Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ sinh năm 1966, quê quán xã Thạch Tiến, Thạch Hà (Hà Tĩnh). Nhập ngũ tháng 2/1985, tại Sư đoàn 441, Quân khu 4. Từ tháng 12/1985 đến tháng 10/1986 Nguyễn Đăng Độ chuyển đến Tiểu đoàn 1016 sư 316 Hoàng Liên Sơn. Đến tháng 11/1987, chuyển ngành vào Tây Nguyên, công tác tại Công ty kinh tế Đảng, thuộc Ban kinh tế Tỉnh uỷ tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Hiện sống và làm việc tại thành phố Đà Nẵng.
Nếu nói Nguyễn Đăng Độ mang mầm mống thơ từ làng quê Hà Tỉnh nơi anh sinh ra, từ “ đi mô cũng nhớ về Hà Tỉnh”; đến “Thương con bò cắm cây sào đứng đợi”, thì những năm tháng trong môi trường quân ngũ là thời gian để anh thai nghén hồn thơ với một thế giới nội tâm sâu sắc, tinh tế, rồi đến thời gian sau khi anh về với bà con vùng quê bắc Tây Nguyên, Đăng Độ lại tích nạp thêm nhiều vốn sống, những hình ảnh bắt mắt, đậm chất của bao em gái miền sơn cước.
Đủ nắng thì hoa nở. Cuộc sống đã đưa đẫy anh xuôi về với phố biển Đà Nẵng (không biết do công việc hay do “trốn tình”, bởi có người nói vậy…), cũng tại đây tiếng sóng biển, gió biển, ánh chớp và bão gió từ biển đã đưa một cựu chiến binh vươn mình nhã ra những vần thơ mới lạ mà xao xuyến và cũng đưa đến nhiều thú vị cho giới chuyên môn và bạn đọc.
Con người sao, thì thơ Nguyễn Đăng Độ vậy. Mộc mạc mà trọn vẹn nghĩa tình quê cha đất tổ, tình cha nghĩa mẹ, tình bạn, tình người và tình yêu đôi lứa. Mỗi bài thơ của anh là một dấu ấn kỷ niệm của cuộc đời. Với những bước chân chưa biết bao giờ dừng lại, bao miền quê anh đã đến và đi qua, trong chặng đường đó đã có bao người anh đã gặp gỡ và quen biết, mỗi gam màu quê hương, mỗi ánh mắt, nụ cười đều được lưu trữ cẩn thận, để sau đó anh lại chắt chiu gửi gắm vào những dòng thơ.
Đọc thơ anh, ta như thấy những cánh cò chiều tắt nắng thảnh thơi thả cánh bay về; bình minh trên quê hương yên bình; tình cảm gia đình, tình anh em, bạn bè, đồng đội như hiện về ẩn hiện. Mỗi dấu ấn ấy luôn như một bài ca tôn vinh, tri ân, bài học làm người mà anh đã trải qua. Bởi với anh, thơ ca chính là cuộc đời anh, là hành trình đi tìm cái đẹp để yêu, đi tìm và định vị một lý tưởng sống của riêng mình một cách ý nghĩa. Ba tập thơ của Nguyễn Đăng Độ đã xuất bản, là những bài thơ có chung một trường cảm xúc, đó là nỗi nhớ của người con đối với cha mẹ, nỗi nhớ quê hương đến da giết, nhớ bạn bè, nhớ đồng đội, nhớ người yêu...
Hẳn ai đã từng tiếp xúc với Đăng Độ, từng đọc ba tập thơ “Tình quê”; “Hương xa” và “Những vần thơ yêu thương” của nhà thơ một thời áo lính sẽ không thể quên một giọng thơ ấm áp, dung dị như đời thường vốn có, một con người nghĩa tình, tháng ngày đau đáu hướng về quê hương, nguồn cội. Có thể nói, mỗi nét chữ anh gõ lên bàn phím, một câu thơ anh viết ra được chắt chiu, gọt giũa như chính “cái tôi” của anh giữa tháng năm cùng gia đình, bạn bè, điều đó có nghĩa những gì anh viết ra là những gì bản chất nhất, gan ruột mà mộc mạc, dung dị mà yêu quý nhất.
Chế Lan Viên từng viết: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở /Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!”. Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đến với Với Tây Nguyên, với Kon Tum những ngày tháng không dài so với những bước chân trên dặm đường xa ngái, nhưng cũng đủ để anh thấm hết cả những trầm tích văn hóa, lịch sử và con người ở đây một cách sâu nặng và vương vấn nhất. Thời gian ở nới đây anh đã thai nghén và sinh ra những vần thơ vấn vương với đất, với trời và con người Tây Nguyên hay và thiết tha đến vậy. Bài thơ: Hẹn với Kon Tum, Cao nguyên và nỗi nhớ, Gửi về em, Thơ tình anh viết. Những bài thơ “Cao nguyên và nỗi nhớ”; “Cõng chữ về bản”; “ Âm vang Trường Sơn”; “ Huyền thoại một ngã ba”…và đặc biệt là bài “Thương mẹ” hàng trăm câu thơ hiện lên như một bức tranh thật đẹp và bình dị, hay gần gũi mà hấp dẫn. Những bà thơ trên và hơn 100 bài thơ khác đã được các nhạc sĩ phổ nhạc thành những bài ca “đi cùng năm tháng” mà các chương trình VTV hay phát sóng.
Ngày đầu năm, tình cờ khi tôi trở về phố biển được gặp lại được Đại tá nhà báo, nhà thơ Phan Tiến Dũng – Trưởng đại diện cơ quan thường trực Báo QĐND tại miền Trung – Tây Nguyên. Từng giọt đắng rơi nhẹ như hòa quyện vào từng giọt mưa rơi và cái lạnh đến se sắt. Câu chuyện của người em áo lính xung quanh đề tài thơ và những bài thơ của nhà thơ Đăng Độ. Tôi không phải là “một con chiên”, hay một fan hôm mộ thơ, nhưng ngồi nghe em nói không biết sao tôi lại “yêu thơ” đến thế và yêu luôn cả những vần thơ dung dị mà hấp dẫn của nhà thơ Đăng Độ, nhất là "Những vần thơ yêu thương" là tập thơ thứ ba của anh vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào tháng 7/2023. Tập thơ bao gồm 58 bài thơ ứng với số tuổi của chính tác giả thời điểm xuất bản tập thơ.
Có thể nói "Những vần thơ yêu thương" được anh viết lên bằng tất cả tình yêu và nỗi nhớ, lòng hiếu đạo dành cho ba mẹ; lòng nhiệt huyết, tình cảm sâu nặng giành tặng những người thân yêu, bạn bè và không quên giành những câu thơ, bài thơ nặng lòng nhất gửi về quê hương Hà Tĩnh nơi anh sinh ra và lớn lên với những cảm xúc ngọt ngào sâu lắng, là niềm tự hào và tình yêu quê hương đất nước của một người con đất Việt.
"Mẹ tôi" là bài thơ đầu tiên của tập thơ "Những vần thơ yêu thương", anh lấy bài này làm tâm điểm để nhấn cho cả tập thơ. Cái hay của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ là lấy cái tôi nói về chúng ta. Đọc thơ anh vừa thấy bóng dáng của anh lại vừa thấy hình ảnh của chúng khi nhớ và nghĩ về người mẹ. Một người mẹ rất thơ, rất Hà Tĩnh và cũng rất Việt Nam, là tình mẹ rất thiêng liêng, cao cả và bao la hơn cả biển trời.
Khi người đọc đang say sưa tìm về với chân dung người mẹ, thì Đăng Độ lại đem tới bài thơ "Em ơi xuân đã về". Những vần thơ trong bài này như gợi nhớ, như thể hiện tình yêu ngọt ngào mà đắm đuối của bao đôi lứa và tác giả đã gắn mình vào đó để thể hiện cùng với tình yêu quê hương, đất nước. Đến bài “Tiễn con gái” thì anh đã thể hiện và lột tả nỗi lòng của người cha nhớ về con, lo cho con, cùng với một tình yêu thương con cái tưởng không gì bù đắp được.
Đọc. Đúng "Những vần thơ yêu thương" là tiếng nói của tâm hồn Nguyễn Đăng Độ. Những vần thơ như nhảy múa, như ẩn hiện về những hoài niệm của tuổi thơ, về quê hương, hình bóng cha mẹ, gia đình và bạn bè đồng đội, bởi ngôn từ trong thơ của anh thường trong sáng mà mộc mạc nhưng rất tình cảm và lôi cuốn người đọc.
Thơ của Nguyễn Đăng Độ đã khiến không ít nhà văn, nhạc sĩ tốn nhiều giấy để viết, để bình và chia sẻ. Quang Hồi Lê chỉ gói trọn “chừng nớ” và xin giới thiệu tới bạn đọc một số bài trong tập thơ "Những vần thơ yêu thương" của anh. Chúc “nhà thơ cựu chiến binh” cùng với gia đình đến với năm mới – năm 2024 nhiều niềm vui, hạnh phúc và cho ra đời những bài thơ hay mà bạn đọc đang chờ đợi.
MẸ TÔI
Mẹ ơi đầy giấc mơ con
Lời ru của mẹ ngấm mòn tháng năm
Thân gầy nắng đốt mưa găm
Sớm khuya rút ruột đời tằm nhả tơ
Trái trời khoai lúa xác xơ
Bàn chân mẹ tãi mòn trơ cánh đồng
Ngày dầm con bấc giữa đông
Đêm buồn mẹ ngước lặng trông sao tàn
Những khi lụt lội bão tan
Vai trần mẹ quẩy miên man giọt buồn
Mẹ ơi dòng suối trên nguồn
Tắm đời con sạch trầm luân kiếp người
Chiều rồi hoa chẳng còn tươi
Thời gian nắng quắt nụ cười tàn phai
Lời ru cơn gió thở dài
Giờ đây mẹ phải nương vai nằm ngồi
Ngoài kia mưa gió trắng trời
Lá vàng chấp chới sắp rơi xuống rồi
Quặn lòng tiếng nấc, mẹ ơi!
Mắt con ngấn giọt sao trôi ướt nhòa
Lạnh người nghe tiếng oa oa
Lật trang ký ức ngày xa héo mòn
Xin đừng để lại mình con
Cõi đời dâu bể mẹ còn chở che./.
TẶNG HOA
Mẹ ơi! Hai mươi tháng mười
Con dâng tặng đóa hoa tươi tấm lòng
Tặng em cả ánh trăng trong
Hoa lòng anh níu trăm năm chúng mình
Hoa này không nhụy thắm tình
Hương thơm nụ biếc sắc xinh vẹn toàn
Lời hoa mưa nắng lo toan
Sống trên đất đá khô cằn nở hoa
Đã từng tháng tám ngày ba
Đâm chồi nảy lộc mẹ cha vun trồng
Hoa tươi nở rộ cánh đồng
Làn hương lan tỏa mênh mông đất trời
Đời hoa qua bao năm rồi
Công cha nghĩa mẹ tinh khôi tháng ngày
Bao năm cha mẹ hao gầy
Để cho hoa nở dâng đầy sắc hương
Bể dâu muôn dặm đường trường
Núi cao vực thẳm muôn phương mưa dầm
Con xin dâng đóa hoa tâm
Quyện trong dòng máu nảy mầm trổ hoa./.
EM ƠI
xuân đã về Em ơi xuân đã về
Hương mùa xưa bông lúa
Mưa thầm thì ô cửa
Tóc thề vương cỏ may
Chim én liệng chân mây
Cây đâm chồi nảy lộc
Mầm xanh dâng sự sống
Ngào ngạt sắc hương hoa
Mùa xuân như khúc ca
Hát về miền sâu thẳm
Gương mặt em đằm thắm
Sưởi ấm niềm yêu thương
Một mùa xuân vấn vương
Bao nhiêu lời hò hẹn
Tình yêu thương trọn vẹn
Đất trời muôn sắc hoa… 1/2023
ÁNH MẮT
Cuộc đời này anh trao gửi nơi em
Trong ánh mắt thẳm sâu tình da diết
Em có nhớ phút giây đầu tha thiết
Hạnh phúc bay ngang nắng mới thủa ban đầu
Giây phút bên nhau hạnh phúc đến ngỡ ngàng
Anh trao gửi nồng nàn hương mùa mới
Ánh mắt em nhìn làm anh bối rối
Lặng giấu vào sâu lắng nỗi niềm riêng
Ôi cái nhìn em say đắm thiêng liêng
Trái tim anh tan ra vụn vỡ
Hạnh phúc đời người đóa hoa rực rỡ
Được nâng niu chiều chuộng yêu thương
Ảo ảnh mơ hồ nắng sớm mờ sương
Ta đang sống mỗi ngày như ban mai mới mẻ
Anh cất giữ ánh nhìn em trong đáy mắt
Để mỗi ngày phép lạ đến tròn trăng./.
CAO NGUYÊN VÀ NỖI NHỚ
Anh cất giấu cao nguyên vào nỗi nhớ
Một khoảng trời lộng gió đất Ba zan
Mùa mới rộn tiếng cồng chiêng gọi bạn
Tây Nguyên ơi da diết một nỗi niềm
Nơi dốc núi soi mình trong hồ biếc
Đàn ong đi kiếm mật ngọt ngào
Bản làng rộn trong tiết xuân vừa chớm
Em gái trăng rằm e ấp khát khao
Nơi con suối con khe em đi đào măng mới
Nắng vàng vương qua vai áo thẹn thùng
Nghe xào xạc bên rừng bước chân nai tìm lộc
Hoa rừng thơm ngan ngát phía xa thung
Tây Nguyên của gió sương rừng núi trập trùng
Của mùa xuân đỏ một thời hoa gạo
Em đứng đó nắng in vàng khuy áo
Như nghìn năm dáng núi đợi chờ ai…
(Tháng 01/2023)
HẸN VỚI KON TUM
Kon Tum ơi anh gặp bên trời
Dòng Đăk Bla biếc xanh giữa lòng thành phố
Em gái Gia Rai bông hoa rừng thắm đỏ
Chum rượu cần quấn quýt điệu hát xoang
Cơn gió chiều bay trên tóc em thơm
Dòng nước uốn cong vỗ ru bờ cát trắng
Thành phố nhỏ êm đềm giữa trời mây xanh thẳm
Hoa cà phê hòa điệu với hoa nhài
Nhạc xoang chiều nay đằm thắm mê say
Em gái hát mắt bừng gương mặt sáng
Tiếng cồng chiêng ngả nghiêng phóng khoáng
Sương mơ giăng trắng lối bản làng
Ơi Kon Tum trùng điệp những đại ngàn
Có phải anh say rượu ghè men lá
Có phải trong mơ tiếng nai chiều thương nhớ
Hay điệu cồng chiêng làm con suối bâng khuâng
Kon Tum của lúa ngô và trái ngọt
Hoa rừng thơm da diết mãi khôn nguôi
Của nỗi nhớ đại ngàn thân thương che chở
Để suốt đời anh giăng mắc với Kon Tum…
THÁNG BẢY
Tháng bảy về xin thắp nến tri ân
Gió chia cắt hai chiều âm dương cách biệt
Những người lính xả thân vì cuộc chiến
Thân xác gửi vào rừng thẳm núi hoang
Tháng bẩy về xin thắp nén tâm nhang
Nắng lửa đừng thiêu khô hàng hàng bia mộ
Cho cây cỏ tươi nguyên bên biển xanh lộng gió
Cho linh hồn người lính mãi bình yên
Đừng khóc nữa mẹ ơi xin gió chớ ưu phiền
Chúng con lớn lên đã chiến tranh gầm rú
Gạo sấy lương khô ba lô sờn cũ
Mọi chân trời rực lửa đạn bom rơi
Tháng bảy còn đây vang khúc hát một thời
Những người lính ào ào xung trận
Tổ quốc linh thiêng chẳng phút giây vương vấn
Sống làm người khi chết hóa đất đai
Cuộc chiến một thời trĩu nặng hai vai
Điện Biên- Lai Châu- Khe Sanh- Quảng Trị
Những cái tên trộn máu hồng chiến sĩ
Để tổ quốc trường tồn muôn thuở tháng năm
Nén hương này xin cúi lạy các anh
Những người lính gửi thân nơi rừng già vực thẳm
Những người lính hy sinh cho muôn loài tươi thắm
Đất nước nở hoa thơm thảo mọi con đường.
Đăng Độ, 7/2023