Nhà văn lừng lẫy Wladyslaw Reymont và câu chuyện về chiến tranh

Phụng Thánh

12/03/2022 23:20

Theo dõi trên

Có nhiều cuốn sách, tiểu thuyết, truyện ngắn đã miêu tả về chiến tranh với nhiều câu chuyện bi tráng có, cảm động có, khốc liệt có, man rợ có… trong hàng ngàn, hàng vạn những câu chuyện ấy, tôi nhớ đến truyện ngắn “Số phận” của Wladyslaw Reymont do dịch giả Lê Bá Thự dịch.

wladyslaw-reymont-1647096995.jpg
Nhà văn Wladyslaw Reymont

 

Wladyslaw Reymont là một nhà văn nổi tiếng người Ba Lan, ông đoạt giải Nobel Văn học năm 1924 “Vì tác phẩm mang tính sử thi dân tộc – bộ tiểu thuyết Những người nông dân – vừa mang đậm bản sắc văn hóa Ba Lan vừa có tính điển hình nhân loại cao độ”.

Truyện  ngắn “Số phận” là lát cắt rất nhỏ trong bối cảnh chiến tranh ở một địa điểm không cụ thể mà Wladyslaw Reymont mô tả: “Chiến tranh đã chà bàn chân sắt của nó lên khắp đất nước, khiến cho mọi miền trở thành một nghĩa địa khổng lồ, đây đó trồi lên những ống khói màu đỏ, nom y như những tấm bia mộ còn rỉ máu tươi. Thậm chí vẫn còn đó những bãi chiến trường nhơ nhuốc, tiêu điều, ngổn ngang những tàn dư ghê tởm của những cuộc giết chóc, những trận tàn phá và những đám cháy, ngay cả đến khí trời cũng nồng nặc xác thối và lửa thiêu”.

Trong không khí ảm đạm u uất đầy tử khí ấy, vẫn gầm lên đâu đó tiếng đại bác dữ dằn. Cùng với đó là những đoàn người dắt díu nhau đang hoảng hốt chạy trốn, nom như một dòng bùn đen đang tuôn chảy với lỉnh kỉnh đồ đạc, những con chó, con bò láo nháo chạy theo.

Wladyslaw Reymont viết về họ: “Họ còng lưng vác theo những bao đồ, họ mệt bơ phờ, họ rách, họ đói, họ bước đi trong cái im lặng ghê rợn, thê lương. Mặt họ đanh lại bởi mệt mỏi vì hoảng sợ và tuyệt vọng. Có những người chạy trốn cả tuần nay mà chưa được nghỉ ngơi chốc lát, đầu óc họ chẳng còn tỉnh táo. Họ ngủ trong những hầm hào bỏ không, họ ăn bất cứ thứ gì ăn được, khi thì chút lương thực dự trữ còn lại, khi thì xác súc vật vừa tìm được, còn thường thì họ ăn những củ khoai tây hà thối, bới lên từ đất cóng”.

Nhưng nhân vật chính trong truyện ngắn này là một chú chó. Trong đoàn người đang mệt mỏi trốn chạy khỏi chiến tranh ấy, vụt ra một chú chó nom y chó sói chạy ngược lại với đoàn người. Dường như nó lao đi tìm chuồng của mình và những người chủ của mình. Nhưng tất cả đều xa lạ. Sau đó chú chó đã lao về phía nơi có chiến trận, nơi có tiếng đại bác vọng về. Nó đánh hơi lùng sục, lang thang khắp bãi chiến trường. Thỉnh thoảng có người nhường cho nó mẩu bánh mì, nhưng cũng có người đuổi đánh nó khi nó sủa lên xin ăn, nó gầy rộc đi trông thấy.

Chú chó cứ lang thang đến một ngày chú tới gần ngôi nhà xưa trong suy nghĩ của chú, nhưng dù rất quen thuộc thì quang cảnh xung quanh cũng chỉ là những đống gạch vụn. Nó lùng sục, đánh hơi,  sủa đổng từng ngóc ngách nhưng không đâu còn dấu vết của con người nữa. Đàn quạ vẫn bám theo chú từ lâu nên chúng cứ vây xung quanh chú khi thấy chú đã kiệt sức gục xuống vì đói.

Niềm hy vọng nhen nhóm lên trong chú chó khi chú đánh hơi thấy mùi khoai tây nướng ở gần đó. Gia đình nghèo đang nướng những củ khoai tây, hẳn đó là số thực phẩm ít ỏi còn sót lại cho cả nhà. Chú chó ngây thơ nghĩ rằng họ sẽ thương mà cho một chút để chú ăn. Nhưng không, ông già cầm que sắt đuổi chú đi. Mặc dù chú chó đã ứa nước mắt ra để van xin họ được đứng lại gần bếp lửa. Nhưng ý nghĩ đập chết chú chó để làm thực phẩm đã xuất hiện ở nhân vật ông già. Ông ta ngon ngọt dỗ chú chó lại gần rồi đập mấy cái làm chú phải dùng chút tàn lực còn lại chạy cố sống cố chết đến lúc chết trong đau đớn, nơi mà đàn quạ đã đuổi theo nãy giờ. Xa xa tiếng đại bác vẫn không ngừng dội về.

Wladyslaw Reymont đã đặc tả về hành trình đầy cảm động về một chú chó trung thành, cho đến lúc sắp chết vẫn quyết tâm tìm lại người chủ nhà của mình, dù là trong vô vọng. Nỗi đau mà chiến tranh để lại là quá lớn, dù chỉ là một sinh vật nhưng chú chó đã được Wladyslaw Reymont khắc họa đầy ám ảnh.

Wladyslaw Reymont là nhà văn hiện thực phê phán lừng lẫy của Ba Lan cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ông từng làm diễn viên, thợ may, công nhân, gác barie…cho đến đi tu. Tác phẩm để đời của ông là tiểu thuyết Chlopi (Những người nông dân, viết từ 1904- đến 1909), đây là tiểu thuyết 4 tập với lối viết giàu chất thơ mà tinh tế về những con người giản dị, chất phác.

Ngoài cuốn tiểu thuyết này, có thể kể đến một số tác phẩm của Wladyslaw Reymont: Pielgrzymka do Jasnej Góry (Hành hương đến Núi Sáng, 1895), phóng sự; Komediantka (Đào hát, 1896), tiểu thuyết; Spotkanie (Gặp gỡ, 1897), tập truyện ngắn; Fermenty (Chất men, 1897), tiểu thuyết; Lili (1899), truyện vừa; Ziemia obiecana (Đất hứa, 2 tập 1899), tiểu thuyết; Sprawiedliwie (Công bằng, 1899), truyện vừa; Pewnego dnia (Một lần, 1900), truyện ngắn; Preed s’witem (Trước bình minh, 1902), truyện ngắn; Marzyciel (Kẻ mơ mộng, 1910), tiểu thuyết; Wampir (Ma cà rồng, 1911), tiểu thuyết; Rok 1794 (Năm 1794, 3 tập, 1913-1918), tiểu thuyết; Za frontem (Phía sau mặt trận, 1919), truyện ngắn.

Bạn đang đọc bài viết "Nhà văn lừng lẫy Wladyslaw Reymont và câu chuyện về chiến tranh" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn