Sau một cú phôn, gã hẹn gặp tôi trong một quán cóc ven đường Sương Nguyệt Ánh - Sài gòn mùa này trời vẫn thường có trút những cơn mưa bất chợt, những cơn mưa dai dẳng càng dễ gợi cho những người đi xa một cảm giác bùi ngui, nao lòng, da diết .
Bảo Anh vẫn vậy, vẫn đẹp trai và đầy quyến rủ, gã nói rằng vừa từ Miền Tây về tối hôm qua. Gã không đi diễn mà 10 ngày qua gã đi về Cà Mau để lo chuyện xây dựng cây cầu nào đó ở U Minh quê của gã, cây cầu này nghe đâu gã đi xin tiền của một người quen nào đó tận bên Mỹ.
-Quê mình còn nghèo quá, về thấy bà con còn lam lũ quá! Xót lắm!- Gã bộc bạch.
Sinh ra trong một gia đình có chín anh em ở tận miền U Minh Hạ- 8 người trong số đó không ai ca nổi một bài vọng cổ, duy có phụ thân của gã vốn là một giọng ca tài tử nổi tiếng từng làm nức lòng biết bao cô gái miền thôn dã.
Gã tự nhận rằng thừa hưởng chất giọng của cha, còn nét đẹp thì cả cha, mẹ và tất cả 8 anh chị em của gã mỗi người nhường một ít (gã bảo đây là món nợ với gia đình).
Tuổi thơ của gã thời ly loạn là những chuỗi ngày buồn bã, khi vừa biết mặc quần đùi tắm sông cũng là lúc hắn dẫn đôi trâu ra đồng, tưởng tất cả sẽ trôi đi theo số phận, nhưng niềm đam mê ca hát với gã thì vẫn luôn là một ngọn lửa âm ỉ cháy trong lòng! Năm 1974, gã chăn trâu đã bỏ lại cánh đồng, bỏ lại đôi trâu, bỏ lại xóm làng trốn vào rừng theo đoàn văn công của huyện, cuộc đời hắn bước sang một ngã rẽ khác và đó cũng là định mệnh đeo đẳng gã đến tận bây giờ.
Một năm sau hắn được đoàn Cải lương Hương Tràm tỉnh Cà Mau, rút về. Rồi đến một buổi chiều mồng 4 Tết năm 1976 nghiệt ngã mà cho đến bây giờ (và có lẻ đến suốt đời này) hắn không thể nào quên được, trong một chuyến đoàn đi lưu diễn ở vùng nông thôn sâu- một tai nạn khủng khiếp đã ghim vào trái tim đa cảm của gã một nhát dao chí mạng (riêng câu chuyện buồn này vì tôn trọng gã người viết bài này xin không kể ra đây- một câu chuyện nhuốm màu kỳ bí mà hắn không muốn nói ra, nhưng nếu bạn tò mò muốn biết thì hãy nhấc máy lên gọi vào số 0903612525, biết đâu gã lại sẳn sàng chia sẻ). Gã nói rằng tai nạn ấy đã biến gã thành kẻ mắc nợ suốt đời với một người bạn và gã cũng tự nhủ với lòng là sẽ trả món “nợ đời”ấy nếu ngày nào hắn còn sống trên cõi đời này. Rồi gã yêu, một tình yêu đầu đời rất đẹp, gia đình hai bên đã chạm ngõ với nhau, nhưng cũng chính người con gái mà hắn giành trọn trái tim của một thằng con trai mới lớn ấy lại là đối tượng chinh phục của người bạn mà gã đã trót vương nợ kia… gã nghiến chặt răng để khỏi bật một tiếng kêu trời, lầm lũi ra đi và tự an ủi rằng kể như mình đã trả xong món nợ ân tình với người bạn cũ. Nhưng không ngờ chính cái lần trả nợ này gã lại tiếp tục vay thêm món nợ lần hai. Bạn của gã và người yêu của gã thành vợ chồng với nhau đúng 3 tháng! Khi cả hai đều nhận ra rằng cuộc hôn nhân khiên cưỡng này được xây dựng trên mảnh vụn của một trái tim tan nát.
Gả rời khỏi Cà Mau, mảnh đất đã sinh ra, dưỡng nuôi, cưu mang gã suốt một đoạn đời trai trẻ, về Sài gòn bắt đầu một cuộc đời lang bạt. Những năm đầu tiên của thập niên 80 của thế kỷ trước, khi mà sân khấu cải lương miền Nam đang thời kỳ hưng thịnh nhất, một số đoàn hát lớn như Trần Hữu Trang, Kim Cương, Sài Gòn 2… mời gã về làm kép chính. Những Nhân Danh Công Lý, Trà Hoa Nữ, Ngô Quyền, Chuyện Tình Oanh - Ngọc… của các sân khấu lớn đã đưa tên tuổi Bảo Anh đi vào lòng công chúng yêu mến nghệ thuật cải lương những năm 80 ấy. Hắn sống trong vinh quang của ánh đèn sân khấu, trong sự tung hô vạn tuế của đám quần thần, để rồi khi bức màn nhung khép lại, đối diện với sân khấu cuộc đời, gã mới thấm thía hết nỗi bơ vơ, lạc lỏng khi lang bạt xứ người. Tiền kiếm được gã đem về nuôi một tá bạn bè là những văn nghệ sĩ ở Miền Tây “trôi về” Sài Gòn đang lỡ vận.
Gã làm việc như điên, nhưng không bao giờ nhận đi sô - đây là một nguyên tắc bất di bất dịch của gã. Gã “triết lý”: Người nghệ sĩ khi xuất hiện trước công chúng thì phải tròn vai, dù vai diễn ấy chỉ là một vai rất nhỏ. Với gã không có vai lớn, vai bé mà chỉ có vai thật, vai giả!
Bạn diển của gã - Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu khi còn sống vẫn xem gã như một tri kỷ, lúc lâm chung vẫn cố nhắn lại rằng: Nói lại với thằng Nghĩa (tên cúng cơm của gã) nó cố dành dụm tiền kiếm cái nhà mà ở, không mua nổi nhà thì về miếng đất của tao ngoài Ngã Ba Vũng Tàu che tum, che chòi gì đó để ở.
Khi sân khấu cải lương đang buổi thoái trào, gã rẽ sang một lĩnh vực khác. Với gương mặt điển trai, diễn xuất tốt, lao động nghệ thuật nghiêm túc, cần mẫn… Gã nhanh chóng lọt vào mắt của của các đạo diễn điện ảnh. Khoảng trên dưới 30 phim mà gã tham gia, thì cái đọng lại lớn nhất trong lòng công chúng vẫn là hình ảnh của những nhân vật có chiều sâu nội tâm, có tính cách hiền từ, có một cuộc đời bị xô đẩy… Tôi diễn những vai này như diễn lại chính tôi- gã nói vậy.
Làm điện ảnh, gã vẫn chứng tỏ năng khiếu trời cho (và đời cho) của mình, gã nhận vai nào là tròn vai ấy, gã cặm cụi làm việc, cần mẫn như một con ong, rồi gả lấy vợ, sinh con, đóng phim, mở nhà hàng (có lúc gã có tới hai nhà hàng thuộc vào loại lớn trong thành phố) và… phá sản.
- Hết sạch nữa rồi! làm lại vậy.
Có một lời truyền miệng với nhau rằng diễn viên nào đóng chung với gã yêu trên phim thì hết phim sẽ yêu gã. Tôi đem chuyện này hỏi, gã cuời:
- Tầm bậy! bọn nó ác mồm đấy mà. Vợ còn không giữ được thì ôm đồm “bá tánh” sao nổi! Có mà điên.
Có chút tên tuổi với đời trong làng điện ảnh nhưng gã vẫn canh cánh trong lòng một nỗi niềm đau đáu về sự tàn lụi của sân khấu cải lương- mảnh đất đã từng cưu mang nuôi dưỡng gã trong buổi đầu đi làm nghệ thuật. Gã bảo rằng đừng có đổ thừa cho xã hội phát triển, nhiều loại hình giải trí khác ra đời nên cải lương dần bị mai một. Thật ra, theo gã thì cải lương chết là do nghệ sĩ, hãy dũng cảm nhận trách nhiệm về mình đi rồi sau đó hãy nói đến cơ chế, đến đầu tư, đến… muôn vàn thứ khác. Hình ảnh ông bầu (vừa là tác giả, vừa là đạo diễn vừa quản lý) đã biến mất mà thay vào đó cái chức danh trưởng đoàn xem ra khập khiễng làm sao? Một đạo diễn sân khấu tốt nghiệp ở trời Âu, mang những kiến thức của một nền nghệ thuật từ bên kia nửa vòng trái đất về dàn dựng một vở cải lương xem ra chẳng ổn tý nào?
Gã nghĩ vậy, nhưng không làm gì khác hơn đựơc đành chép miệng thở dài:
-Thêm một món nợ đời mà có lẻ suốt đời này không trả được!
Câu chuyện giữa chúng tôi bị ngắt quãng, chiếc điện thoại NOKIA “Đời Cô Lựu” của gã rung tè tè:
- Alô, tôi Nghĩa đây!..... rồi, tôi tới liền.
Gã nói một bạn diễn của gã vừa sinh con và gọi cho gã.
Gã tất bật đẩy xe xuống lòng đường và nhanh chóng hòa lẫn vào dòng người ngược xuôi trên đường phố, bất chợt tôi thầm mong: Gã giang hồ ấy không phải mang thêm một món nợ nào?