Nghệ sĩ Tuấn Long - Tác giả của "Lời Bác Hồ rung chuyển bốn phương" qua đời

Nhạc sĩ, Đạo diễn, Biên kịch Tuấn Long tên đầy đủ là Trần Tuấn Long. Ông sinh năm 1936, tại Bình Lục - Hà Nam. Nhập ngũ từ năm 1954, từ một nhạc công chơi chơi đàn Phong cầm – Accordeon, ông đã trở thành Phó trưởng Đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc (1972 – 1988).

Người ta biết đến Tuấn Long với tư cách là Nhạc sĩ sáng tác vào cuối thập niên 60, khi ông cùng với Nhạc sĩ Nguyễn Lầy (tác giả của các ca khúc nổi tiếng “Con bò và chiếc xe quệt”, “Bẩy sắc cầu vồng”) cùng sáng tác Hợp xướng “Lời Bác Hồ rung chuyển bốn phương”, (do hơn 20 nhạc công và hơn 30 nam nữ ca sĩ trình bày). Nghe nói, khi duyệt tác phẩm này, Trung tướng Bằng Giang, Tư lệnh Quân khu Việt Bắc hồi đó đã hứng khởi thốt lên: “Mang đi thu thanh ngay!...”. Và sau khi sau Đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc hành quân về Nga My (nơi Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam sơ tán) để thu thanh, chỉ vài ngày sau, Hợp xướng “Lời Bác Hồ rung chuyển bốn phương” đã trở thành nhạc phẩm đặc biệt, được phát liên tục nhiều lần trong một ngày, vào đầu các Bản tin Thời sự, trên sóng của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, trong suốt những năm 1967 – 1969). Cần biết rằng thời đó, chú ta chưa có Truyền hình, báo chí cũng rất hiếm hoi. Phát thanh là phượng tiện ưu việt nhất để quảng bá tác phẩn, nên hiệu ứng tuyên truyền vô cùng lớn.

dh1aq1-1669995240.jpg
Nghệ sĩ Tuấn Long (thứ 2, từ trái qua) trong Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của Đoàn Văn công Quân khu 1. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Trong tự truyện của mình, Đạo diễn Tuấn Long kể: “Tôi vốn là một học sinh Tú tài trường Nguyễn Trãi – Hà Nội đang đàn hát hoạt động Văn nghệ trên đường phố thị xã Bắc ninh (quê ngoại ) thì Đội Văn công Quân khu Việt bắc đến tuyển. Bố mẹ tôi cho phép tôi đồng ý nhập ngũ . Ngay ngày hôm sau 12/12/1954 Tôi đã là Diễn viên – Chiến sĩ của Đội Văn công Quân khu Việt Bắc.

Từ khi nhập ngũ (1954) đến khi nghỉ hưu (1988), 34 năm liền tôi chỉ ở duy nhất một đơn vị từ Binh nhì cho đến Trung tá, Phó Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc.

Thời gian đầu, Đội Văn công Quân khu Việt Bắc lúc bấy giờ có hơn hai chục người. Tổ nhạc có 4 người, do Nguyễn Lầy làm Tổ trưởng thổi sáo Flute, Nguyễn Lộc Violon, Đỗ Toại Guitar và Tuấn Long Accordeon... Sau này, bổ sung thêm một ông già ngoài 50 tuổi thổi Trompette rất hay, tên ông ấy là Nguyễn Phát .

dh2ac2-1669995312.jpg
Kỷ niệm với Nhạc sĩ, Đạo diễn, Biên kịch Tuấn Long tại Hà Nội, tháng 5/2017 của Đặng Vương Hưng. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Tôi kéo đàn đệm cho đủ các loại: Đơn ca , Tốp ca, Đồng ca, Múa... cho đến năm 1967 thì được đi học Đạo diễn Sân khấu trong 3 năm tại trường Đại học Sân Khấu – Điện ảnh, do Đạo diễn NSND Dương Ngọc Đức làm Hiệu trưởng. Tôi là Trưởng lớp học viên sau này, có những Đạo diễn rất nổi tiếng như: Xuân Huyền, Lê Hùng, Hoàng Sự v.v... Đầu năm 1971, tôi trở lại Đoàn tiếp tục công tác cho tới lúc nghỉ hưu 9/1988.

Khi Đội đã trở thành Đoàn, Văn công Quân khu Việt Bắc có một Tổ Sáng tác (mô hình này chỉ có duy nhất ở Việt Bắc, các Quân khu khác đều không có). Tổ Sáng tác có nhiệm vụ cung ứng các tiết mục cho Đoàn: Ca, Múa, Nhạc, Kịch… đủ hết. Nhạc sĩ Nguyễn Lầy là Tổ trưởng. Tổ có 5 người, Nguyễn Lầy và Đàm Thanh sáng tác nhạc; Duy Luận và Kim Tiến Biên đạo múa; Tuấn Long viết ca từ và các loại kịch bản...

Tổ Sáng tác thường xuyên cung ứng đến 70% tiết mục cho Đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc và có khá nhiều tác phẩm giá trị. Hiện nhiều tác phẩm để đời vẫn đang tồn tại cho tới ngày hôm nay và mãi mãi mai sau...

Tôi cùng Nhạc sĩ Nguyễn Lầy, lúc bấy giờ được công chúng gọi là “Cặp nhạc sĩ bài trùng”, đã sáng tác hàng trăm ca khúc cho Đội rồi cho Đoàn (bao gồm nhiều thể loại như Đơn ca Nam Nữ, Tốp ca, Tốp ca Then, Hợp xướng, Ca cảnh Operette ...).

Trong lĩnh vực Đạo diễn và Sân khấu thì tôi đã dựng hàng chục vở kịch cho Đoàn và sáng tác hàng chục kịch bản như Rừng Khuôn Mánh – Chân trời xa – Gặp nhau giữa rừng- Nộp súng về với cụ Hồ - Chiếc dây lưng màu hoa Lý – Tiếng vọng trong hang đá v..v... Hàng chục tác phẩm (Ca nhạc và Kịch ) đã dành được Huy chương Vàng, Bạc tại các Hội diễn chuyên nghiệp Toàn Quân và Toàn Quốc...”.

Do có nhiều thành tích sáng tác cho Đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc, mà có lần tổng kết năm, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Quân khu đã tặng cho Nguyễn Lầy và Tuấn Long mỗi người một cái Đài bán dẫn Orionton, Nhạc sĩ Đàm Thanh và Biên đạo múa Duy Luận mỗi người một đồng hồ đeo tay Poljot; Nhạc công Chu Thuyên được tặng một chiếc đồng hồ để bàn. (Thời ấy chưa có chế độ nhuận bút, nên được thưởng như vậy kể cũng đã là “kinh khủng“ lắm rồi !).

Nghệ sĩ Tuấn Long từng nhiều năm là Trưởng ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Đoàn Văn công Quân khu 1 khu vực Hà Nội. Vợ chồng ông sinh được 3 người con đều hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: Cố họa sĩ Tuấn Vinh (1959 – 2004), nguyên là giảng viên tài hoa của Trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc; Nhạc sĩ biểu diễn đàn Cello Bích Huyền, hiện là con dâu của gia đình NSND Trần Hiếu; Nhạc sĩ Thanh Phương, hiện là Đạo diễn quen thuộc với khán giả của chương trình “Giai điệu tự hào” – Đài Truyền hình Việt Nam.

Theo nguồn tin từ gia đình (hiện trú tại ngõ 152/A5 Hào Nam, Hà Nội): Nghệ sĩ Tuấn Long đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 04 giờ 55 phút, ngày 02/12/2022 (tức 09 tháng 11 năm Nhầm Dần) hưởng thọ 87 tuổi.

Lễ viếng nghệ sĩ Tuấn Long được tổ chức từ 10:30 ngày 3/12/2022, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ Truy điệu và đưa tang lúc 11:30; hoả táng tại Đài Hoá thân Hoàn Vũ và an táng tại nghĩa trang Đồng Gừng, xã An Ninh, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, cùng ngày.

Hà Nội, 02/12/2022

Đ.V.H