Từ xưa đến nay, khi con ngưòi rơi vào cảnh buồn đau, và cảm thấy cô đơn đều lấy trăng làm bầu bạn. Họ tâm sự với trăng đủ điều, và dường như trăng thấu hiểu mọi nỗi niềm của thế gian. Nhưng chưa một ai, kể cả những nhà thơ lớn diễn tả được người bạn trăng của mình như thế nào.
Riêng Hồ Xuân Hương, sau hai lần tình duyên trắc trở với ông Tổng Cóc và ông Phủ Vĩnh Tường, Hồ Xuân Hương đau, niềm đau thân phận. Càng thấm thía hơn nữa cảnh người phụ nữ phải sống trong một xã hội phong kiến suy đồi, người phụ nữ bị đàn áp, bị rẻ khinh. Nhưng là người có học. cá tính lại mạnh mẽ, nên Hồ Xuân Hương có buồn nhưng không ủ rũ, khổ đau, không uỷ mỵ chán chường. Bà mạnh dạn sống theo ý mình, vượt lên trên địa vị bình thường, bước ra khỏi sự phục tùng bằng tài năng và trí tuệ của mình. Đời sống càng bị gò bó bao nhiêu càng thức dậy trong bà sự chống đối, khát khao và ước vọng bấy nhiêu. Rồi khi đi qua vùng sáng tối của cuộc đời, khi đứng trước vô hạn và hữu hạn của thời gian, khi lắng mình trong đêm trừ tịch thì khát khao ấy càng giục giã hơn nhiều:
Mấy vạn năm nay vẫn hãy còn
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn
Hỏi con ngọc thỏ đà bao tuổi?
Chớ chị Hằng Nga đã mấy con?
Đêm vắng cớ chi phô tuyết trắng
Ngày xanh sao nỡ tạnh lòng son
Năm canh lơ lửng chờ ai đó?
Hay có tình riêng với nước non?
Thật bất ngờ và thú vị, nữ sĩ Hồ Xuân Hương không phải đã phóng đại kỳ dị, mà ẩn hiện trong trăng là hình ảnh của chính bà, đang thơ thẩn giữa đêm khuya canh vắng với bao khắc khoải, băn khoăn. Bà không hỏi chuyện với trăng mà tự hỏi chính mình, vì bà là người "Cổ nguyệt" đã đồng nhất và gắn bó với trăng "tự ngàn xưa".
Đặc sắc của Hồ Xuân Hương là hầu hết sáng tác của bà đều lấp lửng nghĩa đôi. Lấp lửng giữa hai hình ảnh, vươn tới sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa vô hạn và hữu hạn, giữa mỏng manh, thoáng chốc và bất biến trong vũ trụ. Mỗi bài thơ là một bức tranh sống động với ngôn từ tuyệt vời. Thơ của nữ sĩ không những chỉ phong phú ngôn từ, đa dạng hình ảnh và sắc màu, còn điểm thêm một nụ cười yêu, ghét vô cùng ý vị. Đó là tiếng nói thiết tha của con người giàu bản năng sinh tồn đối với cuộc sống. Khắc ghi mọi vẻ xấu, đẹp trên đời vào trái tim mình qua sáng tác. Vi giai điệu có khác lạ nên đầy sức quyến rũ, khiến người đến với thơ bà bao đời nay đều phải ngẫm suy, phải phân vân bởi sự biến hoá khôn lường của những con chữ mà Hồ Xuân Hương đã đưa vào mỗi bài thơ một cách khéo léo, tài tình. Tâm trạng người đọc cũng lấp lửng như thơ bà. Họ vừa thích, vừa không thích, vừa khen, lại vừa chê. Nhưng khen hay chê, thích hay không thích thì những gì bà đã để lại cho chúng ta cũng như vầng trăng kia lung linh giữa thế gian với bao giai thoai.
Chẳng phải là, những nhà nghiên cứu văn học đến với Hồ Xuân Hương, cũng như các nhà khoa học nghiên cứu thiên văn đến mặt trăng, nhưng rồi tất cả họ cũng đành quay về thế gian, để lại giữa đất trời một vầng "Cổ nguyệt" lung linh, bàng bạc, khi khuyết, khi tròn và mãi mãi cô đơn trong ánh sáng của chính mình đó sao?