Người lính cuối cùng của Trung đội cảm tử đầu cầu Thạch Hãn

Đ.Tuyên

09/08/2021 16:16

Theo dõi trên

Câu chuyện của người lính ấy là một khúc bi tráng bên bờ Thạch Hãn, đã hơn 35 năm rồi vẫn nóng hổi niềm xúc cảm, bùi ngùi.

nguoi-linh-cuoi-cung-1628500177.jpg

 

Ðêm 9-4-1972 trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị, một trung đội 20 người do Thượng sĩ Mai Quốc Ca quê xã Hà Hải, Hà Trung (Thanh Hóa) làm B trưởng mang theo thuốc nổ được du kích xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong dẫn đường bí mật thọc sâu để đánh sập cầu Thạch Hãn, cắt đứt tuyến quốc lộ 1A nối thị xã tỉnh lỵ Quảng Trị với căn cứ Ðông Hà và sân bay Ái Tử.

Sáng 10-4, trước nguy cơ bị chia cắt, địch đã huy động ba tiểu đoàn dù và thủy quân lục chiến, có sự yểm trợ của pháo binh và xe tăng hòng đẩy ta ra khỏi chốt. Cả ba mặt đều có địch.

20 chiến sĩ giải phóng quân đã quần nhau với địch suốt một ngày, tiêu diệt hàng trăm tên, bắn cháy nhiều xe tăng, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của chúng. Nhưng quân địch quá đông và hỏa lực quá mạnh, các chiến sĩ đã bắn đến viên đạn cuối cùng rồi tuốt lê xông lên giáp lá cà với bọn ngụy và từng người, từng người một trúng đạn, ngã xuống...

Thấy Vũ Ngọc Thành còn thoi thóp, giặc đã bắt anh đi. Còn 19 liệt sĩ, chúng dùng dây buộc vào xe jeep rồi kéo lê dọc theo quốc lộ 1A ra tận Ái Tử để thị uy dân chúng. Tiếc thương các anh, ngay đêm đó các mẹ, các chị ở thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng đã kéo ra đấu tranh, giành giật với giặc từng liệt sĩ một. Có mẹ lăn xả vào bánh xe để ngăn không cho chúng kéo lê các anh. Cuối cùng, bọn địch phải nhượng bộ. Bà con Triệu Thượng đưa thi hài 19 liệt sĩ về chôn cất trong làng...

Trả thù cho các anh, những đồng đội ở Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 đã tiến công đạp bằng căn cứ Ðông Hà, Ái Tử, La Vang, đêm 27-4 đánh sập cầu Thạch Hãn rồi vượt sông vào giải phóng tỉnh lỵ Quảng Trị ngày 1-5-1972...

Giấy báo tử của 20 liệt sĩ Trung đội 2 đã gửi về đến quê nhà, trong đó có 13 liệt sĩ quê Thanh Hóa, bốn người khác ở Nghệ An, có đồng chí quê ở Hà Tây, Hà Tĩnh... Năm 1973 cả trung đội được truy tôn Anh hùng LLVTND.

Năm ấy, mẹ Vũ Ngọc Thành đã 65 tuổi. Tin đứa con trai độc nhất hy sinh đến khi trên đầu bà khăn tang người chồng vừa mới được quấn lên. Nhưng cũng như bao nhiêu bà mẹ Việt Nam gửi con ra trận, mẹ vẫn tin Vũ Ngọc Thành sẽ trở về...

Và anh trở về thật. Ngày "liệt sĩ" Vũ Ngọc Thành vác ba lô về làng khiến thôn Ðồng Minh vui như hội. Bởi bao nhiêu trai làng ra đi mà không về...

Mừng vì may mắn hơn đồng đội, nhưng Vũ Ngọc Thành luôn canh cánh về những tháng năm chiến trường. Anh không thể nào nguôi quên trận chiến bên cầu Thạch Hãn hơn 35 năm trước. Và dù cuộc sống của nhà nông không được dư dật, Vũ Ngọc Thành cũng cố tìm cách quay về chiến trường xưa tìm đồng đội.

Trong nghĩa trang Triệu Phong, hàng mộ 19 liệt sĩ Trung đội 2 vẫn chưa xác định được tên tuổi từng người. Họ đều mang một cái tên chung mà đồng bào, đồng chí Quảng Trị thân thương vẫn gọi "Liệt sĩ Trung đội Mai Quốc Ca anh hùng". Riêng ngôi mộ mang tên liệt sĩ Vũ Ngọc Thành thì nằm ở khu mộ khác. Có lẽ khi hy sinh, có một liệt sĩ nào đó đã mang theo mình những thông tin của Vũ Ngọc Thành chăng?

"Người nằm dưới mộ này có thể là người tôi đã quen hay chưa hề gặp nhưng chắc chắn đó là một đồng đội của mình. Bởi vậy anh ấy chính là một phần của cuộc đời tôi." Vũ Ngọc Thành tâm sự.

Người lính cuối cùng của trung đội cảm tử đầu cầu Thạch Hãn năm ấy giờ đây là một thương binh ở làng Ðồng Minh, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Anh không nhớ đã bắn bao nhiêu viên đạn, đã diệt bao nhiêu tên địch và bị bao nhiêu vết thương, nhưng trong ký ức vẫn tươi nguyên từng khuôn mặt của B trưởng Ca, B phó Nghị, của Thắng, Duy, Oai, Tiến, Gió, Ðức, Vượng... Những đồng đội cùng quê, nhập ngũ cùng ngày, bao phen chia lửa, chung hầm. Bởi thế, giờ đây bất chấp di chứng của đạn bom còn âm ỉ trong mình, người lính ấy vẫn "xung kích" vì cuộc sống yên bình của làng quê, như mơ ước cháy bỏng của những đồng đội trước khi ngã xuống.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Người lính cuối cùng của Trung đội cảm tử đầu cầu Thạch Hãn" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn