Người kể chuyện làng bằng những vần thơ

Tôi thấy người ta thường khen một bài thơ hay là bài thơ có ngôn từ đẹp, mới lạ và nhất là phải ẩn trong câu chữ những biện pháp nghệ thuật độc đáo. Tôi vốn không phải người yêu văn thơ cho lắm, và nghề nghiệp cũng chẳng có chút gì liên quan đến thơ văn.

Ngoài những bài thơ được học thời học sinh, hay những bài thơ nổi đình nổi đám, tôi lại hay đọc thơ của mẹ tôi, một "nhà thơ vườn" sáng tác. Và, tôi đánh giá thơ mẹ tôi làm cũng rất hay.

chla-qu1qs-1632125380.jpgẢnh minh họa do tác giả tuyển chọn.

Tất nhiên rồi, người xưa chả từng nói "con hát mẹ khen hay", ở đây mẹ tôi sáng tác, cả nhà cùng thưởng thức, thấy những vần thơ ấy rất thân quen với cuộc sống của gia đình, với ngạc nhiên là sao mẹ có thể tài tình mà xếp được những ngôn từ như vậy. Mẹ làm được bài nào hay đọc cho cả nhà nghe. Dĩ nhiên, bố tôi là người duyệt trước. Câu nào chưa ổn, sẽ được góp ý ngay nhưng cũng ít khi phải chỉnh. Bố bảo, "mẹ mi giỏi đấy". Mẹ đọc chúng tôi nghe những khi quây quần bên nhau, và cả nhà được bữa bàn tán rôm rả.

Tôi thỉnh thoảng có lướt xem vài trang thơ Facebook, thấy nhiều bài thơ cũng hay, đa dạng. Có những mối tình mùa thu lá vàng rớt rụng, hoa ti gôn hồng vỡ nát trái tim yêu, mùa xuân nước mắt chảy tràn, rồi mùa đông tim yêu băng giá... còn mẹ tôi thì khác, giản đơn hơn. Chủ đề mẹ làm chỉ xoay quanh mấy chuyện trong làng xã, chuyện ngày xưa, ngày nay, tình làng nghĩa xóm. Ở làng xã, ít người không biết, mẹ tôi tên là Lê Thị Huệ, nổi tiếng làm thơ hay. Hễ có dịp hội gì trong làng Thành Phú, khu 3 hay trên Thị trấn Quán Lào, mẹ tôi thường ứng tác được ngay một bài thơ.

Mẹ tôi thích làm thơ lục bát nhất. Mẹ vừa sáng tác thơ, vừa đơm thành vần khớp những điệu chèo mà hát mà ngân. Mẹ thường khâu áo cũ hay đan len bên hè, mẹ ngồi mẹ hát những câu thơ. Cũng có thể vì vậy mà những vần thơ ấy ngấm dần vào tâm trí của chúng tôi. Đến nỗi, khi tôi đăng một câu thơ của mẹ lên Facebook, chị dâu tôi phát hiện chính là thơ của mẹ tôi ngay. Những vần thơ gắn liền cuộc sống, không gượng gạo, không cố ép để nặn ra thơ.

Thỉnh thoảng tôi cũng đọc một vài tập thơ (nhà tôi bán sách cũ), có hay, có dở. Nhưng tôi cũng không đủ năng lực để cảm nhận được nhiều vẻ đẹp thơ của người ta. Và, tôi nghĩ, nhiều bài thua thơ của mẹ. Mẹ chẳng có tập thơ nào xuất bản, nhưng người làng, người quen, kể cả người từ thành phố, cứ đòi mẹ viết tặng họ để đem về nhà đọc. Mọi người cứ "xui" chúng tôi gửi đến các báo đăng thơ, nhưng mẹ gạt đi bảo "cây nhà lá vườn, ai người ta thèm đăng".

Tôi thích đọc bài "Nhớ quê" của mẹ. Không phải mẹ tôi phải xa quê rồi nhớ, mà vì khi tách đất làng, phần đất nhà tôi thuộc về thị trấn, đất nhà bà ngoại vẫn ở lại Định Tường:

"...Bấy lâu đứng ở bên này

Nhìn về bên ấy lòng đầy nhớ thương

Cùng chung đi một con đường

Mà ai cứ bảo Định Tường chia đôi..."

Hay như bài "Đi hội làng" cũng rất ấn tượng:

"...Nhớ quanh đình có hàng dừa

Nhìn đình lại nhớ ngày xưa hát chèo

Nhớ quê ngày ấy gieo neo

Quanh năm vất vả cơm đèo sắn khoai

Sân đình vừa rộng vừa dài

Bao lần đưa tiễn chân ai lên đường

Tuổi xuân tạm biệt quê hương

Lên đường chinh chiến tiền phương xa nhà..."

Bố tôi thì thích nhất bài "Kể em nghe chuyện cổ tích làng Thành Phú", vì bố là người đi ra, cũng từng xa quê, nên khi nghe thơ mẹ sáng tác, bố cứ phải gật gù khen:

"Em ơi ngày ấy đã lâu

Nơi đây là khúc sông sâu lấp bồi

Giữa dòng Mạn Định nổi trôi

Hai bên nước chảy như đôi con rồng

Nói ra em có tin không

Quê ta là ở giữa dòng sông xưa

Trải bao sóng, gió, bão, mưa

Phù sa bồi đắp, sông xưa mà thành

...

Nghe xong em chớ ngỡ ngàng

Mất cây đa, mất cây bàng cổ xưa

Còn đâu soi bóng rặng dừa

Lũy tre gió thổi đung đưa trước làng

Bây giờ đổi mới khang trang

Chỉ còn chuyện cổ tích làng mà thôi!"

Còn rất nhiều, rất nhiều bài thơ nữa. Chúng tôi dự định sẽ nhờ một người có chuyên môn thơ văn chỉnh sửa những chỗ còn sai sót, in một tuyển tập thơ. Để cho mấy người hay xin thơ của mẹ có cả quyển đọc cho dễ, rồi lưu lại cho con cháu chúng tôi sau này đọc hiểu cả chuyện cũ làng tôi. Mấy bác hay đến chơi nhà, đánh giá mẹ tôi là người kể chuyện làng bằng những vần thơ!

Theo Chuyện làng quê