Nhà nho xưa nhận định về danh nhân đất Việt

An An

31/03/2022 22:18

Theo dõi trên

Những Nguyễn Trãi, Tô Hiến Thành, Mạc Đĩnh Chi, Chử Đồng Tử… được danh sĩ xưa nhận xét. Qua đó, ta có được góc nhìn khác về những danh nhân, danh thần này.

truyen-chu-dong-tu-va-cong-chua-tien-dung-1648739618.jpg
Ảnh minh hoạ, nguồn internet

Trong Vũ trung tuỳ bút, Phạm Đình Hổ đã có những luận bàn về địa lý giữa nước ta và Trung Hoa. Phạm Đình Hổ nhận xét: “Ta thường xem bản đồ trong Nội các, mới biết hình thế non sông nước ta so với nước Trung Hoa cũng chẳng kém gì”.

Ông đã đưa ra những dẫn chứng về hình thể núi sông để chứng minh những nhận xét trên. Tuy vậy, Phạm Đình Hổ cũng nói rằng, diện tích nước ta nhở hơn diện tích Trung Hoa.

Trên tinh thần so sánh nước ta với Trung Hoa, Phạm Đình Hổ đã dẫn ra những danh nhân, danh thần nước Việt. Những nhận xét của Phạm Đình Hổ đã cho ta một góc nhìn khác về người xưa.

Ông viết: “Từ đời Lạc Hùng mở cõi trở về sau, đến đời nhà Lý thì phong thói chất phác, đời nhà Trần thì phong thói trung hậu, đời nhà Lê về năm Quang Thuận, Hồng Đức thì trị giáo xương minh, phong khí các đời trước còn có thể biết được. Lại còn các nhân vật, trung thành như Tô Hiến Thành; học vấn như Chu Văn Trinh; văn chương như Nguyễn Trung Ngạn, Mạc Đĩnh Chi; kinh tế như Nguyễn Trãi, Nguyễn Duy Ỷ; lý học như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan; huân nghiệp như Lý Ông Trọng, Khương Công Phụ; thần kì như Chử Đồng Tử, Đổng Thiên Vương.

Lại còn dòng dõi thiền tôn ở chùa Trúc Lâm, Hương Tích; đạo hành tu hành như An Kỳ Phạm Viên, đều là tinh anh của non sông đúc lại, các nhân vật ấy nay còn có thể kể biết được”.

Qua đoạn trên, ta thấy Phạm Đình Hổ có lòng tự hào thế nào đối với người xưa, đối với dân tộc. Không những đánh giá về hình thể núi sông, về người tài, Phạm Đình Hổ còn đưa ra những nhận xét như sự đúc kết từ ngàn đời về sản vật nước ta.

“Lại xem như những giống san hô, đồi mồi, hạt trai, vân mẫu sản xuất ở bến bể; nhục quế, trầm hương, hồ tiêu, ý dĩ sản xuất ở núi non; giống củ mài ở Cổ Pháp (làng Đình Bảng), giống lệ chi[22] ở Siêu Loại, hương phụ ở huyện Giao Thủy, nhân sâm ở núi Hồng Lĩnh, sơn sống ở Sơn Tây, củ nâu ở Tuyên Quang, các thứ gỗ lim, gỗ sến ở Thanh Hóa, Nghệ An, vải nhỏ ở Vĩnh Lại, Tứ Kỳ, lĩnh the ở La Khê, Yên Thái (Bưởi) và các mỏ vàng, bạc, đồng, kẽm, các sản vật tôm cá, muối mắm; trong các loài cầm thì có lông công, cánh trả, trong loài thú thì có sừng tề, ngà voi, cũng có thứ Trung Hoa không có mà nước ta lại có”, Phạm Đình Hổ viết.

Không những thế, Phạm Đình Hổ còn cho rằng, những người trẻ nước ta nên biết trau dồi học hỏi những thứ tốt đẹp bên ngoài, rồi về truyền đạt lại trong nước. Đồng thời, ông cũng than thở thời ông sống: “Tiếc cho những kẻ gặp thời làm được lại không có chí, những kẻ có chí lại không gặp thời. Ta e rằng việc thiên hạ không phải là việc kẻ hèn mọn được nói leo”.

 

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Nhà nho xưa nhận định về danh nhân đất Việt" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn