Kể từ khi rời bỏ ngôi nhà trong đó có người vợ bạc tình và một người đàn ông xa lạ, Trần Đơn sống một cuộc đời cô độc. Anh lầm lũi trong cuộc sống thường ngày, một cuộc sống gần như tách biệt với thế giới loài người. Nhưng ẩn sau vẻ ngoài lạnh lùng ấy, từ trong sâu thẳm tâm can anh lại bừng bừng ngọn lửa căm hận - căm hận người vợ mà anh đã từng thương yêu hơn bản thân mình. Anh day dứt triền miên vì câu hỏi: cô ấy hiền lành, chất phác như thế mà còn phản bội, thì liệu trên đời này có còn người đàn bà nào đáng tin cậy nữa không? Không tìm được câu trả lời, anh căm ghét luôn cả giới đàn bà. Chính vì thế, anh ra hòn đảo này sinh sống. Một hòn đảo ngoài khơi xa, nhỏ nhoi giữa muôn trùng sóng vỗ. Dường như đó là cách để anh xa cõi đời bụi bậm, về sống với thiên nhiên thuần khiết. Anh thấy cuộc sống ngọt ngào trong sự cô đơn của con người nhưng lại được bao bọc trong một thiên nhiên trong lành.
Hòn đảo tưởng như bị bỏ hoang ấy bỗng sôi động lên từ khi nó được chọn làm đảo nuôi khỉ. Trần Đơn được nhà nước giao cho trông coi đảo khỉ này. Công việc trôi đi êm ả như một giòng suối đã quen nếp, cứ chảy về xuôi. Ngày ngày nấu cơm, luộc khoai cho khỉ ăn. Thế thôi. Sự nhộn nhạo của bầy khỉ đôi khi phá vỡ sự tĩnh lặng trong tâm hồn con người ấy, nhưng chỉ là những xao động nhẹ, giống như cơn gió nam lướt qua làm những tán lá khẽ lay động. Cho đến một hôm, anh nhìn thấy một đôi khỉ. Một đôi khỉ khác thường trong bầy khỉ nghịch ngợm. Cả hai đều có cái đuôi dài và đôi má bạc lông. Anh gọi chúng là đôi bạc má. Nhưng, cái làm anh chú ý không phải là hình thức của chúng, mà bởi những hành động của chúng. Chúng quấn lấy nhau, âu yếm. Khi con khỉ đực kêu lên: "Khẹc, khẹc, khẹc..." thì con khỉ cái cũng tiếp luôn ba tiếng kêu như vậy. Khi con khỉ đực rúc lên tiếng kêu lảnh lót, con khỉ cái liền hoạ theo, làm núi rừng rộn rã hoan ca. Trần Đơn phát hiện ra rằng đó là lối "hát đối" của đôi khỉ, con xướng, con hoạ, thể hiện tình âu yếm. Điều đó càng làm cho Trần Đơn đắng cay. Anh cố gắng xua đuổi hình ảnh của quá khứ, nhưng không được. Nó cứ làm sống lại trong anh kỷ niệm êm đẹp của những ngày xa ngái. Hồi ấy, trong những cuộc hát giao duyên vào dịp hội làng đầu xuân, anh đã quen Thắm, cô gái duyên dáng nhất làng. Anh xướng, cô hoạ, rồi cô xướng, anh lại hoạ, hai giọng hát quấn quýt, vờn lượn. Hai giọng hát như sợi giây vô hình đầy ân tình đã cột chặt hai số phận vào nhau. Tuy nhiên, lối "hát giao duyên" của đôi khỉ chỉ làm anh thoáng chua xót, rồi lắng lại ngấm ngáp nỗi đau của riêng mình. Chỉ đến khi chứng kiến những hành động âu yếm của chúng đối với nhau thì anh mới nổi giận thực sự. Theo dõi chúng, anh thấy đôi này tuy vẫn đi theo đàn, nhưng lại sống khá tách biệt. "Tổ ấm" của chúng nằm chót vót trên ngọn cây trò giữa rừng. Sau bữa ăn, chúng nhanh chóng leo lên cây, chuyền về "tổ ấm". Có lúc, con khỉ cái ngồi khoanh tròn cho con khỉ đực bắt chấy. Thỉnh thoảng, nó lại quàng tay ra sau ôm cổ con khỉ đực. Anh trân trân cặp mắt to ẩn dưới hai hàng lông mày rậm, nhìn và nghĩ: "Giống cái là vậy đấy. Thích nhận sự âu yếm của giống đực và biết khêu gợi để nhận được nhiều sự âu yếm hơn!". Có lần, con đực phóng ào ào trên các tán lá, bổ nhào vào con cái. Hai con quấn lấy nhau như bện thừng. Rồi con đực giơ ra một con cua lớn mà anh đoán nó phải kỳ công lắm mới mò bắt được ở tận khe Hoa. Con cái nhận lấy, ăn ngon lành. Con đực ngồi nhìn con cái, vẻ mặt hoan hỉ. Anh lại chạnh nghĩ đến mình. Cái giống đàn ông khổ vậy, suốt ngày đầu tắt mặt tối kiếm chác, có miếng ngon lại nhường cho vợ con, để rồi cô vợ no cơm ấm cật rậm rật toàn thân, rước trai về hú hí. Nghĩ đến đấy, anh thấy ớn lạnh. Dường như những con kiến từ khắp các tổ kiến trên đảo đều ào đến, đốt lấy đốt để làm cho anh ngứa, buốt, xót khắp người.
Ký ức về sự phản bội của vợ khiến anh nghi ngờ cả loài vật. Phải rồi, sự nghi ngờ của anh đâu phải là sự suy đoán thành kiến? Trong dân gian, chẳng đã có những câu chuyện nghiệt ngã về sự phản bội của giống cái đối với giống đực đó sao! Nào là con rắn cái khi lột xác, được con rắn đực chăm nom tận tuỵ, đến khi con rắn đực lột xác thì con rắn cái đi tình tự với con rắn đực khác, không những vậy còn dẫn nó về hại chồng mình nữa. Nào là chuyện con cua cái, khi bấy mai nằm một chỗ, được con cua đực tận tình chăm nom, đến khi con cua đực nằm bấy mai, ả liền dẫn bạn tình về ăn thịt chồng! Nếu cuộc sống không có những sự phản bội hèn hạ và dã man như vậy của giống cái thì đâu có thể nảy sinh ra trong dân gian những câu chuyện bi thương như thê? Trần Đơn luôn luôn nhìn đôi khỉ với con mắt nghi ngờ và nhạo báng. Có lần, thấy đôi khỉ quấn tròn lấy nhau trên "tổ ấm", anh nói thành lời: "Này, chú khỉ cả tin kia ơi, mi thử đi kiếm ăn lâu ngày một chút coi, đến khi về có bắt gặp một chú khỉ đực khác đang làm cái việc mà chú đang làm hay không?". Thế rồi, anh để thời gian rình mò con khỉ cái, xem nó có chung tình hay không? Đó là những lúc con khỉ đực đi kiếm ăn. Thực ra, bầy khỉ ở đảo này đã đủ thức ăn, vì nhà nước cấp cho anh đủ khoai, gạo để anh nuôi chúng. Nhưng loài khỉ vốn siêng năng, lại thích "cải thiện" nên chúng thường mò xuống khe bắt cua, cá. Con khỉ đực bạc má thường mò vào khe Hoa, nơi có những hang đá lớn, trong đó có nhiều cua sinh sống. Có khi con khỉ đực đi cả buổi, bỏ cả bữa ăn chính thức của đàn do Trần Đơn cung cấp. Những lúc ấy, anh thấy con khỉ cái ăn rất nhanh, nuốt lấy nuốt để rồi bốc thêm thức ăn bỏ vào miệng, lùa sang hai bên làm cho mặt nó bạnh ra trông thật dễ ghét. Xong, cô ả vơ một nắm cơm và phóng về "tổ ấm''. Trần Đơn kín đáo đi theo. Nhưng anh chỉ thấy mình con khỉ cái bạc má với tán cây đung đưa trong gió...
Thế rồi đàn khỉ cứ đông dần lên. Trần Đơn được lệnh xẻ đôi đàn khỉ, chuyển một nửa sang hòn đảo bên. Thật không may cho đôi khỉ kia. Vào đúng lúc cần chia đàn ấy thì chúng lại xuất hiện trước mắt anh, hồn nhiên vờn nhau. Một ý nghĩ độc ác nảy ra trong đầu anh: chúng mày phải chia lìa. Và anh lừa bắt được con khỉ cái, nhốt vào lồng cùng một bầy khỉ khác. Anh chuyển những lồng khỉ lên thuyền. Con khỉ cái bạc má vật vã trong cũi, nhảy chồm lên cắn xé, rồi lại lăn lộn kêu choe choé. Con khỉ đực bạc má chuyền ào ào trên các tán cây, rồi nhảy bổ xuống đất, lăn lộn. Đúng lúc ấy thì trời vần vũ. Mây đen kéo kín bầu trời. Con thuyền lớn vượt sóng, hướng về phía đảo nhỏ. Con khỉ đực bạc má chạy ra sát mép nước, nhảy chồm chồm trên bãi cát. Chiếc thuyền dần dần mất hút giữa các lớp sóng cồn. Con khỉ đực chừng như thất vọng, hú to một tiếng rồi chạy biến vào rừng sâu.
Chiều ấy, Trần Đơn bỗng thấy đắng miệng, không nuốt nổi bát cơm. Hình ảnh đôi khỉ cứ nhảy nhót trong đầu anh. Mưa đã ngớt, nhưng sấm chớp vẫn cứ nhoang nhoáng trên bầu trời xám pha ráng đỏ của hoàng hôn. Anh mặc áo mưa, ra khỏi nhà, hướng về phía bờ biển. Những tia chớp rạch đôi bầu trời, loé lên những tia sáng xanh. Mặt biển đen ngòm nổi sóng dữ dội như bị những luồng sáng chớp nhoá ấy xé vỡ ra. Sấm nổ. Chớp loè. Sóng ào ạt. Một luồng sét dữ dội nổ ầm vang. Trần Đơn giật thót mình khi nhìn ra khơi thấy một sinh vật nhỏ bé đang vùng vẫy giữa lớp sóng cồn. Rõ ràng đó là một sinh vật. Bởi nó không bị trôi dạt một cách vô tình, mà nó vùng vẫy, vùng vẫy để tiến vào bờ mặc sóng gió dập vùi. Trần Đơn rùng mình khi loé lên ý nghĩ: đó là con khỉ cái bạc má. Mi dám vượt biển để về đây ư? Giữa hai hòn đảo là một vùng biển rộng với sóng bạc đầu, với đá ngầm, với cá dữ. Chỉ một cú quăng của cơn sóng cũng đủ đập mi vào những tảng đá nhọn hoắt của bờ đảo bên kia. Làm cách nào mà mi vượt qua được nhữg hàm răng đá đó? Một lớp sóng cuồn cuộn dồn vào bờ. Một tia chớp sáng chói bầu trời. Trần Đơn nhìn rõ sóng đã quăng cái sinh vật nhỏ nhoi ấy lên bờ cát. Anh lại gần và run bắn người khi nhận ra đó chính là con khỉ cái bạc má. Nó nằm bẹp như một đám rong biển vô hồn. Anh chợt thấy một nỗi xót thương trào lên trong lòng. Đồng thời, một cảm giác kính phục chiếm ngự tâm hồn anh. Ôi loài vật, loài vật chỉ biết sống theo bản năng, chúng mày cũng có tình yêu ư? Có phải là tình yêu đã tạo ra sức mạnh cho mi, con vật bé bỏng kia? Phải chăng niềm tin vào tình yêu đã tiếp cho mi sức mạnh để mi dám quăng thân vào muôn trùng bão tố và đã dẫn hướng cho mi vượt qua không gian mịt mùng, về đến nơi trú ngụ tình yêu của mi? Anh chua chát nghĩ tới bản thân.Tấm thân cao to lừng lững của anh rũ xuống. Gắng gượng, Trần Đơn quỳ trên bãi cát, ôm lấy con khỉ. Bãi biển nhập nhoà trong ráng hoàng hôn, thỉnh thoảng lại loá lên những ánh chớp, muốn nuốt gọn hình bóng anh. Anh lảo đảo bước, chân liêu xiêu nhưng đôi tay lại ghì chặt lấy con khỉ. Anh đốt lửa sưởi cho nó. Trong ánh lửa bập bùng, anh ngắm nhìn con khỉ. Người nó ướt sũng, đôi chỗ tróc lông, rớm máu. Nó ngước đôi mắt tròn nhưng mờ đục vì mệt mỏi nhìn anh, như cầu cứu, như biết ơn. Trần Đơn chợt ứa nước mắt. Lần đầu tiên trong cuộc đời, người đàn ông can trường ấy biết thế nào là những giọt nước mắt nóng hổi của chính mình. Mấy chục năm qua, biết bao đắng cay, tủi nhục chỉ khiến Trần Đơn bặm môi lại, ngày một lỳ lợm. Còn bây giờ, cái sinh linh nhỏ bé và yếu ớt này lại làm chấn động tới phần sâu thẳm nhất trong lòng anh, dồn ép cảm xúc từ nơi tận cùng con tim anh thành những giọt nước mắt đặc quánh lăn nặng nề trên đôi gò má.
Trần Đơn chợt nhớ lại dĩ vãng. Cái dĩ vãng làm anh đau buồn. Một ngôi nhà nhỏ bên sông cái. Những ngày mưa gió dữ dội. Một buổi sớm, sau chuyến đi làm ăn xa về, anh xăng xái đẩy cửa nhà mình. Và anh giật nảy mình khi thấy vợ đang nâng giấc một người đàn ông. Không thể tin được, nhưng rõ ràng là vợ anh và một người đàn ông lạ đang bên nhau trên chiếc giường duy nhất của vợ chồng anh. Một thoáng sững người, rồi anh bật ngược trở ra. Và lùi lũi đi. Mặc tiếng gào của vợ: "Anh ơi, quay lại nào!". Anh cứ đi. Vốn sống cảnh phiêu bạt từ thời ấu thơ, đến khi lấy vợ, vẫn bôn ba khắp các nẻo đường kiếm kế sinh nhai, Trần Đơn quen sòng phẳng, dứt khoát. Nhiều khi, trong cảnh bon chen, chụp giật, không thể dùng dằng suy xét, anh phải tức thời quyết định hành động, phó mặc cho may rủi. Nhờ giời, anh gặp may nhiều hơn rủi. Nhưng những lần gặp rủi, anh chấp nhận mà không khi nào nài nỉ, van xin. Anh không bao giờ níu kéo những gì mà anh cho là đã tuột khỏi tầm tay mình. Giờ đây, trước hình ảnh vợ và người đàn ông xa lạ trên chiếc giường duy nhất của vợ chồng anh, phản ứng duy nhất mà anh có được là thối lui! Không ngờ rằng bước chân vội vàng ấy cứ kéo anh xa mãi, xa mãi ngôi nhà thân yêu. Đôi khi đang ngủ, giật mình vì từ trong tiềm thức vọng lên tiếng gào của vợ, anh định lần đường trở lại cố hương. Nhưng hình ảnh người đàn ông lạ mình trần trên chiếc giường duy nhất của vợ chồng anh lại khiến anh giữ lòng sắt đá. Rồi một lần đi tầu biển trong chuyến làm ăn xa, tầu bị đắm, anh trôi dạt về đảo hoang này. Tưởng rằng sẽ sống nốt quãng đời cô độc giữa mịt mù biển khơi, ngờ đâu đảo lại được con người để mắt đến và anh lại trở về với cuộc sống có đồng loại. Có lần một nhóm người từ đất liền chở khỉ ra đảo, nghỉ lại một đêm. Trong câu chuyện vui bên bếp lửa cùng nhóm người ấy, anh được nghe kể câu chuyện "Người phụ nữ Nam Xương" mới. Người phụ nữ này và người phụ nữ Nam Xương trong câu chuyện cổ đều bị nỗi oan khiên đè nặng lên cuộc đời. Có điều, người phụ nữ Nam Xương chỉ có cái bóng mình giả làm bóng chồng. Còn người phụ nữ thời nay ấy lại có cả một người đàn ông bằng xương bằng thịt trong nhà khi chồng về bất chợt. Thực ra, người đàn ông ấy bị lật thuyền, bị một thân cây trôi trên sông đập gẫy tay, xô dạt vào bờ, đúng trước bến nước của người phụ nữ nọ. Với tấm lòng nhân hậu, chị đã vực người đàn ông xa lạ về căn nhà nhỏ bé của mình... Trần Đơn thoáng rùng mình khi chợt nghĩ rằng câu chuyện kia có liên quan đến mình. Nhưng rồi anh lại gạt phăng ý nghĩ ấy đi... Anh không còn niềm tin và sự tỉnh táo để suy xét chuyện quá khứ nữa.
Bây giờ, ngồi bên con khỉ chung tình, Đơn trầm ngâm suy nghĩ. Anh chợt đứng vùng dậy, bởi một hình ảnh lúc này mới loé lên, rõ mồn một trong ký ức anh: dạo ấy, khi anh bước vào nhà, vợ anh đang đỡ một người đàn ông ngồi dậy. Anh ta cởi trần, người rớm máu, một cánh tay bị nẹp gỗ... Hóa ra, chị đang cứu giúp một người đàn ông bị nạn…
Con khỉ được sưởi ấm, đã hồi tỉnh. Nó dụi dụi vào người Trần Đơn. Anh ôm nó vào lòng: Bạc má ơi, ngày mai mày sẽ được gặp lại chồng mày! Nhưng rồi, anh lại chết lặng bởi một ý nghĩ u ám: Không hiểu rằng con khỉ đực kia trong cơn tuyệt vọng lao vào rừng sâu có còn quay về nơi này hay không? Cũng như người đàn bà khốn khổ vợ anh, không rõ với nỗi oan khiên cao như núi, nàng còn trên cõi đời này hay đã về nơi chín suối?