Nguyễn Phúc Lộc Thành, từ đời sống đến điển tích lục bát

Nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành luôn làm cho tôi ngạc nhiên. Trước hết là ngạc nhiên về sự xuất hiện – biến mất – tái xuất của anh trên văn đàn. Về Nguyễn Phúc Lộc Thành, hẳn mọi người đã biết ít nhiều, anh là con người đến với văn chương khá sớm, mà viết được nhiều thể loại, về văn có thể loại “cao” nhất, đó là tiểu thuyết.
dong-sen2-1696667174.jpg
 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể rằng, thời sang Liên Xô học, ông đã tham gia Ban Giám khảo cuộc thi sáng tác văn chương của người Việt trên đất bạn. Ngày đó, Trần Đăng Khoa đã đọc tác phẩm của Nguyễn Phúc Lộc Thành. Rồi anh về nước.

Ở tuổi 30, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã xuất bản hai tập truyện ngắn Táo vàng tục lụyVào đời (sau đó phát triển thành tiểu thuyết Cõi nhân gian). Giữa thập niên 90 thế kỷ trước, khi đang học năm 3 khoá 5 Trường viết văn Nguyễn Du, anh dân thân vào thương trường, lặng lẽ rút lui khỏi văn đàn. Nguyễn Phúc Lộc Thành là người đầu tiên khai sinh ra mô hình Taxi Tải tại Việt Nam. Thời gian “ngủ đông” của anh với văn chương, khá dài, những 20 năm.

Bất ngờ, một ngày giữa tháng 9, cách đây 5 năm, Nguyễn Phúc Lộc Thành “trình làng” trước giới văn chương và bạn đọc Giấc Mơ Sông Thương gồm tác phẩm chung và bộ ba Chiều, Chân quê, Giấc mơ sông Thương– cũng quá đặc biệt. Buổi ra mắt sách, có mặt đầy đủ các nhà văn tên tuổi ở Hà Nội và Trung ương; kể cả Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh và hai Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều và Trần Đăng Khoa.

Mặc dù từ đầu thế kỷ XX trên thế giới xuất hiện nhiều lý thuyết, quan niệm, trào lưu văn học và đã được du nhập từ hải ngoại vào Việt Nam như Vụt hiện, Tạo sinh, Tân hình thức...; tuy nhiên, “sẽ chẳng có văn chương nếu không có tác giả và độc giả”, (Ngô Tự Lập: Văn chương như quá trình dụng điển, trang 27). Giấc Mơ Sông Thương sau khi ra đời đánh dấu một “sự kiện lục bát” mang tên Nguyễn Phúc Lộc Thành.

dong-sen5-1696667174.jpg
 

Sau khi sách ra đời đã có gần hàng chục tiểu luận (chưa tính bài báo), trong đó có nhiều GS., PGS., TS văn chương có uy tín. Nói cách khác, Giấc Mơ Sông Thương được giới nghiên cứu và bạn đọc quan tâm, hiệu ứng tích cực.

Trước Tết Nhâm Dần 2022, Nguyễn Phúc Lộc Thành gây sửng sốt khi ra mắt Cõi nhân gian 8 tập, bản in gồm 4 quyển; Khổ sách 18x24cm, mỗi quyển (2 tập/quyển) dày gần 450 trang. Đây là trường thiên tiểu thuyết phát triển từ tiểu thuyết Cõi nhân gian, vốn được anh xuất bản từ năm 1995. Nguyễn Phúc Lộc Thành bộ tiểu thuyết đồ sộ này trong những ngày Hà Nội (và gần như cả nước) đông cứng vì đại dịch Covid-19. Bình quân 10 ngày anh hoàn thành một tập. Ví dụ, tập 8 là tập cuối cùng anh khởi viết từ 30/11/2021 và hoàn thành vào ngày 10/12/2021.

Và, mùa thu 2023 này, Nguyễn Phúc Lộc Thành giới thiệu với bạn đọc 2 tác phẩm MẹĐồng sen tàn – tuyền lục bát. Gần như trong con người Nguyễn Phúc Lộc Thành có một “năng lượng” văn chương không tưởng.

Nếu nói như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, khi con người ta còn ngạc nhiên thì còn làm thơ; thì thi sỹ Nguyễn Phúc Lộc Thành luôn ngạc nhiên và đến lượt văn bản của anh luôn tạo nên sự ngạc nhiên đối với bạn đọc.

dong-sen4-1696667174.jpg
 

Mẹ, các bài thơ trong tập được đánh số từ Mẹ 1&2 (gồm phần 1 và 2) đến Mẹ 36. Mẹ gồm 36 bài thơ. Cũng không hiểu vì sao Nguyễn Phúc Lộc Thành mê con số 36? Như đã nói, năm 2018, Nguyễn Phúc Lộc Thành xuất bản 3 tập Chiều, Chân quê, Giấc mơ sông Thương mỗi tập đều 36 bài.

Mẹ là tập thơ "nghi lễ lục bát" mà Nguyễn Phúc Lộc Thành dành cho bố, mẹ kính yêu của tác giả đã về miền sương khói, chăng? Chắc chắn điều đầu tiên bạn yêu thơ nghĩ thế. "Chiều nay cha đón mẹ đi / Bầy Mồ Côi trắng thiên di lên trời", (Mẹ 5); “Cha đi xô lệch đường bừa / Mẹ lầm lụi giữa hai mùa ngô khoai” (Mẹ 8). “.../ Con nằm giữa Chiếc Nôi Người / Mùi khai cho tiếng ru hời mẹ thiêng”, (Mẹ 36).

Đọc đến thi ảnh "Bầy Mồ Côi trắng", “Chiếc Nôi Người”..., hẳn nhiên bạn đọc sẽ dừng lại suy nghĩ? Đó là ngôn ngữ ước lệ, ẩn dụ trong thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành. Lục bát, ru mẹ, ru mình; nhưng trong đó không thiếu những giọt nước mắt nhân thế: “.../ Mẹ nằm quanh những khóc hờn / Ru đàn nước mắt trong cơn đọa đày / Bàn tay mẹ duỗi chiều nay / Móng còn cáu bẩn mặt ngày nhân gian”, (Mẹ 3&4).

Nhân vật “Mẹ “ trong tác phẩm Mẹ, còn là người mẹ của mỗi người đọc thơ, bởi luôn thấy hình bóng người mẹ, người chị, làng quê và trắc ẩn con người, cung bậc nhân thế...Hay nói cách khác, cảm xúc của Nguyễn Phúc Lộc Thành từ rung động trong tâm hồn tác giả trở thành rung cảm của nhiều người. Lớn hơn thế, đó là ẩn dụ của quê hương, đất nước. Dễ thấy điều này trong chùm về biển, đảo, chủ quyền và quyền chủ quyền biển đảo. “Biển gầm sát thát trời Nam/ Máu rơi, từng giọt giang san đỏ cờ / Tổ quốc vào tuổi ầu ơ / Gươm đao gánh những vạt thơ trĩu đồng”; “Đây Cô Lin, đây Sinh Tồn / Biển trời Tổ quốc mang hồn các anh / Trên đầu sót mấy sợ xanh / Vành khăn thiếu phụ hóa thành nước non”, (Mẹ 34&35).

dong-sen3-1696667174.jpg
 

Đồng sen tàn gồm 3 phần: Phần 1: Đồng sen tàn; Phần 2: Mùa sấu rụng; Phần 3: Tháng 6; tất cả gồm 108 bài thơ. Tương tự như Mẹ, trong Đồng sen tàn, các bài trong Phần 1, 2, 3 đều được đánh số từ 1 đến 36 (ví dụ: Tháng 6 1 đến Tháng 6 36). Các bài thơ có tính liên kết như chương, hồi trong mạch lục bát của Nguyễn Phúc Lộc Thành.

Khác với Mẹ, Đồng sen tàn là “nghi lễ lục bát” dành cho nhân vật “em” trong thi ca. Giống như Giấc Mơ Sông Thương trước đây, yếu tố Sex và Thiền (như cách nói của cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo) dễ dàng nhận ra ở tập thơ này; “Đồng sen ngủ giấc phồn tình / Ta lầy lội giữa ngó mình phau phau”, (Đồng sen tàn 1&2); “Đêm trần của thiếp của chàng / Ta thơm cùng tận cả hang hốc bùn”, (Đồng sen tàn 6).

Đấy là sex, còn thiền thì sao? “Áo giời thì mỏng gió lùa / Khuyết mây em chợt thiếu thừa một khuy”, (Mùa sấu rụng 20); “Tình là tiếng mõ vô thường / Chăn bầy đêm tối trên dương gian này”, (Tháng 6 9). Tất nhiên, sex và thiền lồng trong nhau, là “hai trong một”.

Lục bát với tư cách là "cánh đồng thơ" cũ, truyền thống, từ trung đại đến hiện đại....đã có nhiều tên tuổi lớn lừng lững cùng lục bát; nay Nguyễn Phúc Lộc Thành xới xáo, tạo nên diện mạo mới. Nếu nói như nhà nghiên cứu, TS. Ngô Tự Lập, thơ lục bát thường làm cho người đọc dễ liên tưởng đến nông thôn, truyền thống Việt Nam và vần điệu đã trở thành quy ước trong tiếp nhận. Tuy nhiên, với Nguyễn Phúc Lộc Thành đã vượt qua, tạo nên điển tích hình thức mới cho lục bát truyền thống. Chính vì thế, đọc không “nhàm”; ngược lại bất ngờ về các tình huống cảm xúc.

Nhà văn, PGS.TS. Hoàng Kim Ngọc – giảng viên Đại học Thăng Long,  đã dụng công nghiên cứu Giấc Mơ Sông Thương của Nguyễn Phúc Lộc Thành; có hai chuyên luận “Thiên tính nữ trong Giấc mơ sông Thương của Nguyễn Phúc Lộc Thành” và “Ngôn ngữ trong tập thơ Giấc mơ sông Thương” in trong tập Đi tìm dấu vân của chữ, NXB Hội Nhà văn năm 2022.

Dưới góc độ ngôn ngữ thơ, PGS.TS, Hoàng Kim Ngọc cho rằng, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã có những thành công trong sáng tạo từ láy; mở rộng phổ kết hợp từ vựng (cho các động từ, cho các danh từ); chuyển từ/ loại, tách ghép từ, đảo trật tự từ, tính lược từ ngữ; sáng tạo các biện pháp tu từ, nhịp điệu, thanh điệu và các biện pháp tu từ ngữ âm. Chị kết luận “Tất cả những cố gắng đó của Nguyễn Phúc Lộc Thành đều nhằm mục đích tạo nghĩa mới, tạo liên tưởng mới, tạo hình dung từ, gây được sức hút đối với người đọc”, (Hoàng Kim Ngọc: Đi tìm dấu vân của chữ, trang 133).

Đó là kết quả của “cuộc chơi” làm mới ngôn từ thơ ca của Nguyễn Phúc Lộc Thành, như cách nói của PGS.TS. Hoàng Kim Ngọc. Mẹ và Đồng sen tàn là tiếp biến mới, phát triển hơn trong hành trình “làm mới ngôn từ” của Nguyễn Phúc Lộc Thành.

dong-sen1-1696667174.jpg
 

Nguyễn Phúc Lộc Thành là một thi sỹ khác biệt, về cách nghĩ, cách cảm trong tác phẩm cũng như “cách chơi” trong đời sống. Anh kín tiếng, mô phạm, tinh tế.

Sinh thời nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đặc biệt quý mến anh. Khi biết nhà thơ “Tản mạn thời tôi sống” lâm trọng bệnh, Nguyễn Phúc Lộc Thành thẫn thờ. Quãng tháng 7/2018, tôi và Nguyễn Phúc Lộc Thành vào thăm, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từ trên gường nhổm dậy, ôm Nguyễn Phúc Lộc Thành khóc rung rức. Cho đến bây giờ Nguyễn Phúc Lộc Thành vẫn nhắc đến nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo với tất cả tình cảm kính trọng.

Tim ơi, đừng đập nửa vời / Gieo vào thành mạch ngàn chồi bể dâu”, (Tháng 6 2). Người sao, thơ vậy. Lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành còn là sự ám ảnh nỗi người./.