Nguyễn Thanh Tùng - Tướng đặc công anh hùng

Hoàng Trân

19/10/2021 16:35

Theo dõi trên

Nguyễn Thanh Tùng (thường được gọi thân mật là Chín Tùng) là một trong những vị chỉ huy đặc công dạn dày trận mạc của miền Đông Nam Bộ, lập nhiều chiến công xuất sắc.

chuy-lg-qu3s-1634636105.jpg
Thiếu tướng , AHLLVTND  Nguyễn Thanh Tùng 

 

Đặc biệt, trên cương vị Trung đoàn trưởng đầu tiên của đoàn Đặc công 113, Nguyễn Thanh Tùng chỉ huy đơn vị lập công lớn bằng hai trận ra quân lịch sử đánh vào sân bay Biên Hòa và tổng kho Long Bình năm 1972. Năm 1976, Đoàn Đặc công 113 được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1978, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cũng vinh dự được nhận danh hiệu cao quý ấy.

Bí mật về Nam

Tháng 11 năm 1961, thiếu úy Nguyễn Thanh Tùng (quê ở Tây Ninh), chính trị viên phó đại đội còn khá trẻ cùng đồng đội rời miền Bắc hành quân bí mật trở về Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ, được phân công về đại đội 21, Trung đoàn 762 (C21, Q762). Gần ba năm sau 1964, Nguyễn thanh Tùng được bổ nhiệm làm Chính trị viên phó Tiểu đoàn 46 trinh sát Miền, chuẩn bị nắm tình hình địch để phục vụ cho hai chiến dịch Bình Giã và Đồng Xoài, Nguyễn Thanh Tùng nhận lệnh chỉ huy đơn vị lên đánh chiếm đài truyền tin của địch trên núi Bà Rá. Nhiệm vụ được hoàn thành xuất sắc, tiêu diệt tên đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy đài truyền tin, bắt toàn bộ trung đội địch trực chiến, chiếm lĩnh đỉnh núi Bà Rá, đặt đài quan sát phục vụ các đơn vị bộ binh của ta chặn đánh viện quân địch ở sở cao su Phú Riềng, Phước Long. Đồng thời, Nguyễn Thanh Tùng cùng một bộ phận cán bộ tiếp tục chuẩn bị phương án phục vụ kịp thời cho Bộ Chỉ huy Miền trước khi bước vào trận Tổng tiến công chiến lược Tết Mậu Thân - 1968. Ông đã có mặt xuyên suốt trên tuyến đầu trong cả đợt 1 và 2 chiến dịch.

Sự ra đời của Trung đoàn 113 vào ngày 3 tháng 6 năm 1972, Nguyễn Thanh Tùng làm Trung đoàn trưởng là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của lực lượng đặc công trên chiến trường miền Đông Nam Bộ. Cũng từ đây, cuộc đời binh nghiệp của vị tướng tương lai chuyển sang một bước ngoặt mới. Thành lập trong điều kiện khẩn trương, Trung đoàn 113, thường được gọi tắt là Đoàn Đặc công 113, phải vừa tổ chức lực lượng, vừa huấn luyện và chuẩn bị cơ sở vật chất để sẵn sàng chiến đấu. Hai trận đánh sân bay Biên Hòa và tổng kho Long Bình năm 1972 của Đoàn Đặc công 113, do Nguyễn Thanh Tùng chỉ huy, đã đi vào lịch sử như hai trận đánh chiến lược tiêu biểu của Binh chủng Đặc công, gây cho địch tổn thất lớn.

Đột kích sân bay Biên Hòa.

Sân bay Biên Hòa xây dựng từ thời thuộc Pháp, được Mỹ nâng cấp mở rộng trở thành sân bay quân sự cấp 1 lớn nhất miền Nam, vào loại tầm cỡ Đông Nam Á. Từ năm 1965-1970 quân ta tấn công sân bay Biên Hòa 12 lần, gây thiệt hại lớn về máy bay, phương tiện chiến tranh của địch. Do đó, địch bố trí hệ thống phòng thủ bảo vệ sân bay này rất mạnh. Bên cạnh sân bay còn có sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và Quân đoàn 3 ngụy.

Sau khi nghiên cứu mục tiêu và cách đánh, Trung đoàn trưởng Nguyễn Thanh Tùng cùng Ban Chỉ huy Trung đoàn quyết định sử dụng Tiểu đoàn 9, Tiểu đoàn 174, và đại đội trinh sát chuẩn bị cho trận đánh. Tiểu đoàn 174 chịu trách nhiệm tập kích hỏa lực ĐKB vào sân bay bằng phương pháp bắn ứng dụng. Trung đoàn đã phối hợp với cơ quan Tỉnh ủy Biên Hòa (U1) huy động hàng trăm lượt người, cả dân quân du kích địa phương, vận chuyển vũ khí và bảo vệ hành lang suốt hai ngày đêm. Giờ nổ súng bắt đầu vào đêm mồng 2 rạng sáng 3 tháng 8 năm 1972. Hỏa lực trung đoàn dội dồn dập 202 quả đạn ĐKB, 45 quả H12 vào sân bay Biên Hòa và Sở Chỉ huy Quân khu 3, Quân đoàn 3 ngụy. Thị xã Biên Hòa rúng động. Những cột lửa trong sân bay bốc sáng rực một vùng trời. Trận pháo kích khá bất ngờ, địch không kịp phản ứng. Kết quả ta đã phá hủy, làm hỏng 74 máy bay, hai giàn radar, một kho bom, một kho xăng, phá sập nhiều công sự, diệt hàng trăm binh lính địch. Đúng theo dự kiến của Trung đoàn trưởng Nguyễn Thanh Tùng, quân ta rút về nơi tập kết an toàn.

Hỏa thiêu tổng kho Long Bình

Tổng kho Long Bình là căn cứ hậu cần dự trữ chiến lược lớn nhất của quân Mỹ ở miền Nam, được bố phòng hiện đại, kiên cố, nằm sát hai quốc lộ số 1 và 15, cách trung tâm Sài Gòn 21 ki-lô-mét về phía bắc và Biên Hòa 7 ki-lô-mét về phía nam. Nơi đây đồn trú hơn 2.000 quân Mỹ, chủ yếu là cố vấn và chuyên viên kỹ thuật. Còn quân ngụy có một trung đoàn công binh, một liên đội vận tải, một tiểu đoàn quân cảnh. Đây cũng là nơi đóng sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh Hậu cần Mỹ, Bộ tư lệnh hậu cần và bộ Tư lệnh Tiếp vận 3 ngụy. Hai cụm kho chứa bom đạn lớn nhất được xây dựng trên điểm cao 50 và 53. Tuyến phòng thủ ngoài cùng bằng rào kẽm gai dày đặc. Kho 53 nằm trên điểm cao 53 là kho quan trọng nhất trong tuyến phòng thủ thứ 3; toàn kho có 18 dãy nhà gồm hơn 200 gian kho, chủ yếu chứa bom đạn. Cửa kho đều được làm bằng những tấm thép dày có rãnh chống tháo gỡ...

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết: "Trận tấn công tổng kho Long Bình là trận đánh bằng phương pháp phá hủy bí mật có lực lượng đặc công quy mô nhất từ trước đến nay. Tôi và Phó tham mưu trưởng trung đoàn Đỗ Văn Ninh (*) cùng với bộ phận trinh sát đã đi tiền trạm để quan sát tiếp cận mục tiêu. Chúng tôi nghiên cứu kỹ cách bố phòng, quy luật tuần tra canh gác của địch và xác định mục tiêu cần đánh phá. Trở về, tôi họp Ban Chỉ huy Trung đoàn và phân công nhiệm vụ cụ thể. Có 57 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia trận đánh, sử dụng cả một cơ sở biệt động bên trong tổng kho Long Bình". Chuẩn bị xong, ngày 12 tháng 8 năm 1972, lực lượng quân ta tập kết cách mục tiêu 15 ki-lô-mét về phía Đông Bắc. Khoảng nửa đêm, ba mũi đặc công bí mật vượt qua các tuyến phòng thủ, tiến vào khu vực kho 53. Chuyển 220 ki-lô-gam thuốc nổ hợp chất C4 tự tạo thành 220 quả thủ pháo được đặt vào các vị trí đã định. Các kíp hẹn giờ có khoảng cách với nhau làm sao đến những quả cuối cùng đủ thời gian cho bộ đội rút ra an toàn. Sau khi các chiến sĩ đặc công rút khỏi khu vực kho, đúng 4 giờ 30 phút sáng ngày 13 tháng 8, các kíp nổ đồng loạt phát hỏa. Khu kho 53 bùng nổ dữ dội, lửa bốc cao, rung chuyển cả một vùng rộng lớn. Những cột khói đen ngòm che phủ bầu trời giúp cho các mũi rút quân an toàn. Bom đạn kho 53 nổ liên tục cho tới 16 giờ ngày 15 tháng 8 mới ngưng. Có 130 gian nhà kho với hơn 150.000 tấn bom đạn bị phá hủy, gần một triệu lít xăng dầu bị đốt cháy, hơn 100 lính Mỹ - ngụy chết và bị thương. "Sau trận đánh, quân Mỹ phải ngừng bắn pháo một tuần vì hết đạn dự trữ. Quân ta có một chiến sĩ đặc công đi lạc đường và bị địch bắt, nhưng đã giữ tròn khí tiết, khi bị tra tấn đã không khai báo. (**).

Chỉ gần hai tháng sau khi thành lập, Trung đoàn Đặc công 113 đã hoàn thành xuất sắc hai trận đánh lớn vào sân bay Biên Hòa và tổng kho Long Bình, khẳng định bước trưởng thành đầu tiên của Trung đoàn. Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nói: đây là hai trận đánh có ý nghĩa chiến lược trong thời điểm toàn chiến trường đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về mặt quân giới, góp phần đánh bại bước cơ bản chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, buộc chính quyền Sài Gòn cùng quan thầy Mỹ ký Hiệp định Pa-ri".

Thần tốc về Nam lần thứ hai

Sau thành công hai trận đánh lớn mở đầu vào sân bay Biên Hòa và tổng kho Long Bình, Trung đoàn 113 đã nhận điện của Phó tham mưu trưởng Miền Trần Văn Danh với công văn do Tư lệnh Trần Văn Trà ký, đề nghị Trung đoàn triển khai đánh tiếp các cứ điểm khác của địch. Phát huy khí thế ban đầu, Trung đoàn tiếp tục giành nhiều chiến công mới (về sau Trung đoàn đổi thành Lữ Đoàn Đặc công 113, được Đảng và Nhà nước ba lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang). Gần một năm sau ngày thành lập Trung đoàn 113 với hai chiến công hiển hách, tháng 5 năm 1973, Nguyễn Thanh Tùng được Tư lệnh Trần Văn Trà ký quyết định "điều động" về Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam nhận nhiệm vụ. Phó tư lệnh Đoàn đặc công 27 - biệt động (tương đương sư đoàn). Đến tháng 10 năm 1973, Nguyễn Thanh Tùng được điều ra Hà Nội học ở Học viện Quân sự cao cấp. Ngày 20 tháng 4 năm 1975, ông rời Học viện lên máy bay vào Đông Hà, rồi đi xe con thẳng vào Lộc Ninh để kịp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nguyễn Thanh Tùng nhận nhiệm vụ Sư đoàn phó Sư đoàn 2 đặc công, do đồng chí Nguyễn Văn Mây làm Sư đoàn trưởng đánh vào hướng tây Sài Gòn, theo đường 4 Long An. Lực lượng Sư đoàn 2 đặc công gồm Trung đoàn 429, Trung đoàn 115, Trung đoàn 117, 116, 119... và được phối thuộc với Trung đoàn Gia Định bộ binh, đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Chỉ huy Miền. Sư đoàn 2 đặc công đánh chiếm trung tâm truyền tin Phú Lâm (ra-đa Phú Lâm), căn cứ Tân Tạo, kho gạo .Xa cảng miền Tây... góp phần đưa Chiến dịch Hồ Chí Minh tới thắng lợi hoàn toàn.

P/s : Hai vị chỉ huy trực tiếp trận đánh Tổng kho Long Bình trong bài là , AHLLVTND Nguyễn Thanh Tùng và AHLLVTND Đỗ Văn Ninh .

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng năm nay 92 tuổi ,hiện đang sống tai Thành Phố Biên Hoà , tỉnh Đồng Nai .

(*) .Tham mưu phó Trung đoàn đặc công 113 Đỗ Văn Ninh được phong tặng AHLLVTND năm 1978 cùng Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng , sau này ông giữ cương vị Phó Tư lệnh TMT Binh chủng Đặc công . Năm nay ông 84 tuổi , sống tại Thành Phố Bắc Ninh , tỉnh Bắc Ninh.

( ** ) Đội viên tên là Trần Xuân Thưởng, quê Thanh Hoá đi lạc đội hình nên bị địch bắt. Nhưng anh không hề khai báo gì, sau đó chúng đày ra đảo Phú Quốc, đầu năm 1973 được trao trả tại Lộc Ninh.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Nguyễn Thanh Tùng - Tướng đặc công anh hùng" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn
Tiến Chinh

Tiến Chinh

20:25 19/10/2021

Việt Nam - Một đất nước anh hùng, một dân tộc anh hùng sẽ sinh ra những người con anh hùng với những chiến công thật hiển hách!