Người nữ huyền diệu

Tiểu An (th)

07/10/2021 21:17

Theo dõi trên

“Người nữ huyền diệu” là hiệu của một người phụ nữ đầu tiên được phong làm quan thời phong kiến Việt Nam. Bà còn là tổ của một loại hình nghệ thuật.

to-nganh-san-khau-1633613506.jpg
Một cảnh chèo. Ảnh internet

Bà là Phạm Thị Trân (926 – 976), bà làm quan thời nhà Đinh, là tổ của nghệ thuật hát chèo, cũng được coi là tổ của sân khấu Việt Nam.

Phạm Thị Trân có hiệu là Huyền Nữ, tức Người nữ huyền diệu. Với những đóng góp cho nghệ thuật dân tộc, bà được thế giới tuyển chọn là “Những hình tượng phụ nữ nổi tiếng nhất của nhân loại từ thời tiền sử đến nay”.

Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam, mang tính quần chúng. Trong chèo có lạc quan, giáo huấn, lãng mạn, trữ tình, anh hùng ca…

Theo nguồn tin Phụ nữ Việt Nam, Bà Phạm Thị Trân sinh năm 926, mất năm 976, hiệu là Huyền Nữ. Bà là một nữ nghệ sĩ thời nhà Đinh, đời vua Đinh Tiên Hoàng. Trong sách “Đả cố lục” chỉ ghi Phạm Thị Trân sinh ở Hồng Châu, vùng đất này thuộc các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Miện (tỉnh Hải Dương) và Yên Mỹ, Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) ngày nay.

Bà vừa có nhan sắc lại có tài múa hát nên ngay từ nhỏ đã nổi tiếng khắp vùng. Bà luôn giữ vai trò chủ chốt trong các nhóm, các đoàn đi múa hát thời đó. Lời ca tiếng hát của bà được dân gian ca ngợi thành thơ: “Múa hát như muốn hát bàn đào/ Hát giục mây bay, giục gió ào/ Tiếng hát kinh hồn quân bạc ác/ Lời than làm nhỏ lệ đồng bào”.

Bấy giờ nước ta vừa thoát khỏi ách đô hộ nhà Đường, Trung Quốc. Vào thời kỳ này giáo phường dân gian đang rất phát triển, là nơi tập hợp những người làm nghề hát xướng. Các giáo phường thường giữ vai trò chủ chốt trong các đám tế thần và các buổi hội làng. Phạm Thị Trân là một trong những đào nương lừng danh trong chốn giáo phường, đã hát hay múa giỏi lại đánh trống rất tài, danh tiếng lan truyền khắp nơi. Giáo phường của bà thường được các danh gia vọng tộc khắp vùng mời đến biểu diễn.

Năm 968, vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, đóng đô ở Hoa Lư, thiết lập cung điện, định đặt triều nghi, tổ chức lại quân đội. Quân đội thời cổ thường dùng trống làm hiệu lệnh, nghe đồn về tài đánh trống của bà, vua Đinh đã mời bà về kinh đô Hoa Lư dạy quân lính đánh trống lệnh. Đôi quân Thập đạo của nhà Đinh hơn vạn người vốn toàn nông dân chưa quen với quy củ từ đó răm rắp tiến thoái theo lệnh trống. Tại kinh đô, bà không chỉ dạy đánh trống mà còn dạy múa hát diễn trò trong cung và được nhà vua phong là Ưu bà (nghĩa là người phụ nữ lớn tuổi đáng kính làm nghề hát xướng).

Lời ca của bà mang tinh thần thượng võ yêu nước: “Chinh tòng chinh, chinh tòng chinh/ Bất diệt thù hề, bất nguyện sinh” (Đi chiến đấu, đi chiến đấu, không diệt được thù không thèm sống). Cách rước trống chèo nhà Đinh của bà Phạm Thị Trân có sức cổ vũ lớn đối với tinh thần chiến đấu của quân sĩ: “Nam chinh sát Bắc tướng, diệt Bắc tướng. Nam thiên sinh vương, Nam thiên sinh vương thánh, thánh Đinh vương xưng đế” (Quân Nam giết tướng Bắc, diệt tướng Bắc, trời Nam sinh vương, trời Nam sinh vương thánh, thánh Đinh vương xưng đế). 

Có thể nói Ưu bà Phạm Thị Trân là một trong những nghệ sĩ nổi danh có đóng góp lớn cho việc hoàn thiện nghệ thuật nhạc trống trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Từ việc dạy cung nữ, binh lính sử dụng các loại nhạc cụ, ca hát, nhảy múa với nội dung, sắc thái mang tinh thần thượng võ và yêu nước, dần dần bà Phạm Thị Trân đưa bộ môn nghệ thuật đó lên sân khấu, diễn tả từng tích sinh hoạt gần gũi với đời sống xã hội nông nghiệp, được không chỉ quân lính mà đông đảo người dân cũng rất yêu thích. Nghệ thuật hát chèo manh nha và phát triển từ thời đó.

Về sau, bà Phạm Thị Trân được nhân dân vùng Hải Dương – Hưng Yên tôn làm bà tổ nghề hát chèo và lập đền thờ phụng. Hàng năm cứ đến ngày 18 tháng 2 Âm lịch – ngày giỗ của bà, hội làng được tổ chức linh đình với chiếu chèo rộn rã tiếng trống làm náo nức lòng người.

 

Bạn đang đọc bài viết "Người nữ huyền diệu" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn