Thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian bản địa, thuần Việt, có lịch sử từ lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu là nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin và có sức hút mọi tầng lớp trong xã hội. Đồng thời nó góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Chính vì thế tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hiểu được giá trị to lớn đó, cũng như kế thừa truyền thống do cha ông để lại, với hơn 40 năm gắn bó với nghi lễ chầu văn và thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu tam phủ và tứ phủ, đồng thầy Lê Thị Chuyền - thủ nhang bản điện Ngọc Long Sơn Điện- đã góp phần gìn giữ và nhân rộng giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa Việt. Bà Lê Thị Chuyền thuộc thế hệ thanh đồng sinh ra trong những thập niên 50, tại vùng đất có truyền thống hát văn, diễn xướng hầu đồng của tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ khi còn nhỏ, bà Lê Thị Chuyền đã được nghe những lời văn cổ mượt mà, thiết tha của các nghệ nhân tiền bối hát trong dịp khánh hội ở các đền thờ Tam Tứ Phủ tại quê nhà như dòng sữa mẹ ngọt ngào nuôi bà lớn lên. Tới khi trưởng thành, xây dựng gia đình, bà vẫn luôn thiết tha, đau đáu trong tâm việc gìn giữ nghệ thuật diễn xướng chầu văn.
Khi kể về căn duyên đến với đạo Mẫu với chúng tôi giọng bà trầm xuống, bà kể vào những năm 1981 khi mà bà và chồng vốn là công nhân làm việc cùng một nhà máy, sau khi về hưu thì chồng bà bỗng nhiên lâm bệnh nặng, bà một mình gánh vác việc gia đình, lo toan việc lớn việc nhỏ tất cả đều đặt ở trên vai của bà. Bà với vai trò vừa là một người cha với những công việc nặng nhọc, vừa là một người mẹ hiền từ đảm đang, lo lắng cho các con của mình, vừa lo chạy chữa bệnh tật cho chồng vừa nuôi các con ăn học, vậy nhưng bà vẫn quán xuyến được mọi việc một cách khéo léo, các con của bà đều được ăn học tử tế đàng hoàng. Chồng bà sau khi chạy chữa ở các bệnh viện đều không khỏi và bị bệnh viện trả về, từ đó bà đi lễ kêu cầu vọng bái, thì thấy bệnh tình của chồng bà đỡ dần, từ đấy bà thường xuyên sắm mâm lễ tầy tận, hoa quả vàng hương, tìm thầy trình cửa cha, cửa mẹ và bà đã ra bắc ghế hầu Thánh. Kể từ đó bà chính thức theo hầu Thánh cho tới nay, đây là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời bà, nó khiến bà dần thay đổi về tư duy, suy nghĩ đến thực tại cuộc sống. Được đến với Thánh là một niềm vinh hạnh cùng may mắn đối với bà.
Tính đến nay đã 40 năm bà theo hầu Thánh, một quãng thời gian dài bằng nửa đời người. Bà trung trinh hiếu nghĩa, một lòng một dạ theo hầu thánh, đến với Thánh bà không chỉ tìm được một điểm tựa tinh thần cho bản thân mà còn được mách bảo nhiều điều. Ở nhà bà là một người vợ rất mực yêu thương chồng, là một người mẹ vĩ đại, luôn lo lắng quan tâm cho con cái của mình. Khi đi hầu Thánh bà lại trở thành một con người ngoan đạo, chuẩn mực. Tuy nhiên trong thời gian đầu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu còn gặp nhiều khó khăn bởi vì người ta nghĩ về tín ngưỡng thờ Mẫu với những điều không hay, và thờ Mẫu còn bị xem là mê tín dị đoan, vì vậy quá trình bảo tồn tín ngưỡng văn hóa truyền thống của dân tộc gặp rất nhiều khó khăn và thử thách. Tới những năm 2000 đạo Mẫu mới được mọi người nhìn nhận và bảo tồn, tới năm 2016 đạo Mẫu chính thức được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại.
Theo hầu Mẫu là lắng nghe lời Mẫu chỉ dạy, làm nhiều việc tốt cứu người như giúp đỡ những gia đình nghèo khó, những mảnh đời bất hạnh trong xã hội, quyên góp xây dựng và tôn tạo lại đền, chùa ....
Qua các kỳ khảo sát liên hoan diễn xướng và các kỳ xét duyệt khen thưởng của các cơ quan nhà nước bà đều tham gia và đã nhận được rất nhiều bằng khen, bảng vàng, giấy khen của Đảng nhà nước từ địa phương tới trung ương... Tiêu biểu như nhận kỷ niệm chương và bằng khen của Hội Di sản văn hóa Việt Nam, nhận giấy khen trong giao lưu diễn xướng chầu văn toàn quốc.v.v...
Những cống hiến của đồng thầy Lê Thị Chuyền cho nền văn hóa đạo Mẫu Việt Nam là hết sức to lớn. Nhờ đó, bất cứ ai cũng đều biết đến nghi thức thờ Mẫu, đó vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm của bà trong việc phụng sự Phật Thánh, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống. Xin chúc bà và gia đình sức khỏe hạnh phúc để tiếp tục gánh vác trên vai nhiệm vụ cao cả trong hành trình bảo tồn và phát triển đạo Mẫu Việt Nam.