Người đan rổ rá cho làng

Thế Thanh

24/06/2022 21:28

Theo dõi trên

Ông có dáng người như cây tre, cây trúc cũng bởi đời của ông đã gắn liền với nghề đan lát từ khi tôi mới sinh ra, lớn lên đã thấy ông như vậy, nên người ta thường ví von như thế.

288910137-2210820859067785-5275595663092017159-n-1656036801.jpg

Nhà tôi gần nhà ông nên hầu như chỉ lúc đi ngủ là không biết ông làm gì. Tỉnh mắt ra là thấy ông ngồi chéo chân chéo giò đan rổ rá. Cuộc sống quê tôi bình dị như bao ngôi làng khác. Tình làng xóm đong đầy, nói cười như pháo nổ. Thăng hoa nhất mấy cụ ông cụ bà, các bác các chú ngồi chè chén chuyện đi mây về gió có khi cả ngày không biết chán.

Nghề đan lát cũng không phải nghề chính, nên ít người khéo tay theo nghề. Khi cuộc sống đã thay đổi một cách chóng mặt. Người ta đã dùng đồ innox, nhựa thay thế. Nhưng rồi hình như họ chán với những thứ đó lại muốn dùng lại những thứ xa xưa, mà nghe họ nói là dùng để vo gạo đựng đồ cũng thấy đã cái tay, vỗ bình bịch vào cạp rá. Nghe kể xa xa một chút, nhà bố mẹ ông cũng không xa nhà tôi, cụ bà thân sinh ra ông vẫn đang khỏe mạnh. Xưa bà có nghề làm bánh đa nướng, quê tôi gọi bánh tráng. Còn chồng bà làm nghề đan lát, nên cũng quanh nhà tre trúc um tùm, hồi tôi bé tí chạy xuống đó chơi trốn tìm, sợ lắm vì trăng đậu đỉnh tre, gió la đà đung đưa, tiếng cút két nghe hơi rợn gáy, đi chơi đêm về qua bụi tre nhà ông bà nhắm mắt mà chạy thật nhanh. Sợ như có ma đuổi. Nhưng số ông cụ không may mắn, thời chiến tranh bom đạn nổ ra ác liệt. Cạnh nhà là con sông Yên, nơi có bến Sòng đưa chuyển bộ đội và lương thực. Máy bay ném bom dữ dội. Quảng xương ngày ấy nghèo đói, dân công, bộ đội có cả người dân ngã xuống ở bến đò nhiều vô kể. Chỉ nhặt nhạnh vài thứ cơ thể còn sót lại. Nghe là thấy đau xót vô cùng. Bố ông cũng do bom mĩ ném nhiều như thế, khi nấu cơm cho vợ con, đang ngồi chở lửa thì mảnh bom cắt ngang cổ. Nỗi sợ hãi vô cùng. Thế rồi nhà vắng bóng cha, ông Minh là con đầu cũng đã từng học theo bố để làm nên cũng theo nghiệp từ đó.

Ông cứ thế làm ruộng, tối về đan lát, mai bác gái đi chợ bán lấy ít đồng chi tiêu. Miền quê ngoài lúa gạo, cá mắm chỉ vài mớ rau, ít quả, bán để mua ít cá thịt đổi bữa. Có nghề như ông thì cũng kiếm được đồng ra đồng vào. Ông vút thanh tre, sợi mây bóng bẩy đẹp lắm, có lẽ hiểu về tre trúc ở cái làng này không ai có thể chọn được tre cật mây dẻo như ông. Mùa làm lúa nào mủng, thúng, nong, sàng… người dân dùng nhiều vì thế thu nhập cũng được cao hơn. Cuộc sống cứ bình dị như thế. Trôi đi trong âm thầm của dòng thời gian, sự trỗi dậy của kinh tế mới, mở cửa của nhà nước. Đã kéo làng lên nông thôn mới, thay đổi nhanh chóng. Ông vẫn không bỏ nghề. Nhiều người đi làm xa, nghề này nghề kia. Cây tre, cây trúc, cây mây bây giờ cũng ít đi. Ông vẫn làm nghề đó. Nhiều khi chẻ thanh rui, lợp ngói, chẻ lạt buộc đều phải nhờ ông.

Hạnh phúc khi con cái lập gia đình. Ông dần yếu, dù mới 60 tuổi. Do ông ăn không được nhiều, rồi ông tự dưng lắm lúc lại nổi cơn khùng lên cũng chẳng hiểu vì sao như thế. Thấy ông khó tính hẳn. Tôi lớn lên đi học xa, không hay về nhà. Nghe mẹ tôi kể, hôm tự dưng ông đi ra đường dắt trộm con trâu đang ăn cỏ đi lang thang chủ không thấy báo công an, bắt được ông dẫn đi lên làng trên, biết ông giờ không được chuẩn xưa nay hiền như đất, mà ai chẳng biết ông Minh rổ rá. Nên tha về, rồi thuốc thang điều trị. Ông mấy năm sau mới tỉnh táo, có nghề thủ công mĩ nghệ, ông lại ngồi nhà đan lát nhiều mẫu mã thủ công đẹp mà nhanh nên tính theo sản lượng thì người đặt hàng thích nhất đồ của ông. Dù các bà giờ cũng đan làm thêm kiếm tiền, nhưng không ai qua được ông ở cái làng này.

Thế mà, hôm rồi nghe tin ông đang đan thì ra ngoài đi vệ sinh vào ngã cũng không mạnh và nguy hiểm nhưng ông đã không thể tỉnh lại. Tôi giật mình bởi lẽ ở làng quê, tình làng xóm có cái gì đó nó thiêng liêng và kì diệu. Xót xa lẫn thương cho ông con người chân chất hiền lành ra đi chưa tới tuổi “thất thập cổ lai hi”, không phải riêng ông trong làng, ở xóm ai mà mất đi đều cảm thấy vô cùng tiếc nuối và có điều gì đó chạnh lòng thương cảm. Vậy là từ nay không còn nhìn thấy những chiếc rổ rá mới ông đan. Hơn hết tôi sẽ không còn gặp lại ông sau nhiều năm xa quê. Cảm giác buồn mênh mang cho một kiếp người. Có lẽ làng là thế, đơn giản, bình dị thôi nhưng chan chứa tình làng nghĩa xóm.

Câu chuyện tôi kể ra dẫu không phải là những câu chuyện đẹp như trong cổ tích, không li kì như trinh thám. Chỉ là một câu chuyện rất đời thường, giữa cuộc sống không ngừng thay đổi của làng quê ngày nay. Để nhớ lại những tháng ngày dù cuộc sống có nhiều vất vả, khó khăn. Đến cái tivi cũng tập trung nửa xóm tới xem, đến cái công nông cũng cả làng tò mò, nhưng tình cảm thì vô bờ bến. Dẫu vẫn có lúc cãi cọ nhưng rồi đâu lại vào đó.

Cuộc đời đến đi vô thường là vậy, kiếp người bé nhỏ là vậy. Mỗi một con người luôn mang đến cho ta một cảm xúc riêng, một câu chuyện không chung đụng với ai. Có khi không có gì đáng kể nhưng đó là những con người đã mang lại cho làng quê Việt Nam “ cái hồn làng” chẳng bao giờ phai nhạt trong tâm trí biết bao người.

23/6/2022

Chuyện Làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Người đan rổ rá cho làng" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn