Nghệ sĩ và công chúng có mối quan hệ tương hỗ

Nghệ sĩ và công chúng có mối quan hệ tương hỗ, tức có tác động qua lại. Giữa nghệ sĩ và công chúng có sự thúc đẩy lẫn nhau cùng tiến đến một cuộc sống tốt đẹp, giàu sang hơn.
hoat-hinh-tren-vtvgo-1622046387.jpg
 

Thời gian qua, có nhiều ý kiến nói về mối quan hệ giữa nghệ sĩ và công chúng. Đa số đều cho rằng, công chúng là người nuôi nghệ sĩ. Có công chúng mới có nghệ sĩ được. Nếu không có công chúng ủng hộ, thì tên tuổi nghệ sĩ không có, những sản phẩm của họ ra đời cũng không được công chúng đón nhận. Mà nghệ sĩ lấy doanh thu từ việc bán sản phẩm, công chúng làm ngơ, thì "mặt hàng" của nghệ sĩ sẽ "ế".

Nhìn lại xa hơn, khi các loại hình nghệ thuật chưa phát triển, sự hỗ trợ về nghệ thuật cho nghệ sĩ cũng không được như bây giờ. Ví dụ, ca sĩ khi đó chỉ có "giọng hát chay" cùng lắm là được đệm thêm sáo, đàn ghi ta, tiếng gõ trên chiêng, trống, tất cả đều “thô”, tức chưa có sự trợ giúp của điện và kỹ thuật từ điện. Nghệ sĩ không biểu diễn trước ánh đèn sân khấu, không biểu diễn trước hàng nghìn người như bây giờ.

Hay như một họa sĩ, các tác phẩm của họ, cùng lắm là treo ở nhà thờ, nhà chùa, rất ít khi được triển lãm như hiện nay, nếu có cũng rất hiếm. Nhưng vẫn có nghệ sĩ và vẫn có những tác phẩm lưu truyền đến hôm nay. Các nghệ sĩ khi đó, có thể nói là có cuộc sống bình lặng hơn, và ít người biết đến. Nghệ sĩ vừa lao động nuôi thân, và coi nghệ thuật như nghề “tay trái”. Và họ vẫn sáng tạo nghệ thuật, dù công chúng không có. Ở đây, rõ ràng, người nghệ sĩ không sống bằng tiền của công chúng.

Nhưng hiện nay, đời sống phát triển, nhất là khi công nghệ thông tin bùng nổ, các loại hình nghệ thuật theo đó phát triển, và cũng phát sinh thêm loại hình nghệ thuật mới, nghệ sĩ. Giữa nghệ sĩ và công chúng, có mối quan hệ chặt hơn. Nghệ sĩ cũng có sức ảnh hưởng hơn. Vậy nghệ sĩ và công chúng, ai nuôi ai?

Chúng ta nên có cách nhìn thế này. Nghệ sĩ tạo ra tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm có giá trị sẽ mang lại đời sống tốt đẹp cho công chúng. Từ đó, công chúng yêu đời hơn, học được điều tốt từ tác phẩm, tránh xa cái xấu. Cũng từ đó, mà có lối đi đúng hơn. Từ đó, mà công việc cũng theo chiều hướng tốt hơn. Từ tác phẩm tốt của nghệ sĩ, công chúng có thêm nguồn năng lượng tích cực cho ngày làm việc. Giá trị tốt đẹp sẽ đọng lại lâu trong tâm trí công chúng. Ở đây, có thể nói là nghệ sĩ đã nuôi đời sống tinh thần cho công chúng.

Công chúng thì bỏ tiền ra mua vé xem nghệ sĩ biểu diễn ở sân khấu, hay mua 3G, 4G, internet xem nghệ sĩ biểu diễn, nói chuyện qua điện thoại, máy tính. Ở nghĩa đen, công chúng đã nuôi nghệ sĩ, khi họ trả tiền trực tiếp luôn cho nghệ sĩ. Điều này không có gì phải bàn cãi. Nhưng sâu xa, nghệ sĩ đã nuôi công chúng dù không trực tiếp, nhưng gián tiếp, đó là nuôi đời sống tinh thần. Qua đời sống tinh thần từ tác phẩm, công chúng sẽ có sự mở mang hơn về trí tuệ, tình cảm, mà trí tuệ, tình cảm sẽ góp phần định hướng cho mọi hành động, công việc. Như vậy, nghệ sĩ đã có sự kích thích về tinh thần cho công chúng làm việc và sáng tạo tốt hơn. Một tác phẩm nghệ giá trị của nghệ sĩ thiên tài không những để lại giá trị tinh thần, mà còn để lại giá trị lớn về tiền. Ví dụ, tác phẩm Iliad và Odyssey của Homer đến nay được dựng thành phim và thu về kinh phí lớn từ việc bán vé. Người xem nhiều thì kích thích các mặt hàng ăn uống tại các điểm chiếu phim... Như vậy, người nghệ sĩ Homer, dù đã khuất xa, nhưng để lại cho đời không những giá trị tinh thần, mà còn mang lại giá trị kinh tế cho hậu thế. Ở Việt Nam, thì có các tác phẩm phim, âm nhạc được lấy “cốt” từ Tấm Cám, Thạch Sanh... có lượt xem/nghe lớn... Qua đó, kích thích cho việc quảng bá sản phẩm trên các kênh phát hành, mạng xã hội.

Nghệ sĩ có nhiều fan (người hâm mộ), các nhãn hàng nhờ nghệ sĩ pr thương hiệu, lượng sản phẩm cũng sản xuất nhiều hơn. Như vậy, qua nghệ sĩ, việc sản xuất kinh doanh phát đạt hơn. Công chúng, nói rộng ra là loài người. Từ rất lâu, đã gắn bó rất nhiều với nghệ sĩ. Những câu chuyện cổ tích, những bài hát... đều là sản phẩm của nghệ sĩ, khi chưa tìm được đích danh nghệ sĩ thì ta gọi là dân gian, tức nghệ sĩ dân gian. Chúng ta lớn lên từ những câu chuyện cổ tích, thần thoại, lời ru... Nếu không có “món ăn” tinh thần này, chắc đời sống chúng ta sẽ cô đơn hơn, buồn hơn. Và khi đời sống tinh thần khiếm khuyết thì có lẽ, chúng ta cũng khó làm một việc gì ra hồn. Vì vậy, việc tạo ra của cải vật chất có lẽ cũng không có thành quả cao.

Công chúng, là đối tượng nhận thức và phản ánh, sáng tạo của nghệ sĩ. Chính công cuộc lao động xây dựng, bảo vệ đất nước, với những gương sáng cống hiến cho đất nước, là dưỡng chất nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ, khơi dậy năng lực sáng tạo của nghệ sĩ.Công chúng tạo ra của cải vật chất, giúp cho cả cộng đồng, trong đó có nghệ sĩ, tồn tại và phát triển. Công chúng, qua việc xem/đọc những tác phẩm của nghệ sĩ, khi đã đủ trình độ, đủ năng khiếu sẽ trở thành một nghệ sĩ. Và nghệ sĩ, khi tuổi đã cao, khi không đủ sức để hoạt động nghệ thuật, thì lại trở thành công chúng.

Với các biểu hiện nói trên, giữa nghệ sĩ và công chúng có mối quan hệ tương hỗ, tác động qua lại mật thiết, khó có thể tách rời. Cũng vì vậy, không nên đặt vấn đề công chúng và nghệ sĩ, ai nuôi ai!