Nghĩ về Tết Tây

Xu hướng lựa chọn ăn Tết Tây trong thời hội nhập cùng với thế giới phát triển ngày càng hấp dẫn, vui tươi và trở nên phổ biến hơn. Tất nhiên, vui mấy thì Tết Tây vẫn chỉ là Tết Tây. Còn những ngày Tết Nguyên Đán thiêng liêng và mong chờ sự sum vầy trong từng gia đình, để việc lưu giữ truyền thống ăn Tết ta của dân tộc Việt Nam là không gì có thể thay thế được.
a-1704298613.jpg
Phạm Thị Phương Thảo

Tết Tây được lan truyền rộng rãi sang các nước phương đông đương nhiên từ châu Âu và văn hoá Công giáo. Tôi rất thích được ngắm không khí Noel ở các nhà thờ. Vẻ đẹp lộng lẫy của tháp chuông và mái vòm dưới muôn vàn ánh sáng tỏa rạng như sao sa. Có một vẻ đẹp diệu kỳ, sự linh thiêng, trang trọng, nơi ta ngước lên sẽ gặp thứ ánh sáng ảo diệu và lung linh. Thứ ánh sáng luôn rạng ngời và tỏa lan, vẻ đẹp nơi Đức Chúa thật thiêng liêng và quyến rũ. Bởi thế, đi đến đâu, hễ cứ nhìn thấy bóng dáng các nhà thờ đẹp nào, tôi cũng muốn được dừng chân vào thăm. Tết Tây là dịp để các gia đình, con cháu sum họp và nghỉ ngơi sau một năm làm việc và cống hiến sức lực cho những mục tiêu của từng cá nhân. Những ngày nghỉ Tết Tây cùng dịp cuối năm khi mọi người nghỉ đón Noel và Giáng Sinh càng trở nên vui tươi và hấp dẫn, đặc biệt với giới trẻ.

Do đời sống kinh tế đã được cải thiện và nâng cao, khác xưa rất nhiều nên việc ăn Tết Tây cũng là dịp để người ta tranh thủ vui chơi, nghỉ ngơi, thưởng thức nghệ thuật hay mua sắm, tổ chức đi chơi xa… Tết Tây cũng là dịp người ta tranh thủ đi du lịch ngắn ngày trong và ngoài nước. Là cơ hội để ngành du lịch kích cầu tiêu dùng và phát triển kinh tế du lịch. Hoặc không đi xa thì cũng là dịp để các gia đình và nhóm bạn bè tổ chức liên hoan, họp mặt tại gia đình hay tại các nhà hàng. Dẫu ai đó không thích Tết Tây thì khi năm dương lịch vừa hết, người ta cũng cảm thấy một năm đi qua rất nhanh với bao công việc và nhẩm tính những điều cần làm và vui buồn với những công việc mình đã làm hoặc chưa làm được. Trong vòng quay năm tháng, có biết bao nhiêu nhọc nhằn của kiếp người. Dẫu có thế, chúng ta vẫn cứ đón nhận cả Tết Tây và Tết ta, dẫu còn bao nỗi bộn bề và lo toan.

Phút chuyển giao thời khắc cuối năm để chào đón một năm mới đã sang luôn là thời khắc thiêng liêng với tất cả các quốc gia. Người ta mong được quay về nhà để sum họp với người thân, tiếp tục mong chờ, hy vọng vào những điều tốt đẹp cho một năm mới tiếp theo. Cảm thức về thời gian luôn đằm sâu hơn với những người già. Người ta luôn suy ngẫm khi nhìn lại quãng đời đã qua và tuổi tác ngày càng nhiều thêm. Khi người ta thêm một tuổi là khi tuổi già và cái chết sẽ gần hơn một chút. Không ai cưỡng lại được thời gian, dẫu thế người ta vẫn cứ đón chờ thời khắc chuyển giao sang một năm mới.

Tôi nhớ, có một năm, đã rất lâu rồi, đúng vào dịp Giáng Sinh, khi đi công tác nước ngoài, tôi may mắn được đón tất niên ở ngay thủ đô Beclin của nước Đức cùng với đoàn công tác. Chúng tôi từng đứng uống rượu rum được hâm nóng đang bốc khói thơm lừng ngay giữa trời giá lạnh và nhìn ngắm dòng người đến nhà thờ… Giáng Sinh và thời khắc giao thừa vẫn luôn thiêng liêng ở mọi quốc gia, mọi dân tộc dẫu cách thức đón năm mới ở mỗi nơi rất khác nhau. Người Việt đón nhận Tết dương lịch như thế nào? Đương nhiên là cũng rất vui, đặc biệt là giới trẻ trong thời hội nhập toàn cầu nhưng vui mấy cũng không thể thay thế được Tết cổ truyền của dân tộc khi hướng về tổ tiên. Tôi vẫn nghĩ như thế và vui vẻ đón nhận cả Tết Tây và Tết ta.

Tết Tây ở Hà Nội bây giờ ra sao? Như thường lệ, không khí vẫn rất đông đúc trong thời buổi hội nhập, người ta đến nhà thờ, thăm chùa chiền, hoặc đổ về các khu vui chơi và ăn uống. Nhiều người tranh thủ đi du lịch xa. Nam thanh nữ tú dạo chơi ngày tất niên hay ngày đầu năm, các gia đình tranh thủ cho con trẻ đi ra ngắm phố, thăm thú các danh lam thắng cảnh. Các di tích lịch sử nổi tiếng như Hồ Gươm, Lăng Bác, Hồ Tây, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám…vẫn là những địa điểm được ưa thích lựa chọn của người dân. Không khí đón năm mới trên các con phố cổ thật vui tươi, rộn ràng cho dù còn bao nỗi lo lắng, buồn phiền. Nhiều người nước ngoài đang sống ở Việt Nam đã hoà nhập vào không khí đón Xuân. Họ vẫn háo hức ra phô và hoà vào dòng người tấp nập trong dịp Tết dương lịch. Đặc biệt, họ khá thích thú, hòa chung niềm vui được đón Tết Nguyên đán cổ truyền ở nước ta.

Mọi năm tôi cùng gia đình các con luôn đi tất niên ở đâu đó hay là tìm một nơi yên tĩnh không quá xa Hà Nội để vui chơi Tết Tây với lũ con cháu yêu quý. Quan trọng là việc sắp xếp cho cả nhà được đi chơi cùng nhau trong một vài ngày. Đó là thời gian các con cháu được nghỉ Tết Tây và cha mẹ chúng muốn cho lũ trẻ con đi chơi cùng với ông bà. Tết Tây bây giờ rất vui và thời gian cũng không quá dài, rất phù hợp cho các gia đình trẻ. Họ muốn cùng nhau đi chơi Tết hơn là việc lo ăn Tết. Ăn Tết Tây rất tuỳ hứng theo ý thích mỗi nhà. Sau đó mỗi người lại trở về với công việc thường nhật. Ông bà cũng thấy vui vì được biết đây biết đó cùng lũ con cháu. Trẻ con cũng rất thích vì được đi chơi thỏa sức chạy nhảy nhiều nơi.

Năm ngoái, cả nhà tôi vừa có chuyến đi chơi xa, chọn nghỉ ở Cúc Phương, Nho Quan, Ninh Bình. Tôi thích những vùng quê thanh bình và đẹp đẽ như thế. Ấn tượng nhất là tới thăm một nhà thờ công giáo đẹp lộng lẫy, về nhà, bụng bảo dạ rằng sẽ viết một tuỳ bút về vùng quê theo đạo công giáo này, rồi còn chưa kịp viết được gì thì nay đã lại Tết Tây, he he. Xu hướng lựa chọn ăn Tết Tây trong thời hội nhập cùng với thế giới phát triển ngày càng hấp dẫn, vui tươi và trở nên phổ biến hơn. Tất nhiên, vui mấy thì Tết Tây vẫn chỉ là Tết Tây. Còn những ngày Tết Nguyên Đán thiêng liêng và mong chờ sự sum vầy trong từng gia đình, để việc lưu giữ truyền thống ăn Tết ta của dân tộc Việt Nam là không gì có thể thay thế được.

 

Hà Nội 02/01/2024