Người cao tuổi: Suy ngẫm về một việc nhỏ nhưng ý nghĩa lớn

Với vài việc làm rất nhỏ, vô tình bỏ qua thì không nhận ra được một chân lý sống! Hãy suy ngẫm, từ việc làm nhỏ bé đó và kết quả sau đó thì nhận được rất lớn lao, rất hay, ý nghĩa lắm!

nguoi-cao-tuoi-1630222073.jpg

Tôi cùng nhiều người thường xuyên đi bộ vào buổi sáng trên con đường rất ít xe ô tô, thi thoảng có xe máy của người buôn rau, trứng, cá... chạy qua. Nhiều buổi sáng tôi cùng với cô giáo mầm non tên là Mai (nghỉ hưu) vừa đi vừa nói chuyện về nghề nghiệp của mình ngày xưa, về lương hưu thấp, về cuộc sống khó khăn, về giáo dục hiện tại…

 

Mùa xuân vài mảnh đất ven đường có những bãi rau ngải mọc xanh non, tươi tốt, (mùa xuân rau ngải không đắng), nhiều lần lúc trở về nhà, cô Mai tạt vào hái những ngọn ngải này mang về nhà dùng và cho gia đình làng xóm. Một việc nhỏ, ý nghĩa lớn!

Rồi mùa hè, rặng cây sấu ven đường lá xanh thắm đã trút xuống những quả sấu tròn to ngon và cô Mai nhặt chúng mang về nhà nấu canh chua rất ngon. Cô nhặt liên tục nhiều ngày nên được rất nhiều quả sấu tròn, to ngon và nhà cô dùng không hết, cho vào ngăn đá tủ lạnh để dùng cả năm và cô cho gia đình làng xóm có người cao tuổi không thể đi bộ được. Một việc nhỏ, ý nghĩa lớn!

Cháu Dung buôn rau, củ, quả... từ chợ Mè, chợ đầu mối của thị xã mang về bán lẻ ở chợ quê, kiếm vài chục nghìn đồng mỗi ngày và thường xuyên chạy xe máy (cũ nát) qua con đường này. Có vài lần cô Mai mua rau của cháu Dung, khi trả tiền còn dư lại vài nghìn đồng lẻ mà cháu Dung không có để trả và cô Mai đã cho cháu Dung vì cô thương Dung vất vả, buôn rau kiếm sống. Một việc nhỏ, ý nghĩa lớn!

Cũng trên con đường này vào buổi sáng có cô Ưng đi bộ, thấy cô Mai hái ngải, nhặt sấu thì bĩu môi chê... cho rằng lương hưu thấp (1,5 triệu đồng/tháng) nên phải nhặt nhạnh... Còn cô Ưng đang công tác, lương tháng gần 15 triệu đồng nên ăn mặc diêm dúa, "mắt xanh, mỏ đỏ"... Có vài lần cô Ưng cũng mua rau của cháu Dung, còn dư lại vài nghìn đồng lẻ nhưng cô Ưng ghê gớm, nhặt thêm rau, mấy quả chanh, quả mướp... vượt quá mấy đồng tiền lẻ đó. Mặc dù cháu Dung nài nỉ: "cô lấy thêm nhiều quá, cháu lỗ vốn rồi!"- "Đấy là việc của mày" - cô Ưng gắt gỏng với Dung. Một việc nhỏ, ý nghĩa lớn!

Tôi chứng kiến cảnh cô Ưng mua rau của cháu Dung và liên tưởng đến một lần... Hôm đó, ngẫu nhiên tôi gặp cô Ưng tại quầy thanh toán tiền bữa nhậu ở nhà hàng sang trọng, số tiền còn dư lại đến vài trăm nghìn đồng nhưng cô Ưng cười vui vẻ, nói với chủ nhà hàng: "Thôi, khỏi cần trả lại, "bao" nhà hàng luôn, đáng kể gì!". Một việc nhỏ, ý nghĩa lớn!

Tôi tình cờ được một nhà giáo nghỉ hưu tên là Hà nói chuyện về con trai ông, tháng trước được giám đốc nhà máy (người nước ngoài) thưởng to vì một việc nhỏ, ý nghĩa lớn. Ông Hà kể:

- Đầu giờ làm việc buổi sáng, Giám đốc bí mật để một chiếc ốc vít khá nhỏ ở cửa đi vào phân xưởng lắp ráp máy tính. Nhiều công nhân đi qua, thậm chí còn giẫm cả chân lên con ốc vít đó nhưng không ai nhặt, chỉ có con trai ông cúi xuống nhặt và mang con ốc vít đó vào phân xưởng lắp ráp máy tính. Camera ghi lại hình ảnh và hôm sau giám đốc mời con trai ông gặp, được nhận phong bì tiền thưởng vì đã nhặt con ốc vít đó. Ông giám đốc giải thích: "nếu thiếu một con ốc vít này thì một máy tính không lắp ráp xong và cả lô hàng này phải chậm lại nhiều ngày, vì chờ đợi có một con ốc vít mới lắp được,(Linh kiện phụ tùng nhập khẩu tù nước ngoài đúng đủ, không thiếu, không thừa từng chi tiết), không giao hàng kịp thời gian đã Hợp đồng, bị thiệt hại rất nhiều tiền". . Việc làm của con trai ông giáo, tuy rất nhỏ, tác dụng lớn, xứng đáng được hưởng tiền thưởng! Một việc nhỏ, ý nghĩa lớn!

Rồi ông Hà nhớ, kể lại: ngày cháu đang học tiểu học, đã được ông rèn luyện tính tiết kiệm, biết trân quý từng hạt gạo rơi trên nền nhà, cháu tự nhặt cất vào thùng vì cháu biết mỗi hạt gạo là nhiều giọt mồ hôi của ông, bà, bố, mẹ vất vả trồng lúa mới có được. Cho nên tính cách đó luôn luôn có ở cháu.

Qua câu chuyện ông Hà kể về con trai, tôi lại liên hệ đến việc làm của ông Hà rất nhỏ, ý nghĩa lớn. Đó là: khi thấy cành cây, hòn đá, túi rác... nằm giữa đường, nhất là cái đinh sắt sắc nhọn, ông Hà đều tự giác nhặt lên, vứt gọn vào lề đường. Ông hồn nhiên, cười nói: "người đi xe máy, xe đạp điện lúc mờ sáng nhìn không rõ, mà vấp phải cành cây, hòn đá, nhất là bị đinh sắt đâm thủng lốp xe, thì nguy hiểm, có thể tai nạn giao thông chết người! Mình nhìn thấy hòn đá, cái đinh (yếu tố gây ra điều ác) mà không nhặt bỏ đi, là mình thiếu ý thức, thiếu cái tâm thiện, chứa tâm ác!?".

- Con trai ông được giảm đốc thưởng tiền, có thể là do lộc của ông; còn ông không được gì, kể cả một lời khen của mọi người (ai cũng không dám khen ông vì ít tuổi hơn, là gì mà khen được!) nhưng ông đã làm việc tốt, gieo cây Đức sẽ có thu Lộc ngọt, có thể còn hơn cả phong bì tiền thưởng.. Từ việc làm của ông Hà làm cho nhiều người đi bộ học theo, nhặt cành cây, hòn đá, cái đinh sắt nhọn để người đi ô tô, xe máy không bị thủng lốp, không bị tai nạn giao thông. Một việc nhỏ, ý nghĩa lớn!

- Ngày xưa cô Mai hàng tháng nhận lương bằng thóc của hợp tác xã đã nuôi dạy rất nhiều thế hệ trẻ con thành người học sinh tốt. Sau này cô được vào biên chế với thời gian công tác ngắn nên lương hưu thấp nhưng cô "khéo ăn thì no" vẫn nuôi ba con ăn học thành người. Bản chất nhà giáo luôn làm việc thiện đã thể hiện rất cụ thể qua những việc làm nhỏ của cô Mai nhưng ý nghĩa lớn.

Cuộc sống quanh ta thường xuyên gặp những con người như hai nhà giáo nghỉ hưu, ông giám đốc, mong sao trong xã hội ngày càng tăng thêm. Còn như cô Ưng chỉ là cá biệt, một ngày không xa sẽ hết!

Với vài việc làm rất nhỏ, vô tình bỏ qua thì không nhận ra được một chân lý sống! Hãy suy ngẫm, từ việc làm nhỏ bé đó và kết quả sau đó thì nhận được rất lớn lao, rất hay, ý nghĩa lắm!

Theo Trái tim người lính

Đặng Văn Hương

Đặng Văn Hương

21:57 29/08/2021

Tác giả cảm ơn Tạp chí điện tử VĂN HÓA VÀ PHÁT TRIỂN Việt Nam đã chuyển bài viết của tôi cho nhiều độc giả đọc và suy ngẫm!