Người Bí thư nặng lòng với “rượu cần Phú Túc”

Đến thôn Phú Túc đã thoang thoảng hương rượu cần nồng thơm khi bước vào cơ sở chế biến rượu cần Cơ Tu của Bí thư kiêm Trưởng thôn Lê Văn Nghĩa (70 tuổi, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng).
a1-36346673-1724916094.gif
Con ông Nghĩa trong gian hàng bán rượu cần tại thôn Phú Túc

Cụ Đinh Văn Trí (76 tuổi, Chi hội trưởng Người Cao tuổi thôn Phú Túc) cho hay, ngày trước ở làng này, nhà nào cũng có vài ché rượu cần để trong nhà để sử dụng trong những dịp cúng bái, hiếu hỉ.

"Ngày lễ hội cơm mới, người Cơ Tu chúng tôi lại quây quần tại nhà Gươl cùng uống rượu cần và hát lý, nói lý. Cách đây bốn năm, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo cấp trên, thôn Phú Túc có 8 hộ tham gia sản xuất rượu cần nhưng chỉ sau 1 - 2 năm thì họ không trụ nổi với nghề do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, để giữ nghề, ông Lê Văn Nghĩa, đã kiên trì, quyết tâm “bám trụ” để giữ nghề làm rượu cần truyền thống thôn Phú Túc đến nay". 

“Trong những năm qua, với nhiều cương vị công tác lãnh đạo, chính quyền, các đoàn thể, tôi luôn luôn đi đầu để bà con dân tộc Cơ Tu noi theo nhằm thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ vững tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tích cực phát triển kinh tế để nâng cao mức sống… Nay, khi những mẻ rượu cần ban đầu bị hư hỏng, tôi không nản chí mà từ bỏ nghề mà quyết tâm tìm tỏi, học hỏi để sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn. Có như vậy bà con mới phục, mới nghe và noi theo mình…”, ông Lê Văn Nghĩa tâm sự.

dh2-36346773-1724916164.gif
Lão nông Lê Văn Nghĩa nhận danh hiệu “Cúp Vàng thương hiệu chất lượng cao năm 2017"

Già làng Nguyễn Văn Cần (80 tuổi, trú thôn Phú Túc) cho hay, có thể nói rằng rượu cần là nét văn hóa không thể thiếu được của người Cơ Tu. Để có rượu cần hảo hạng, người Cơ Tu phải dùng loại nếp huyết có màu đỏ thẫm đồ lên ủ với men rượu đặc chủng được làm bằng bột gạo trộn với các loại rễ và lá rừng hong trên giàn bếp nên hương vị tuyệt vời. Nếu đã một lần nếm thử loại rượu “đặc sản” này, ắt hẳn sẽ cảm nhận được hương vị thơm nồng của men rượu hòa quyện với cái tâm, tình của người nấu cùng với bàn tay khéo léo đã tạo nên loại rượu thơm lừng quyến rũ mà bất cứ ai cũng không cưỡng lại được.

Ông Lê Văn Nghĩa cho hay, để làm được rượu ngon, ngoài bí quyết gia truyền, người làm rượu cần phải có những kiến thức căn bản như chọn nếp rẫy, ngon; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước tinh khiết, không phèn. Men làm rượu phải được lấy nơi có uy tín và thương hiệu. Cụ thể: Nếp được ngâm tối thiểu 12 giờ đồng hồ, rồi sau đó phải vuốt gạo cho trong và sạch để khỏi bị chua. Tiếp theo, hong chung cả nếp và trấu đã được rửa sạch. Sự kết hợp này sẽ giúp gạo và trấu chín đều mới ngon. Cuối cùng, đem nguyên liệu này ra trải nguội và trộn men, rồi ủ từ 12 - 24 giờ ngoài trời, sau đó bỏ vô ché ủ tiếp ít nhất 1 - 18 tháng thì mới uống được... Giá bán hiện nay, tùy theo thể tích, mỗi ché (từ 4 - 6 lít) có giá từ 300.000 đồng trở lên. 

dh-3676474-1724916245.gif
Rượu cần Phú Túc trong Lễ hội Văn hóa của người Cơ Tu ở địa phương được đánh giá cao.

Ít ai được biết, lão nông Lê Văn Nghĩa từng là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp bởi vì ông rất gương mẫu, tiên phong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cây, con giống mới vào sản xuất. Với diện tích 0,5 ha vườn, ông trồng bưởi, tiêu, đu đủ, dứa, tre lấy măng, canh tác 10 ha rừng… Trung bình mỗi năm ông thu nhập từ sản xuất, chăn nuôi hàng 100 triệu đồng.

Với uy tín, nhiệt tình, tận tụy với dân làng, từ năm 2017 đến nay, ông được tín nhiệm giữ chức Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phú Túc.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phú, sản phẩm Rượu cần Phú Túc của ông Lê Văn Nghĩa đã đạt OCOP 3 sao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và bảo tồn những nét đẹp mang giá trị truyền thống của người dân nơi đây. Điều đáng phấn khởi nữa là “làng rượu cần Phú Túc” nằm trên QL14G là tuyến đường du lịch nối liền với các khu du lịch sinh thái nổi tiếng như Ngầm Đôi, Núi Thần Tài, Suối Hoa, Hòa Phú Thành, Lái Thiêu… nên sản phẩm rượu cần sản xuất ra dễ dàng tiêu thụ. 

dh-363767-1724916322.gif
Sản phẩm rượu cần của ông Nghĩa tại hội chợ Đà Nẵng.

Ông Đặng Huynh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú cho biết, chính quyền, các cấp các ngành rất quan tâm, hỗ trợ và khuyến khích người dân phục dựng lại nghề nấu rượu cần bởi vì đây vừa là một nét văn hóa dân tộc cần được lưu giữ và cũng là nguồn để phát triển kinh tế cho địa phương nhằm nhân rộng mô hình. 

Giờ đây, sản phẩm “Rượu cần Phú Túc” đã được các ngành chức năng cấp giấy chứng nhận hợp quy, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và đã được Hội đồng Viện Chất lượng Việt Nam công nhận phù hợp tiêu chuẩn và tặng danh hiệu “Cúp Vàng thương hiệu chất lượng cao năm 2017” và đạt OCOP 3 sao./.