Tình yêu thể hiện trong thơ với văn xuôi đã có rất nhiều tác phẩm. Bàn về văn xuôi và thơ, Jean Paul Sartre cho rằng “Văn xuôi thuộc về phía con người, thi ca thuộc về phe Thượng đế”. Trong khi đó, Valédy coi thơ là “múa”, truyện kể là “đi”. Molière hài hước hơn: “Tất cả cái gì không phải văn xuôi thì là thơ, và tất cả cái gì không phải thơ thì là văn xuôi”…
Cái khó của nhà thơ là phải làm mới ngôn từ để không bị sáo, rỗng, mòn. Mỗi thời đại có những “hình thái tu từ” (figure de rhétorique) của mình để mang đến một “thực tại” và hình thức mới cho thơ (Phê bình văn học từ lý thuyết hiện đại, tác giả Đào Duy Hiệp, trang 298). Vũ Gia Hà trong bài viết này là “phe thơ”, phe “thuộc về Thượng đế” như cách nói của Jean Paul Sartre, đã tiếp nối đề tài tình yêu của những nhà thơ đi trước. Vũ Gia Hà đã thể hiện những quan niệm về tình yêu một cách hết sức mới mẻ, thời đại. Tất cả được thể hiện rõ nét trong 19 bài thơ trong Cõi tình yêuthuộc tập thơ Hoa nở trong trăng.
Với Vũ Gia Hà, tình yêu không phải chỉ dừng lại ở những cảm xúc nữa, mà anh coi nó như một cõi riêng, một thế giới riêng mà chỉ có những ai đang yêu, những ai có trái tim yêu mới thấu hiểu được hết cõi đó. Đó là một thế giới hoàn toàn khác biệt, không có sự đong đếm, không định lượng bằng một giá trị thực tế được, tất cả là sự cảm nhận bằng một thứ xúc cảm chân thật nhất. Thơ tình của Vũ Gia Hà tạo nên một vệt sáng lấp lánh của những ý niệm về tình yêu. Mượn tình yêu để tôn vinh những sự nguyên bản thuần túy của tình yêu, rộng hơn là cuộc đời, điều mà con người hiện đại ngày nay đang dần dần đánh mất. Nói ngắn gọn như cách nói của Antoine de Saint Exupéry: Yêu không phải là quan sát nhau mà là cùng nhìn về một hướng (Aimer ce n’est pas se regarder l’un l’autre, c’est regarder ensemble dans la même direction).
Trong Cõi tình yêu, Vũ Gia Hà coi tình yêu như một giá trị sống đích thực, tình yêu đáng được tôn thờ như một thứ tôn giáo và thi sĩ đã tin vào tình yêu với một thứ thiêng liêng nhất. Tôn giáo ấy là một tôn giáo cho riêng mình “tôi”: “Tôi ngang hàng hoặc hơn Osho”; “Em thiện lương hơn những gì Tago viết về Thượng Đế/ Em hy sinh cho tình yêu hơn những gì Puskin viết về tình yêu” (Yêu em như yêu tôn giáo). Tình yêu của “tôi” với “em” chỉ cần nhìn vào đôi mắt là đã đủ thấu hiểu tất cả. “Tôi” như chỉ nhìn thấy duy nhất sự tồn tại của em giữa bao người. Anh đã thử làm tất cả để xem có phải đã thực sự yêu em, nhưng không có gì thay đổi. “Nỗi nhớ về em đã dương tính trong anh/ Không vắc xin nào chữa khỏi/ Anh uống rất nhiều rượu để mong hơi cay phả mờ hình em/ Anh hút rất nhiều thuốc để mong khói vẽ ra một cô gái khác/ Nhưng tất cả chỉ là trò đùa/ Chỉ như cụ rùa nghìn tuổi không có thật ở Hồ Gươm”. Với “tôi”, tình yêu của em trở thành một tôn giáo cho riêng mình. Bởi lẽ mọi tôn giáo đều hướng con người đến sự thiện lương, và em cũng vậy. Em đã thanh lọc tâm hồn “tôi” “Em làm cho giáo gươm trong tôi trở thành kem trở thành kẹo”. Giống như những bậc tối thượng, em không cần phải ra lệnh hay áp đặt cho tôi làm bất cứ việc gì, tất cả là tôi tự nguyện, ngay cả hy sinh tính mạng này “Em không là cơn gió réo/ Không gọi tên anh/ nhưng giấc ngủ nào anh cũng trả lời/ Anh đây, cần gì em cứ nói/ Bất kể tính mạng này/ Anh đặt vào đôi tay em”.
Hay trong Ánh mắt em là ánh mắt Phật, tình yêu từ trong ánh mắt của em làm cho tôi dù có vượt qua mọi cám dỗ khổ cực, âm mưu thâm độc của con người thì cũng không thể vượt qua ánh mắt buồn vô hạn nhưng vẫn chất chứa sự thiện lương:
Chẳng có gì ghê gớm và quan trọng bằng tình yêu
Chỉ có tình yêu mới sinh ra thế giới này
Vì yêu mà tôi nói lại những lời yêu cũ
Vì yêu mà tôi lãnh đủ sầu muộn đớn đau
Với Vũ Gia Hà, tình yêu là đặc biệt nhất, không gì sánh bằng. Nó là khởi nguyên của sự sống, sự tồn tại của thế giới. Chỉ có tình yêu mới sinh ra thế giới này. Quả đúng như vậy. Bao nhiêu tôn giáo nói về về sự hình thành của sự sống đều bắt nguồn từ tình yêu. Thế giới được sinh ra bằng tình yêu thì cũng chỉ có thể tồn tại bằng tình yêu. Từ tình yêu nam nữ mới lớn mạnh lên thành tình yêu gia đình, tình yêu quê hương, đất nước. Ở đây, Vũ Gia Hà còn cho ta thấy một điều rất thú vị trong tình yêu “Vì yêu mà tôi nói lại những lời yêu cũ”. Bình thường, khi cứ nói đi nói lại một câu nói nào đó sẽ dễ gây nhàm chán cho người nghe. Nhưng trong tình yêu, mỗi một lời nói yêu thương có thể nói đi nói lại bao nhiêu lần, ngày này qua ngày khác, chẳng biết bao nhiêu cho đủ, càng nói càng giống như mật ngọt, càng đắm say.
Rồi trong bài Không ai được nói xấu em, tình yêu của em đã đi vào trong bài thơ dài, trong tiểu thuyết của anh. Tình yêu chi phối cả tư tưởng của anh: trong thơ anh, em là Quán Thế Âm Bồ Tát; trong tiểu thuyết, anh sẽ cho người nào ghét em đều bị cắm sừng, rồi trong cuộc sống “Anh tin ai sống đểu với em/ thì họ bổ quả gì ra ăn đều thành quả báo”.
Yêu là nguồn sống, hay nói một cách khác: cuộc sống mà không có tình yêu là cuộc sống vô vị, nhạt nhẽo và đơn điệu. Cũng như Xuân Diệu- ông hoàng thơ tình từng viết: “Làm sao sống được mà không yêu/ không nhớ, không thương một kẻ nào?” (bài ca tuổi nhỏ). Với Vũ Gia Hà, buồn vui, đau khổ, thương nhớ, hạnh phúc đó chính là trải nghiệm những cung bậc cảm xúc của tình yêu. “Chúng ta không ở nơi Bắc cực/ Nhưng nhó cực yêu cực thương cực”, “Nhưng may mắn anh đã có em/ Nên con tim lúc nào cũng hè” (Mùa lạnh quá). Sự nhớ thương là trạng thái lúc nào cũng hiện hữu trong tâm hồn một người đang yêu. Bất kể là đang thức hay trong mơ, bất kể anh đang làm gì thì bóng dáng người yêu vẫn luôn tồn tại. Khi có tình yêu, trái tim dù lạnh giá giữa trời đông nhưng lúc nào cũng thấy ấm áp và rạo rực như trong nắng hè rực rỡ.
Trong cái nhìn của người đang yêu, vạn vật trở nên có màu sắc, sức sống, tươi vui. Tình yêu tiếp thêm sinh lực cho con người trong cuộc sống đầy chông gai và thử thách “Từ ngày tôi biết yêu em/ Nắng mưa sấm sét đêm đen chẳng màng” (Đổi gì cũng không lấy). Nắng mưa, sấm sét, đêm đen là biểu hiện cho những phong ba, bão táp, thử thách của cuộc sống. Nhưng khi yêu, con người ta như được tiếp thêm một nguồn sức mạnh có thể sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách để có thể đến được với nhau. Ca dao có câu “Yêu nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”. Từ thuở xa xưa, ông bà ta cũng đã có những tình yêu đẹp và đầy nhiệt huyết như thế. Cho nên, một khi đã yêu nhau rồi, mọi lời dụ dỗ, mọi cạm bẫy đều không tách rời được tình yêu ấy:
Người ta dụ dỗ châu vàng
Đổi em bằng được tôi càng không cho
Người ta dụ dỗ đảo nho
Kim cương đảo ngọc lại bo thêm tiền
Tôi trừng mắt lắc đầu liền
Cho tôi thành thánh thành tiên chẳng cần
Châu vàng, kim cương, đảo ngọc, tiền đều là những thứ vô cùng giá trị, đều mang lại một cuộc sống vô cùng sung sướng; thánh, tiên là những thần linh có mọi uy quyền, ước gì được nấy. Nhưng với “tôi”, những thứ đó đều không quan trọng, chỉ cần có “em” là đủ. Bởi lẽ với “tôi”, tình yêu chân chính phải là thứ tình cảm tách rời với những giá trị vật chất, phải vượt lên những ham muốn bên ngoài, phải lấy cảm xúc làm chủ đạo.
Có em tôi có sông Ngân
Có em tôi có tinh thần Đạt Đa
Sông Ngân tương truyền là nơi gặp nhau giữa Ngưu Lang và Chức Nữ. Có rất nhiều nhà thơ cũng đã dùng hình ảnh sông Ngân để nói lên tình cảm của Ngưu Lang và Chức Nữ: “Sông Ngân nước chảy hững hờ/ Ngưu Lang ngồi khóc bên bờ sông Ngân” (Ngưu Lang, Chức Nữ- Nguyễn Bính), “Trên trời Chức Nữ cùng Ngưu Lang/ Một dải sông Ngân lệ mấy hàng” (Thu khuê hành- Tản Đà). Vũ Gia Hà sử dụng Hình ảnh sông Ngân ở đây ý muốn khẳng định về tình yêu bất diệt giống như Ngưu Lang và Chức Nữ, dù phải cách xa nhau, mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần nhưng tình cảm không bao giờ phai nhạt. Tương truyền mỗi khi tiễn biệt nhau họ khóc sướt mướt, hóa thành những cơn mưa mà người trần gian đặt tên là mưa ngâu. Cũng giống như vậy, “Có em tôi có tinh thần Đạt Đa” lại là một trạng thái bình yên, xa lánh thế tục, ở một tầng cao hơn hẳn trạng thái bình thường: vô cùng an yên. Đó là những trạng thái chỉ có những người đem lòng yêu mến nhau thực sự mới được sống trong thế giới ấy. Chỉ có tình yêu mới khiến cho con người trở nên cao thượng, nhân hậu, bao dung với nhau hơn.
Tình yêu bắt đầu từ đâu là một câu hỏi luôn không có lời giải đáp một cách trọn vẹn. Đã biết bao thi sĩ ngày đêm đi tìm kiếm câu trả lời ấy, Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã phải thốt lên rằng: “Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đâu/ Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau” (Sóng). Không ai có thể nói chính xác là mình bắt đầu yêu từ một thời điểm cụ thể nào đó, vì một lý do chính xác nào cả. Tình cảm là thứ lan tỏa dần dần, sự tích tụ dần dần, nó hâm nóng trái tim một cách thầm lặng. Đến như Xuân Diệu- ông hoàng thơ tình cũng không cắt nghĩa được hai từ tình yêu ấy: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!/ Có nghìa gì đâu, một buổi chiều/ Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt/ Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…” (Vì sao). Cố gắng đi tìm hiểu nhưng cuối cùng Xuân Diệu vẫn phải thốt lên “Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì”. Hay như Rasul Gamzatov: “Trên trái đất đường đi không kể xiết/ Đường dài lâu, gian khổ cũng rất nhiều/ Nhưng anh hiểu, khó và dài hơn hết/ Là con đường, anh vẫn gọi: tình yêu.
Trong Mối tình trà đá, Vũ Gia Hà cho chúng ta thấy rõ cuộc sống hiện đại ngày nay, có những mối tình được nảy sinh ở những nơi hết sức bình thường, không phải chốn cao xa nào cả. Chỉ là tình cờ đi uống trà đá ở một phố rất xoàng, rồi quen một hoàng tử lắm chữ và yêu nhau. Họ kể cho nhau nghe về quá khứ đã trải qua, thấu hiểu nhau rồi quyết định đến với nhau dù biết còn nhiều khó khăn phía trước.
Đắm chìm trong tình yêu, Vũ Gia Hà cũng không ngoại lệ. Anh không thể hiểu sao tình yêu nó lại kỳ lạ đến như vậy:
Tôi chết mất nếu yêu quá nhiều
Và từ tôi mọc ra tua tủa nắng
Tôi chồm lên như con thú bị mắc bẫy
Bị mọc ra tua tủa nắng
(Tôi lại mọc ra tôi)
Khi đang yêu, trái tim như lúc nào cũng đang được đốt nóng. Cảm xúc lúc nào cũng được tăng lên theo cấp số nhân, cũng như là “tôi” mà không phải mình tôi nữa. “Tôi chết mất” không phải là sự đau khổ, mà là tâm trạng khi cảm xúc yêu đạt đến cực đại, có thể bứt tung tất cả, lớn hơn mọi sức mạnh. Giống như con thú hoang đang tự do tự tại tự dưng bị mắc bẫy, bị kìm kẹp, cố vùng vẫy mà không thoát được. Khi ấy nó sẽ có một sức mạnh khủng khiếp, cố chồm lên để thoát khỏi vòng vây kìm kẹp ấy. “Tua tủa nắng”, một cảm xúc liên tục và dồn dập, giống như mặt trời một khi đã chiếu ánh sáng thì nó tỏa ra vô vàn tia nắng, xuyên suốt bao tầng mây, sọi rọi khắp mặt đất, xóa tan đêm đen u tối. Vì không thể hiểu được vì sao cảm xúc nó lại dâng trào một cách mãnh liệt như vậy, nên:
Tôi hỏi em bài học về tình yêu
Em bảo mình đang yêu nên bài học còn dang dở
Nhưng em cần bài học dang dở
Để mãi còn yêu
(Tôi lại mọc ra tôi)
Đọc những câu thơ này, chúng ta liên tưởng tới “dang dở” của Hồ Dzếnh trong bài thơ Ngập ngừng:
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!...
Tình mất vui khi đã hẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở
Tình yêu chẳng có điểm dừng, chẳng có mức nào là đã đủ, yêu là cứ yêu thôi. Đó là một hành trình xuyên suốt không bờ bến. Chẳng ai có thể nói mình yêu nhau thế là đủ rồi, bởi lẽ một khi câu nói ấy được nói ra cũng đồng nghĩa là bạn đã không còn yêu nữa. Những ai đã yêu, thậm chí từng thất bại trong tình yêu có lẽ mới thấm thía bài học này.
Sự khờ khạo, ngu ngơ là biểu hiện của những gì thanh khiết, chân thành, trong sáng, vô tư, phi vụ lợi của một tình yêu đích thực. Trong Chàng ngốc, “tôi” là một chàng trai không dám lừa dối em bất cứ một diều gì:
Vì em là Cô Tiên
Dù không cho tôi tiền
Nhưng em giúp tôi có lòng can đảm
Dám vượt đèn đỏ trước mặt cảnh sát giao thông
Khi yêu, nhiều khi người ta không được tỉnh táo, đôi lúc khá ngờ nghệch, không biết sợ là gì. Vượt đèn đỏ trước mặt cảnh sát giao thông, anh thật là rất liều, nhưng trong khoảnh khắc đó anh đâu biết sợ là gì. Khi được “em” nhắc nhở thì “anh” rất nghe lời, cảm giác như một đứa trẻ, chỉ cần bảo làm gì là làm theo. Nhưng trớ trêu thay là anh lại nghe một cách ngốc quá. Mỗi lời nói của em anh nghĩ nó theo một cách chân thật nhất: “Thấy đèn đỏ/ Xin anh dừng xe lại và đi từ từ qua”. Thay vì như mọi người là tắt máy đỗ xe, đợi đèn xanh rồi tiếp tục đi. Anh lại: “Tôi dựng chân chống để xe ở lại trước vạch vôi/ Rồi rút chìa khóa xe để túi quần/ Đợi đèn xanh/ Tôi dắt em đi bộ từ từ qua”. Đọc xong mấy câu thơ này có lẽ ai cũng phải bật cười vì hành động vô cùng ngốc nghếch của chàng trai trẻ. Nhưng anh đâu có thấy nó đáng buồn cười, anh chỉ nghe theo lời em thôi mà. Thậm chí đến lúc bị em chia tay tôi nghĩ chắc chàng trai vẫn chẳng hiểu tại làm sao. Anh yêu cô và nghe theo mọi ý muốn của cô mà lại bị xem là ngốc nghếch, bị bỏ rơi. Nhưng có lẽ khi đang yêu ai cũng sẽ rơi vào trạng thái như vậy. Dù sau này tiếp tục hành trình yêu đương ấy, có lẽ chàng trai vẫn sẽ ngốc nghếch và ngờ nghệch như vậy thôi.
Tình yêu với Vũ Gia Hà còn có gì đó ở đấy một sự liều lĩnh, bất chấp tất cả để đổi lấy tình yêu. Trong Đốt sạch lá rừng, “anh” và “em” cùng vào một khu rừng đi dạo. Để thử lòng chàng trai, cô gái đã nói ra một sở thích quái đản “Anh có dám đốt sạch lá rừng” để thể hiện là “Anh yêu em chân thành”. Không do dự, chàng trai lạnh lùng lấy máy lửa làm cô gái phải run sợ và cầu hôn anh. Trong tình yêu, sự thách thức dường như là dư thừa, không có gì mà không thể cả. Cái kết thật ngọt ngào cho hành động liều lĩnh của anh là được cô gái cầu hôn. Cô gái không hề có ý định muốn chàng trai châm lửa đốt thật, và có thể nghĩ chàng trai cũng không dám làm điều phạm pháp ấy, ở đây là sự thử lòng nhau và có điểm dừng. Có lẽ đây cũng là bài học cho những đôi yêu nhau, nhất là những bạn trẻ thời nay với một cuộc sống cởi mở, thích những sự khám phá và mạo hiểm. Thử thách tình yêu nhưng phải dựa trên sự hiểu biết và tin tưởng dành cho đối phương, như vậy thử thách đó mới mang lại một cái kết tốt đẹp, tránh những điều rủi ro không hay xảy ra.
Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện cảm động về tình yêu xa cách, ngăn sông cách núi, thậm chí từ châu lục này tới châu lục kia. Nhưng họ đã vượt qua mọi rào cản, mọi hoàn cảnh để có thể đến được với nhau chỉ vì hai chữ tình yêu. Trong Đánh đổ cầu Long Biên, tình yêu của anh dành cho em cũng bền bỉ như thế:
Anh đi bộ từ Lào Cai đến Cà Mau
Chỉ để thấy màu môi em
Rồi trở về một mình trong căn phòng nhỏ
Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới thuộc vùng Tây bắc bộ của Việt Nam, giáp Trung Quốc. Cà Mau là tỉnh ven biển của cực nam Việt Nam, là cuối của đất nước. Vũ Gia Hà lấy hai điểm đầu và cuối của đất nước để nói lên quãng đường vô cùng dài, để đi phương tiện như máy bay cũng phải mất vài tiếng, đi ô tô hay xe máy cũng phải vài ngày, thậm chí gần một tuần chứ đừng nói đến việc đi bộ. Ấy thế mà “anh” lại đi bộ một con đường xa xôi vất vả như vậy chỉ là để nhìn thấy màu môi em. Tình yêu có một sức mạnh diệu kỳ, khiến con người ta không biết mệt mỏi, càng đi càng thấy hăng say, càng thấy nhộn nhịp vì biết được cái đích của tình yêu trước mắt. Không cần phải được bên em, chỉ nhìn em thôi cũng đã thấy ấm lòng anh. Nhìn thấy màu môi em là mọi gian khổ anh đi qua đều trở nên tan biến.
Anh không ngại gian khó
Bắt cóc ông lái đò
Làm chìm đò
Để em khỏi sang sông
Vì em mà anh đành đổ mọi thứ
Kể cả
Đánh đổ cầu Long Biên
Ca dao xưa có câu: “Ai đem con sáo sang sông/ Để cho con sáo sổ lồng mà bay”. Đã từ bao lâu, hình ảnh người con gái sang sông là hình ảnh người con gái đi lấy chồng. Con sông bình thường người ta vẫn có thể đi lại qua hai bên bờ với nhau. Nhưng em mà sang sông thì như nghìn trùng cách biệt. Người đi mang theo bao hương sắc quen thuộc và chẳng bao giờ trở lại được như xưa cũ. Người ở lại thì hụt hẫng và trầm lặng vì trăm năm đành lỗi hẹn hò, cây đa bến cũ con đò khác đưa. Anh đây đâu có dại để cho em dễ dàng sang sông như thế. Nên “anh” đây không ngại gian khó mà bất chấp tất cả, bắt cóc ông lái đò, làm chìm đò để em không bao giờ xa rời anh, xa rời cây đa lũy tre làng thân thuộc mà hai người từng thuộc về nhau. Trong sự cuồng nhiệt say mê ấy, anh có thể khẳng định là chỉ cần giữ được em thì cầu Long Biên anh còn dám đánh đổ. Trước kia em muốn sang sông phải đi qua đò. Giờ em muốn sang sông có thể đi qua cầu. Nhưng em ơi! Cả hai thứ đó anh đều có thể làm tan biến chỉ cần giữ được em. Tình yêu tha thiết và chân thành là như vậy. Chẳng gì có thể ngăn cản được tình cảm anh dành cho em.