Sơn La: Người góp sức lưu giữ trang phục của phụ nữ Mông

Lầu Chia/Tây Bắc

06/02/2022 09:14

Theo dõi trên

Với tiệm may trang phục dân tộc, chị Mùa Thị Tộng ở bản Nà Phiềng, xã Chiềng Kheo, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vừa tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, vừa góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống.

Đến các bản làng đồng bào Mông ở vùng cao Tây Bắc, rất dễ bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ, các chị em gái Mông tranh thủ thời gian rảnh rỗi ngồi thêu thùa, may vá thổ cẩm, trang phục dân tộc. Có những chị em phụ nữ Mông đã  mở tiệm may trang phục dân tộc, vừa tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, vừa góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Chị Mùa Thị Tộng, dân tộc Mông ở bản Nà Phiềng, xã Chiềng Kheo, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La là một trong những người như vậy.

 

Vốn là người con của đồng bào Mông sẵn biết nghề thêu thùa, may vá, năm 2019 chị Mùa Thị Tộng đã quyết định đầu tư 20 triệu đồng để mở tiệm may trang phục phụ nữ Mông. Lúc đầu chị chủ yếu phục vụ gia đình và bà con trong bản.

Chị Tộng cho biết trước đây, bộ trang phục của người phụ nữ Mông như áo, váy, quần được làm hoàn toàn thủ công từ các nguyên liệu tự nhiên như vải lanh; được nhuộm màu tự nhiên, đánh bóng bằng sáp ong; khâu may thô sơ, không có nhiều họa tiết, trang trí hoa văn. Tuy nhiên, với cách làm này phải mất nhiều công sức, thời gian (khoảng 4 hoặc 5 tháng) thêu, khâu tay rất tỉ mỉ từng chi tiết mới hoàn chỉnh một bộ trang phục phụ nữ loại đơn giản, với giá bán 500 - 600.000 đồng, còn những bộ áo váy đẹp, cầu kỳ, nhiều màu sắc ít nhất phải mất khoảng 1 năm, giá bán từ 1 đến 2 triệu đồng.  

Trăn trở nghĩ cách giảm thời gian, công sức để cho ra được bộ váy áo dân tộc, vừa bắt kịp xu hướng mới, lại vẫn giữ được những nét truyền thống, chị Tộng đã dần trang bị được đầy đủ máy móc, sử dụng vải dệt công nghiệp, với nhiều trang trí họa tiết, hoa văn và cải tiến cách may. "Để có những bộ áo váy đẹp, tôi phải luôn học hỏi kinh nghiệm, cách thêu may, xếp các họa tiết hoa văn làm sao cho phù hợp, đẹp mắt, mới lạ. Việc này tôi tự học, tự nghiên cứu làm theo kinh nghiệm kết hợp với cách thêu, may truyền thống và học hỏi qua mạng internet về cách may trang phục của dân tộc Mông ở các vùng khác, từ đó có thêm nhiều mẫu mã khác nhau, đáp ứng nhu cầu của khách hàng”- chị Tộng cho hay.

 

Công việc may trang phục dân tộc đòi hỏi phải chăm chỉ, tranh thủ thời gian, làm cái này xong lại đến cái kia, cứ luân phiên như thế cả ngày không ngừng nghỉ. Để có những bộ trang phục hoàn chỉnh, đẹp, đáp ứng yêu cầu của mỗi chị em phụ nữ thì đường kim, mũi chỉ cũng phải đẹp; biết phối hợp ghép các mảnh vải, thêu các họa tiết hoa văn trên bộ áo váy, mũ, nhất là các bộ trang phục dạ hội, biểu diễn nghệ thuật theo kiểu dáng khác lạ, cách tân.

Ví dụ như chiếc áo, đầu tiên là cắt thân áo, thêu viền áo, tay áo rồi sắp xếp thêu may các họa tiết hoa văn, đính những hạt cườm, đồng xu rất cầu kỳ, tỉ mỉ trên cả thân áo, tay áo làm sao cho phù hợp, đẹp mắt..... Chính sự tỉ mỉ trong từng công đoạn thêu, may từng chi tiết như vậy nên dù hiện nay một số sản phẩm nhỏ như tay áo, viền áo đã được may (thay vì khâu tay hoàn toàn) như trước, thì để hoàn chỉnh một bộ trang phục phụ nữ Mông cũng mất rất nhiều thời gian. Riêng phần thô, một bộ áo váy đã mất 2-3 ngày, còn thêu là khoảng 2 tuần, những bộ nào cầu kỳ cũng mất đến cả tháng.

Tuy nhiên, thêu may theo cách cải tiến này, những sản phẩm chị làm ra lại bán được nhiều hơn và thu nhập cũng cao hơn hẳn so với trước, trung bình mỗi tháng chị bán được khoảng 25 bộ áo váy, thu về gần 20 triệu đồng/tháng. Không chỉ phục vụ chị em trong bản, các sản phẩm váy áo của tiệm may nhà chị Tộng cũng được nhiều chị em ở các xã, bản khác biết đến và đặt mua.

Từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đi lại của người dân hạn chế, chị lại tập trung vào các sản phẩm áo váy, mũ, yếm của trẻ nhỏ phục vụ bà con. Chị Mùa Thị Tông cho biết: “Từ khi có dịch bệnh Covid-19, ít khách qua lại do giãn cách xã hội, ít tổ chức những sự kiện lễ hội. Tôi chú ý thêu may các sản phẩm nhỏ như cái yếm, áo váy cho trẻ em gái mặc vui chơi ở nhà, đi học".

Chị Mùa Thị Tộng cũng truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn các chị em phụ nữ trong bản, xã khác cách thêu, may trang phục dân tộc để có thêm nguồn thu lúc nông nhàn. "Chị Tộng là một người rất năng động, luôn có những sáng kiến, cách thêu, may trang trí trang phục rất đẹp. Tôi đã được chị truyền dạy những kỹ năng thêu, may trang phục của dân tộc mình và hiện giờ tôi cũng đã biết may, mở được một tiệm may trang phục dân tộc tại địa phương. Trừ hết tất cả các chi phí mỗi tháng tôi cũng thu được gần chục triệu đồng từ bán các sản phẩm trên. Cảm ơn chị Tộng rất nhiều”- chị Giàng Thị Cở (xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn), người được chị Tộng truyền dạy kỹ năng thêu, may trang phục dân tộc chia sẻ.

Với nỗ lực của mình, chị Mùa Thị Tộng và chị em phụ nữ dân tộc Mông ở các bản làng vùng cao Sơn La đang góp sức gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống và trang phục đặc sắc riêng có của dân tộc.

Bạn đang đọc bài viết "Sơn La: Người góp sức lưu giữ trang phục của phụ nữ Mông" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn