Đúng như tác giả đã viết, “ngôn ngữ học lí thuyết cần xây dựng trên tư liệu của tất cả mọi ngôn ngữ, ngôn ngữ phương Đông cũng như ngôn ngữ phương Tây”, vì thế mà cuốn sách “dành sự chú ý đặc biệt đến bản chất nền tảng của ngôn ngữ, nhấn mạnh ngôn ngữ là một đối tượng mang tính văn hóa - lịch sử, có chức năng giáo dục và thống nhất tất cả các hình thức văn hóa vật chất và tinh thần ”.
Điều đặc biệt là khi cầm trên tay cuốn sách dày dặn ngót 1000 trang, có lẽ trong giới ngôn ngữ học nước nhà ai cũng đều nhận thấy ít người như tác giả cuốn sách này đam mê ngôn ngữ học và tiếng mẹ đẻ của dân tộc đến mức dành gần như trọn đời lúc nào cũng trăn trở về nó, viết và tìm hiểu về nó để có một hành trang tư liệu phong phú, tin cậy đúc kết lại thành một tập đại thành về Ngôn ngữ học lí thuyết. Phải nói ngay rằng, thành tựu rất đáng ghi nhận này ngoài nền tảng về ngôn ngữ học và năng lực viết, năng lực tổng hợp những vấn đề cốt lõi của ngôn ngữ học lí thuyết vốn có ở tác giả, không thể không nhắc đến sự cần cù không biết mệt mỏi qua hơn nửa thế kỉ làm con ong hút mật, chắt chiu qua bao ngày tháng để đến hôm nay tác giả có một khối tư liệu đủ tin cậy để chứng minh trong cuốn tập đại thành của mình những gì là nền tảng của ngôn ngữ học lí thuyết. Đứng trước một khối tư liệu ngôn ngữ lớn tác giả đã không choáng ngợp mà biết tổng hợp một cách khoa học, có chọn lọc ngõ hầu có thể giúp người đọc cảm thấy và thấu hiểu những luận điểm cần thiết đối với ngôn ngữ học cũng như một số nguyên lí cơ bản mà toàn bộ cấu trúc của ngôn ngữ học phải dựa vào. Với mục tiêu đó tác giả mong muốn hệ thống hóa các tri thức ngôn ngữ học sao cho người đọc tiếp nhận dễ dàng nhất những tinh hoa của ngôn ngữ học thế giới và của nước nhà. Dưới bàn tay của nhà ngôn ngữ học, tác giả đã tổng hợp, nhào nặn những tư liệu sống động thu thập được, những chuyên luận và giáo trình đã công bố của mình thành một cuốn cẩm nang chi tiết về Ngôn ngữ học lí thuyết rất cần thiết cho hoạt động ngôn ngữ học nước nhà, trước hết cho những cơ sở đào tạo sinh viên chuyên ngôn ngữ học và các nhà ngôn ngữ học tương lai.
Cuốn sách gồm có 12 chương, tất cả các chương đều đề cập đến những vấn đề lí thuyết nền tảng rất cơ bản mà người học và người dạy ngôn ngữ học đều cần phải nắm vững, coi đó như những vấn đề bắt buộc phải biết, phải hiểu đối với nhà ngôn ngữ học.
Đề cập đến Bản chất của ngôn ngữ, tác giả phân biệt ngôn ngữ với tư cách là phương tiện giao tiếp và phát triển tư duy con người với những hiện tượng khác cũng được gọi là ngôn ngữ, nhưng thực ra “ngôn ngữ” ở đây chỉ là “phương tiện diễn tả, truyền đạt nào đó” (như “ngôn ngữ điện ảnh”, “ngôn ngữ âm nhạc”, “ngôn ngữ hội họa”, v.v…) không thuộc đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học. Đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học là ngôn ngữ tự nhiên, ngôn ngữ cụ thể của người bản ngữ từng dân tộc mà trong tiếng Việt thường gọi bằng từ “tiếng” (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, v.v…). Dựa vào những đặc trưng quan trọng của ngôn ngữ loài người, cuốn sách đưa ra một định nghĩa về ngôn ngữ như sau: “Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu âm thanh đặc biệt, là phương tiện giao tiếp cơ bản và quan trọng nhất của các thành viên trong một cộng đồng người; ngôn ngữ đồng thời cũng là phương tiện phát triển tư duy, truyền đạt truyền thống văn hóa - lịch sử từ thế hệ này sang thế hệ khác” [ tr. 24]. Từ định nghĩa này, cuốn sách đã cung cấp cho người đọc những bình diện quan trọng của ngôn ngữ, đặc biệt nhấn mạnh trước hết Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, bản chất xã hội của ngôn ngữ thể hiện ở chỗ, ngôn ngữ phục vụ xã hội với tư cách là phương tiện giao tiếp giữa mọi người, là phương tiện trao đổi ý kiến trong xã hội giúp mọi người hiểu biết lẫn nhau, vì thế mà ngôn ngữ thể hiện ý thức xã hội và nhờ vai trò quan trọng này mà ngôn ngữ mới có thể làm phương tiện giao tiếp giữa mọi người, trở thành phương tiện hình thành văn hóa và là một bộ phận cấu thành của văn hóa; điều này cho thấy sự tồn tại và phát triển của ngôn ngữ gắn liền với sự tồn tại và phát triển của xã hội. Đề cập đến vấn đề ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu âm thanh, tác giả nhấn mạnh hệ thống là một thể thống nhất bao gồm các yếu tố có quan hệ và liên hệ lẫn nhau, đặc biệt trong ngôn ngữ khái niệm hệ thống gắn bó chặt chẽ với cấu trúc, nghĩa là cấu trúc không nằm ngoài hệ thống; đã là hệ thống thì phải có cấu trúc. Từ đó ta thấy, các yếu tố trong hệ thống ngôn ngữ chính là các đơn vị ngôn ngữ, như âm vị, hình vị, từ và câu. Những quan hệ chủ yếu trong ngôn ngữ là: quan hệ kết hợp (hay quan hệ tuyến tính, quan hệ ngang), quan hệ đối vị (hay quan hệ liên tưởng, quan hệ dọc), và quan hệ tôn ti. Các đơn vị ngôn ngữ làm thành các cấp bậc (rank) khác nhau và có quan hệ tôn ti (hirerarchic relation), tức là các đơn vị bậc thấp “nằm trong” các đơn vị bậc cao, và các đơn vị bậc cao “bao gồm”(bao chứa) các đơn vị bậc thấp. Ví dụ: câu bao gồm các từ, từ bao gồm các hình vị, hình vị bao gồm các âm vị; ngược lại âm vị nằm trong hình vị, hình vị nằm trong từ, từ nằm trong câu. Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu âm thanh, bởi vì đối với tất cả các ngôn ngữ tự nhiên, phương tiện biểu đạt trước hết là âm thanh. Trẻ em biết nói trước khi biết đọc, biết viết chứng tỏ rằng ngôn ngữ loài người trước hết là ngôn ngữ âm thanh. Người Việt gọi ngôn ngữ là “tiếng” (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Nhật, v.v…) chính là xuất phát từ đặc trưng này của ngôn ngữ. Đề cập đến Đặc trưng của ngôn ngữ, cuốn sách nhấn mạnh ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu đặc biệt, nó hoàn toàn khác với các tín hiệu nhân tạo của con người (hệ thống đèn giao thông, biển chỉ đường, trống báo hiệu, v.v…), và khác với hệ thống giao tiếp của loài vật. Về những đặc trưng này, cuốn sách lí giải gọn, dễ hiểu qua việc dẫn những ví dụ thích hợp, như nói về tính võ đoán không ai giải thích được vì sao người Việt dùng âm bàn, người Anh dùng từ table để biểu thị cái bàn, nhưng ngôn ngữ lại không võ đoán hoàn toàn, vì trong ngôn ngữ có những trường hợp dường như giữa âm thanh và ý nghĩa tồn tại những liên tưởng nào đó (cạch, bốp, keng, đoàng, v.v…; hoặc lom khom, chi chít, toe toét… là những từ mô phỏng dựa trên đặc trưng của âm thanh, hình dáng cơ quan cấu âm mô phỏng tính chất, hình dáng, kích thước của đối tượng).
Đề cập đến Chức năng của ngôn ngữ, tác giả nhấn mạnh, ngôn ngữ có hai chức năng quan trọng - chức năng làm phương tiện giao tiếp và chức năng làm phương tiện tư duy. Khi giao tiếp giữa người với người thì ngôn ngữ là phương tiện tốt nhất giúp họ hiểu nhau, giúp thắt chặt mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng xã hội. Tuy con người còn có những phương tiện giao tiếp khác như cử chỉ, các loại dấu hiệu, kí hiệu khác nhau, nhưng ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp trọng yếu nhất của con người. Âm nhạc, hội họa, điêu khắc, tuy có những khả năng diễn đạt nghệ thuật đặc sắc nhưng dưới góc độ giao tiếp chúng vẫn bị hạn chế và có tính chất phiến diện so với ngôn ngữ thành tiếng, vì vậy không thể dùng chúng làm phương tiện giao tiếp thay cho ngôn ngữ. Thực tế là, nếu ngôn ngữ chỉ là những âm thanh đơn thuần thì nó không thể trở thành phương tiện giao tiếp được; chỉ khi người ta dùng ngôn ngữ để trao đổi với nhau, tức là khi xảy ra hành động giao tiếp thì chức năng giao tiếp mới xuất hiện. Lúc này ngôn ngữ trực tiếp tham gia vào quá trình hình thành tư tưởng để giúp người ta trong khi giao tiếp trao đổi tư tưởng, tình cảm do đó mà hiểu biết lẫn nhau và cùng nhau tổ chức công tác trên mọi lĩnh vực hoạt động của con người.
Đề cập đến Nguồn gốc của ngôn ngữ, theo tác giả, về mặt lí thuyết phải làm sáng tỏ hai vấn đề để hiểu nguồn gốc ngôn ngữ - đó là điều kiện để nảy sinh ngôn ngữ và tiền thân của ngôn ngữ là cái gì? a) Điều kiện để nảy sinh ngôn ngữ, theo tác giả cuốn sách, cách giải thích của Friedrich Engels về điều kiện tạo ra ngôn ngữ trong cuốn “Tác dụng của lao động trong sự chuyển biến từ vượn thành người” là cách giải thích khoa học khi ông viết: “Đem so sánh con người với loài động vật, ta sẽ thấy rõ rằng ngôn ngữ bắt nguồn từ trong lao động và cùng nảy sinh với lao động, đó là cách giải thích duy nhất đúng về nguồn gốc của ngôn ngữ”. Theo F. Engels, ngôn ngữ cùng nảy sinh với lao động nên năng lực tư duy trừu tượng của con người đã phát triển cùng với lao động. Nhưng tư duy không thể tồn tại trần trụi, thoát khỏi ngữ liệu, cho nên tư duy hình thành thì ngôn ngữ cũng ra đời. Ngôn ngữ cũng cổ xưa như ý thức vậy. Mặt khác, ngôn ngữ chỉ sinh ra do nhu cầu, do sự cần thiết phải giao tiếp. Nhu cầu giao tiếp ấy của con người cũng lại do lao động quyết định. Sự phát triển của lao động đã đưa đến kết quả tất yếu là thắt chặt thêm những mối quan hệ giữa các thành viên của xã hội bằng cách tạo ra rất nhiều trường hợp để con người giúp đỡ lẫn nhau, hợp tác với nhau, và làm cho mỗi cá nhân ngày càng ý thức rõ rệt hơn đối với lợi ích của sự hợp tác ấy. Tóm lại, những con người đang phát triển đó đã đạt đến mức họ có những điều cần phải nói với nhau. Do tư duy trừu tượng phát triển nên những nội dung mà con người cần trao đổi với nhau ngày càng phong phú. Ngược lại, nhu cầu giao tiếp càng phong phú đòi hỏi tư duy trừu tượng càng phát triển hơn. Điều này cho thấy, lao động quyết định sự ra đời của ngôn ngữ. Một mặt, lao động làm cho người ta cần thiết phải có ngôn ngữ để trao đổi với nhau, mặt khác, lao động làm cho người ta cần phải có ngôn ngữ để tiến hành tư duy, hình thành tư tưởng, lấy nó làm nội dung giao tiếp với nhau. Như vậy, lao động quyết định nhu cầu tạo ra ngôn ngữ. Nhưng chỉ có nhu cầu thì vẫn chưa có ngôn ngữ mà con người còn phải có khả năng tạo ra ngôn ngữ nữa. Muốn có ngôn ngữ phải có tư duy trừu tượng và khả năng phát âm rõ ràng, có như vậy thành quả của tư duy trừu tượng mới trở thành yếu tố ngữ nghĩa của ngôn ngữ. Tóm lại, bản thân con người cũng như tư duy trừu tượng và ngôn ngữ của nó cùng ra đời một lúc dưới tác dụng của lao động. Ngôn ngữ và tư duy trừu tượng của con người là dấu hiệu phân biệt con người với con vật.
Tiền thân của ngôn ngữ loài người. Nói ngôn ngữ bắt nguồn từ trong lao động là chưa đủ mà phải nói rõ ngôn ngữ nảy sinh từ những cái gì. Theo tác giả, ngôn ngữ với tư cách là hệ thống tín hiệu thứ hai phải bắt nguồn từ hệ thống tín hiệu thứ nhất ở con người. Hệ thống tín hiệu thứ nhất là tất cả những ấn tượng, cảm giác và biểu tượng thu được từ bối cảnh tự nhiên bên ngoài thông qua những phản xạ, kích thích ở dạng mọi cảm giác: thính giác, thị giác, xúc giác, v.v… Hệ thống tín hiệu thứ nhất tiến hành giao tiếp trong phạm vi tư duy hình tượng, một mặt nó lấy hình tượng mà bộ máy cảm giác nhận được làm cái biểu đạt, còn cái được biểu đạt là tư duy hình tượng. Bàn về Sự phát triển của ngôn ngữ, tác giả cho rằng có thể thấy ngôn ngữ phát triển qua các giai đoạn: ngôn ngữ bộ lạc, ngôn ngữ khu vực, ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ văn hóa dân tộc, ngôn ngữ cộng đồng tương lai. Ngôn ngữ đầu tiên của xã hội loài người là những ngôn ngữ bộ lạc. Trong thực tế, có liên minh bộ lạc, nhưng dẫu sao chỉ có tính chất “liên minh” nên mỗi bộ lạc có một ngôn ngữ riêng. Khi liên minh bộ lạc tan rã, các dân tộc hình thành. Tuy nhiên sự hình thành dân tộc và ngôn ngữ dân tộc phải trải qua một quá trình, do đó trước khi xảy ra sự thống nhất thành ngôn ngữ chung của dân tộc đã diễn ra sự thống nhất ngôn ngữ trong phạm vi từng khu vực, lúc đó ngôn ngữ khu vực ra đời. Ngôn ngữ dân tộc và các biến thể của nó xuất hiện khi sự phát triển của dân tộc và của Nhà nước đã đẩy mạnh sự thống nhất bên trong về kinh tế và chính trị - xã hội dẫn đến việc mở rộng những quan hệ khác nhau giữa cộng đồng người trong xã hội. Điều này đòi hỏi phải có một ngôn ngữ chung cho toàn xã hội: ngôn ngữ dân tộc ra đời.
Đụng chạm đến Ngôn ngữ và tư duy, theo tác giả, phải làm rõ vấn đề Đồng nhất ngôn ngữ và tư duy. Quan điểm nhất nguyên được F. Saussure giải thích rõ bằng sự thừa nhận ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu. Mỗi tín hiệu có hai thành tố không thể tách rời giống như hai mặt của một đồng tiền và ông gọi hai thành tố đó là cái biểu đạt (signifier) và cái được biểu đạt (signified). Thực tế, khi dạy tiếng nước ngoài nhiều người đề nghị phải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc suy nghĩ bằng tiếng nước ngoài, bởi tư duy và ngôn ngữ gắn bó với nhau. Tuy nhiên, ngôn ngữ và tư duy thống nhất nhưng không đồng nhất. Sở dĩ nói ngôn ngữ không đồng nhất với tư duy là vì: ngôn ngữ là vật chất, còn tư duy là tinh thần; tư duy có tính nhân loại còn ngôn ngữ có tính dân tộc; những đơn vị của tư duy không đồng nhất với các đơn vị của ngôn ngữ như từ, hình vị và câu. Ngôn ngữ và tư duy không đồng nhất, nhưng lại thống nhất với nhau, nương tựa nhau cùng phát triển. Con người suy nghĩ dễ dàng hơn khi có được ngôn ngữ, nghĩa là ngôn ngữ và tư duy trừu tượng được coi là đặc trưng bản chất của con người, phân biệt giữa con người và loài động vật.
Quan hệ biện chứng giữa ngôn ngữ và văn hóa cũng được cuốn sách đề cập trên hai bình diện: a) Văn hóa và những phổ niệm ngôn ngữ học cho thấy, những nền văn hóa khác nhau đòi hỏi ngôn ngữ phải thực hiện những chức năng khác nhau. Nhưng cũng có những chức năng cơ bản nào đó là đặc trưng cơ bản của tất cả các ngôn ngữ. Những phổ niệm về chức năng có thể được coi là hệ quả tự nhiên của những phổ niệm về sinh học hoặc văn hóa dẫn đến những phổ niệm về ngôn ngữ, như trong tất cả hoặc hầu như tất cả các ngôn ngữ đều có sự phân biệt về ngữ pháp giữa các câu trần thuật, nghi vấn và mệnh lệnh, nghĩa là người nói thuộc tất cả các nền văn hóa đều thấy cần thiết phải dùng ngôn ngữ để miêu tả, để hỏi và ra lệnh; b) Văn hóa và tính riêng biệt về ngôn ngữ: Những đặc trưng văn hóa khác nhau (về môi trường, về vật chất, về xã hội) tạo ra những đặc trưng ngôn ngữ khác nhau. Do những nhu cầu mới tăng lên trong văn hóa ngôn ngữ của cộng đồng người bản ngữ đáp ứng bằng cách sáng tạo ra các từ mới, vay mượn từ của các ngôn ngữ khác, hoặc gắn các ý nghĩa mới cho các từ đã có.
Đề cập đến Các ngôn ngữ trên thế giới, tác giả cho biết hiện nay trên thế giới có hơn 5.000 ngôn ngữ khác nhau. Các ngôn ngữ thường được phân loại theo nguồn gốc hay theo ngữ hệ (language family). Để phát hiện ra sự thân thuộc giữa các ngôn ngữ người ta dùng phương pháp so sánh - lịch sử nhằm phát hiện quy luật phát triển kết cấu của chúng kể từ các âm và các dạng cổ nhất đã được phục nguyên. Nội dung của phương pháp so sánh - lịch sử là so sánh các từ và các dạng thức của từ tương tự nhau về ý nghĩa và âm thanh trong các ngôn ngữ khác nhau dựa vào tài liệu sống cũng như những sự kiện, hiện tượng được ghi trên văn bia và thư tịch cổ.
Giới thiệu về Chữ viết, tác giả viết, đối với lịch sử phát triển của xã hội loài người, chữ viết có một vai trò rất lớn. Ngôn ngữ, công cụ giao tiếp chủ yếu của con người, dẫu sao cũng có những hạn chế nhất định, vì vỏ vật chất của ngôn ngữ là âm thanh cho nên nếu ở xa nhau thì không thể nghe nhau nói được (khi không có phương tiện hỗ trợ) vì khả năng thính giác của con người là hữu hạn. Ngay ở cùng một chỗ có thể nghe nhau nói được, nhưng mỗi lời nói chỉ được thu nhận vào lúc phát ra, sau đó không còn nữa; ngoài ra nhận thức của mỗi người khác nhau và trí nhớ của con người cũng có hạn chế, cho nên tình trạng “tam sao thất bản” không thể nào tránh khỏi. Trong khi đó chữ viết dựa trên ấn tượng về thị giác nên có thể thắng được không gian và thời gian, làm hạn chế đi tình trạng “tam sao thất bản”. Nhờ có chữ viết chúng ta mới hiểu được lịch sử quá khứ của nhân loại, hiểu được đầy đủ về Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, v.v…thông qua văn bản Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, truyện Kiều được chữ viết ghi lại.
Ngôn ngữ học được tác giả giới thiệu trong một chương (chương 6). Tác giả viết, ngôn ngữ là bạn đường không thể thiếu của con người, vì vậy con người đã xây dựng một khoa học về nó - đó là Ngôn ngữ học. Xuất phát từ bản thân những yêu cầu trong đời sống con người, ngôn ngữ học ra đời. Sự xuất hiện của chữ viết đã thúc đẩy sự phát triển của ngôn ngữ học, bởi vì muốn truyền thụ chữ viết từ thế hệ này sang thế hệ khác ngoài việc phải hiểu biết bản thân các kí hiệu còn phải biết các yếu tố của kết cấu ngôn ngữ do các kí hiệu đó biểu thị. Trong cuốn sách, tác giả nhấn mạnh sự khu biệt giữa Ngữ ngôn và lời nói: Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp bằng lời của loài người; Ngữ ngôn là một hệ thống những đơn vị vật chất phục vụ cho việc giao tiếp của con người và được phản ánh trong ý thức của tập thể một cách độc lập với những tư tưởng, tình cảm và nguyện vọng cụ thể của con người, cũng như trừu tượng hóa khỏi những tư tưởng, tình cảm và nguyện vọng đó, còn Lời nói là kết quả của việc vận dụng các phương tiện khác nhau của ngôn ngữ để truyền đạt thông tin, kêu gọi người nghe có hành động tương ứng. Như vậy, ngữ ngôn là phương tiện giao tiếp ở dạng khả năng tiềm tàng, trừu tượng hóa khỏi bất kì một sự áp dụng cụ thể nào của chúng. Còn lời nói là phương tiện giao tiếp ở dạng hiện thực hóa, tức ở dạng hoạt động gắn liền với những nội dung cụ thể. Ngữ ngôn và lời nói thống nhất nhưng không đồng nhất. Bất cứ nhà ngôn ngữ học nào cũng phải đụng chạm đến hai đối tượng này. Ngôn ngữ nói (oral language) còn được gọi là khẩu ngữ là lời nói miệng hàng ngày, thường là đối thoại. Ngôn ngữ nói sử dụng chất liệu âm thanh, nó được giới hạn thời gian, có tính năng động, nhất thời; nó là một bộ phận của tương tác mà cả hai bên tham gia giao tiếp phải có mặt, có người nói có người nghe (hoặc một nhóm người nghe). Hội thoại tự nhiên thường không có nghi thức, và trong tương tác bằng ngôn ngữ nói có sự hồi đáp trực tiếp giữa người nói và người nghe.
Ngôn ngữ viết có những đặc điểm khác với ngôn ngữ nói. Nó cho phép đọc lại và phân tích nội bộ, được tổ chức chu đáo, phát triển những biểu thức được cấu tạo cô đọng, phức tạp. Các đơn vị của văn bản như các câu và các đoạn văn được nhận diện rõ ràng nhờ các dấu chấm câu và cách trình bày. Ngôn ngữ viết thường có những đặc trưng chỉ mình nó có như dấu chấm câu, viết hoa, viết nghiêng, viết đậm để nhấn mạnh, có minh họa bằng những biểu bảng, sơ đồ, v.v...
Dù có những khác nhau, nhưng ngôn ngữ viết trên nhiều phương diện có thể ảnh hưởng đến ngôn ngữ nói, như trường hợp ngay sau khi học đọc trẻ em sử dụng phương tiện viết làm phương tiện mở rộng từ vựng nói của chúng như người lớn. Mặt khác, nhờ phương tiện viết mà một số từ ngoại lai có thể nhập vào ngôn ngữ mẹ đẻ và được dùng trong ngôn ngữ nói.
Tác giả cũng dành một chương (chương 7) để giới thiệu ngữ âm học và âm hệ học. Chương 8 tiếp theo tác giả trình bày về Từ vựng học, phân biệt từ vựng (lexicon) với vốn từ (vocabulary). Từ vựng của một ngôn ngữ là tập hợp các đơn vị từ vựng của ngôn ngữ ấy. Đơn vị từ vựng (lexical unit) của ngôn ngữ không chỉ bao gồm các từ mà còn cả các đơn vị ngữ cú, tức là những cụm từ có sẵn tương đương với từ (thành ngữ chẳng hạn). Các cụm từ sẵn có cũng nằm trong thành phần từ vựng của ngôn ngữ, cũng được hệ thống hóa trong các từ điển. Mặt khác, cần phân biệt, từ vựng của một ngôn ngữ là cái khách quan, là bộ phận cấu thành một ngôn ngữ, còn vốn từ chỉ là bộ phận từ vựng của một cá nhân, một văn bản nào đó, một lĩnh vực nào đó.
Đơn vị cơ bản của từ vựng là từ. Bên cạnh các từ, trong thành phần từ vựng của mỗi ngôn ngữ còn tồn tại rất nhiều các cụm từ cố định, thường được gọi là các thành ngữ, quán ngữ. Từ và cụm từ cố định được gọi là những đơn vị định danh cơ bản của ngôn ngữ, thực hiện chức năng gọi tên các sự vật, hiện tượng của thực tế.
Tác giả cũng dành hẳn một chương (chương 9) để giới thiệu Ngữ pháp học.
Bất cứ ngôn ngữ nào cũng gồm ba mặt được phân giới rành mạch: đó là thành phần cấu tạo âm thanh, các phương tiện từ vựng và các phương tiện ngữ pháp. Như đã biết, trong kết cấu ngôn ngữ, ngữ âm và từ vựng chiếm vị trí ngoại biên: từ vựng ngoại biên về ý nghĩa; ngữ âm ngoại biên về chất liệu, còn Ngữ pháp chiếm vị trí trung tâm. Nếu từ vựng trực tiếp gọi tên thực tế, ngữ âm trực tiếp được lĩnh hội bởi thính giác, thì ngữ pháp luôn luôn là gián tiếp, vì nó không có tính chất cụ thể cho nên mối liên hệ của ngữ pháp với thực tế chỉ được thực hiện thông qua từ vựng. Ngữ pháp cũng không được lĩnh hội một cách trực tiếp mà phải thông qua ngữ âm. Cách phân chia ngôn ngữ thành ba địa hạt từ vựng, ngữ pháp và ngữ âm còn dựa vào phẩm chất của các quá trình trừu tượng hóa. Trong ngôn ngữ, trừu tượng hóa có mặt ở mọi hiện tượng ngôn ngữ; không có hoạt động này thì ngôn ngữ không thể là ngôn ngữ. Nhưng vai trò và tính chất của trừu tượng hóa ở các địa hạt khác nhau trong kết cấu của ngôn ngữ là khác nhau: trừu tượng hóa ngữ pháp không đụng chạm đến các sự vật và các khái niệm riêng biệt, trong khi trừu tượng hóa từ vựng đụng chạm đến đơn vị cụ thể nhất của ngôn ngữ là từ; và trừu tượng hóa ngữ âm đụng chạm đến một số âm vị có thể tạo ra những đơn vị có ý nghĩa khác nhau trong ngôn ngữ, v.v…
Đề cập đến Phạm trù ngữ pháp, tác giả viết, phạm trù ngữ pháp (grammatical category) là phạm trù ngôn ngữ định rõ đặc điểm của các từ loại. Các từ trong mỗi ngôn ngữ được chia ra một số từ loại như danh từ, vị từ, tính từ … Các phạm trù ngữ pháp gồm có: phạm trù số (number), phạm trù giống (gender), phạm trù cách (case), phạm trù thì (tense), phạm trù thức (mood), phạm trù dạng (voice), phạm trù ngôi (person), phạm trù thể (aspect), phạm trù phù ứng (agreement), phạm trù chi phối (government); còn Chức năng ngữ pháp (grammatical function) hay chức năng cú pháp (syntatic function) là chức năng thể hiện mối quan hệ giữa một hình thức ngôn ngữ với những bộ phận khác trong mô hình ngôn ngữ mà nó được dùng. Các chức năng ngữ pháp được gọi tên bằng các thuật ngữ: chủ ngữ (subject), vị ngữ (predicate), tân ngữ (object), bổ ngữ (complement), trạng ngữ (adverbial), định ngữ (attribute), khởi ngữ ( topic - word), phụ ngữ (adjunct), v.v…
Ngữ nghĩa học được đề cập đến ở chương 10. Theo tác giả, Ngữ nghĩa học là bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu nghĩa. Không chỉ riêng ngôn ngữ học mới có nghĩa mà các hệ thống tín hiệu khác cũng có nghĩa, như hệ thống đèn giao thông, hệ thống biển chỉ đường, các tín hiệu hàng hải, hàng không. Vì vậy cần phân biệt ngữ nghĩa học (linguistic semantics) với nghĩa học (semantics). Nghĩa học nghiên cứu nghĩa của mọi hệ thống tín hiệu, còn ngữ nghĩa học là một bộ phận của nghĩa học, nghiên cứu nghĩa của ngôn ngữ. Trong cuốn sách này, tác giả đặt ngữ nghĩa học vào phạm vi của ngôn ngữ học, khảo sát nó như một bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu ý nghĩa (nội dung, mặt bên trong) của các đơn vị ngôn ngữ. Trong khi âm vị học, hình thái học và cú pháp học nghiên cứu cấu trúc của những khả năng biểu hiện thì ngữ nghĩa học và biểu trưng học nghiên cứu những ý nghĩa có thể được biểu hiện.
Truyền thống ngôn ngữ học coi ngữ nghĩa học là bộ môn nghiên cứu: a) Nghĩa của các từ mà người nói đã cung cấp trong từ vựng tinh thần của chúng; b) Nghĩa của các câu trong đó các từ này được kết hợp với nhau; c) Cái mà các biểu thức đó quy chiếu vào trong thế giới. Ngoài ra ngữ nghĩa học còn được nghiên cứu ở những nguyên tắc chung về ngữ cảnh ảnh hưởng đến nghĩa như thế nào, người nghe giải thích như thế nào cái được nói.
Đề cập đến ngữ nghĩa học là nói tới nghiên cứu những mặt liên quan đến nghĩa: cái biểu đạt (signifiant) và khái niệm là cái được biểu đạt (signifié), và cái được biểu đạt chính là ý nghĩa (signification) của tín hiệu. Ngữ nghĩa học cũng nghiên cứu nghĩa, ý nghĩa và ý. Trong nghiên cứu nghĩa của từ cần phân biệt nghĩa của từ với sự hiểu biết về nghĩa đó. Trong nhận thức của con người không xuất hiện và tồn tại bản thân nghĩa của các từ và các đơn vị ngôn ngữ khác, mà trong nhận thức chỉ có sự hiểu biết về các nghĩa của chúng mà thôi. Nghĩa của từ cũng như của các đơn vị ngôn ngữ khác tồn tại thực sự khách quan trong lời nói, còn trong nhận thức chỉ có sự phản ánh của những nghĩa đó mà thôi. Cần phân biệt rõ ràng ý nghĩa của từ với sở chỉ (referent) của nó, dù rằng ý nghĩa và sở chỉ đều là cái được biểu đạt. Ý nghĩa của từ là một hiện tượng tâm lí, có tính chất trừu tương, chủ quan, trong khi sở chỉ là sự vật khách quan và cụ thể của thế giới bên ngoài ngôn ngữ. Trong giao tiếp, sở chỉ là mục tiêu cuối cùng của việc sử dụng từ ngữ, bởi vì trong giao tiếp người ta sử dụng từ ngữ để thông báo những sự tình của thế giới bên ngoài chứ không bàn về ngôn ngữ. Ý nghĩa và sở chỉ thuộc hai bình diện khác nhau: ý nghĩa thuộc nghĩa học, còn sở chỉ thuộc dụng học.
Đối tượng nghiên cứu của ngữ nghĩa học gồm có nghĩa học từ vựng và nghĩa học cú pháp. Nghĩa học từ vựng nghiên cứu nghĩa từ vựng; sự biến đổi ý nghĩa của đơn vị từ vựng; đa nghĩa; đồng âm; đồng nghĩa; trái nghĩa; bao nghĩa và tổng phân nghĩa; trường nghĩa; những thủ pháp nghiên cứu nghĩa từ vựng. Nghĩa học cú pháp nghiên cứu nghĩa biểu hiện của câu; nghĩa mệnh đề của câu; nghĩa tình thái; nguyên tắc hợp thành; quan hệ nghĩa giữa các câu; các yếu tố logic.
Chương 11 nghiên cứu Ngữ dụng học. Theo tác giả, Ngữ dụng học là bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu cách sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp, tức là cách sử dụng ngôn ngữ trong những ngữ cảnh cụ thể để đạt được những mục đích cụ thể. Tất cả các bộ môn ngôn ngữ học khác như ngữ âm học, từ vựng học, ngữ pháp học và ngữ nghĩa học đều nhằm tới cái đích này. Để hiểu rõ ngữ dụng học, các nhà ngữ dụng học phân biệt câu (sentence) và phát ngôn (utterance). Câu là những đơn vị của một hệ thống ngôn ngữ trừu tượng, còn phát ngôn là những ví dụ của hệ thống. Là một đơn vị trừu tượng, nên câu chỉ có thể được nhận thức thông qua các biến thể trong lời nói, đó là các phát ngôn. Phát ngôn là đơn vị hiện thực của câu trong giao tiếp. Quan hệ giữa câu và phát ngôn cũng tương tự như quan hệ giữa từ với các dạng thức cụ thể của từ, giữa hình vị và hình tố. Các phát ngôn được tạo ra vào thời gian và địa điểm nào đó bởi một người nào đó.
Nghĩa của câu có quan hệ với nghĩa của phát ngôn thông qua khái niệm về cách dùng đặc trưng, nhưng lại phân biệt với nó ở chỗ: nghĩa của câu thì độc lập với ngữ cảnh cụ thể mà câu đó sử dụng, trong khi đó để xác định nghĩa của phát ngôn ta buộc phải tính đến các yếu tố tình huống. Như vậy, sự khác biệt giữa nghĩa của câu và nghĩa của phát ngôn là: nghĩa của câu mang tính độc lập với ngữ cảnh, trong khi nghĩa của phát ngôn được xác định bởi chính ngữ cảnh mà phát ngôn đó được nói ra. Mặt khác, tồn tại một mối quan hệ mang tính bản chất giữa nghĩa của câu và cách dùng đặc trưng (characteristic use) không phải của một câu cụ thể nào đó mà là của cả cái kiểu câu mà cái câu cụ thể đó là thành viên, dựa trên tiêu chí về cấu trúc ngữ pháp của nó.
Nói đến ngữ dụng học là nói đến ngữ cảnh. Ngữ cảnh ngôn ngữ (linguistic context) của một từ là những từ bao quanh hay kèm theo một từ, tạo cho nó tính xác định về nghĩa. Ngữ cảnh ngôn ngữ của một phát ngôn liên quan đến cái đặt trước một phát ngôn nào đó trong một diễn ngôn. Nó chỉ những cái khác đã được nói trước trong hội thoại. Ngữ cảnh tình huống (situational context) của một phát ngôn cung cấp thông tin về cái hoàn cảnh mà nó được phát ngôn. Ngữ cảnh tình huống cho phép quy chiếu đến các sự vật trong thế giới quanh ta ngay cả khi chúng chưa được nói đến trong diễn ngôn. Nói chung, ngữ cảnh tình huống là cái bối cảnh phi ngôn từ của một hiện tượng ngôn ngữ, của một văn bản, của một phát ngôn cụ thể trong diễn ngôn. Ngữ cảnh tình huống là thế giới xã hội và tâm lí mà trong đó, ở một thời điểm nhất đinh, người ta sử dụng ngôn ngữ. Còn ngữ cảnh văn hóa (cultural context) bao gồm hàng loạt nhân tố văn hóa như phong tục, tập quán, chuẩn tắc hành vi, quan niệm giá trị, sự kiện lịch sử, những tri thức về tự nhiên và xã hội, chính trị và kinh tế.
Vai trò của ngữ cảnh là yếu tố nhận diện nghĩa, là cơ sở xác định sự phù hợp của phát ngôn với tình huống giao tiếp.
Ngữ dụng học nghiên cứu cách sử dụng ngôn ngữ trong những ngữ cảnh cụ thể để đạt được những mục đích cụ thể, nên ngoài ngữ cảnh nó bao gồm một phạm vi nghiên cứu rộng liên quan đến các mặt sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp: lí thuyết hành động ngôn từ; lí thuyết giao tiếp; lí thuyết lịch sự; lí thuyết hội thoại; nguyên tắc hợp tác và hàm ý; lí thuyết tương thích; ngôn ngữ học văn bản; văn bản và phân tích văn bản; diến ngôn và phân tích diễn ngôn; thể loại và phân tích thể loại; diễn ngôn văn hóa; tu từ học và phong cách hoc.
Chương 12 của cuốn sách đề cập đến Ngôn ngữ học ứng dụng. Ngôn ngữ học ứng dụng (applied linguisstics) là sự áp dụng các khái niệm và phương pháp của ngôn ngữ học vào bất cứ vấn đề thực tế khác nhau nào có liên quan đến ngôn ngữ. Ngôn ngữ học ứng dụng khác với ngôn ngữ học lí thuyết ở chỗ ngôn ngữ học lí thuyết chú trọng cấu trúc hình thức của ngôn ngữ với tư cách là một hệ thống tín hiệu độc lập, trong khi ngôn ngữ học ứng dụng chủ yếu áp dụng phương pháp của ngôn ngữ học để giải quyết những vấn đề thực tiễn của các liên ngành. Có thể kể một số lĩnh vực ngôn ngữ học ứng dụng như: a) Giáo dục học ngôn ngữ là môn khoa học và đào tạo liên quan đến các nhu cầu, mục đích, nội dung và phương pháp của việc dạy ngôn ngữ; b) Ngôn ngữ học tâm lí nghiên cứu đặc điểm tâm lí của hành vi ngôn ngữ, mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tâm lí; c) Xử lí ngôn ngữ (language processing) là những hoạt động tinh thần bao hàm trong sự tạo lập và lĩnh hội ngôn ngữ; d) Thụ đắc ngôn ngữ (language asquisition) là quá trình trẻ con lĩnh hội tiếng mẹ đẻ của nó; e) Phân tích đối chiếu (contrastive analysis) liên quan đến việc nghiên cứu so sánh đồng đại hai hoặc hơn hai ngôn ngữ hoặc phương ngữ; g) Ngôn ngữ tộc người (ethnolinguistics) nghiên cứu những chuẩn mực của sự giao tiếp trong một cộng đồng ngôn ngữ, bao gồm cả những nhân tố ngôn từ, phi ngôn từ và nhân tố xã hội; h) Ngôn ngữ học xã hội (sociolinguistics) nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và xã hội; i) Chuẩn hóa ngôn ngữ (normalization) là kết quả nhận thức khoa học về những quy luật thể hiện chuẩn ở một giai đoạn nhất định của sự phát triển, là sự tập hợp những quy luật về cách phát âm, cách dùng từ, và các hình thái trong mọi phong cách của ngôn ngữ văn hóa; k) Chính sách ngôn ngữ (language polisy) là những biện pháp nhằm đưa vào sử dụng, thực hiện và xác định lĩnh vực sử dụng các ngôn ngữ như sử dụng các ngôn ngữ riêng biệt trong các quốc gia đa ngữ.
Cuốn sách đụng chạm đến các vấn đề cốt lõi của ngôn ngữ học ứng dụng: Ngôn ngữ học và việc dạy tiếng; Ngôn ngữ học và dịch thuật; Từ điển học; và những ứng dụng khác của ngôn ngữ học.
Đọc xong tập đại thành được tác giả tổng hợp một cách khoa học và ngắn gọn, dễ tiếp thụ một loạt vấn đề cơ bản của Ngôn ngữ học lí thuyết, người đọc cảm nhận rõ ngoài sự hiểu biết thâm sâu vấn đề nghiên cứu thì công sức bỏ ra của tác giả là rất lớn. Ra mắt bạn đọc đúng vào giai đoạn giới ngôn ngữ học nước nhà đang trong giai đoạn tiếp tục phát huy việc Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, cuốn sách Ngôn ngữ học lí thuyết chắc chắn sẽ được đón nhận như một cuốn Cẩm nang không thể thiếu của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học và những người yêu mến tiếng nói của dân tộc. Đóng góp của tác giả với tập đại thành này về ngôn ngữ học lí thuyết thật sự là rất hữu ích cho giới ngôn ngữ học nước nhà trước hết đối với các nhà ngôn ngữ học và Việt ngữ học, các giảng viên và sinh viên các khoa chuyên ngôn ngữ học của các trường đại học, các nghiên cứu viên ở các viện ngôn ngữ học và các nhà nghiên cứu liên ngành. Xin được trân trọng giới thiệu cuốn sách thứ 26 của GS TS Nguyễn Thiện Giáp, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2010, giảng viên cao cấp tại Khoa Ngôn ngữ học trường ĐHKHXHNV – ĐHQG Hà Nội.