Ngọt ngào lời bình thi hữu

Những năm tháng với cuộc đời binh nghiệp, trong lòng Nguyễn Sinh vẫn không bao giờ nguôi nỗi nhớ về gia đình, về thầy cô giáo, về bạn bè đã cùng mình chung sống những tháng năm hồn nhiên, và nỗi nhớ quê hương đến vô cùng.
272456329-440948894408492-2887656666174108235-n-1643169635.jpg
Biển quê hương Cẩm Nhượng thân yêu của Tình Biển

Các bạn có biết không, quê hương Cẩm Nhượng của Nguyễn Sinh thuộc huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Một làng biển đẹp đến nao lòng, một làng chài bên bờ sóng, một quê biển đẹp trong từng câu hát, trong từng nốt nhạc, trong mỗi lời thơ, là một vùng địa linh nhân kiệt, có những phong cảnh rất nên thơ, rất hữu tình với những phong cảnh đẹp như đảo hòn Én, đảo hòn Bớc, hải đăng cửa biển, cầu cửa Nhượng và khu du lịch Thiên Cầm...và còn nhiều... nhiều nữa mà Nguyễn Sinh không thể nào viết hết. Một quê hương đã đi vào văn, thơ, nhạc, họa của các nhà văn, nhà thơ, nhà họa sĩ, nhạc sĩ. Với những đoàn thuyền vào lộng ra khơi và khi rạng bình minh là thuyền về cập bến với cá, mực và các loại hải sản đầy khoang, đem lại niềm vui và những nụ cười cho những người dân cần cù vất vả, một nắng hai sương,

Một quê hương Cẩm Nhượng anh hùng, giàu truyền thống đánh giặc ngoại xâm từ thời lịch sử, và nhất là trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, một Cẩm Nhượng có nhiều anh hùng, liệt sĩ, thương binh, giáo sư, nhà khoa học, tiến sĩ, văn nghệ sĩ, các cán bộ đầu ngành ở trung ương, các Tổng Giám đốc, giám đốc, các nhà doanh nghiệp, doanh nhân... kể không hết được, là một vùng đất học, quê hương. Cẩm Nhượng tuy còn nghèo, với nắng lửa, gió lào, thiên tai, bão tố khắc nghiệt nhưng đang từng ngày đổi mới và khởi sắc. Với những con người ngày đêm cần cù lao động xây dựng quê hương, nặng tình người mười thương chín nhớ, nặng muối mặn gừng cay. Cẩm Nhượng quê hương của Nguyễn Sinh đuợc ví từ xa xưa và đến bây giờ vẫn thế: NHẤT KINH KỲ, NHÌ NHƯỢNG BẠN (nghĩa là: nhất thành phố, nhì Cẩm Nhượng ngày nay). Nguyễn Sinh rất tự hào và càng thêm yêu quê hương thân yêu của mình.

Thưa các bạn: Là một người con của quê hương Cẩm Nhượng, tháng 11/77, Nguyễn Sinh nhập ngũ vào đời binh nghiệp và về phục viên tháng 4/82, được may mắn sống sót trở về từ chiến trường khói lửa, nay là một ngư dân làm nghề đi biển, trong những ngày trở về quê hương của năm 82 đó, Nguyễn Sinh đã viết bài thơ: TA LẠI VỀ

Thưa các bạn: Vì thời đó chưa có mạng, chưa có Facebook nên những bài thơ, câu chuyện của Nguyễn Sinh viết ra đều được chép vào sổ tay, và cho đến bây giờ mới được đăng trên mạng. Một thời gian sau đó không lâu, nhạc sĩ Trịnh Thạnh đã phổ nhạc cho bài thơ này lấy tựa đề: BIỂN CẨM NHƯỢNG YÊU THƯƠNG. Và cũng rất vui và rất xúc động, khi bài thơ lại được một cựu giáo chức có tên gọi là Phan Soa (nick Soa Phan), quê ở huyện Yên Thành - Tỉnh Nghệ An - một cựu giáo chức hiện đã nghỉ hưu và đang sống tại Hà Nội viết lời bình. Vì lời bình rất hay và rất cảm xúc nên Nguyễn Sinh đã đăng lời bình của cựu giáo chức Phan Soa cùng với bài thơ TA LẠI VỀ của Nguyễn Sinh. Xin cảm ơn em, cựu giáo chức Phan Soa rất nhiều khi em đã yêu mến quê hương Cẩm Nhượng của Nguyễn Sinh và viết lời bình. Xin cảm ơn anh, nhạc sĩ Trịnh Thanh đã phổ nhạc cho bài thơ TA LẠI VỀ của em trai Nguyễn Sinh. Mến chúc cựu giáo chức Phan Soa, nhạc sĩ Trịnh Thanh với tất cả các bạn và gia đình luôn mạnh khỏe, an lành, may mắn, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống để chào đón một mùa xuân mới Nhâm Dần 2022 đầy tươi vui và ý nghĩa. Nguyễn Sinh kính bút.

272565470-440948847741830-6999916108912819422-n-1643169722.jpg
Cô giáo Soa Phan người viết lời bình

Ta lại về

Thơ: Nguyễn Sinh

Lời bình: Phan Soa

.................................

Quê hương là đề tài chính trong thơ ca, trong sáng tác của các nhạc sĩ.... bởi hai tiếng "Quê hương" vừa ngọt ngào, tha thiết, vừa sâu lắng nghĩa tình. Quê hương là nơi đong đầy bao kỷ niệm của một thời thơ bé, là tất cả những con đường, giếng nước, bờ tre, là dòng sông, bến nước, con đò... Bởi thế mà bài thơ "TA LẠI VỀ..." của Nguyễn Sinh đã nói rất rõ về điều đó. Bài thơ là lời tâm tình và nỗi lòng của tác giả trong những năm tháng anh sống xa quê. Anh ao ước mình sẽ được trở về quê hương thân yêu của mình sau những năm tháng lăn lộn vào ra sinh tử nơi chiến trường:

"Ta lại về nơi tha thiết những vòm xanh

Nơi biển Nhượng cứ dạt dào vỗ sóng

Nơi tĩnh lặng của một miền cát trắng

Nơi những con thuyền lướt sóng vượt trùng khơi"

Ước muốn trở về quê hương của anh thật đơn giản, thật bình dị nhưng lại rất đỗi thân quen với cuộc sống đời thường của anh - một người lính trở về. Quê hương, nơi đó anh đã từng sinh ra và lớn lên, và đã từng gắn bó với anh với biết bao là kỷ niệm vui, buồn mà anh vẫn hằng cất giữ nó trong sâu thẳm của trái tim mình không bao giờ quên được. Nơi đó có bầu trời trong xanh vời vợi, có ngọn gió mát lành từ khơi xa của biển quê hương thổi vào mát rượi, nơi ấy là quê hương với bao nỗi nhớ thương da diết từ trong sâu thẳm của trái tim mà anh ko sao nói được thành lời

"Nơi bầu trời xanh thẳm đến chơi vơi

Nơi tiếng gió mát lành xao xuyến lạ

Nơi quê hương tôi chín thương, mười nhớ

Nơi thẳm sâu ko thể cất nên lời"

Rồi năm tháng vẫn miệt mài trôi đi như dòng sông ko bao giờ ngừng chảy, cũng như quê hương là nơi anh ao ước trở về bởi nơi ấy đã cất giữ cho anh biết bao kỷ niệm tuổi học trò, nơi ấy có tiếng chim hót trong veo, những giỏ xe đầy chùm hoa phượng vĩ. Rồi những bông bằng lăng tím mà lũ bạn trao nhau... Ôi! Tất cả sao mà thân thương, da diết đến lạ kỳ...!

"Ta lại về nơi trong vắt tiếng chim

Bằng lăng tím thêm một lần tím nữa

Phượng hồng ơi thêm một lần thắp lửa

Để mùa hạ nồng nàn...

Xanh thắm mãi...

Hạ ơi!"

Mỗi khi nhắc đến quê hương là trong anh lại thấy nôn nao, cồn cào bao nỗi nhớ. Anh ao ước mình sẽ trở về nơi mảnh đất mà anh đã từng sinh ra và lớn lên bằng những hạt gạo, củ sắn, củ khoai mà mẹ anh làm ra bằng sự chắt chiu, tảo tần hôm sớm. Nơi ấy có người cha suốt cả cuộc đời "vai áo sờn", "nắng cháy da" nhưng ngày đêm vẫn đi khơi vào lộng kiếm thêm con cá, con tôm về để nuôi đàn con khôn lớn... Nơi ấy có bạn bè, thầy cô, mái trường... đã nuôi dưỡng anh về ý thức, tâm hồn, tình cảm của một người con vùng biển. Từ đó mà trong tâm hồn anh đã "kết trọn niềm thương", "đan thành nỗi nhớ", và "chắt lọc tiếng lòng" cho tình yêu quê hương ngày càng thêm "ngọt ngào, chan chứa" hơn bao giờ hết:

"Ta lại về bên sông nước chơi vơi

Ta kết trọn niềm thương, ta đan thành nỗi nhớ

Ta chắt lọc tiếng lòng thêm ngọt ngào chan chứa

Để mãi suốt cuộc đời...

Thắm mãi những vòm xanh"

Điệp từ "Ta lại về" được anh sử dụng nhiều lần trong suốt bài thơ đã khẳng định tình yêu quê hương trong anh nồng nàn, tha thiết và cháy bỏng đến mức nào. Tình yêu đó chẳng kém gì tình yêu quê hương của nhà thơ Tế Hanh:

"Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mong ước

Tôi sẽ về sông nước của quê hương

Tôi sẽ về sông nước của tình thương".

Tình cảm đối với quê hương của hai nhà thơ thật ngọt ngào, sâu lắng và dạt dào cảm xúc. Dù có đi đâu xa chăng nữa, anh vẫn nhớ, vẫn luôn tìm về với đất mẹ yêu thương:

"Ngọt ngào hai tiếng quê hương

Dù đi đâu vẫn nhớ thương...

Tìm về!".

Bài thơ của anh quả rất tuyệt vời và đã được nhạc sĩ Trịnh Thạnh phổ nhạc. Bài thơ còn gợi cho ta nhớ về ký ức của một thời mà ta đã sống, một thời mà ta đã từng gắn bó với quê hương. Ta chúc cho anh đã có những thành công đáng kể, chúc anh - một chàng trai ngư dân nhưng ở anh lại có một tâm hồn đầy cảm xúc sẽ sáng tác cho đời, cho tất cả mọi người những lời thơ, bài thơ "có cánh"... Em cầu chúc cho anh những ngày trên biển gặp nhiều may mắn và lòng tràn ngập những ý thơ.

Thân ái chào anh!

Người viết lời bình

Soa Phan

272409886-440949001075148-4612185159885425032-n-1643169722.jpg
Bài thơ TA LẠI VỀ của Nguyễn Sinh được nhạc sĩ Thanh Trịnh phổ nhạc

THƯƠNG MÃI QUÊ HƯƠNG

-----------------------

TA LẠI VỀ...

-------

(Viết tặng quê hương xứ biển Cẩm Nhượng thân yêu của tôi sau những tháng năm đời quân ngũ. Sáng tác: 5/1982)

------------------------------

Ta lại về nơi tha thiết những vòm xanh

Nơi biển Nhượng cứ dạt dào vỗ sóng

Nơi tĩnh lặng của một miền cát trắng

Nơi những con thuyền lướt sóng vượt trùng khơi

Nơi bầu trời xanh thẳm đến chơi vơi

Nơi tiếng gió mát lành xao xuyến lạ

Nơi quê hương tôi 9 thương 10 nhớ

Nơi những thẳm sâu không thể cất nên lời...

Năm tháng ơi!

Năm tháng miệt mài trôi

Như dòng sông có bao giờ ngừng chảy

Ta đã hiểu những điều thầm lặng ấy

Trong bát ngát nắng vàng

Trong sắc tím bằng lăng

Ta lại về nơi trong vắt tiếng chim

Bằng lăng tím thêm một lần tím nữa

Phượng hồng ơi!

Thêm một lần thắp lửa

Để mùa hạ nồng nàn...

Xanh thắm mãi...

Hạ ơi!

Ta lại về bên sóng nước chơi vơi

Ta kết trọn niềm thương, ta đan thành nỗi nhớ

Ta chắt lọc tiếng lòng thêm ngọt ngào chan chứa

Để mãi suốt cuộc đời...

Thắm mãi những vòm xanh

Biển quê hương ơi sao tha thiết ân tình

Sao bồi hồi và nhớ nhung đến thế

Phải chăng quê hương là cha là mẹ

Phải chăng quê hương là bến đỗ yên bình

Những tháng năm đời lính ta luôn nhớ không quên

Và mong một ngày ta lại về với biển

Hai tiếng quê hương sao bồi hồi trìu mến

Dẫu quê hương còn năm nắng mười mưa

Ta thương quê hương đến trong những giấc mơ

Ta nhớ quê hương giữa chiến trường máu lửa

Cẩm Nhượng ơi mặn mòi mà chan chứa

Mãi mãi ngọt ngào trong nốt nhạc, lời ca

Nay ta lại về với Cẩm Nhượng quê ta

Một Cẩm Nhượng anh hùng đã đi vào trang sử

Quê hương ta mãi dạt dào sóng vỗ

Mãi ngọt ngào chan chứa lắm quê ơi!

 

Chuyện Làng quê