Có lẽ, khi nhắc đến Tây Nguyên độc giả sẽ liên tưởng ngay đến Văn hoá Cồng chiêng, cùng kho tàng văn hoá nghệ thuật đồ sộ khác, giàu giá trị, đậm chất sử thi. Từ lâu đã trở thành áng hùng ca bất diệt, hằn sâu vào tiềm thức và lối sống của người dân đất đỏ Bazan. Nhưng ít ai biết rằng, gần một thế kỷ nay, mảnh đất này chính là điểm giao thoa của tín ngưỡng thờ Mẫu 3 miền Bắc - Trung - Nam, từ đó, dệt nên một bức tranh Tây Nguyên đa sắc màu văn hoá.
Tín ngưỡng thờ Mẫu, từ lâu đã trở thành đề tài thú vị, thu hút nhiều nhà nghiên cứu khoa học khác nhau. Đặc biệt, cuối năm 2016, khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại, thì số lượng bài viết, công trình đề cập đến tín ngưỡng này càng trở nên đa dạng và phong phú hơn.
Theo một số tài liệu ghi lại: Vào giữa những năm 20 của thế kỷ XX tín ngưỡng thờ Mẫu đã dần xuất hiện trên cao nguyên Lang Biang, cùng với quá trình di cư, tụ cư và hình thành cộng đồng người Việt từ nhiều vùng miền khác nhau của đất nước, trong đó phần lớn là miền Bắc. Trải qua gần một thế kỷ, bên cạnh việc lưu giữ các giá trị văn tín ngưỡng của nguyên quán, thì tín ngưỡng thờ Mẫu của Bắc bộ, cùng tín ngưỡng thờ mẫu của người dân Tây Nguyên đã hoà quện vào nhau tạo nên sự đa dạng trong hình thức thờ tự và sinh hoạt tín ngưỡng.
Bảng thống kê số lượng, địa bàn phân bố và thời gian thành lập các cơ sở thờ Mẫu tại Lâm Đồng đến hết năm 2018, của Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ – Khoa học Xã hội & Nhân văn.
Trong bài nghiên cứu của Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ - Khoa học Xã hội & Nhân văn, với tiêu đề “Đặc trưng trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Lâm Đồng”, chỉ ra: Nếu như tín ngưỡng thờ Mẫu tại miền Bắc là sự xuất hiện của vị thần chủ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, cùng hệ thống gần 60 vị thần khác nhau. Ngoài Tam tòa Thánh Mẫu còn có các vị Quan Lớn (ngũ vị), Chầu Bà, Ông Hoàng, các Cô, các Cậu, ông Hổ, ông Lốt (rắn). Thì ở tín ngưỡng thờ Mẫu tại khu vực miền Trung, ngoài vị thần chủ là Thánh Mẫu Thiên Y A Na (Thiên Hậu Thánh Mẫu), còn có Ngũ vị Thánh Bà (Kim Mộc, Thủy Hỏa, Thổ), các vị Tôn Ông, Chầu Bà, Ông Hoàng, các Cô, các Cậu… Trong khi đó, các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu Nam bộ - là kết quả giao lưu, dung hợp văn hóa của nhiều dân tộc như Việt, Champa, Khmer, Hoa. Tại khu vực này, tục thờ Nữ thần - Mẫu phát triển mạnh mẽ với sự xuất hiện của các Bà. Có tài liệu ghi rằng có 4 Bà được dân gian thờ phụng: Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Động, Bà Hỏa Tinh, Bà Thủy Long. Cũng có tài liệu cho rằng có 7 Bà: Bà Chúa Tiên, Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Xứ, Bà Chúa Động, Bà Cố Hỉ, Bà Thủy, Bà Hỏa”. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Tây Nguyên đã có sự đan xen, kết hợp từ những loại hình tín ngưỡng khác nhau. Cộng đồng người Việt ở tỉnh Lâm Đồng chủ yếu du cư từ nhiều vùng miền khác nhau của đất nước, trong đó phần lớn là miền Bắc. Sự xuất hiện của họ đã kéo theo nhiều yếu tố văn hóa truyền thống từ nguyên quán, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu.
“Tôi lớn lên qua lời ru của mẹ, cùng những tác phẩm sử thi, quện vào tiếng cồng chiêng mỗi sớm. Tôi yêu mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió. Yêu những rặng cà phê bạt ngàn, yêu thiên nhiên hùng vỹ. Tôi yêu hồ Lak, hồ Tà Đùng, Biển hồ Plaiku,… Lâm Đồng – nơi tôi sống đẹp lắm! Văn hoá tín ngưỡng lại vô vùng đa dạng, nào là: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài,… Tất cả đều chan hoà và hướng người dân Tây Nguyên đến những giá trị đạo đức tốt đẹp, nhưng tôi lại chọn Đạo Mẫu – như một đức tin bất diệt.” – đó là những chia sẻ của Nghệ nhân Nguyễn Thị Hương, khi tôi gặp chị tại sự kiện Liên hoan diễn xướng chầu văn “Lưu truyền Văn hoá Việt lần thứ 4” do Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển tổ chức, tại Thái Bình vào đầu tháng 7 năm 2022.
“Tại Lâm Đồng, nhiều năm nay người Bắc vào định cư đông đúc, vậy nên Tín ngưỡng thờ Mẫu nơi đây đã có sự giao thoa đáng kể. Nếu như ở Bắc bộ, Thánh Mẫu Liễu Hạnh có vị trí tối cao, thì ở khu vực Lâm Đồng bản địa chúng tôi, vị Thánh Mẫu Thiên Y A Na sẽ là thần chủ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại ở khu vực Tây Nguyên cũng như Lâm Đồng, thờ Mẫu theo lối Bắc bộ đã dần trở nên phổ biến.” - Nghệ nhân Nguyễn Thị Hương tiếp tục chia sẻ.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hương bén duyên với tín ngưỡng thờ Mẫu từ năm 2015. Hiện tại, chị đang thủ nhang một bản điện nhỏ - Điện Thánh Mẫu Thượng Ngàn, thôn Thịnh Long, xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Nghệ nhân Nguyễn Thị Hương chia sẻ: "Kể từ khi đến với Mẫu, tôi như trở thành người khác, sống từ bi, vị tha và không còn Tham – sân – si như trước nữa. Tôi mong sao người dân Việt Nam, trong đó có các bạn trẻ, sẽ nhìn nhận đúng đắn về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ta, tránh việc hiểu không đúng, từ đó làm mất đi nét đẹp, cùng ý nghĩa giáo dục cao quý, đã được bảo tồn và phát huy qua nhiều thế hệ cho đến tận ngày nay."
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hương thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan du lịch, đi lễ hành hương ra Bắc, giúp con nhang – đệ tử có cơ hội tìm hiểu về nguồn gốc lịch sử của các điểm di tích văn hoá, từ đó thêm yêu quê hương đất nước. Bên cạnh đó, Nghệ nhân Nguyễn Thị Hương rất tích cực tham gia những sự kiện Giao lưu văn hoá diễn xướng chầu văn, tổ chức tại một số tỉnh thành. Điều kiện lý tưởng để giao lưu học hỏi và trau dồi bản thân.