Nhà xanh lại đóng đỗ xanh

Mấy hôm nọ trời rét đậm, hôm nay trời hửng nắng đem theo cái không khí rạo rực của xuân đang đến gần. Chợ tết nhộn nhịp hẳn lên. Mẹ ghé vào hàng lá dong chọn mua mấy bó lá và hai ống giang. Năm nào cũng vậy, nhà tôi gói nhiều bánh lắm. Phần để lại nhà thắp hương và ăn, phần chia cho các cô chú. 

Mẹ tôi cẩn thận trong việc lựa chọn nguyên liệu lắm.Mẹ tôi lựa nếp Tú lệ hoặc nếp cái hoa vàng chứ không dùng nếp Điện biên. Mẹ bảo, hai loại nếp này thơm và rền. Đỗ xanh được gửi từ quê ra. Đó là loại đỗ hạt nhỏ, vỏ xanh sẫm và ruột vàng óng. Trong quê gọi đó là đỗ tằm. Loại này bở, thơm và bùi lắm.

banh-trung-xanh-1642472094.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Công đoạn rửa lá dong và chẻ lạt do tôi đảm nhiệm. Ngồi bên vòi nước, tôi tỉ mẩn rửa sạch từng tàu lá rồi dựng lên. Một trăm lá mà cũng mất một tiếng ngồi còng cả lưng. Rửa xong mấy bó lá, tay tôi nhăn nheo hết cả lên. Xong việc, tôi lại hơ tay bên bếp cho đỡ cóng rồi lấy giang ra chẻ lạt. Dùng dao sắc cạo tinh giang, tiếng kèn kẹt của dao với vỏ giang nghe rợn tóc gáy. Tôi lần lượt pha đôi ống giang ra, rồi lại pha đôi nữa tới khi thanh giang vừa tầm sợi lạt. Lột bỏ bụng giang, tôi từ từ tước lạt. Không phải ai cũng biết chẻ lạt đâu nhé ! Lạt dùng để gói bánh chưng phải bóc từng lớp một và thường là bỏ cật đi. Khi tước, phải uốn cong sợi lạt để khỏi bị lãi, hay còn gọi là đuôi chuột. Lạt chẻ xong được luộc qua cho dẻo dai.Nếp và đỗ ngâm từ tối hôm trước. Mẹ cẩn thận đãi, nhặt hết hạt đen, thóc lỏi rồi vo tới khi nước trong. Mẹ bảo phải làm vậy thì bánh mới để lâu, không bị chua.

Sau bữa trưa, cả nhà xúm xít vào gói bánh. Hai đứa cháu háo hức bắc ghế ngồi bên cạnh và luôn mồm hỏi chuyện. Đỗ xanh được nấu chín, đánh nhuyễn và vắt thành từng nắm nhỏ. Cứ một bánh là hai nắm. Thịt lợn thái bằng ba ngón tay đã ướp muối, tiêu, hành củ và thảo quả. Tôi biết một số nơi không cho thảo quả nhưng nhà tôi luôn cho vào, vì mẹ bảo thảo quả ấm bụng, thơm và tiêu đầy bụng. Gạo được chia thành ba phần, một phần trộn lá cẩm tím, một phần trộn gấc và một phần lá riềng. Tôi lau lá cho khô rồi cắt lá cho vừa khuôn. Ba mẹ thoăn thoắt gói bánh. Những chiếc bánh vuông vức dần xếp chồng lên nhau. Tôi thích quá cũng đòi mẹ cho gói bánh. Nhìn chiếc bánh thành phẩm đầu tiên do tay mình gói cũng đẹp phết. Còn một ít nếp, đỗ ba tôi gói cho hai cháu mỗi đứa một cái bánh cóc nho nhỏ. Tôi nhớ ngày nhỏ cũng hãnh diện vô cùng khi được ba cho một cái bánh cóc đi khoe với các bạn.

Bếp lửa đã nổi lên, xoong quân dụng được xếp một lượt cuống lá dưới đáy, rồi bánh được xếp vào đầy. Lửa rừng rực xua tan cái giá rét. Ba vần bên bếp một xoong nước to để thỉnh thoảng còn tiếp nước cho nồi bánh. Ba dặn, làm gì thì làm nhưng phải trông cho bếp đều lửa, tránh cho bánh bị hấy. Củi để đun bánh được chuẩn bị lâu rồi nên khô nỏ. Tuy ở phố chật chội nhưng nhà tôi năm nào cũng duy trì việc gói bánh. Ba tôi bảo, gói bánh cho có không khí tết. Đến khuya, bánh chín, ba dùng móc nhấc từng cặp bánh thà vào chậu nước lạnh. Tôi dùng khăn lau rửa sạch lớp mỡ bên ngoài rồi xếp lên kệ, dùng tấm ván mỏng đặt lên, trên đặt thau nước để ép bánh. Sáng hôm sau, từng cặp bánh treo lủng lẳng trên sào để chờ được đến nơi cần đến và được hiện diện trên bàn thờ gia tiên, trong mâm cỗ của mỗi gia đình.

Nhớ ngày nhỏ mẹ tôi vẫn đố: " Nhà xanh lại đóng đố xanh

Tra đỗ, trồng hành, thả lợn vào trong"

Giờ đây, bánh chưng không còn màu xanh nguyên bản nữa mà đã được nhuộm những màu tím, đỏ, đen...cho rực rỡ mâm cỗ nhưng hương vị của nó vẫn không thay đổi. Bánh chưng giờ cũng không phải là món hiếm nhưng tôi vẫn háo hức mong chờ được tự tay chuẩn bị và gói tấm bánh ngày tết để đón nhận không khí ấm cúng, sum vầy và đón chờ mùa xuân sang.

 Theo Chuyện làng quê