- Thưa NSƯT Đỗ Duy Hùng, cả cuộc đời gắn bó với phim tài liệu, bộ phim nào ông cảm thấy tâm đắc nhất?
- Đó là “Hồ Chí Minh, chân dung một con người”. Khi làm bộ phim này, hầu hết tư liệu có thể sử dụng để làm phim về Bác đã được dùng cho những bộ phim tài liệu trước đó. Thế là, những thước phim chưa một ai được phép sử dụng đã được đạo diễn Bùi Đình Hạc biên tập. Đó là cảnh Bác Hồ cởi trần, vừa đi vừa vác một chiếc sào tre treo áo ướt; là cảnh Bác ăn cơm, chơi bóng chuyền cùng mọi người... Tôi vẫn nhớ những cảnh quay Bác Hồ về thăm quê hương, đôi mắt Bác nhìn lại cảnh xưa, người cũ, bao kỷ niệm tuổi thơ lắng đọng... Nói chung, về mặt nghệ thuật, đối với tôi bộ phim này tập hợp được những gì tinh túy nhất về Bác.
Thành công của bộ phim có sự đóng góp công sức của rất nhiều người, trong đó phải kể đến nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc và nhà thơ Nguyễn Đình Thi (viết lời bình). Tôi rất tự hào khi bộ phim “Hồ Chí Minh, chân dung một con người” đã được tặng Giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IX, năm 1990; Giải Vàng, Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc (1990), Giải phim hay nhất năm 1990 của Bộ Văn hóa - Thông tin...
- Điều gì trong cuộc đời làm phim tài liệu khiến ông nhớ nhất?
- Tôi may mắn được cộng tác với đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc để làm những bộ phim tài liệu về Bác Hồ ngay khi vừa tốt nghiệp Trường Đại học Điện ảnh Mátxcơva về nước. Đó là 2 tập phim “Nguyền Ái Quốc đến với Lê-nin” (1979) và “Đường về Tổ quốc” (1980) làm nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhật Bác. Tôi đã cùng NSND Bùi Đình Hạc và nhà báo Hồng Hà, lúc bấy giờ là Tổng Biên tập Báo Nhân dân, đến gặp trực tiếp đồng chí Tố Hữu (lúc đó là Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương) 3 - 4 lần để trình bày ý tưởng và cách thức thực hiện bộ phim.
- Đoàn làm phim đã có hành trình “theo dấu chân Bác Hồ” như thế nào, thưa ông?
- Cả tôi, nghệ sĩ Bùi Đình Hạc và nhà báo Hồng Hà đều biết tiếng Nga, do đó chúng tôi có thể sang Nga tìm kiếm tư liệu mà không phải thông qua phiên dịch. Chuyến đi ấy chúng tôi tìm được những tư liệu quý mà rất nhiều bộ phim tài liệu sau này làm về Bác Hồ đều sử dụng lại. Anh Hồng Hà vào các thư viện quốc gia, tiếp cận những căn phòng đặc biệt lưu trữ tư liệu trong thư viện Quốc tế Cộng sản và đã tìm được nhiều bài báo hay, quý giá, những bức ảnh, tấm thẻ của đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội Quốc tế Cộng sản, những cuốn sách Nguyễn Ái Quốc đã từng đọc... Còn tôi và nghệ sĩ Bùi Đình Hạc đi tới các kho lưu trữ phim ở ngoại ô Mátxcơva để tìm kiếm hình ảnh có liên quan đến Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Chúng tôi ngồi ở đó từ sáng đến chiều, ngày nào cũng vậy, xem hàng vạn thước phim tư liệu và cố gắng tìm được vài giây hình ảnh về Bác. Ngoài các bức ảnh, tài liệu tìm được trong các thư viện, chúng tôi đã thu về những hình ảnh quý hiếm. Bây giờ nghĩ lại mới thấy đó là một sự kỳ công.
- Nếu chỉ dựa vào những tư liệu rất ít ỏi ấy thì chưa đủ để hoàn thiện những thước phim tài liệu về Người?
- Ngoài những thước phim tư liệu, đoàn làm phim đã đi quay thêm rất nhiều hình ảnh về nơi Bác đã đến như lăng Lê-nin, bến Petrograd - nơi con tàu Karl Liebnek chở Bác cập bến, phỏng vấn nhân chứng lịch sử... Những cảnh quay “theo dấu chân Bác Hồ” của chúng tôi kết hợp với hình ảnh tư liệu đã khiến người xem hình dung được bối cảnh lịch sử, có cảm nhận chân thật, sống động về Người. Tôi không chỉ quay lại khung cảnh mà còn đón bắt được những khoảnh khắc như giọt nắng qua kẽ lá, đàn chim hải âu bay, con tàu cập bến, tiếng còi tàu vang lên lúc bình minh... Đó là những thước phim làm rung động lòng người.
Làm phim tài liệu, đi quay và thu thập tư liệu là một bước quan trọng, nhưng khâu dựng phim, biên tập cũng chiếm nhiều thời gian và tâm sức. Tôi vẫn nhớ thời gian ấy rất rét. Chúng tôi ngồi dựng phim nhựa, màn ảnh dựng thì bé, phim đen trắng lại mờ mờ ảo ảo, cứ thế tỉ mẩn chọn cảnh này cảnh kia. Ngoài tôi, NSND Bùi Đình Hạc, nhà báo Hồng Hà thì còn có NSND Lê Mạnh Thích tham gia giúp đỡ. Chỉ có sự say mê nghề nghiệp, say mê với lý tưởng mới giúp chúng tôi hoàn thiện những thước phim quý giá ấy.
- Cảm ơn ông đã chia sẻ!