ra vào thời này không hề biết rằng làng mình có nghề dệt chiếu như vậy, còn đối với lớp người như chúng tôi nói chung và bản thân tôi nói riêng sẽ chẳng bao giờ có thể quên được làng mình có một nghề như thế đó. Nó đã nuôi lớn biết bao con người nơi đây bằng những cây cói, những lá chiếu như vậy, nó đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi con người nơi đây để nhớ, để thương, để yêu một thời đã từng vất vả cốt đem lại cuộc sống mưu sinh cho gia đình mình.
Chuyện làng quê