“Bản đồ tâm hồn” trong thơ Nguyễn Thành Tâm rộng, nhiều mảng màu soi chiếu. Đậm nét trong “bản đồ” ấy là trăn trở về hạnh phúc, tình yêu. Đọc thơ nữ, không ai không tìm hiểu, chú ý mảng thơ viết về tình yêu của họ.
Nguyễn Thành Tâm được trời phú cho chị vẻ đẹp ngọt ngào, nữ tính, mê dụ. Đọc thơ chị, tôi thắc mắc, sau vẻ đẹp nhân vị, có gì đó trong cõi lòng, đầy bí hiểm. Đàn bà hay làm thơ yêu, phải chăng, đàn bà luôn khao khát, tìm kiếm điều mà con người chưa giải mã được?
Thế nào là yêu và thế nào là các cung bậc khác nhau thuộc về cảm xúc yêu? Tôi nghĩ gần như Nữ thần Tình yêu luôn chọn các nhà thơ nữ làm “Thiên sứ” hóa giải điều này. Nguyễn Thành Tâm là một trong vô số nhà thơ nữ được chọn mặt, giao nhiệm vụ, này chăng?
Rồi từ bữa ấy, dần xa cách
Ta yên tâm phía ấy lãng quên rồi
Ta đâu biết chiều tràn trên khóe mắt
Họ dằn lòng im lặng để ta vui
(Lặng im)
Đây là bài thơ ngắn, được nhà thơ Nguyễn Thành Tâm sắp xếp đầu tiên trong tập thơ “Chạm nẻo người dưng” của chị. Đọc bài thơ này dễ hình dung ra đôi trai gái yêu nhau, vì lý do nào đó phải chia tay nhau, mà chắc chắn do người con gái “chủ động”. Không đi đến được hôn nhân – điều bình thường, nhưng người con gái vẫn thương đến nặng lòng: “Ta yên tâm phía ấy lãng quên rồi”. Sợ người con trai nặng lòng với mình mà khổ. Điều đó thật khó, người con trai không thể nguôi ngoai. Cuộc sống mỗi người một ngã rẽ. Người con gái yêu và lập gia đình, lăn vào cuộc sống với biết bao lo toan. Bỗng một ngày, nhận ra, và không thể không lo lắng: “Ta đâu biết chiều tràn trên khóe mắt/ Họ dằn lòng im lặng để ta vui”. Thật hiếm tìm ra trong cuộc đời người con trai yêu đến như thế. Đó cũng là hạnh phúc của người con gái khi biết người yêu cũ luôn thờ mình trong trái tim, thế nhưng về phận sự, ai mà không thương xót, khi người con trai không vượt lên được nỗi đau “mất mát”?
Vì thế nên, cuộc đời sợ lắm những phút giây “tình cờ”, những “vết thương lòng” sống lại, những vết thương rất đẹp, nhưng cũng dễ làm cho con người mệt mỏi. Nguyễn Thành Tâm rất có lý khi sợ “tình cờ”:
Tình cờ gặp lại
Tình cờ nhói đau
Tưởng lành vết cũ
Hóa ra thật sâu
(Tình cờ)
Khi đó, không trái tim nào chạy trốn được, tất cả hình ảnh sẽ ùa về, có thể đẹp, có thể tiếc nuối, có thể đớn đau: “Tình cờ lại nhớ/ Tóc thương ngả màu/ Vết nào định mệnh/ Ta ngang qua nhau”, (Tình cờ)
Thơ Nguyễn Thành Tâm là “tiếng nói” của một trái tim yêu luôn thủ thỉ, nhẹ nhàng, luôn tự đối thoại, tự vấn: “Này người.../Đừng thổi sáo/ Góc ấy của riêng ta”..., ”Cỏ có còn mướt mải/ Ta gục vào...mênh mông”, (Cho ta phút nương lòng).
Tình yêu là gì? Vì sao người ta yêu nhau?
Ngày qua ngày, tình yêu hiện hữu trên khắp thế gian, từng phút từng giờ, từng hơi thở từng nhịp đập, từng ánh nhìn từng cái nắm tay. Người ta hạnh phúc, người ta đam mê, người ta mơ mộng. Những câu chuyện tình rực rỡ, có khi sáng và trong như những tia nắng mới, có khi giản dị như một cốc cafe, có khi trầm buồn và thầm lặng như bài ca trên phố cổ.
Phải. Đôi khi tôi vẫn thắc mắc. Rốt cuộc, người ta yêu nhau để làm gì? Tình yêu, có đúng như ăn cơm? Ăn một mình thì chán, không đổi món cũng chán, nhưng thiếu thì ai sống được? Tình yêu, giống như một ly café sữa, có vị ngọt của sữa, vị đắng của cà phê và nếu để lâu thì đá tan ra sẽ không uống được. Tình yêu, nó cũng giống giọt sương. Khi chúng ta lại gần thì nó là một viên kim cương và khi chúng ta cầm vào nó thì nó là những giọt nước mắt.
Tình yêu – giống như ai đó đang chờ xe buýt. Khi xe vừa tới, bạn nhìn lên và tự nói: “Xe đầy rồi… chẳng còn chỗ, thôi mình đợi chiếc sau vậy?”. Thế là bạn bỏ qua chiếc hiện tại, ngồi chờ chiếc thứ hai. Khi chiếc xe thứ hai tới, bạn nhìn lên và lại tự lẩm bẩm: “Xe này sao cũ thế nhỉ, tồi tàn quá!”, và bạn cũng chẳng bước lên xe, ngồi đợi chiếc tiếp theo. Một lát sau, chiếc xe thứ ba chạy tới. Chiếc xe này không cũ, không có đông khách nhưng bạn vẫn không hài lòng: “Cái xe này không có điều hoà, thôi mình cố đợi chiếc sau”. Một lần nữa, bạn lại bỏ qua chiếc xe hiện tại và ngồi chờ chiếc kế tiếp. Trời thì tối dần và cũng có vẻ muộn rồi. Bạn tặc lưỡi nhảy đại lên chiếc xe buýt tiếp theo và chẳng mấy chốc bạn phát hiện ra rằng mình chọn nhầm xe mất rồi. Và…Nó thế, giống như trò chơi đuổi bắt, người ta cứ mải miết theo đuổi một bóng hình ở phía trước mà không một lần ngoái lại để thấy có một bóng hình hiện hữu luôn ở bên và sẵn sàng nâng bước khi mình vấp ngã.
Vì thế mà tình yêu luôn chứa trong lòng nó hoài niệm, tiếc nuối và mãi mãi bí hiểm. Vì thế, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây người ta mới viết mãi về tình yêu và mãi luôn có người đọc.
Với nhà thơ Nguyễn Thành Tâm, tình yêu đi suốt cuộc đời. Có lẽ trong trái tim chị, “nhịp tình yêu” là nhịp đập chủ đạo của một trái tim khao khát: “Bến sông/ Đẫm mái hoa niên/ Chiều cuồn cuộn tím/ Một triền đơn côi”. Lúc nào cũng thấy lẻ loi, sợ lẻ loi.
Em đi về phía không tôi
Lở bồi
Đứt khúc dòng đời
Đành sao?
(Còn gì)
Còn chứ! Hẳn nhiên là thế. Dù “men mới”, nhưng sẽ ủ mãi trong cuộc đời: “Ta biệt ly từ dạo/ Men vừa mới chênh chao/ Hơi thở còn vương vấn/ Hỏi em quên cách nào”, (Chênh chao). Tình yêu dù là “tiếng sét”, hay là “say nắng” như người ta vẫn quen gọi, khó quên lắm. Với con trai, hay con gái, đang trẻ hay hoa niên, thậm chí lớn tuổi hơn vẫn dễ gặp lắm. Nguyễn Thành Tâm đã sáng tạo ra thi ảnh “men mới” trong “chênh chao”. Men đã ủ môi ấm thì càng khó quên.
Thế cho nên, người trong cuộc nhiều khi phải kêu lên:
Đừng dùng dằng như thế
Tim em đau lắm rồi
Không loạn thêm nhịp nữa
Buông mảnh trời xa xôi
...
Xin cho em giải thoát
Ký ức toàn anh thôi
(Quên em đi)
Tình yêu là một khái niệm, hơn thế, là một nội hàm, có cả cảm xúc, ham muốn tình dục hay sex; nó là một nhu cầu rất căn bản của tất cả mọi động vật sống trên Trái đất. Nhưng con người chúng ta khác loài vật ở chỗ, con người đến với nhau vì tình yêu. Các nhà khoa học cũng đã từng mất công để chứng minh rằng, tình yêu giữa người với người đã xuất hiện kể từ khi xã hội đơn sơ nhất được hình thành. Nhưng bản chất của tình yêu là gì? Đến nay, khoa học mới tìm ra bằng chứng để trả lời được câu hỏi đó: Con người đã tiến hóa để biết yêu. Con người càng văn minh thì tỷ trọng tinh thần trong tình yêu càng lớn, ngay cả sex cũng cần lớn lên về mỹ cảm tình dục.
Khao khát này, có lẽ đến cuối cuộc đời, khi con người còn ham muốn còn chưa thấy đến với mình đâu. Ai đã từng được cất lên tiếng nói của bản thể khi yêu? Vì thế mà cảm thấy luôn được chờ để “đốt lửa”: “Ai chờ/ Cuối nẻo lo âu/ Dõi theo/ Thuyền phía xa bờ sóng xô/ Người dưng lặng đứng giấc mơ/ Ai xui đốt lửa giữa mờ mịt đêm”, (Chạm nẻo người dưng).
Đêm lạc vào miền nhớ
Xanh như thuở trăng rằm
Phím nào người lỡ dạo
Ngân Hà dội khát khao
Biết là không đến được
Biết là mãi không nhau
Đêm siết gì hư ảo
Mênh mang...đến bạc đầu
(Đêm)
Thơ Nguyễn Thành Tâm dung dị khi viết về cảm xúc. Chính vì thế, những thủ thỉ trong thơ Nguyễn Thành Tâm, luôn là thủ thỉ, ngỡ tiếng “chim gù” gọi bạn. Tình yêu, hạnh phúc suy cho cùng đến nay, chưa ai “giải mã” được đủ đầy. Chính vì thế, không chỉ hiện tại, mai sau các nhà thơ vẫn viết về tình yêu.
“Về đi anh, hồ vẫn đầy mà mắt em đã cạn / Những vì sao ngày cũ lẻ đôi buồn / Trăng vẫn thắp niềm tin mây che khuất / Đủ soi một góc đường – em đợi anh”, (Anh về đi). Nhân vật “anh” và “em” trong thơ Nguyễn Thành Tâm, vẫn luôn khắc khoải, tìm lời giải của những ẩn số.