Ngôn ngữ làm nên Tổ quốc

Xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật. Vậy câu chuyện đặt ra ở đây “giá trị tiếng Việt” có phải là một thành tố của giá trị văn hóa Việt và văn học, nghệ thuật có trách nhiệm với tiếng Việt không?
to-quoc-toi-1640751994.jpg
Ngôn ngữ làm nên Tổ quốc (Ảnh: Internet)

 

            Sáng nay như mọi ngày. Pha li café sáng, mở bản nhạc cổ điển và lướt báo, mạng xã hội. Tôi nhận được cả niềm vui và nỗi buồn về một vấn đề, không hề nhỏ.

            Tại Quảng Bình, nhà thơ, người bạn vong niên Hoàng Vũ Thuật lên trang cá nhân hoan hỉ tin mừng và gắn thẻ và trang các nhân tôi, một tin quá đỗi vui mừng. “Một trường đầu tiên ở Quảng Bình đưa bài Tôi muốn nói bằng tiếng nói Tổ quốc tôi vào chương trình dạy thêm. Ba bốn năm về trước các trường THPT ở thành phố HCM và Đà Nẵng đã dạy. Tôi rất vui khi trường THCS  Kim Hóa xa xôi, tiếp giáp Hà Tĩnh làm điều ấy. Thì ra không cứ gì miền núi hay đô thị, nơi nào cũng có cách nhìn về văn học. Xin cám ơn các thầy cô và các cháu”, ông viết dòng trạng thái. Thưa ông, không chỉ là tình yêu với văn học mà đó là tình yêu đối với giá trị Việt về ngôn ngữ.

            “Tôi hằng tin ngôn ngữ làm nên Tổ quốc / tiếng đầu tiên / mẹ / hiền / nước Việt / tiếng trầm hùng / và tiếng thiết tha / âm thầm hơn mọi lời ca”, đây là khổ đầu của bài thơ. Thưa ông, không chỉ ông hằng tin mà phần lớn nhân dân khẳng định như thế, xác tín như vậy. Không phải ngẫu nhiên, không chỉ riêng Việt Nam này gọi tiếng dân tộc là “tiếng mẹ đẻ”. Tiếng nói của mọi dân tộc được định vị như một “tôn giáo” không tên.

            ...

            tôi yêu Tổ quốc này

nếu có người đưa ra cá cược

đổi nửa hành tinh bù thêm nửa vầng trăng

không

không không bạn ơi

lời nguyền xưa

ba miền

ruột thắt

Tổ quốc ngôi nhà bền vững âu vàng

(Tôi muốn nói bằng tiếng nói Tổ quốc tôi, thơ Hoàng Vũ Thuật).

 

Hoàng Vũ Thuật đã nói thay tiếng nói của hàng triệu độc giả, nếu không muốn nói là tiếng lòng của muôn dân đối với Tổ quốc. Tiếng Việt là Tổ quốc. Cũng nói về ngôn ngữ của dân tộc, những năm trước đổi mới, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã từng có bài thơ Tiếng Việt nổi tiếng. Cám ơn nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đã cho tôi cảm xúc đẹp.

Bên cạnh niềm vui từ nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, tôi không khỏi suy nghĩ và buồn, sau khi đọc được một bài báo, dẫu xuất bản đã lâu. Đó là bài: “Ý thức đa ngữ trong văn học Việt Nam thời toàn cầu hóa” của nhà LLPB văn học Nguyễn Văn Thuấn.

Văn học Việt Nam thời kì Đổi mới trong bối cảnh toàn cầu hóa xem trạng thái đa ngữ và ý thức đa ngữ là những giá trị văn hóa – tư tưởng – thẩm mỹ năng sản, dân chủ, đầy sức sống. Nó liên tục lai ghép và coi lai ghép là trò chơi tương lai của văn học, văn hóa”.

Lai ghép là đặc trưng của văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Trước, lai ghép mang tính khu vực, lấy Trung Hoa làm trung tâm. Nay sự lai ghép rất đa tạp nhưng lai ghép với Âu – Mỹ là xu hướng chủ đạo. Hình thức lai ghép ngôn ngữ dễ thấy nhất có lẽ là sự đan xen của vô số từ nước ngoài có nguồn gốc Âu – Mỹ trong các tác phẩm văn học của nhiều nhà văn Việt Nam. Việc lắp ghép tiếng nước ngoài trong lòng tiếng Việt quả thực là một dấu chỉ của quá trình toàn cầu hóa văn học Việt Nam”, tác giả nhận định về xu hướng “lai ghép” ngôn ngữ – tức là thực trạng “tiếng nước ngoài xâm lấn ào ạt, không ngoặc kép, cũng không giải thích”, trong văn bản của nhiều nhà văn. Đấy là chưa nói đến hiện tượng “kiểu tiếng bồi nửa ta nửa Tây” không chỉ ngang nhiên tồn tại mà còn trở thành một trào lưu “thời thượng”.

Liệu “lai ghép” ngôn ngữ, “nửa tây, nửa ta” có góp phần làm nên giá trị của tác phẩm, hay chỉ là một thứ mốt khoe mẽ về sự biết ngoại ngữ của các tác giả? Hay nó chỉ là một thứ “thời trang” trong văn chương? Điều này chỉ có thể tìm hiểu qua số lượng bản in, phát hành, số lần tái bản của tác phẩm, dư luận bạn đọc... may ra mới trả lời được.

Có điều, dưới góc độ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, thật đáng phải suy ngẫm.

Xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật. Vậy câu chuyện đặt ra ở đây “giá trị tiếng Việt” có phải là một thành tố của giá trị văn hóa Việt và văn học, nghệ thuật có trách nhiệm với tiếng Việt không?

Lo sợ nhất của nhân loại là khi thế giới trở thành “thế giới phẳng”. Nhiều biên giới về chính trị, kinh tế, xã hội, địa lý… bị xóa nhòa. Nhưng một biên giới không được xóa nhòa là văn hóa. Chỉ văn hóa mới xác lập được đó là dân tộc Việt, khẳng định được tính chủ quyền”.

            “Lòng tự trọng dân tộc của người Việt lâu nay đang dần phai mòn và có nguy cơ bị xâm lược bởi những nền văn hóa ngoại lai”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong một bài trả lời phỏng vấn báo Giao thông sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, quan ngại. Thưa ông, “lai ghép” ngôn ngữ, “nửa tây, nửa ta” trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật cũng đã làm “nhòe mờ” lòng tự trọng dân tộc. Có nỗi đau không ai để ý, bởi từng cá nhân nói chung, một số nhà văn nói riêng không thấy đau, đó là “ngoại lai” tiếng Việt.

            Nâng niu giá trị Việt không có nghĩa là “ăn mày dĩ vãng”. Chưa giỏi ngoại ngữ không phải là “rào cản” làm cho tác phẩm của các nhà văn Việt Nam chưa đạt tầm cao của văn chương thế giới, chưa dám mơ ước đến Nobel văn học như một nhà thơ từng nêu quan điểm cá nhân.

            “Mỗi một cá nhân con người và mỗi một dân tộc chỉ có ý nghĩa khi xác lập được căn cước văn hóa của mình”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định. Đúng như vậy, mỗi dân tộc phải có một “căn cước văn hóa”. Tiêng Việt là thành tố quan trọng tạo nên “căn cước” ấy. Đáng buồn là, văn hóa nói chung và tiếng Việt nói riêng đang bị thách thức.

Tiếng Việt là văn hóa Việt. Khi viết Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng chỉ khiêm tốn “Lời quê chắp nhặt dông dài, / Mua vui cũng được một vài trống canh”. Ông đâu nghĩ đến việc “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn” (thơ Chế Lan Viên). Năm 1922 tại “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”, Phạm Quỳnh, chủ bút báo Nam Phong, năm 1922 từng khẳng định. Gần 200 năm sau ngày mất, năm 2013, Nguyễn Du được UNESCO tôn vinh Danh nhân văn hóa thế giới cũng chính nhờ những đóng góp nhân bản của Truyện Kiều.

to-quoc-toi-tieng-viet-1640751994.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Nói như thế để thấy, tiếng Việt là niềm tự hào của văn hóa Việt, giữ tiếng Việt vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ của mỗi người Việt. Tiếng Việt giàu đẹp, phong phú về nhiều phương diện. Người tôn trọng chữ viết, ngôn ngữ tiếng Việt, là người có lòng tự tôn dân tộc.

...

Tổ quốc tôi

trong những nụ cười

người thân quen và người chưa kịp biết

một tiếng chào hơn mâm cỗ bày ra

cái bắt tay ấm bằng chăn nệm

Tổ quốc là thánh thiện

chị ngã em nâng

chị em như đũa có đôi

(Tôi muốn nói bằng tiếng nói Tổ quốc tôi, thơ Hoàng Vũ Thuật).

 

Ngày 18/12/2021