Nguyễn Trường Giang (Leo Music)
và hành trình “làm mới” âm nhạc Việt
Thời gian vừa qua, sức lan toả của các bản nhạc mang hơi hướng “Rượu cũ bình mới” không ngừng bùng nổ trên khắp các trang mạng xã hội. Nhưng không phải ai cũng biết, người đứng sau các bản nhạc hit đó là nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Trường Giang (Leo Music), với mong muốn lưu giữ nét đẹp trong Văn hoá Âm nhạc Việt thông qua cách tiếp cận mới phù hợp với giới trẻ.
Nguyễn Trường Giang (Leo Music)
Đam mê âm nhạc từ những năm tháng còn học cấp hai, Trường Giang nuôi dưỡng cho mình tình yêu âm nhạc và thi đỗ vào trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Tây Bắc, tỉnh Hoà Bình. Sau đó, vì lý do sức khoẻ nên Giang phải ngừng theo học. Con đường đam mê âm nhạc và theo đuổi sự nghiệp không vì thế mà dừng lại, Nguyễn Trường Giang tiếp tục mày mò, học hỏi cách làm nhạc, phối nhạc, từ đó cho ra đời rất nhiều sản phẩm âm nhạc độc đáo, mới lạ phổ biến trên khắp các trang mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Youtube,…
Đặc trưng âm nhạc
Việc sử dụng cách phối nhạc hiện đại và âm nhạc điện tử trên nền các ca khúc mang âm hưởng, chất liệu Dân gian Việt Nam được coi là nét đặc trưng cho các sản phẩm âm nhạc của Trường Giang. Điều này không chỉ lưu giữ được văn hoá Việt mà còn đem lại cách tiếp cận gần gũi, hiệu quả hơn với khán thính giả yêu nhạc, đặc biệt là thế hệ trẻ thời kỳ “âm nhạc số” (digital music).
Sự đa dạng trong âm nhạc
Nguyễn Trường Giang được giới trẻ mê nhạc biết đến qua bản hit “Cây đa quán dốc” (dân ca Bắc Bộ). Bên cạnh bản hit này, anh còn phối đa dạng các ca khúc thuộc các vùng miền trên khắp Tổ quốc, như: Dân ca Nam Bộ với “Đất Phương Nam”; Dân ca Trung Bộ với “Mưa chiều Miền Trung”; Dân ca Miền Tây với “Về Miền Tây”,… Ngoài ra, anh còn khai thác các ca khúc mang chất liệu Văn hoá Dân gian khác như Hát Chầu Văn “Cô đôi thượng ngàn”; Nhạc trữ tình “Chuyện tình Thảo nguyên”; Nhạc Bolero “Cô gái mở đường”,…. để làm đa dạng hơn nữa các bản phối của mình.
Ở mỗi sản phẩm âm nhạc, Trường Giang luôn dày công tìm hiểu cách sử dụng các công năng nhạc cụ, tiết tấu, thể loại âm nhạc cũng như giọng hát mang tính địa phương để phù hợp với văn hoá vùng miền. Bên cạnh ngoại hình điển trai, nụ cười duyên dáng, Trường Giang còn thể hiện rất tốt tài năng thông qua thanh nhạc và khí nhạc. Có lẽ đây cũng là lí do các sản phẩm âm nhạc của anh được công chúng đón nhận rất đông đảo.
Thời gian hoạt động
Bắt đầu làm nhạc từ năm 2021 và chính thức công bố sản phẩm vào khoảng cuối năm 2022, đầu năm 2023 nhưng Giang đã tạo ra nhiều sản phẩm âm nhạc có sức hút cao đối với giới trẻ. Cụ thể, kênh Tiktok của Giang tăng thêm 300.000 lượt theo dõi chỉ sau hai tuần. Các video liên tục được lên xu hướng, đứng đầu mục thịnh hành ở các trang mạng Tiktok, Facebook, Zing mp3,… Có video đạt tới gần 5 triệu lượt xem và những con số đó không ngừng tăng lên.
Chia sẻ về điều này, Trường Giang cho biết anh rất vui khi đón nhận được sự ủng hộ từ phía khán thính giả. Bản thân chỉ đơn giản muốn làm mới mẻ màu sắc âm nhạc, không muốn chạy theo xu hướng nhạc thị trường, nhưng những tình cảm mà người hâm mộ dành cho Giang đã khiến anh có động lực hơn nữa để sáng tạo không ngừng các sản phẩm âm nhạc tiếp theo.
Âm nhạc và tính nhận thức, giáo dục
Len lỏi từ những bài thơ, câu hát được truyền miệng nhiều đời, mỗi người dân Việt Nam đều được chạm vào việc nhận thức và giáo dục âm nhạc từ nhiều đời nay.
Như bài hát “Cô gái mở đường”:
“Đi giữa trời khuya sao đêm lấp lánh
Tiếng hát ai vang động cây rừng
Phải chăng em cô gái mở đường
Không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát…”
Đây là ca khúc của nhạc sĩ Xuân Giao được sáng tác vào năm 1967, khi ông đang trên đường đi công tác về và gặp các cô gái thanh niên xung phong, giữa tiếng “bom gào, đạn dội”. Thông qua bài hát, người nghe đã hình dung được khung cảnh Việt Nam lúc bấy giờ là ăn trong bom đạn, ngủ trong bom đạn - hình ảnh khốc liệt của chiến tranh xưa. Xã hội hiện đại, thời buổi công nghệ số lên ngôi, những hình ảnh này không còn nữa thì lời bài hát đã tái hiện và lưu giữ một cách chân thực nhất những khung cảnh cũng như bối cảnh lịch sử. Thực tế, nếu không có những quan sát, trải nghiệm hay được sống trong thời kỳ đó, chúng ta khó mà cảm nhận được sự tàn khốc của chiến tranh để từ đó dấy lên trong mình tình yêu thương và tự hào dân tộc. Lời bài hát như cho mỗi người dân Việt Nam dẫn lối về cội nguồn, được trau chuốt về vẻ đẹp tâm hồn thông qua những ca từ hết sức đẹp đẽ, dễ hiểu, ý tứ nhưng lại đầy đủ thông tin.
Tuy vậy, trải qua các giai đoạn “tiến hoá” của âm nhạc và sự đa dạng hoá các thể loại nhạc như hiện nay, các bản phối cũ khó lòng mà tiếp cận được với người nghe, đặc biệt là thế hệ 9x, thế hệ Genz trở đi. Việc “làm mới” các bản phối trở thành điều tối quan trọng của những nhà sáng tạo và phát triển âm nhạc. Giới trẻ vẫn chủ động nghe nhạc, thoả mãn niềm đam mê, giải trí, nhưng vẫn có hiểu biết về văn hoá, lịch sử các thời đại, các vùng miền, đó là cái đích hướng tới trong việc sản xuất Âm nhạc và Giáo dục Âm nhạc.
Như vậy, bằng việc không ngừng học hỏi, sáng tạo, phát triển “cái mới” nhưng vẫn tuân thủ lưu giữ những bản sắc Dân tộc xưa, Nguyễn Trường Giang (Leo Music) đã đem đến công chúng những sản phẩm âm nhạc mới mẻ và đầy ý nghĩa. Hy vọng, trong tương lai, anh sẽ cho “ra đời” nhiều hơn nữa các siêu phẩm đến công chúng trong nước và quốc tế.