Ngày xưa đoàn Cải lương nhiều nên nghỉ gánh này là tìm đến gánh hát khác. Một cuộc thỏa thuận về lương hàng đêm nhanh chóng thỏa thuận tại một quán cà phê nào đó là xong ngay. Mấy Ông Bầu gánh hay lắm, giá lương của đào kép gần xa mấy ổng biết hết. Nhưng sau thập niên 90, đoàn Nhà nước, đoàn tư nhân từ từ rụng như lá mùa thu nên đâu còn gánh nào để đi.
Ngoài những nghệ sĩ có căn cư nhà cửa thì một số ít nghệ sĩ không còn đường để về, mà đến nhà trọ thuê nhà dù thuê ngày hay tháng cũng phải có giấy tờ, mà đa số nghệ sỹ ở các gánh hát nhỏ ít được học hành, chữ nghĩa đầy cái lá mít nên lúc còn theo gánh hát họ đâu quan tâm tới chuyện phải có giấy tờ tùy thân. Vì vậy tuy mang tiếng là nghệ sỹ nhưng cuộc sống bấp bênh khác lục bình trôi ở bến nào cũng chẳng được lâu, cuộc đời khi thăng khi giáng theo con nước lớn ròng vậy.
Không còn đoàn để đi, không còn dịp điểm phấn tô son để làm Hoàng tử Công chúa hay làm tướng làm vua trị vì trăm họ, những vai tuồng đã từng đêm ăn sâu vào máu thịt. Các nghệ sỹ nghèo rủ nhau xin đầu quân cho các đoàn hát bội, mà hát bội thì chỉ hát mỗi khi có dịp cúng kỳ yên chứ đâu hát thường kỳ như gánh hát cải lương đâu.
Những ngày không hát họ đến các bến chợ, cổng trường học để bán đồ chơi cho thiếu nhi, bán kẹo kéo, bán tượng cho trẻ em tô màu và lời bài ca vọng cổ...
Ở tổ 3 khóm Trung Thành phường Mỹ thới TPLX có Lò gạch của chị Năm Hà (phía sau công viên Mỹ thới) lò gạch đất rộng mênh mông đã lâu không còn làm gạch. Thương những gia đình những nghệ sĩ có cuộc sống khó khăn không chỗ ở đang trôi nổi khắp nơi. Cách đây chục năm chị Năm đã cất nhà sẵn và không cho thuê mà bán dạng trả góp dài hạn đến khi nào đủ tiền nhà chị Năm sẽ làm giấy tờ luôn cho người mua.
Tám R là một nhạc công cổ nhạc đang ở đây anh cho biết :
- Căn nhà này ngang 4 mét dài 11 mét chị Năm bán cho tôi giá 80 triệu. Tôi gom tiền đưa trước 15 triệu, mỗi tháng góp một triệu rưỡi thì hơn ba năm tôi đã sở hữu căn nhà rồi. Thay gì thuê giá bèo cũng một triệu mà nhà vẫn là nhà của người ta. Chịu góp nhiều hơn thì mau có giấy tờ nhà. Mà chị Năm chủ lò gạch đúng là người tốt biết thương người nghèo, cũng căn nhà đó nhiều người trả giá cao hơn chị nhất quyết không bán vì lý do họ không phải là nghệ sĩ nghèo. Còn những hộ nào quá nghèo không có khả năng hay nhu cầu mua nhà chị Năm cho ở nhờ ở lò gạch mà không thu đồng nào ngoài tiền điện nước.
Lúc đầu chỉ có gia đình của nghệ sỹ Kiều Quốc Nam đến mua nhà, từ từ các nghệ sĩ đang sống trọ nơi khác tìm đến xin mua nhà để an cư lạc nghiệp. Đến nay xóm nghệ sỹ ở khu lò gạch đã được 18 hộ và khoảng chừng 100 nhân khẩu.
Chỉ 18 hộ thôi nhưng trong xóm có rất nhiều Bầu gánh cải lương và gánh hát bội :
- Phương Linh là vợ của bầu Tâm gánh Hoa anh Đào (vừa chuyển đi) chị cũng là giọng ca một thời của ban tân cổ Hồn nước ở Sài gòn.
- Kim Hương bầu gánh hát bội cùng tên. Tuy là đoàn nhỏ nhưng mấy chục năm nay vẫn duy trì bảng hiệu của mình. Kim Hương có cô con gái là Kim Hằng mặt sáng, vũ đạo tốt, ca tân cổ đều hay thường khi lên Sài gòn tăng cường hát với các đàn anh đàn chị. Anh trai của Kim Hương là Bầu Hiệp đang ở Lấp vò cũng làm Bầu vùng Đồng tháp.
- đôi vợ chồng Bạch Long - Thanh kim Giác là bầu gánh Thoại sơn. Bạch Long vừa làm Bầu vừa hát kép chánh, gánh hát của anh cũng chọn lọc tuồng tích chỉn chu, kỹ xảo trên sân khấu như phim HK nên hát đâu thắng đó.
- Bầu Hạnh con gái Kép KQT bầu gánh hát bội (vừa chuyển đi) tuy là con gái út, chữ nghĩa không rành nhưng cô vừa làm Bầu vừa đi ký hợp đồng tuy không bằng các ông bà bầu khác nhưng cũng có hợp đồng đủ sống.
- Bầu Tẻo hát bội.
Người lớn tuổi nhất trong xóm nghệ sỹ lò gạch này là chú Hoài 80 tuổi là nhạc công đàn sến, khi thiếu người chú vẫn nhảy lên Sân khấu đóng vai Vua và kép lão ngon lành.
Hai năm nay, dịch bệnh bùng phát cả xóm nghệ sỹ không đi hát được nên hộ nào cũng thiếu thốn và vay mượn tùm lum. Trong xóm có nhiều bầu show dù đã dẹp tiệm hay đương thời đều phải cúng Tổ nghiệp. Nên ngày cúng tổ 12/8 Âm lịch hàng năm anh em nghệ sỹ hội tụ về xóm Lò Gạch cùng nhau cúng như đám giỗ hội vậy. Cúng xong ca hát vang trời vì trong xóm đầy đủ hết : Đào kép chánh phụ, nhạc công Tân cổ nhạc...
Năm rồi các Đình không tổ chức hát bội, nhiều nhạc công nhảy theo ban nhạc lễ của các trại hòm. Nhiều cặp đào kép cũng ăn theo hát trích đoạn trong đám ma. Năm nay tình hình quá căng, đi đường phải có giấy, tối thì giới nghiêm nên cả xóm nằm co mà chịu trận.
Nghệ sỹ tên tuổi lớn dạng tài danh chỉ "ho" một cái là Mạnh thường quân ra tay cứu giúp. Kêu gọi cứu trợ chỉ cần hú một tiếng thì tài khoản đã có vài tỷ rồi, còn việc cứu trợ cho ai thì tùy ý và nếu lỡ nhận tiền rồi quên cứu trợ cũng chưa thấy bị truy cứu?
Chợt thương cho xóm nghệ sỹ nghèo ở Lò gạch của chị Năm Hà hàng ngày đang ngắc ngoải mong chờ chờ cứu giúp của cộng đồng, mong các nhà Mạnh thường quân ra tay tương trợ giùm họ rất cám ơn . /.
Theo Chuyện quê