“Đam mê nhiếp ảnh, được chụp ảnh là vui, chứ không phải là đam mê tác phẩm”. Khi nghe Nguyễn Hữu Thông nói như vậy, chắc nhiều người đang say mê nhiếp ảnh sẽ giật mình bởi “nói gì kỳ vậy”. Đã đam mê nhiếp ảnh đương nhiên phải đam mê cả tác phẩm. Nhưng với Nguyễn Hữu Thông, điều quan trọng là được tận hưởng nhiếp ảnh chứ không phải tận hưởng kết quả.
Hình ảnh không phân biệt ngôn ngữ. Hình ảnh chính là ngôn ngữ, kết nối, gắn kết những người có cùng điểm chung “đam mê nhiếp ảnh”, mặc dù không cùng màu da, không cùng đất nước. Hình ảnh nói lên tất cả, chỉ cần nhìn vào tác phẩm là có thể nhận ra tác giả là ai. Nguyễn Hữu Thông cho hay: “Đa phần những người chơi ảnh đều có dấu ấn riêng. Dù tác giả có là người Mỹ, Đức, Anh hay Thái Lan, Lào thì khi chơi ảnh ai cũng có khí chất và đam mê. Ngoài việc được chia sẻ hình ảnh thì mọi người còn được giao lưu về văn hoá, kiến thức vùng miền, đất nước của chính mình”.
Nguyễn Hữu Thông hào hứng kể về việc nhờ có nhiếp ảnh mà anh quen được rất nhiều người bạn trên thế giới. Hữu Thông vẫn nhớ rõ chuyến đi Myanmar vào tháng 10/2019. Nhờ nhiếp ảnh kết nối, Thông quen một người bạn bên Myanmar. Khi sang đó, người bạn của Thông trở thành hướng dẫn viên, lái xe đưa anh đi tham quan và chụp ảnh khắp nơi có cảnh đẹp và đậm sắc màu văn hóa của Myanmar. Thông bảo “Đó là những giá trị cả vô hình hay hữu hình mình có mà đều do nhiếp ảnh mang lại”.
34 tuổi, thích “xê dịch”, “khám phá”, Nguyễn Hữu Thông đã ghi lại được nhiều khoảnh khắc quý giá về con người, văn hóa và cảnh sắc thiên nhiên ở vùng đất biên cương phía Bắc. 6 năm đến với nhiếp ảnh, anh sở hữu gia tài giải thưởng mà những ai đang theo đuổi nhiếp ảnh đều mơ ước. Hiện Thông gặt hái được hơn 40 giải thưởng lớn nhỏ trong và ngoài nước. Trước đây khi mới có máy ảnh, Thông chụp bất cứ cái gì nhìn thấy trên đường từ cỏ cây, hoa lá, chim muông, con người, cuộc sống… Nhưng chỉ đến khi tác phẩm “Vui chơi bên bức tường tuổi thơ” của Thông đạt huy chương Bạc trong cuộc thi Nhiếp ảnh các tỉnh miền núi phía Bắc thì anh biết mình đã tìm được hướng đi.
Đầu năm 2018, khi nhận được thông báo giành giải Đặc biệt của cuộc thi ảnh thường niên do Tạp chí Smithsonian (Mỹ) tổ chức với tác phẩm “Bữa ăn sáng ở chợ phiên”, lúc đó Thông vẫn chưa hiểu hết về danh tiếng của cuộc thi này. Ban đầu thông tin về các cuộc thi Thông đều nhận được từ bạn bè gửi cho. Riêng bức ảnh “Bữa ăn sáng ở chợ phiên” của Thông giành thêm 8 giải như huy chương Bạc ở Liên hoan Ảnh Quốc tế tại Việt Nam, giải Nhất hạng mục “Food at the table” cuộc thi Nhiếp ảnh thức ăn trên Thế giới, giải Khuyến khích ở Heritage...
Thông nhớ lại, ngày được nhận thông báo đoạt giải, trong một bữa ăn với đoàn tình nguyện viên đến từ Mỹ, anh có chia sẻ tin vui này với mọi người. Bà trưởng đoàn cũng như các thành viên đều “vô cùng ngạc nhiên” không thể tin nổi. Tôi thì thấy bình thường nhưng họ nói rằng: “Chính anh không tưởng tượng được mình vừa làm một điều phi thường. Với người Mỹ, Smithsonian rất được coi trọng. Đây là giải thưởng danh giá và uy tín mà nhiều nhiếp ảnh gia trên thế giới mơ ước có được. Chúng tôi thực sự tự hào và ngưỡng mộ về chàng trai trẻ của Việt Nam”. Ngay như bạn bè của Thông ở Mỹ cũng nói rằng họ rất tự hào về giải thưởng được trao bởi một trong những tổ chức cực kỳ uy tín của chính phủ Mỹ. Cuộc thi thu hút hơn 172 quốc gia và 47.000 bức ảnh dự thi và Thông đã được giải cao nhất. Tính đến thời điểm hiện tại, Thông là người Việt Nam thứ 2 giành giải đặc biệt ở cuộc thi ảnh danh giá này.
Sau khi kết cuộc thi Smithsonian (Mỹ), Ban tổ chức có gửi một email cảm ơn Thông và hết lời khen về một bức ảnh tuyệt vời, “Chúng tôi không mất nhiều thời gian để quyết định. Đây là giải đặc biệt vì nó thật sự xuất sắc, đem đến một góc nhìn rất tươi vui và ấm áp, ánh sáng như nhảy múa”.
Sau này, những giải thưởng Thông nhận được ngày một nhiều hơn và các tổ chức nhiếp ảnh uy tín trên thế giới cũng biết đến Thông nhiều hơn nhưng anh vẫn khiêm tốn cho rằng “giải thưởng dù to hay nhỏ đều là do mình may mắn nhận được chứ không coi đó là thước đo của sự thành công. Nhìn ra thế giới thấy mình quá nhỏ bé và cần phải cố gắng nhiều hơn nữa".
Với mỗi tác phẩm gửi tới các cuộc thi quốc tế, Thông đều muốn gửi kèm theo thông điệp “Nét đẹp của quê hương tôi” đến với bạn bè thế giới. Thông muốn giới thiệu đến tất cả mọi người về một Việt Nam tươi đẹp đáng để khám phá, trân trọng. Bởi còn nhiều người nước ngoài khi nhắc đến Việt Nam đều nghĩ rằng đó là một đất nước nghèo đói vừa bước ra từ một cuộc chiến.
Nhiếp ảnh là cảm xúc, vì vậy với Thông chưa bao giờ anh thấy bế tắc, cạn kiệt về đề tài. Khi nghe Thông chia sẻ về đam mê nhiếp ảnh, nhiều người sẽ ngạc nhiên, bởi họ nghĩ cái thú và kết quả của việc đến với nhiếp ảnh chính là tác phẩm. Nhưng với Thông thì ngược lại. Thông chia sẻ: “Nhiếp ảnh là chạy theo cảm xúc, vậy nên sẽ không có con đường nào là điểm cuối cả. Bất cứ xung quanh cái gì cũng đẹp và đều tạo nên tác phẩm. Quan trọng là tôi đam mê nhiếp ảnh chứ không phải đam mê tác phẩm. Chụp được tác phẩm đẹp đương nhiên rất thích, nhưng điều quan trọng hơn là mình được tận hưởng nhiếp ảnh chứ không phải là mình tận hưởng kết quả. Mọi thứ liên quan đến nhiếp ảnh, tôi đều thích”.
Tình yêu, đam mê nhiếp ảnh của anh nảy nở từ khi còn rất bé. Gia đình Thông ai cũng vẽ đẹp. Thông ước sau này đi làm có tiền mua 1 chiếc máy ảnh chuyên nghiệp để chụp lại những khoảnh khắc nhìn thấy cho thỏa ước mơ. “Nhiếp ảnh hay hơn mỹ thuật là tính khoảnh khắc. Với nhiếp ảnh, sự chuyển động của vật thể xung quanh, chuyển động của cuộc sống mang lại cảm xúc. Điều cơ bản là tôi được đi nhiều nơi nên muốn ghi lại những trải nghiệm, những thứ nhìn thấy để chia sẻ với mọi người”, Thông Lý giải.
Đam mê nhiếp ảnh của Thông cũng xuất phát từ đam mê du lịch của anh. Thông tự nhận mình là người thích đi, thích di chuyển, thích khám phá tất cả mọi nơi, đặc biệt là khám phá văn hoá. Nếu chỉ phong cảnh đẹp thôi chưa đủ sức thu hút Thông, ở đó phải chứa đựng những giá trị văn hoá. Với Thông có những điều khiến bản thân mình muốn khám phá bằng mắt, bằng cảm nhận, bằng khối óc chứ không đơn giản là ngắm nhìn.
Những nơi Thông qua, những người Thông gặp, thì Hà Giang là mảnh đất khiến anh xao xuyến nhất. “Người ta hay đùa nhau là công việc đầu tiên, người yêu đầu tiên và người thầy đầu tiên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tư duy và cách nghĩ của mình sau này. Hà Giang là nơi đầu tiên tôi đến làm việc. Hà Giang luôn luôn để lại những cảm xúc mà đến bây giờ tôi vẫn coi đó giống như quê hương thứ hai của mình. Hà Giang đẹp về mọi thứ từ con người, cảnh sắc rồi đến văn hoá. Đó cũng là nơi tôi có cảm xúc và ấn tượng nhất”, Nguyễn Hữu Thông dành cho Hà Giang nhiều tình cảm, có lẽ nói mãi sẽ không hết, đi mãi cũng không chán. Có lẽ, đó cũng là lý do mà phần lớn tác phẩm đoạt giải thưởng trong và quốc tế của Thông có đến 70-80% là ảnh chụp về Hà Giang.
Dịch Covid-19 cũng khiến Thông ít đi sáng tác hơn. Nhiều người bảo đam mê nhiếp ảnh chắc phải đi nhiều, rồi máy móc cũng “khủng” nhưng với Thông mọi thứ dường như ngược lại.
Thông tự nhận mình là người đi rất ít trong số những người chơi ảnh nhưng để thực hiện 1 chuyến đi thì Thông làm việt hăng say, miệt mài. Ngày có thể chỉ ăn 1 bữa, không cầu kỳ, ăn cơm nhà dân hoặc ăn mì tôm, nhiều khi không ăn. Mỗi chuyến đi, Thông xác định “Chụp đến nơi đến chốn. Chụp với tâm thế là sẽ không bao giờ quay lại nên phải cố gắng hết sức và chụp thật miệt mài”.
Mỗi chuyến đi sáng tác của Thông chỉ dài từ 2-3 ngày và thường kết hợp vào cuối tuần và 1 năm cũng chỉ đi có 2-3 chuyến. Ai nhìn vào số lượng tác phẩm của Thông cũng nghĩ anh đi rất nhiều nhưng thực ra lại vô cùng ít. Cuối tuần Thông chụp quanh Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh. Thông còn tự nhận mình là người lười đi, chơi ảnh đến 6 năm nhưng chưa có ảnh nào về “mùa nước đổ”, bởi anh không theo “trend”. Quan điểm của Thông "đề tài là cuộc sống" mà cuộc sống lại ở quanh mình nên phải để tâm hồn “phơi phới” là có ảnh đẹp ngay.
Nhìn xung quanh bạn bè chơi ảnh, ai cũng có một bộ sưu tập máy móc khổng lồ. Để chạy đua theo máy móc đòi hỏi cũng tốn một khoản tiền rất lớn. Còn Thông thì chụp theo nhu cầu nên máy nào đáp ứng được thì vẫn dùng. Thông bảo "anh chơi ảnh chứ không chơi máy".
6 năm chơi ảnh nhưng Thông chỉ sở hữu có 2 máy ảnh, hiện một máy để làm kỷ niệm, vì bản thân thấy không có nhu cầu. “Mọi người hay lầm tưởng máy ảnh hỗ trợ nhiều. Tất nhiên có những đề tài chuyên biệt thì cần máy ảnh tốt nhưng với đề tài tôi chọn thì máy ảnh không quyết định nhiều. Sai lầm của người chơi là như thế, hay bị rơi vào bẫy của người bán hàng. Phải biết tối đa hoá được năng lực và công suất của thiết bị thì mới là hay. Gia tài của tôi hiện chỉ có 1 máy và 2 ống kính. Gọn nhẹ, tiện dụng cũng là tiêu chí của tôi”, Thông chia sẻ.
Thiết bị là vậy, còn cách chụp cũng đòi hỏi có kinh nghiệm. Chụp những khoảnh khắc cuộc sống không dễ chút nào. Kỹ năng tiếp cận con người rất khó. Nhiều người chụp ảnh về con người rất thô cứng và không có cảm xúc, bởi lúc đó nhân vật không thoải mái khi có sự xuất hiện của ống kính. Vậy nên khi chụp về chủ đề gì Thông đều cố gắng làm quen với đề tài như là xin phép trước hoặc ngồi nói chuyện để hai bên hiểu nhau. Để chụp được bức ảnh “Bữa ăn sáng ở chợ phiên”, Thông phải xin phép và ngồi chờ đợi “Tôi chờ khoảng 15 phút, chụp 10 bức vì người ta thay đổi tư thế liên tục mình phải ngồi đợi, trong một quán phở ở chợ Đồng Văn, Hà Giang. Tôi ngồi đợi bấm máy nhưng không được gây chú ý cho người khác, bởi lúc đang ăn cũng rất nhạy cảm”.
Tháng 5/2021, Thông nhận được tin vui 1 phòng triển lãm của Mỹ đã tổ chức triển lãm ảnh cá nhân của mình trong 1 tháng. Thông cho biết “Triển lãm bên Mỹ biết tôi trên Instagram, vì trên đó có nhiều bạn bè quốc tế. Họ xem ảnh và biết tôi đoạt giải đặc biệt của Smithsonian, họ rất hứng thú và muốn trưng bày các tác phẩm này ở Mỹ. Họ liên hệ với tôi từ năm 2019 nhưng vì Covid -19 nên hoãn đến tận tháng 5 vừa rồi. Họ muốn trưng bày từ 15-20 tác phẩm về chủ đề “The Human Experience” (Trải nghiệm của con người). Tôi hoàn toàn bất ngờ vì không hiểu sao họ lại thích. Tôi gửi cho họ 30 ảnh, họ có nói là lẽ ra tôi chỉ lấy 15 nhưng bức ảnh của bạn tốt quá nên tôi chọn 25 cái để trưng bày”.
Đó là ở Mỹ còn ở Việt Nam, mặc dù sở hữu một gia tài giải thưởng đáng mơ ước nhưng Thông lại không hề phô trương tổ chức rầm rộ các cuộc triển lãm cá nhân. Anh ước mơ sau này đủ chất liệu sẽ mở cuộc triển lãm nhỏ tại Bắc Giang, quê hương anh. “Bắc Giang là nơi có nền văn hoá đậm đà bản sắc, một trong những tỉnh hiếm hoi có cả năm di sản văn hoá quan họ, tuồng, mộc bản kinh phật,…Tuy nhiên, hình ảnh của Bắc Giang hiện tại cũng rất là khiêm tốn, chưa tập hợp được nhiều những tác phẩm xuất sắc hoặc chưa có gì làm bài bản thì trong tương lai gần là làm một cuốn sách ảnh hoặc triển lãm nhỏ ở Bắc Giang”, Thông cho biết.
Ảnh của Thông sống động và nhiều ngôn ngữ. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện được Thông kể bằng hình ảnh chất chứa cảm xúc của cả người chụp trong đó. Đó cũng là lý do mà nhiều bức ảnh của Thông lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội không chỉ trong nước mà cả nước ngoài, như bức ảnh “Vải thiều”. Tác phẩm đó được Thông ghi chú: “Sản lượng vải một năm là 180 nghìn tấn”. Khi nhìn bức ảnh này có người bạn bình luận là chỉ cần nhìn ảnh cũng hình dung được 180 nghìn tấn là như thế nào và thật sự muốn đến Việt Nam để thưởng thức trái vải thiều.
Đại dịch Covid-19 khiến Thông có nhiều thời gian dành cho gia đình. Trách nhiệm với gia đình vẫn được chàng trai trẻ này đặt lên hàng đầu còn nhiếp ảnh dù là đam mê nhưng vẫn phải nhường sân cho vợ, con và bố mẹ. Nhưng để nuôi dưỡng đam mê với nhiếp ảnh, Thông bật mí: “Tôi hay chia sẻ với bạn bè, tôi là người sống vô cùng lạc quan, chưa bao giờ để mọi thứ trong căng thẳng lâu cả, là một người rất dễ hài lòng. Nhìn bầu trời đẹp, cành hoa đẹp, nghe bản nhạc hay là cũng đủ vui và cảm thấy hài lòng, cảm xúc của mình rất là tích cực. Khi mình đã tích cực rồi thì các tác phẩm cũng không mang đến sự u uất, xuyên suốt là những màu sắc tươi vui trong cuộc sống, ánh sáng nhảy nhót,… Khi đó mình cũng truyền được năng lượng tích cực vào trong tác phẩm.
Còn bây giờ, tôi chỉ mong hết dịch được về quê Bắc Giang, gặp gỡ gia đình, quan sát nhịp sống của người dân khi mà bị ảnh hưởng của Covid -19 như thế nào. Đã hơn 2 tháng rồi chưa được về nhà.
Mùa vải thiều năm nay tôi bị lỡ mất rồi…!”./.