Người mẹ nghèo nhỏ thó

Thế Thanh

16/07/2022 10:51

Theo dõi trên

Mỗi buổi sáng tới chợ ai cũng vượt qua một chiếc xe chở đầy hoa quả lèo bèo, vài cây mía quả cam quả xoài chõng chơ. Màu không được tươi mới lại nám đen lỗ chỗ, lốm đa lốm đốm. Người mẹ nhỏ thó  ấy đèo thêm thằng cu con bé tẹo, ngồi trên yên xe. Ông tướng vắt va vắt vẻo trông đến tội, nắng mưa xối xả thì mẹ con cũng dắt díu nhau khắp ngõ thôn.

nguoi-me-1657943412.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Cuộc đời của bà mẹ ba đứa con cứ tưởng như lặng chìm là là dưới lớp bùn đen. Thế mà lại như những bông hoa sen vượt lên khỏi mặt nước hướng về phía ánh sáng bình mình tươi đẹp.
Tôi có dịp ghé qua khu làng giáp ranh giữa huyện quảng xương quê tôi và nông cống. Thực chất đất thuộc huyện quảng xương nhưng lại gần Nông Cống hơn. Cuộc sống người dân ở đây gắn liền với cánh đồng lác vô cùng thơ mộng bên dòng sông Yên hiền hoà. Nói vậy chứ nắng khủng khiếp và mưa cũng lầy đến sợ. Ngày xưa khi đường xá còn sơ sài thì dân đói nhất khu vực Quảng Xương là ở đây. Cách đò cách sông, ruộng phèn chua vàng óng. Nhân dân đói khát làng mạc sơ sài lỏm chỏm mấy ngôi nhà, tan tác đi khắp nơi như chim lìa đàn. Đa phần vào vùng kinh tế Miền Nam. Cô Na cũng gắn bó với đất làng này từ khi lọt lòng cho tới thời quần thủng đít, chân không dép, áo không khuy. Lớn lên vẫn gắn với nghề nông bạc phếch màu nắng cháy bùn đất. Chẳng hiểu sao cừ sòn sòn ra ba đứa. Hai cô chị một ông tướng bé tẹo teo.
Thời gian cô vất vả hai đứa con gái đầu sinh đôi. Cô nuôi bằng bữa cơm bữa cháo, mà đa phần là cháo rau qua ngày không mấy khi có cơm gạo đầy đủ. Cũng được làng xóm đùm bọc nhưng cái nghèo khổ bao trùm cả diện rộng nên gần như tự sinh tự nuôi. Gia đình nhà cô thì mấy anh chị em cũng quanh quanh ở gần, khá hơn cô chút đỉnh, cô may được mảnh đất bố mẹ để cho miếng to bằng bốn năm mảnh chiếu. Tính cô lại không được bình thường cho lắm. Chẳng hiểu sao vùng quê những người nghèo nhất thường là có sự khờ khờ nói như ông cha là không được khôn cho lắm. Mùa lác cô đi làm thuê, hai chị em 3-4 tuổi tự trông nhau, về kịp lúc nào ăn lúc đó không chơi cùng mấy đứa bạn xóm quên cả đói. 
Khi con lớn vào cấp một chẳng hiểu sao mà hai đứa học giỏi nhất vùng, đi thi huyện nhất huyện, học lực lúc nào loại giỏi mà ngày trước thì loại giỏi không tràn lan như bây giờ. Học sinh giỏi một xã may ra được 1-2 em. Con nhà cô hai đứa lĩnh trọn. Được xã tặng thưởng hội này hội kia chúc mừng. Lại thêm cái sổ hộ nghèo như sơ mướp hỗ trợ nên cô cũng cứ thế mà cười nói vui vẻ, kệ đời. Mà cô có bảo được cháu học đâu cô học đâu lớp 1-2 ngày xưa rồi bỏ dở. Hai đứa đi học về là đi mót lác mót lúa. Cô có xe cà tàng, chẳng có chân chống cũng chỉ có một bên phanh.

Không có cái lồng bu úp vào bánh xe nên đi trời mưa nó bắn là bẩn từ đầu tới chân. Có người thấy thương bảo cô đi mua hoa quả với vài cây mía về bán. Đan ở đâu được hai cái rọ, bỏ vào đó ngày ngày đi bán chợ Vàng rồi cầu sông Hoàng cũng có người thương mua giúp. Còn kẻ ác mồm thì trêu chọc rồi nói là nhìn bẩn thế ai mua, hoa quả keo quắt ăn ra gì... cái gì người ta cũng xì xào. Riêng con cái cô con ai thì họ lại không nói vì cảm thông cho cô. Với nói cô để ý đâu, cô không được khôn mà. Cuộc đời cứ kệ ai làm gì thì làm ai giàu sang mặc ai hai đứa con cô lên cấp ba, cô lại sinh thêm một cậu nhóc to hơn con lợn con một chút. Thế mà hay, mấy anh em nhà cô thấy thương mẹ con cũng  giúp đỡ. Cuộc sống trôi qua lặng lẽ.
Có lẽ cái được nhất, vĩ đại nhất theo suy nghĩ của nhà nông, đó là hai chị em vào đại học. Không có gì phải bất ngờ nhưng không thể không kể tới. Chị gái đậu Đại Học Ngoại Thương, cô em đậu Học Viện Quân Y. Cả trường cấp ba nổi tiếng nhiều học sinh giỏi nhưng hai chị em mà đậu trường tốp một như thế là hiếm có, lại sinh đôi nữa chứ. Ai cũng khen bà này có phúc thế, cô ấy chẳng thèm để ý cứ qua nhà ai là dừng lại đằng sau đèo thằng cu quần cộc lốc, mũ thì rách như tổ đĩa “ai mua cho cháu ít hoa quả gọi là không?”. Người cảm thương thì mua người không thích thì chẳng thèm trả lời. Đôi khi không muốn cô vào nhà sợ bẩn, rồi mùi hôi người. 

Hai đứa chị được quỹ học bổng rồi quỹ khen thưởng tỉnh ở huyện ở xã rồi về thôn, cũng là có cái cho con bé học Ngoại Thương ít tiền một hai tháng học ngoài Hà Nội, còn sau đó tuỳ nó chứ bà cũng chịu, có một sào ruộng, bán ba trái nửa mùa nên không có cái gì cho con. Được cái có một đứa học mất học phí nên nó cố gắng học bổng rồi làm thêm nên cũng tự nó nuôi lấy thân. Thời gian hai đứa thay nhau ra trường tự xin việc tự đi làm theo cơ quan nhà nước phân công với công ty mời về nên hai đứa cũng có ông ăn việc làm tốt. Lúc này đứa út đang học cấp một nhưng nghe ra giỏi chẳng kém hai cô chị lúc nào đứng nhất toàn trường, toàn huyện. 

Nó có xe đạp hai chị mua cho theo mẹ đi bán hàng, nhìn nó với mẹ nó nhỏ thó ngồi góc nhà ai rìa đường ăn vặt vài thứ linh tinh rồi tối về nấu cơm ăn mà tội. Cô thì vẫn vậy cũng chẳng khác lên chút nào, vẫn nhỏ thó, ai hỏi hai đứa con gái sao. Cô bảo :”nó đi làm lấy chồng, chồng đứa thì nhà báo đứa thì kĩ sư. Cũng chẳng mấy khi gặp nên thi thoảng nó rãnh về chơi có cho vài đồng mà không lấy, tự nó làm nó ăn mình làm mình ăn. Nó nuôi con nhỏ, nó hay cho thằng em này để có ít tiền mua sách vở”. Cô hồn nhiên lắm, cô có hai mẹ con nên bảo chẳng mất nhiều tiền, nhà nước giúp đỡ rồi tôi đi bán hàng nên không mượn chúng nó lo. Cô cứ thế ngày ngày đi bán hàng chẳng có lo nghĩ gì. Hôm rồi đứa út tổng kết lại đứng nhất, ôm trọn giải nhất Toán huyện cô cười bảo nó nhác học mà giỏi như chị nó. Mà giỏi cũng được không cũng không sao con gái lo ế chồng, con trai mặc xác nó lớn lên tự lo.

Cô cười nói rôm rả rồi hai mẹ con đạp xe khuất sau cây đa cuối làng rẽ về nhánh đường hoang bờ ruộng. Nơi mái nhà cấp bốn cũng đã mới và đẹp hơn. Cô cứ như một nét cũ trong một bài thơ hồn nhiên giữa cái làng đầy thơ mộng, cánh đồng xanh bên dòng sông hiền hoà. Giản dị ở thôn làng là từ những mảnh đời nhỏ bé và tâm hồn chân quê mộc mạc. Đã vượt qua khó khăn để vươn lên một cuộc sống tốt đẹp hơn. Vẫn luôn gìn giữ nét hồn hậu nơi làng quê bao đời êm ả.

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Người mẹ nghèo nhỏ thó" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn