-Pv: Hà Nội dưới ngòi bút của anh trong tập ký sự “Hà Nội thênh thang ký ức”, cuộc sống như chậm lại khi anh đưa ra những điểm nhìn khác nhau về cuộc sống hiện đại ở thủ đô?
-Nhà văn Nguyễn Văn Học: Thật ra là khi viết nhiều bài trong tập ký này, tôi muốn thời gian đừng trôi quá nhanh. Nhưng thời gian mà, không ai có thể kìm giữ nó. Giống như tốc độ đô thị hóa, đã khiến nhiều nét văn hóa, nhiều vẻ đẹp mất đi mà không gì có thể kìm giữ. Cuộc sống hiện đại với nhiều điều tích cực, kinh tế phát triển, thành phố cũng mở rộng, nhiều khu đô thị mọc lên, khang trang, sạch đẹp. Song kéo theo đó là nhiều hệ lụy rất âm thầm, có lúc rất khó để gọi tên, chỉ biết là mất, tiếc, nhưng cứ ngẩn ngơ nhìn nó đi. Đó có thể gọi là bi kịch của cuộc sống hiện đại.
-Pv:Anh quan tâm tới nhiều vấn đề hiện nay ở Hà Nội: Làng nghề, môi trường, âm nhạc, văn hóa cho đến những hồ nước, giếng nước, cây cổ thụ… Mỗi bài viết như những bức tranh sinh động về cuộc sống hiện tại chốn đô thành. Anh cũng nhắc lại những tên tuổi từng có những trang viết rất hay về Hà Nội như Vũ Bằng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân cho đến Băng Sơn, Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Trương Quý, Hữu Ngọc… Hẳn các vị tiền bối ấy đã có ảnh hưởng ít nhiều tới lối viết của anh?
-Nhà văn Nguyễn Văn Học: Các nhà văn vừa kể ra đã khai thác rất nhiều về Hà Nội. Phải nói rằng, Hà Nội luôn là đề tài thời thượng cho không chỉ nhà văn, nhà thơ mà cả giới văn học, nghệ thuật nói chung. Cảm giác như kho cảm hứng về thành phố nghìn năm sẽ không bao giờ vơi cạn. Tất nhiên, viết hay về Hà Nội là rất khó. Đã có quá nhiều người viết về Hà Nội và có lẽ vẫn tiếp tục. Mỗi nhà văn tài hoa đều biết chọn cho mình một góc, một khía cạnh khai thác để có thể cống hiến cho cuộc đời những tác phẩm hay.
Khi viết cuốn này, tôi muốn tránh những gì người ta đã viết, đã khai thác. Tức là đi theo một kiểu riêng. Tôi tập trung vào ghi chép về đời sống hôm nay, về quá trình đô thị hóa mau lẹ, thành phố cũng đang tích cực xây dựng đô thị thông minh với những thách thức lớn, tôi luôn trăn trở làm sao tôn bồi giá trị, gìn giữ nét đẹp, bản sắc của mảnh đất văn hiến, đóng góp tiếng nói xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch. Tôi không đi vào khảo cứu, lật lại những trang sử. Có hay chăng, những tích xưa, chuyện xưa chỉ lướt qua, là cái cớ để tôi nói về chuyện hôm nay.
-Pv: Những thuận lợi và khó khăn khi anh viết ký sự về Hà Nội?
-Nhà văn Nguyễn Văn Học: Như đã chia sẻ, vì có quá nhiều người đi trước, đã viết rất hay về Hà Nội rồi. Cái khó là phải tìm ra cái mới. Từ tư duy đề tài đến triển khai đều phải kỳ công, tìm hiểu, ghi chép, hỏi han, gặp người dân, nhân chứng, chính quyền các cấp, nhà nghiên cứu… chứ không phải là chuyện chỉ ngồi một chỗ, tìm đọc chỗ này rồi lấy cảm hứng, viết thành chỗ kia. Nói chung để viết được cuốn này tôi đã phải đổ mồ hôi, tìm tòi, ghi chép, thu thập thông tin.
- Pv:“Hà Nội thênh thang ký ức” có những bài viết mang nhan đề rất lãng mạn như: Trả lại “nhan sắc” cho phố phường, nét xưa nơi cuối dòng sông Tô, mênh mang cổ thụ, nơi đâu những mảnh hồn làng, nghề dựng ký ức…Trong số 22 bài ký trong tập ký sự này, anh thích nhất bài nào?
-Nhà văn Nguyễn Văn Học: Mỗi bài có một vẻ riêng và tôi đều có cái thú khi viết. Trong đó vệt bài 3 kỳ Khi làng lên phố, tôi đoạt giải Nhì, cuộc thi viết ký, ghi chép “Thăng Long - Hà Nội: 11 thế kỷ lắng hồn sông núi”, do báo Hà Nội mới tổ chức. Đây là vệt bài kỳ công mà tôi tin là mình sẽ đạt giải. Quả nhiên tôi đã đạt được điều mình kỳ vọng.
-Pv: Dường như anh hay hoài niệm và tiếc nuối cho những giá trị đã phai mờ trong quá trình đô thị hóa của thủ đô?
- Nhà văn Nguyễn Văn Học: Tiếc chứ. Nhiều người cũng chung tâm trạng như tôi. Trong quá trình làng lên phố, cái được dễ thấy, nhưng có những cái mất âm thầm như mối quan hệ hàng xóm láng giềng đang bị vơi cạn, nền nếp gia phong phai mòn thì chẳng phải người nào cũng nhìn ra. Cùng với đó, các tệ nạn xã hội, tình hình mất an ninh trật tự cũng khiến mỗi chung ta phải trăn trở. Phát triển bền vững là điều ai cũng mong muốn, nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện được. Trong khoảng 20 năm qua, công tác bảo tồn làng cổ ở Hà Nội rất hạn chế, thậm chí có nơi còn xin trả lại danh hiệu. Nhiều địa danh như làng hoa Ngọc Hà, làng đúc đồng Ngũ Xá, làng ảnh Lai Xá, làng cắt tóc Kim Liên… chỉ còn là ký ức. Điều quan trọng nữa là khi làng hóa phố, diện tích đất nông nghiệp của các ngôi làng vốn trước đây có nhiều người làm ruộng, thì nay họ khó chuyển đổi nghề nghiệp. Họ cầm một khoản tiền đền bù rất lớn và xây nhà cửa, mua sắm đồ dùng, gửi ngân hàng, và rồi họ hoang mang trong cuộc sống khá đủ đầy tiện nghi đó. Những bi kịch của cuộc sống cũng sinh ra từ chuyện tiền nhiều nhưng không có việc làm.
-Pv: Sinh ra ở một làng ngoại ô của thủ đô, sống và làm việc chủ yếu tại Hà Nội, anh có thể chia sẻ về tình yêu của mình dành cho Thủ đô?
- Nhà văn Nguyễn Văn Học: Mỗingười đều có cách yêu thành phố riêng và muốn chung tay đóng góp để tôn bồi cho sự phát triển chung. Ngay như việc mỗi cá nhân hãy chấp hành nếp sống đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường thành phố cũng là cách yêu thành phố rồi, chứ chưa cần phải làm cái gì to tát. Tôi yêu thành phố và không phải tôi sẽ hô to lên về tình yêu ấy. Tôi yêu và tôi sẽ làm việc một cách âm thầm để cùng gìn giữ những vẻ đẹp của Hà Nội.
Mỗi con người sống ở Hà Nội là một gương mặt Hà Nội. Bởi từ cách sống, đi lại, ăn mặc, mỗi người đều là những thực thể có thể làm thành phố xấu đi hoặc đẹp hơn. Vậy thì chúng ta phải chung tay cho vẻ đẹp, bình yên của thành phố. Đó là thể hiện trách nhiệm với Thủ đô bằng những việc làm cụ thể. Làm sao để thành phố có tuổi 1010 năm vừa văn minh, thanh lịch.
-Pv: Xin trân trọng cảm ơn anh!