Nguyễn Đình Lực – Anh thương binh tài hoa

Lê Xuân

19/09/2021 08:30

Theo dõi trên

Cầm tấm Huy chương Vàng do Ban giám khảo vừa trao tặng, anh nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Cảm ơn tất cả! Cám ơn các bạn và cuộc đời này đã cho tôi hồi sinh, được sống những ngày đẹp nhất”.

nguyen-dinh-luc-1-1632014335.jpg
Anh thương binh tài hoa Nguyễn Đình Lực, bên chiếc đàn bầu và tấu lên những khúc nhạc không lời trầm bổng

“Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao. Dù đạn bom man rợ thét gào, dù thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích… ta vẫn còn chung nhau một ánh trăng ngần…”.

Lời ca vừa dứt, nhiều người ùa lên sân khấu tặng hoa và muốn được chụp ảnh kỷ niệm với người thương binh hạng 3/4 Nguyễn Đình Lực, trong lần hội diễn văn nghệ quần chúng của lực lượng vũ trang Quân khu 9. Cầm tấm Huy chương Vàng do Ban giám khảo vừa trao tặng, anh nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Cảm ơn tất cả! Cám ơn các bạn và cuộc đời này đã cho tôi hồi sinh, được sống những ngày đẹp nhất”.

Nhìn người thương binh cụt mất cánh tay phải vừa đàn vừa hát, khiến nhiều khán giả không cầm được nước mắt. Anh sinh ra và lớn lên ở vùng chiêm trũng làng quê nghèo xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Đó là vùng đất chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn. Từ bé Lực đã được người cha Nguyễn Đình Tường là họa sĩ hướng dẫn cho những nét vẽ cơ bản đầu tiên. Thế rồi, với lòng đam mê hội họa và một chút tài năng “thiên bẩm” anh trở thành “họa sĩ” của làng quê, của trường học.

Giữa những ngày từng đoàn quân hừng hực khí thế tiến công đổ về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, anh xếp bút nghiên, giá vẽ, cọ lông, theo lời Bác gọi, anh lên đường nhập ngũ (tháng 2- 1975). Anh được phân công làm chiến sĩ thông tin Sư đoàn B31. Năm 1977 được điều động về Binh đoàn Trường Sơn. Trong một lần làm nhiệm vụ giải vây, bảo đảm mạch máu thông tin liên lạc, anh lọt vào ổ phục kích của địch. Cánh tay phải của anh bị bắn dập xương hoàn toàn. Các bác sĩ Bệnh viện 219, hết lòng cứu chữa nhưng không thể giữ lại cánh tay cho anh, đành phải cắt bỏ.

Những ngày đầu nằm viện anh như tuyệt vọng về cuộc sống, tưởng cuộc đời thế là hết. Có lúc anh chao đảo, suy sụp như không thể đứng dậy được nữa. Nhưng rồi bên cạnh những thương binh khác vẫn cười hát, và nhất là khi nhớ tới lời Bác dạy thương binh là những người “tàn mà không phế”, anh như được tiếp thêm nghị lực sống. Anh nghĩ tới lời của anh hùng Lê Mã Lương “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù”, nghĩ tới lời của nhân vật Pa-ven Cooc-sa-ghin trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga N.A.Ôt-trốp-sky mà anh đã đọc: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống. Đời người chỉ sống một lần, phải làm sao cho khỏi sót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, để khỏi hổ thẹn về một dĩ vãng ti tiện, đớn hèn của đời mình. Và để khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

Vượt lên nỗi đau về thể xác và tinh thần, lấy lại thế cân bằng, có thêm niềm tin và sức mạnh ở cuộc đời, anh đã đứng dậy, tiến về phía trước. Anh lại lao vào tập viết, tập vẽ bằng tay trái cho quên đi nỗi bất hạnh. Anh nhớ lại: “Những ngày đầu cầm bút, cầm cọ tay trái cứ lóng ngóng không chiều theo ý muốn, mực rớt tứ tung, cọ muốn rời khỏi tay, giấy vẽ nhuốm màu lem nhem. Mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt ái ngại. Nhiều lúc tôi đã khóc, không biết liệu có vượt lên chính mình được không? Nhớ lời Bác dạy: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”, tôi lại lao vào vẽ, viết. Có ngày tôi luyện tới mười tiếng, quên cả ăn cả ngủ và vết thương tái phát”.

Sự khổ luyện của anh đã được đền bù. Các nét vẽ, chữ viết dần dần chững chạc, hài hòa tự nhiên như khi anh dùng tay phải để vẽ, viết trước đây. Bức vẽ đầu tiên bằng tay trái sau khi ra viện là anh vẽ về một người nữ đồng đội luôn chăm sóc, động viên anh. Và sau này chị đã trở thành bạn đời luôn bên anh chung thủy, mặc cho những lời đàm tiếu, cản ngăn của gia đình chị. Đó là chị Trần Thị Mỳ người cùng đơn vị với anh, quê Hà Nam. Bức vẽ của Lực tuy không đẹp như Mỳ ở ngoài đời nhưng đó là một kỷ niệm không bao giờ quên. Nó đánh dấu, mở đầu cho giai đoạn vẽ, viết bằng tay trái. Và đẹp hơn nữa, đó là lời tỏ tình của anh đối với chị bằng tất cả tâm hồn và nghị lực. Cảm phục và yêu quý anh, chị đã vượt lên mọi khó khăn, thử thách, trở thành người vợ hiền thục, là chỗ dựa cho anh vững bước trên con đường nghệ thuật.

Không những anh là một họa sĩ mà đồng đội còn gọi là nghệ sĩ, ca sĩ. Bởi anh đã dày công tập luyện để chơi được nhiều loại nhạc cụ như: ghi ta, măng-đô-lin, đàn bầu, sáo trúc, ac-môn-ni-ca… Và anh còn là một giọng ca vàng của quân khu. Nhìn bàn tay cụt rung cần đàn bầu luyến láy điệu nghệ, hay nhìn anh chơi ghi ta một tay, người xem càng thán phục. Chỉ với năm ngón tay trái vừa bấm nốt, vừa gảy lướt trên phím ghi ta, vừa đàn vừa hát anh đã chinh phục được người nghe và Ban giám khảo. Anh giành huy chương Vàng về hát và đệm ghi ta năm 1987, huy chương Vàng đọc tấu sáo năm 1992, huy chương Vàng đọc tấu đàn bầu năm 2005, và nhiều bằng khen, giấy khen khác ở các lần hội diễn văn nghệ QK9 và toàn quốc. Cảm phục tài năng của người thương binh “tàn mà không phế”, anh được nhiều nơi mời đi biểu diễn, như: Nhà hát chèo Trung ương, Đoàn B5 Hà Đông, Binh chủng Phòng không- không quân, và các đơn vị lực lượng vũ trang một số quân khu.

Để có được cơ ngơi và cuộc sống tương đối đầy đủ như ngày hôm nay, anh cho biết: “Đầu năm 1980, sau khi chuyển ngành, anh được bố trí làm cán bộ Tuyên huấn ở Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam Ninh, suốt ngày đi kẻ vẽ pa-nô, áp phích cổ động tuyên truyền. Vợ một nách chăm ba con nhỏ. Đồng lương dân sự những năm đó không nuôi nổi vợ con”.

Rất may năm 1986, anh gặp lại Thiếu tướng Phạm Văn Trà (lúc đó là Tham mưu Trưởng QK9. Sau là Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng), biết anh là người có năng khiếu hội họa, có nghị lực, ông đã đề nghị anh trở lại phục vụ quân đội. Và anh được điều về QK9, mang quân hàm Trung úy, là họa sĩ phụ trách trang trí cho bảo tàng của quân khu, các phòng truyền thống ở các đơn vị. Lúc mới vào Cần Thơ, cả gia đình 5 người sống tạm trong căn nhà nhỏ khoảng 15m2, tự làm trên miếng đất mượn của Bảo tàng QK9. Anh gắng sức vẽ, viết ngoài giờ cho các hợp đồng, chị thuê xe ba gác chở nước đá, nước ngot bỏ mối cho các cửa hàng bán lẻ. Cháu đầu sáu tuổi, cháu thứ ba mới hơn một tuổi. Nhiều đêm ba giờ sáng hai vợ chồng đã phải dậy để xếp hàng chờ mua đá cây của nhà máy đem bỏ mối, mong có đồng ra đồng vào nuôi con ăn học.

nguyen-dinh-luc-2-1632014555.jpg
Chiếc đàn Guitar một "người bạn" không thể thiếu của người thương binh giàu nghị lực Nguyễn Đình Lực

Thế rồi, từng bước cơn bĩ cực đã qua. Với tính chịu thương chịu khó, cần cù tiết kiệm, vợ chồng anh đã tích cóp làm ăn, chủ yếu từ những hợp đồng trang trí, kẻ vẽ của anh cho mọi nơi, anh chị đã xây được căn nhà một trệt hai lầu khang trang với đầy đủ tiện nghi. Hiện nay, cháu đầu tốt nghiệp Đại học cảnh sát, hiện công tác tại Sở Công an tỉnh Hậu Giang, cháu thứ hai đang học trường Cao đẳng dầu khí Vũng Tàu và cháu thứ ba đang công tác tại Nhà máy khí điện đạm Cà Mau. Đã 58 tuổi, là sĩ quan quân đội tuy bị thương tật và làm việc khá vất vả nhưng nhờ có lòng lạc quan yêu đời nên trông anh vẫn trẻ như U50. Khi được hỏi về tài đàn hát, anh cho biết có một thời gian trong quân ngũ được nhạc sĩ Thuận Yến bổ túc cho một số “thủ pháp âm nhạc”, còn anh tự học là chính. Ngoài công tác của QK9 phân công, anh còn là Phó Chủ tịch hội Thể thao người khuyết tật TP Cần Thơ. Không những giỏi vẽ, đàn hát, anh còn là tay vợt bóng bàn đã từng đi thi đấu toàn quốc dành cho người khuyết tật. Lúc rãnh rỗi anh lại đàn cho chị hát, thật hạnh phúc biết bao. Hai bài hát mà vợ chồng anh tâm đắc nhất là bài “Cuộc đời vẫn đẹp sao” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và bài “Tấm áo mẹ vá năm xưa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Theo anh cho biết do nhiều năm tháng lao động quá vất vả cực nhọc nên giờ đây anh mắc bệnh tim. Quân khu đang cho nghỉ để điều dưỡng. Nét mặt anh thoáng trầm buồn giây phút rồi lại ánh lên nụ cười lạc quan dễ mến. Anh đàn và ca cho tôi nghe lại bài “Tấm áo mẹ vá năm xưa”, bài hát đã mang về cho anh huy chương Vàng. Giọng ca ngọt ngào sâu lắng: “Các con ra đi đã mấy chiến trường, mang theo cả tình thương của mẹ… Mọi gian lao mẹ con ta san sẻ. Sáng chân trời rạng rỡ ánh dương”. Ánh mắt của Lực như có màu nắng, màu trăng, ngước nhìn vào xa xăm như đang mơ về chân trời hy vọng. Tôi thầm cảm phục anh, người thương binh “tàn mà không phế”, biết vượt lên bi kịch cuộc đời, sống hữu ích, luôn đem lại niềm vui, niềm tin cho mọi người bằng hội họa và âm nhạc.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Nguyễn Đình Lực – Anh thương binh tài hoa" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn