Ngõ quan thổ và nhà tắm công cộng  

Hồ Công Thiết

30/12/2021 10:19

Theo dõi trên

Quan Thổ là một thôn thuộc tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương. Giữa thế kỷ XIX Quan Thổ sáp nhập với Quan Trạm thành thôn Thổ Quan. Tổng Hữu Nghiêm sau đổi thành tổng Yên Hòa gồm phường Xã Đàn, thôn Yên Hòa, thôn Trung Phụng, thôn Thổ Quan, thôn Hữu Biên Giám, thôn Thanh Miến, thôn Văn Hương, thôn Minh Giám, thôn Cổ Giám, thôn Văn Tân, thôn Lương Sử.

Bên phía Khâm Thiên vẫn còn một ngõ rộng mang tên Thổ Quan. Bên phía Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng) có đến 3 ngõ Quan Thổ, đánh số từ 1 đến 3. Từ cả 3 ngõ Quan Thổ đều có đường đi sang làng Hào Nam, An Trạch bên cạnh. Cuối ngõ Quan Thổ 1 thời Pháp thuộc, nơi xây trường Đống Đa là phần đất của trang trại Nhà sách Cẩm Văn Đường. Ngõ Quan Thổ 1 hồi xưa còn được gọi là ngõ Cẩm Văn.

ngo-quan-tho-1640834166.jpg

Nhà tắm công cộng, số 1 ngõ Quan Thổ

 

Có lẽ vì vậy nên năm 1959, Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội cho xây dựng trường cấp 3 đầu tiên của khu (nay là quận) Đống Đa ở trong ngõ Quan Thổ. Thành phố muốn các học sinh thừa hưởng nét văn hóa của Cẩm Văn Đường và hào khí của vua Quang Trung nên đặt tên trường là Đống Đa.

Khu trường mới xây dựng, bề thế và cao vút, vượt lên trên những ruộng rau bao quanh. Xa hơn nữa vẫn là ruộng nước, ao hồ chằng chịt chạy dài đến Hào Nam và An Trạch. Sau ít năm, Nhà in Ngân hàng xây khu tập thể, chắn tầm nhìn học sinh khi hướng về phía Hào Nam.

ngo-quan-tho1-1640834166.jpg
 

Chúng tôi lớn lên ở phố Hàng Bột nên theo học ở trường Đống Đa. Đường tàu điện Bờ Hồ - Hà Đông chạy qua cổng trường. Không chờ tới bến Ô Chợ Dừa, đám học sinh nam hay rủ nhau nhảy tàu để khỏi đi bộ ngược một quãng. Hàng loạt học sinh cùng lúc nhảy tàu khiến cả đoạn phố huyên náo.

Ban giám hiệu trường Đống Đa sau lập tổ Cờ đỏ, có một thầy phụ trách, đứng chờ tàu điện qua ở đầu hồi nhà tắm công cộng ngay đầu ngõ để bắt quả tang học sinh nhảy tàu.

Từ ngày thành lập trường năm 1960 đến nay, xung quanh trường thay đổi rất nhiều. Nhà dân mới xây. Những nhà thấp lè tè nay cũng bị đập để xây các nhà cao tầng. Duy nhất có nhà tắm công cộng vẫn giữ nguyên, chỉ thay đổi công năng sử dụng.

Hồi nhà tắm còn đang hoạt động, mỗi lần vào tắm phải trả từ một hào đến một hào rưỡi. Trong nhà tắm chia khu nam riêng nữ riêng. Ở trong xây các tường lửng ngăn thành từng ô, rộng khoảng hơn mét vuông. Trong phòng có vòi nước lạnh. Nếu tắm nước nóng thì khi mua vé xong, vào đến phòng có người xách xô nước nóng vào, pha trong chiếc chậu rồi dùng gáo múc. Người tắm phải mang khăn mặt và xà phòng của mình theo để dùng.

ngo-quan-tho2-1640834166.jpg
Hai ảnh trên là Nhà tắm cổ đại thời La Mã

Mùa hè trong nhà tắm còn sáng. Mùa đông, ánh đèn vàng bị hơi nước nóng bao quanh khiến phòng tắm mờ mờ ảo ảo. Đa phần người tắm trong đấy không có nhu cầu đóng cái cửa buồng tắm ọp ẹp, hờ hững lại. Khắp nhà tắm sực nức mùi bồ kết. Các bà các chị ngâm sẵn bồ kết từ nhà, khi tắm mới mang ra để gội đầu. Bên khu nam giới được hưởng lây cái mùi bồ kết. Nó thơm nhẹ, át mùi hăng hắc của xà phòng giặt các ông mang theo.

Đây là tiện nghi sinh hoạt và cũng là nét văn hóa do người Pháp mang tới.

Hà Nội ngày ấy không chú trọng xây nhà tắm và cả nhà vệ sinh riêng. Đa phần là dùng chung, kể cả dân ở các khu nhà kiểu biệt thự do người Pháp để lại. Xóm lao động đã đành. Nhà biệt thự do được chia cho nhiều hộ gia đình ở, cái phòng tắm, phòng vệ sinh đều phải dùng chung, rất bất tiện. Vì vậy đến mùa Đông, ra nhà tắm công cộng là tiện nhất.

Thế hệ bây giờ ở trong những ngôi nhà hiện đại, khép kín các tiện nghi, hẳn không hình dung cha ông họ phấn khởi thế nào khi mua được vé vào phòng tắm công cộng.

Nói về tắm thì loài người chỉ mới tập thành thói quen tắm rửa khoảng gần 200 năm nay. Trước đó, người ta vẫn xem việc vài tháng không tắm là sự thường.

Ở châu Á dưới triều đại phong kiến còn phải định ra thể chế bắt buộc vua quan khi tham gia các nghi lễ cúng bái, tế lễ phải tắm gội để cơ thể sạch sẽ. Đời nhà Tần bên Trung Quốc còn quy định rõ cách 3 ngày phải gội đầu (gọi là Mộc), cách năm ngày phải tắm toàn thân (gọi là Dục). Những chế tài đấy sau áp dụng cho cả thứ dân.

Chính việc tiền nhân ít tắm gội nên “Đại Việt sử ký toàn thư” mới ghi chép tích Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn “tắm giùm” cho Thượng tướng Trần Quang Khải khi Trần Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp đến thăm Trần Quang Khải. Sử ghi Trần Quốc Tuấn nói : “Hôm nay được tắm cho Thượng tướng”. Trần Quang Khải đáp lễ : “Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho”.

Hà Nội và cả Việt Nam bây giờ không còn mô hình nhà tắm công cộng kiểu cũ. Thay bằng đó là các phòng xông hơi, mát sa. Có nơi còn có dịch vụ tắm onsen như của Nhật.

Vậy mà ngay tại thủ đô của nước Pháp hiện vẫn còn tới 17 nhà tắm công cộng được xây từ thế kỷ trước. Có nhà tắm công cộng như nhà tắm B.D des Haies xây từ năm 1928, được xếp hạng là Công trình Lịch sử, nay mỗi tháng vẫn phục vụ tới 7 500 lượt người tới tắm.

Đặc biệt hơn nữa là Nhà tắm Hammam Essalihine (Nhà tắm Chính nghĩa) được xây dựng từ 2000 năm trước, thời La Mã cổ đại. Nhà tắm công cộng này có nguồn nước khoáng nóng tới 70 độ C nên rất tốt để chữa các bệnh thấp khớp, hoa liễu, các bệnh về đường hô hấp. Nhà tắm này thuộc vùng núi cao 1500 mét so mực nước biển của thị trấn El Hamma, tỉnh Khenchela, phía bắc Algeria. Nhà tắm hiện nay vẫn hoạt động và được xếp hạng là Di tích Lịch sử quốc gia, hàng năm thu hút tới 700 000 du khách tới đây tham quan và tắm.

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Ngõ quan thổ và nhà tắm công cộng  " tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn