Là người nhạy cảm, yêu đời, yêu cuộc sống, tác giả Phố Hoa đã dành nhiều năm để sáng tác thơ, tản văn về tình yêu cuộc sống, tình yêu thương con người. Chị vừa ra mắt tập sách “Mình về thương lấy nhau thôi”. Chúng tôi có cuộc trao đổi với chị về chuyện sáng tạo và giá trị của tình yêu thương.
Nhân ngày lễ Tình nhân năm nay, chị ra mắt tập thơ “Mình về thương lấy nhau thôi”, đây hẳn là những tác phẩm dồn chứa rất nhiều tâm sự của chị về tình yêu, tình đời?
- Cảm ơn nhà báo đã quan tâm, đón đọc tập thơ “Mình về thương lấy nhau thôi” của Phố Hoa. Đây là một tập thơ được ấp ủ cảm xúc, lên men và thăng hoa thành những vần thơ trong suốt bảy năm, từ 2016 đến 2022, cao trào là năm 2017. Và cũng được nuôi dưỡng ý tưởng xuất bản thành sách trong suốt 5 năm, từ cuối năm 2018 cho đến cuối năm 2022 mới bắt tay vào thực hiện được. Như vậy là một quãng thời gian khá dài, phản ánh diễn biến cảm xúc trong giai đoạn “khủng hoảng tâm sinh lý tiền trung niên” nên đúng là nó đã dồn chứa rất nhiều chiêm nghiệm, tâm sự của Phố Hoa về Tình yêu và tình đời. Phố Hoa và công ty Tinh Văn Books chọn thời điểm ra mắt sách nhân ngày lễ Tình yêu với mong muốn “Mình về thương lấy nhau thôi” như một lời tự nhắn nhủ bản thân, nhắn nhủ người mình thương yêu và mọi người hãy quay trở về trân trọng giá trị gốc của tình yêu thương, là tình thương, cao hơn cả tình yêu sau rất nhiều trải nghiệm bầm dập đủ dư vị ngọt ngào lẫn cay đắng.
Theo dõi văn đàn, tôi thấy thơ đề tài tình yêu vẫn có “đất sống”, vẫn được nhiều người quan tâm? Ý kiến chị về vấn đề này là gì?
- Phàm là con người, còn thở là còn yêu. Mà không chỉ có con người, rất nhiều loài động vật cũng có tình yêu chung thủy, duy nhất đáng ngưỡng mộ. Tình yêu có nhiều nghĩa rộng nhưng ở đây, chúng ta tạm chia sẻ về một nghĩa “hẹp”: đó là tình yêu bản năng mang sự hấp dẫn giới tính. Là tình yêu thiên về khao khát dâng hiến và chiếm hữu. Vì Tình yêu như là hơi thở nên nó luôn tồn tại trong mỗi con người, ở bất cứ nơi đâu. Và không chỉ có Thơ, tất cả mọi tác phẩm, mọi thể loại về đề tài Tình yêu đều luôn hấp dẫn, thu hút và “có đất sống”. Với riêng thơ tình, với lợi thế có vần, có điệu, có nhịp ngắt, nghỉ trầm bổng chỉ đứng sau ca nhạc do thiếu giai điệu dù rất nhiều bài thơ cũng đã có nhạc; và luôn đề cập đến cảm xúc bản năng sâu kín hấp dẫn nhất của con người nên thơ tình luôn dễ được thẩm thấu, đồng cảm và đi vào những trái tim, tâm hồn nhạy cảm, lãng mạn, yêu thơ. Nên dù ở thời đại nào thì thơ tình vẫn “có đất màu mỡ để sống mãi với thời gian” và được đón nhận bởi một số lượng độc giả nhất định say mê thơ tình.
Trước đây chị từng xuất bản tập thơ và tản văn “Hà Nội bốn mùa yêu” về đề tài Hà Nội, hẳn chị sẽ vẫn quan tâm đến Hà Nội?
- Với những đặc điểm, giá trị đặc biệt, riêng có về “vỉa tầng, trầm tích văn hóa, lịch sử, kinh tế, xã hội, thiên nhiên, khí hậu, con người”, Hà Nội luôn nằm trong trái tim của những người con Hà Nội nói riêng và những người yêu Hà Nội nói chung. Hà Nội cũng trở thành đề tài sáng tác yêu thích của rất nhiều văn - nghệ sĩ ở mọi lĩnh vực nghệ thuật, được đông đảo người hâm mộ yêu mến, đón nhận. Là một người cầm bút sáng tác văn học nghệ thuật, Phố Hoa cũng không phải là ngoại lệ.
Vì là người gốc Hà Tây cũ, Phố Hoa đến với Hà Nội và yêu Hà Nội như một “người khách”, tham quan, cảm nhận, rung động, thưởng thức vẻ đẹp và “dâng hiến” những tác phẩm văn học tặng cho Hà Nội. Ở thời điểm trước khi xuất bản cuốn sách đầu tiên, trong tay Phố Hoa đang có 3 tập bản thảo với 3 thể loại khác nhau, trong đó có một tập thơ tình đang rất “hot” chính là bản thảo tập thơ “Mình về thương lấy nhau thôi” này. Nhưng Phố Hoa đã chọn xuất bản tuyển tập thơ - tản văn “Hà Nội bốn mùa yêu” trước. Và sau đó thì Phố Hoa vẫn tiếp tục làm thơ, viết báo, tản văn ẩm thực về Hà Nội và truyện ngắn lấy Hà Nội làm bối cảnh chính. Vẫn ấp ủ dự định viết một cuốn sách “Hà Nội thong dong ăn - chơi”.
Với chị, làm sao để tách bạch giọng điệu thơ và tản văn?
- Là một người viết cả thơ, tản văn và truyện ngắn thì có bị lẫn văn phong không? Làm thế nào để tách bạch giọng điệu thơ với tản văn? Đây là một câu hỏi rất thú vị.
Chắc chắn là một người viết rất nhiều thơ thì trong văn cũng có sự trữ tình, lãng mạn, bay bổng đầy chất thơ. Nhưng trong thơ thì có sự tách bạch rõ ràng so với tản văn. Nếu như lợi thế của tản văn là câu chữ khá dài, tác giả có thể phóng khoáng múa bút, nuông chiều cảm xúc của bản thân để viết những câu văn dài, mượt mà, bay bổng để diễn tả ý tưởng nghệ thuật của mình thì thơ lại phải tiết chế lại, chắt lọc ngôn từ, câu chữ “tinh” hơn, “đắt” hơn; sử dụng các biện pháp tu từ, thủ pháp nghệ thuật và sắp đặt câu chữ, gieo vần để bài thơ dù không dài như tản văn nhưng vẫn lột tả được hết những thông điệp của tác giả và khiến độc giả yêu thơ phải thổn thức, rung động và đồng cảm.
Có người cho rằng: Viết nhiều thơ tình thì chắc chắn các tác giả phải yêu nhiều lắm, nếm trải đủ mọi cung bậc cảm xúc ngọt ngào, hạnh phúc, thất tình, tan vỡ, khổ đau…thì mới có nguồn cảm xúc và tư liệu để làm thơ. Đọc những bài trong tập thơ “Mình về thương lấy nhau thôi” của chị thì đúng là có đủ mọi cung bậc cảm xúc như thế thật. Phải chăng chị cũng có rất nhiều trải nghiệm thực tế như thế?
- Thực là một câu hỏi khá tế nhị và dễ khiến cho tác giả bối rối. Nhưng đúng là rất nhiều độc giả đã tò mò hỏi Phố Hoa điều này. Quả thật, nếu một người chưa từng yêu, chưa từng trải nghiệm hạnh phúc, khổ đau thì cũng không thể viết nên những bài thơ tình khiến cho độc giả phải rung động, nức nở được. Nó sẽ rất sáo rỗng, nhạt nhẽo và trơn tuột đi ngay sau khi đọc. Nhưng một tác giả cũng không để nào trải qua hết mọi trải nghiệm hạnh phúc thăng hoa, khổ đau bầm dập như thế được. Nếu thế thì tác giả đau khổ quá, bất hạnh quá! Mà mỗi nhà thơ sẽ có những trải nghiệm riêng; cộng với tâm hồn nhạy cảm, trái tim ấm áp, dễ đồng cảm với nhân tình thế thái, với những câu chuyện tình, những mảnh đời của những người họ gặp, họ biết để cộng hưởng cảm xúc, thăng hoa thành những bài thơ. Tập thơ này là kết tinh cảm xúc của Phố Hoa về những câu chuyện của bản thân và của những người mà Phố Hoa biết. Và rất nhiều bài thơ là tác phẩm hư cấu nữa.
Dụng ý nghệ thuật của chị khi sắp đặt nội dung tập thơ theo một cấu trúc chặt chẽ, chia thành từng giai đoạn của đời người như vậy là gì?
- Diễn biến cảm xúc của tập thơ về cơ bản cũng là diễn biến cảm xúc chung của nhiều người, chia thành từng giai đoạn khác nhau. Từ lúc ngây thơ, trong sáng, bồng bột dần dần trải qua khó khăn, đau khổ, đổ vỡ, mất mát thậm chí sai lầm rồi mới trưởng thành, giác ngộ, nhận ra được đâu mới là giá trị đích thực trong tình yêu, hôn nhân và cách ứng đối trong mối quan hệ cảm xúc giữa người với người. Đó cũng là lý do mà Phố Hoa sắp đặt các bài thơ theo từng chủ đề, phù hợp với diễn biến cảm xúc từng giai đoạn của cuộc đời mỗi con người. Để khi đọc cuốn sách này không chỉ là một tập thơ tình mà nó còn như một cuốn sách đời vậy.
Trân trọng cảm ơn chị!