Nhà thơ Trần Quang Quý từ trần lúc 10h40 ngày 10/9/2022 tại nhà riêng, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội hưởng thọ 68 năm. Trong suốt thời gian gần 3 năm bị bạo bệnh hiểm nghèo, ông được sống trong tình yêu thương và sự chăm lo chu toàn của gia đình, người thân. Tuy nhiên, đã không thể “níu giữ” được ông.
Ông mất đi, không chỉ là mất mát không thể bù đắp được của ruột thịt, gia đình, họ hàng; mà còn là sự mất mát lớn đối với thi đàn và văn chương.
Nhà thơ Trần Quang Quý (1955 – 2022)
Theo nhà thơ Trần Anh Thái: “Ông đã trở về cõi vĩnh hằng với tâm thế một Thi nhân mang trong mình những ước mơ đẹp đẽ của một trái tim nhiệt huyết, nhiều đam mê và khát vọng. Thế là: “Những viên sỏi” của ông đã ngậm im nơi “đáy suối”. Từ nay ông thực sự trở về chốn thiên thu, trở về với cõi của mình như câu thơ ông viết: “Ta chính là ta ở miền tĩnh tại””.
Khi nhận được tin nhà thơ Trần Quang Quý qua đời vì trọng bệnh, nhà thơ trẻ, nhà LLPB Hoàng Thụy Anh không dấu nổi đau đớn. Chị là người viết bài đầu tiên trên báo về sự ra đi của ông. “Trong bầu trời thi ca, người nghệ sĩ đích thực, chân chính luôn chiêm nghiệm, tự thiết kế cho mình đường bay riêng. Không giống và lệ thuộc ai. Trần Quang Quý cũng thế, ông đã tạo cho mình đường bay khác biệt, đường bay hướng về hồn quê bằng sự thăng hoa của chuỗi/hệ thống động từ độc lập”, Hoàng Thụy Anh nhận định.
Thật vậy, Trần Quang Quý từ lâu đã nổi lên như một gương mặt ấn tượng, bền bỉ tìm tòi đổi mới theo cách của ông và hiện nay vẫn là “giọng điệu riêng” của thi đàn Việt Nam, khó lẫn. Nhìn sáng tác của ông dễ nhận ra sự dấn thân và trải nghiệm. Thơ ông vừa vạm vỡ vừa gân guốc; thơ ông vừa êm dịu vừa gai góc. Ông như người bóc tách từng chữ, quyết tìm ra hồn vía của chữ; thơ ông mạnh mẽ đầy “động từ” của năng lượng.
Trần Quang Quý quan niệm: “Tác phẩm văn học chỉ có giá trị khi nó ở trong lòng bạn đọc. Con đường văn chương cực gian nan, dễ huyễn hoặc và phụ thuộc vào tài năng, sức lao động… mà nếu không thức ngộ được thì có khi cả cuộc đời chỉ là bản nháp”. Miệt mài sáng tạo với một thái độ dấn thân, nhập cuộc quyết liệt, anh đã có nhiều tập thơ hay dành cho bạn đọc. Ông từng nhận được nhiều giải thưởng vinh danh tác phẩm, vinh danh sự nghiệp; danh giá nhất là Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2016.
Nhà thơ Trần Quang Quý sinh ra và lớn lên tại làng Hạ Bì, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ. Làng quê Trần Quang Quý, ngay bên con sông Đà vừa hung dữ, vừa hiền hòa, không xa núi Tản. Quê ấy, với ông thao thức đến mức "Có lúc tôi muốn mang quê đặt vào Hà Nội/ nhổ Hà Nội đặt vào quê/ không sao lắp đặt trật tự tâm hồn/ phong vị quê và dòng chảy văn hóa/ ríu ran ngõ làng, những vườn cây xanh mướt phù sa/ đóng tôi vào căn cước làng Hạ Bì và sông Đà núi Tản".
Chính Trần Quang Quý từng nói "Ký ức hay đời sống thôn quê là mảng đời, là nguồn cảm hứng sáng tác rất quan trọng trong thơ tôi". Và, ông “tuyên ngôn” hãnh diện “Không ai bứng tôi được khỏi cố hương”.
Sinh thời, ông từng nói: “Lúc cô đơn nhất tôi lại trở về nguồn”. Nhà thơ Trần Quang Quý đã đi chuyến đi cuối cùng về “Nguồn” như ông từng bày tỏ, như chính tên tập thơ của ông đã được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2019.
Vĩnh biệt ông, một tài năng thơ ca. Vĩnh biệt ông, một trái tim luôn đau đáu, giành hết tâm huyết và dâng hiến trọn vẹn tâm hồn mình cho thơ ca, cho cái đẹp ở cuộc đời này./.
Hà Nội, đêm 13/9/2022
NĐH
TRẦN QUANG QUÝ
Ông vẽ lên trời “Giấc mơ hình chiếc thớt”
không ai bứng được ông khỏi “Nguồn”
thơ Namkau triết cảm
lối mở thi đường khắc dấu chân ông
Đi và về bằng con đường riêng
Trần Quang Quý vắt mình thơm Cõi
“Ga sáng” tiếng còi tàu thúc hối
đêm Hạ Bì tiếng mẹ hát Xoan
Thơ như người trước lạ sau quen
ông bền bỉ trang văn
chẳng chùng chân, dẫu con đường
một đến muôn không dễ
2020
* Trong ngoặc kép là tên một số tập thơ của nhà thơ Trần Quang Quý. Thể thơ Namkau do ông khởi xướng.
NGUỒN
Tặng nhà thơ Trần Quang Quý
Về Hạ Bì không anh
vốc cho em, giọt Đà
gói cho em, ít mây chầu núi Tản
nơi Nguồn...
nơi sóng
im lìm Dấu lặng
vó Ngựa bao đời, khát vọng Thủy tinh
nơi Sơn Tinh ngàn năm hiên ngang vươn múi ngực
Hạ Bì và bao làng quê thuần Việt
con đê hằn dấu chân
bầu trời mênh mông tiếng sáo
mẹ cha nhai trầu lo âu giông bão
cây đa nhú mầm thức tầm xuân
nhà ai đốt hương trầm
ủ tiết tỏa hương nồng thơm như mồ hôi phụ mẫu
ông bà hiển linh trong hơi thở
vó Tự do ngẩng Ba Vì bay
đất nước giọt bầu trên mái tranh nghèo
Tổ quốc nồng nàn hương bếp rạ
đất và nước cồn cào giữa trái tim đỏ mọng
khát ban mai vươn ánh sáng mặt trời
đêm Hạ Bì vằng vặc điệu Xoan
nhịp phồn sinh nõ nường mà sông Đà hiên ngang thác
bước chân trần mải mê nâng niu từng hạt cát
ký ức làng lợp sóng, chồng mây
tất cả cội nguồn trên quê hương này
mở mùa xuân bắt đầu từ đất Tổ
17/1/2020