Nguyện tiếp nối truyền thống báo chí cách mạng

Sáng 25-3, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội), Viện Nhân học văn hóa đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển tổ chức ra mắt sách “Sắt son, vẹn tròn”. Trong khuôn khổ buổi lễ, nhà báo Trần Đức Anh đã có bài phát biểu về cuốn hồi ký này nói riêng và cuộc đời hoạt động của đồng chí lão thành cách mạng Trần Văn Mạc nói chung.

duc-anbh-ra-mat-sach-1679749638.jpg

Nhà báo Trần Đức Anh

 

 

Gấp lại cuốn hồi ký của người lão thành cách mạng Trần Văn Mạc, tôi đã suy nghĩ rất nhiều.  Hơn 400 trang hồi ký, với lối kể chuyện giản dị, chân thành, đồng chí Trần Văn Mạc đã chọn lọc từng chi tiết, sự kiện để ghi lại câu chuyện đời mình một cách trung thực, sinh động. 4 phần của cuốn hồi ký, mỗi phần đề cập đến mỗi chặng đường, mỗi nhiệm vụ hay công việc khác nhau, nhưng đều có mối liên quan chặt chẽ với nhau nên khi đọc đến trang cuối cùng, chúng tôi đều nhận ra được những phẩm chất đáng quý của một người cán bộ cách mạng rất trung thành với Đảng, với nhân dân; có lối sống trong sạch, giản dị, liêm khiết; luôn vững vàng một niềm tin vào thắng lợi tất yếu của sự nghiệp cách mạng.

Cuốn hồi ký đã mang đến cho thế hệ trẻ hôm nay những câu chuyện gần gũi, bình dị, chân thật về những hi sinh gian khổ của một thế hệ anh hùng, bất khuất đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đó là bài học quý giá về lý tưởng cách mạng để tuổi trẻ hôm nay tiếp tục nỗ lực học tập, lao động, phấn đấu cống hiến xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn, xứng đáng với những hy sinh của thế hệ cha anh đi trước.

Cũng tại đây, trong cuốn hồi ký này, tôi với tư cách là một người làm báo có điều kiện “gặp gỡ”, “tiếp xúc” và hiểu được một phần nào đó cuộc đời của một nhà báo tiền bối người đã xung phong tham gia sản xuất tờ báo Lao tù, trong ngục giam xiềng xích, chính là ông – nhà báo Trần Văn Mạc.

Báo Lao tù ra đời với một ước muốn cao đẹp “tuyên truyền về chủ nghĩa và đường lối cách mạng ở Đông Dương”, “khởi động sự đoàn kết đấu tranh bảo vệ quyền lợi trong tù”. Những ngày tháng hoạt động báo chí bí mật phải “lấy giấy bản quét nước cháo, phơi khô làm giấy viết để che mắt địch”, rồi phải đục tường làm hầm bí mật cất giấu tài liệu, hay thậm chí phải giấu tài liệu trong thùng phân, bị phạt ăn cơm muối cả ngày,… được đồng chí Trần Văn Mạc kể lại một cách “nhẹ tênh”, nhưng chúng tôi hiểu rằng, đằng sau đó là những gian khổ, hiểm nguy luôn rình rập. Dù một chân khóa trong cùm, mọi sinh hoạt gói gọn trong mấy mét vuông không có ánh sáng, thường xuyên bị tra tấn, khám xét... cũng không ngăn cản được những người làm báo tác nghiệp trong tù. Hàng trăm bài viết, bản tin... chưa lúc nào ngừng cung cấp thông tin, ngay cả ở những nơi được cho là địa ngục trần gian như Nhà tù Hỏa Lò.

 “Mặc dù cấm đoán rất ngặt nghèo, nhưng ta vẫn có đủ các báo hằng ngày để đọc, có bút giấy để ra báo Lao tù hằng tuần”. Để làm được điều đó, chúng tôi hiểu các đồng chí đã phải hy sinh biết bao mồ hôi, công sức, thậm chí cả tính mạng, để từng dòng tin, bài viết được sống và cống hiến trong sự vùi dập của lao ngục bạo quyền.

Tôi nghĩ đó chính là một bài học quý giá về nghề đối với mỗi người làm báo chúng tôi, cho chúng tôi hiểu hơn về nghề báo, một nghề vinh quang nhưng cũng vô cùng vất vả, để chúng tôi không bao giờ dám làm gì, viết gì để bản thân mình phải tự hổ thẹn với những người làm báo chí cách mạng đi trước.

Cuối cùng, tôi cảm thấy may mắn khi được cùng với cháu nội đồng chí Trần Văn Mạc – Tiến sĩ Trần Lê Hưng “kề vai sát cánh” cùng nhau đưa bản hồi ký đặc biệt này đến được tay bạn đọc. Hy vọng, qua cuốn hồi ký với những nhân vật, câu chuyện cụ thể, dung dị, công chúng có thể hiểu rõ ràng hơn về lịch sử đấu tranh, tinh thần cách mạng của dân tộc ta, đất nước ta.