Người Cục hai

Trịnh Xuân Tiến 

23/12/2021 15:19

Theo dõi trên

Câu chuyện này để tưởng nhớ bác Cảnh tôi, người luôn được bố tôi và gia đình chúng tôi mến yêu và kính trọng. Cũng là để đề cập đến những người thầm lặng nhất mà cũng đắng cay nhất trong cuộc chiến giành độc lập tự do toàn vẹn cho đất nước này. Những người không biết là đã may mắn hay chẳng may dính vào cái nghiệp gọi là tình báo.

nguoi-cuc-2-1640247415.jpg
Ảnh minh họa do tác giả sưu tầm trên mạng: Muôn hình vạn trạng chuồng cọp nhà cao tầng

 

Đó là hồi tôi ở nhà G5, khu tập thể Thành Công, một khu dân cư mới phía bắc cái hồ nhỏ cùng tên, bên cạnh con đường từ Giảng Võ xuống nam Hà Nội. Một ngôi nhà năm tầng, bằng bê tông đúc liền, trần thấp, chỉ độ trên ba mét. Hè nóng như chảy mỡ, mà nào đã có điều hòa nóng lạnh. Nhà năm tầng, trừ tầng một hai căn hộ lớn nhất, ba buồng, cho các đại tá. Còn lại mỗi tầng có tới bốn căn hộ. Các căn hộ nhỏ xíu, hai căn hai mươi tám mét vuông, và hai căn còn nhỏ hơn, có mười ba mét. May là khi đó, công trình phụ tức là khu vệ sinh và nấu nướng không tính vào diện tích chung, Nếu tính tổng cộng, cả ban công, căn hộ cũng tới mười bảy mét vuông cả thảy. 
Khi phân nhà tôi mới là đại úy, nên chỉ được tiêu chuẩn ở căn hộ nhỏ nhất ấy. Chỉ một cửa ra vào, kê được một giường. Mùa hè con nằm trên sàn mát, bố mẹ nằm giường. Còn mùa đông, tất cả trên một chiếc giường, giường mét sáu. Muốn rộng, con trai lớn chỉ còn cách nằm xuống chân của em và bố mẹ. Cũng từng kể, một lần mua được chiếc dương cầm mà không sao mang vào được. Cửa quá chật. Muốn phá cửa để vào cũng không xong. Bê tông cốt thép. Nhà có cái ban công, phải cơi nới để thêm chút không gian. Xin sắt thép nhờ bạn chế cái lồng. Nhà tập thể nào chẳng có. Người người đều gọi vui là chuồng cọp. Làm chỗ phơi phóng, vào ra. Cũng là để trẻ khỏi ngã khi leo trèo. Trẻ con, đứa nào chả hiếu động. Song cái tên chuồng cọp bất giác gợi nhớ những chốn lưu đầy, những địa ngục trần gian… trong suốt cái thời không biết bao giờ mới dứt.
Như vậy, một ngôi nhà mà số cư ngụ lên đến chín mươi căn hộ, chẳng căn nào không có người, khéo số dân bằng một phố nhỏ. Thế nên, chuyện nhà trên vứt rác xuống nhà dưới là chuyện thường. Cũng thường gặp là một nhà ăn bún chả, mang lò than ra cầu thang, cả xóm biết mùi. Chưa kể, ban ngày nhà tôi được hưởng cái mùi khói của nhà dưới. Một nhà gốc Hưng Yên, có nghề xấy long nhãn, bảo là gia truyền. Ban đêm được nghe tiếng vật nhau huỳnh huỵch của cặp vợ chồng trẻ tầng trên. Chả biết là quá lục đục hay quá yêu nhau nữa. Cũng có cái hay, trẻ con mỗi cầu thang thường có chỗ túm tụm riêng với nhau, hết trò chơi cô dâu chú rể, lại trò dung dẻ dung dăng, dẫn em đi học. Chỗ chơi chỉ là cái không gian chật hẹp quanh các cầu thang. Nhưng trẻ con thì bé người, đâu chơi chả được. Miễn có nhau.
Ấy là thời gian từ giữa đến cuối những năm 1980, kinh tế mỗi ngày một trượt dốc. Có người còn nói, không phải trượt dốc mà đã ngã chỏng gọng ra rồi. Nhà nhà làm thêm. Thường là nuôi gà, nuôi lợn, nấu rượu, nghĩa là đủ các kiểu. Miễn là có thêm cái để va vào miệng. Hoặc nói sang ra là để tự cứu. Cụ Nguyễn Văn Linh hồi đó đã nói, đại ý, phải tự cứu trước khi trời cứu. Nhà tôi, vợ nhận được việc tại công ti, may chăn màn, quần áo gia công. May không xuể, nàng nghĩ ra một mẹo, nhờ hàng xóm. Lạ là trong số những người nhận may gia công phần lớn là dân cục Hai, cách thường dùng để gọi những người ở cục Tình báo của bộ. Mà cũng lạ, trong cái nhà G5 này, sao dân cục Hai nhiều thế.
Thực ra, ngay từ khi mới đến đã thấy dân cục Hai có cái gì đó là lạ. Ông hàng xóm ngay bên nhà tôi có dáng nhỏ nhắn, dường như luôn có thói quen dòm dỏ. Trên mặt, trên người nổi đầy hòn, đầy cục. Bảo, do hồi hoạt động bên Lào. Một gia đình khác ở tầng dưới cùng cầu thang bên có hai ông bà. Ông hiền khô, người Nam Bộ. Bà dân Hà Nội chính gốc, già vẫn giữ vẻ đẹp cao sang. Tôi và một cháu từng sang nhà, được bà đãi món lạ, bánh mì tẩm trứng gà, đem rán. Có điều, cả hai ông bà cùng quá ít nhời, vẻ trầm trầm sao ấy. Ở với một anh con trai, còn cao tuổi hơn tôi, mà chả hiểu sao vẫn không con không vợ. Một bận, thấy vợ chồng bác Cảnh tôi trong Sài Gòn ra, đến thăm ông bà. Tươi cười, nói chuyện với nhau lâu lắm mới bịn rịn chia tay. Ra họ từng cùng ở tù với nhau, mấy năm, khám Chí Hòa, từ thời đánh Mĩ. Nhìn ông, ai bảo từng nằm khám, thời Mĩ Ngụy.
Những người cục Hai khác đến may gia công cho gia đình tôi chủ yếu là vợ con những người hoạt động bí mật trong Nam trước 1975. Họ kể, gia đình bị địa phương bắt lên vùng kinh tế mới, hoặc lên các nông lâm trường ở miền núi, xa tít tắp. Con cái không được học hành,  bị làm khó khi xin việc. Có người con học giỏi, đủ tiêu chuẩn đi nước ngoài. Nhưng bị “trên” chặn lại. Dứt khoát không cho đi. Chỉ còn nước làm công nhân nông lâm trường. Bị quản lí chặt. Có người, thỉnh thoảng địa phương lại cho người dò hỏi, có biết người thân đi đâu, ở đâu không. Cơ cực trăm bề. Mãi sau 1975 họ mới được đơn vị cho người đến đón về Hà Nội. Được xin lỗi, trân trọng lắm, rồi được phân về đây. Không ít gia đình cũng chỉ được căn hộ mười mấy mét như chúng tôi. 
Từng lấy làm lạ, sao cục Hai có lắm người ở cái nhà này thế. Giờ mới hiểu. Với đa số chúng tôi, sau khi qua cái sướng được có nhà là cái cảm giác bức bối, khốn khổ. Thoát cái cảnh dăm bảy hộ chung một căn nhà lại sang cảnh vô số hộ chung một cầu thang. Một người ăn cả mười mấy căn hộ được ngửi. Một đôi vật nhau, cả mấy hộ bên dưới được nghe. Song với người cục Hai, sau những lưu đầy đầy oan trái mà không phải oan trái dài đằng đẵng ấy, thì quả thực G5 là chốn thiên đường. Đọc câu chuyện của con gái nhà tình báo Hoàng Minh Đạo, sao giống nhau đến thế. Vậy là chép lại câu chuyện.

Theo Trái tim người lính.

Bạn đang đọc bài viết "Người Cục hai" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn