Nhà báo Hà Hồng tâm tình chuyện Hồ Gươm

Nhà báo Hà Hồng không chỉ được biết đến là một nhà báo tài hoa mà ông còn được biết đến là một người con của Hà Nội, một người yêu say đắm vẻ đẹp của Hồ Gươm.
1-nha-bao-ha-hong-1687360737.pngNhà báo Hà Hồng – Chủ nhiệm CLB Nhà báo KHCNVN (nguồn: ảnh do nhân vật cung cấp)
 

Tôi có dịp được gặp nhà báo Hà Hồng trong một chiều thu nắng vàng ấm áp hòa cùng làn gió mơn man, ngồi vắt vẻo trên bộ bàn ghế đặt cạnh lan can tầng 2 của quán cafe Đinh, nhìn xuống con phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng tấp nập người qua. Điều đầu tiên khi gặp ông, tôi vô cùng vui mừng khi lời chào của mình được đón nhận bằng một nụ cười hiền lành, dễ mến. Ông nhâm nhi một tách nâu đá, nhìn ngắm và trò chuyện với chủ quán theo một giọng điệu đã thân thuộc, tôi cũng chẳng lấy làm lạ, Hà Hồng dường như đã nổi tiếng với người dân quanh cái Hồ này đã mấy chục năm nay rồi.

Một con người tài hoa

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Hà Hồng đã từng làm việc tại nhiều tờ báo lớn nhỏ như Tạp chí Văn học, Báo Tuổi Trẻ, Báo Thanh Niên và Báo Phụ nữ trước khi đến với báo Nhân dân. Trong sự nghiệp cầm bút của mình, ông đã gặt hái được nhiều giải thưởng như giải thưởng “Nhà báo tài năng” năm 2010 và đề cử giải thưởng “Báo chí cách mạng” năm 2015. 

Bên cạnh đó ông còn có niềm đam mê với nhiếp ảnh. Những bức ảnh của ông đa phần tập trung vào chủ đề văn hóa, con người và cảnh đẹp quê hương, đất nước ta. Năm 2002, ông đã được trao giải thưởng "Nhiếp ảnh gia của năm" tại Liên hoan Nhiếp ảnh toàn quốc lần thứ 10. Năm 2004, ông đã được trao giải thưởng "Nhiếp ảnh gia tài năng" tại Liên hoan Nhiếp ảnh toàn quốc lần thứ 11. Tới năm 2010, ông đã xuất bản cuốn sách "Hà Hồng - Nhiếp ảnh và cuộc đời" để giới thiệu về sự nghiệp và thành tựu của mình trong lĩnh vực nhiếp ảnh.

2-nha-bao-ha-hong-1687360737.png“Mưa lạnh vẫn cứ rơi” của tác giả Hà Hồng (nguồn: www.hohoankiem.org)
 

Bên cạnh chức vụ Trưởng ban Bạn đọc báo Nhân dân, nguyên trưởng ban Khoa giáo báo Nhân dân, ông còn là nắm giữ công việc là thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc Bộ Ảnh Báo chí – Hội nhà báo Việt Nam, có thể nói, ông không chỉ là một nhà báo tận tụy với nghề, mà còn là một nghệ sĩ với một một tâm hồn đẹp.

Một người yêu say đắm Hà Nội

Trong cuộc trò chuyện của tôi với  nhà báo, ông luôn thể hiện một tình yêu say đắm của mình dành cho Hà Nội, yêu Hồ Gươm nhiều lắm, chính vì vậy, ông sở hữu cho mình cả một kho tư liệu về Hà Nội, về Bờ Hồ, phố cổ. Học cấp 2 Đồng Khánh – Trưng Vương, đã có lúc ngày nào tôi cũng đi học về trên những cung đường ấy, mà bây giờ vẫn vậy, nhưng xem ảnh Hà Hồng chụp tôi mới ngẩn người ra, thành phố nơi tôi sống lại có những cảnh vật lạ kì tới vậy ư.

3-nha-bao-ha-hong-1687360737.pngTác phẩm “góc phố” do nhiếp ảnh gia Hà Hồng sáng tác (nguồn: www.hohoankiem.org)
 

Trở lại thời điểm trò chuyện cùng nhà báo Hà Hồng trên quán cafe nhỏ nằm ở gác 2, tôi tò mò lí do tại sao ông lại chọn gặp mặt tại nơi này, nhưng chừng 20 phút sau, tôi tự mình hiểu ra mà chẳng cần hỏi bất cứ câu hỏi nào. Có lẽ nơi đây là góc nhìn hoàn hảo để ngắm nghía người dân dạo quanh Bờ Hồ, ngắm cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn mà chẳng phải bon chen xô bồ, nhộn nhịp.

Tôi bất giác tò mò về lí do tại sao lại là Hồ Hoàn Kiếm? Tại sao lại là Hà Nội? Nói đúng sở thích của ông chẳng khác nào tôi bật công tắc một chiếc máy hát, ông cứ luôn miệng kể về những sự tích, cụ rùa, về cô công nhân môi trường, về người kĩ sư nạo vét hay về anh cắt tỉa cây, chị bán trà đá, người sống ven Bờ Hồ. 

4-nha-bao-ha-hong-1687360737.pngNhà báo Hà Hồng (ảnh do nhân vật cung cấp)
 

Nhà báo hồi tưởng lại những năm 2000 khi công việc của ông khá bận rộn, áp lực, ông luôn tranh thủ mỗi sáng đi bộ đi làm trên cung đường từ Lý Thường Kiệt đi Hàng Bài – Đinh Tiên Hoàng – Lê Thái Tổ hết nửa vòng hồ mới tới tòa soạn báo Nhân dân ở phố Hàng Trông, vậy mà khi màn đêm buông xuống, kết thúc ca trực ở cơ quan, ông lại đánh thêm một vòng cho trọn bờ hồ mới về. Đó là thói quen bất di bất dịch, còn lại cứ cách 1-2 hôm ông lại tản bộ mấy vòng quanh bờ hồ, vừa đi vừa quan sát cảnh vật vừa trải nghiệm sự đời để rồi đêm về lao vào viết nhật ký về những gì mắt thấy tai nghe.

Những gì thuộc về quá khứ mà các thế hệ trước đã ghi lại được ông lưu giữ, còn những gì thuộc về hiện tại, diễn ra hằng ngày, hằng giờ được ông cất công sưu tầm, ghi chép cẩn thận để thế hệ mai sau được tỏ tường. Ông gọi đó là trách nhiệm, là sự trả ơn tiền nhân.

Thành tựu một đời chung tình với Hồ Gươm

Là một nhà báo, ít nhiều những tác phẩm văn học của Hà Hồng đều mang dấu ấn báo chí, đó chính là dấu ấn của sự gần gũi, chân thực, không chút giả tạo, màu mè. Thú thực, tôi đã từng thấy qua nhiều loại đam mê, thú vui của người đời, nhưng chưa thấy ai đặc biệt như Hà Hồng, một người yêu một địa điểm như người tình cả đời của mình, nâng niu từng hòn đá, cành cây, những mẩu bùn nạo vét dưới hồ, những bức tranh, ảnh, tác phẩm điêu khắc, gốm sứ về Hồ Gươm như một chàng trai si tình nâng niu mái tóc hay đôi bàn tay nhỏ nhắn của người mình yêu. Và thành quả sau những tháng ngày nâng niu, gìn giữ đó là sự ra đời của không gian văn hóa Hồ Gươm, nơi lưu giữ bộ sưu tập hiện vật đồ sộ mà ông đã sưu tầm được suốt hơn 20 năm. Trong không gian này không chỉ có những đồ dùng thường ngày như hòn đá, mảnh ngói, cái bát, vò rượu mà sau chúng là một mẩu chuyện, kỉ niệm khó quên,

Tới năm 2006, sau khi những ghi chép của mình ngày một dày dặn, ông đã đưa ra một quyết định táo bạo đó là thành lập trang web www.hohoankiem.org, trang này có tới vài nghìn ảnh, bài viết tản mạn, phóng sự, ghi nhanh do chính nhà báo sáng tác, nó không chỉ nhằm thỏa mãn niềm đam mê của gã trai si mê Hồ Hoàn Kiếm mà còn là một phương tiện hết sức hợp thời để khách khứa gần xa ghé thăm Hồ Gươm dễ dàng nhất.

5-nha-bao-ha-hong-1687360737.pngTrang web www.hohoankiem.org
 

Đáng nể hơn chính là tài sản văn học về Hồ Hoàn Kiếm và Hà Nội vô cùng đồ sộ do chính ông sáng tác và được xuất bản thành sách như cuốn: "Hồ Gươm - Tình yêu của tôi", "Hà Nội - Thành phố của tôi" và "Hà Nội - Một thời đẹp nhất". "Hà Nội - Thành phố của tôi": Cuốn sách này là tập hợp các bài viết của Hà Hồng về Hà Nội, trong đó là những chia sẻ về ký ức, cảm nhận và suy nghĩ của mình về thành phố. "Hà Nội - Một thời đẹp nhất": thì lại là tập truyện ngắn miêu tả những hình ảnh đẹp và độc đáo của thành phố. "Hà Nội - Những người và chuyện": Cuốn sách này là tập hợp các bài viết của Hà Hồng về những người và chuyện trong lịch sử Hà Nội, từ những câu chuyện về các vị tướng quân đến những câu chuyện về những người dân địa phương.

Những cuốn sách này được dày công sáng tác, tổng hợp với mong muốn không chỉ đơn thuần giúp độc giả hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa và con người của Hà Nội, mà từng trang sách đó còn còn thể hiện tình yêu mãnh liệt và sự đam mê của ông đối với thành phố này, ông đang lan tỏa, truyền tải thứ mê say đó tới bạn đọc.