Nhạc sĩ viết bài hát thiếu nhi “Cháu yêu bà”

Bài hát “Cháu yêu bà” với lời dễ thương, gần gũi, được nhạc sĩ Xuân Giao viết một cách tự nhiên.
bai-hat-chau-yeu-ba-nhac-si-xuan-giao-1632489847.jpg
Nhạc sĩ Xuân Giao (Ảnh: CAND)

Bài hát chỉ có 4 câu ngắn gọn, dễ thuộc, dễ nhớ, và cũng thật khó quên. Chúng ta bây giờ thường nghe ca sĩ Xuân Mai thể hiện ca khúc này một cách ngọt ngào, lay động.

“Bà ơi bà cháu yêu bà lắm

Tóc bà trắng bà trắng như mây

Cháu yêu bà cháu nắm bàn tay

Khi cháu vâng lời cháu biết bà vui”.

Cháu bé yêu mái tóc trắng như mây của bà, và với sự hồn nhiên của mình, bé yêu bà nên bé nắm bàn tay bà. Cháu bé hồn nhiên ấy cũng hiểu rằng, khi nghe lời bà, bà sẽ vui.

Bài hát tuy sử dụng lời lẽ giản đơn nhưng mang tính giáo dục cao. Bốn câu hát này dường như đã trở thành “bài hát cửa miệng” của các thiếu nhi.

Theo Hà Phương (báo VOV), nhạc sĩ Xuân Giao sinh năm 1932, mất năm 2014, quê gốc ở Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên, nhưng ông lại trưởng thành ở đất Kiến An, Hải Phòng. Ông bắt đầu con đường âm nhạc từ một diễn viên hát giọng nam trầm của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị.

Từ năm 1960, ông là cán bộ biên tập Nhà Xuất bản Âm nhạc. Vừa làm công tác biên tập vừa sáng tác, ông đã có nhiều ca khúc nổi tiếng, đặc biệt là trong Kháng chiến chống Mỹ như “Bài ca biên phòng”, “Giữ biển trời Quảng Bình - Vĩnh Linh”, “Đi tới những chân trời”, “Cô gái mở đường”, “Chào sông Mã anh hùng”... Trong đó, “Cô gái mở đường” vẫn được xem là một trong những khúc ca hay nhất viết về thanh niên xung phong ở đường Trường Sơn. Ngoài hàng trăm ca khúc viết cho người lớn, Xuân Giao còn có một gia tài không nhỏ dành cho thiếu nhi. Trẻ em nhiều thế hệ vẫn thuộc nằm lòng bài hát “Em mơ gặp Bác Hồ”, “Cháu yêu bà”…

Trong đó, ca khúc “Em mơ gặp Bác Hồ” sáng tác năm 1969 là một trong những ca khúc đã đem về cho nhạc sĩ Xuân Giao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Nhạc sĩ Xuân Giao đến với âm nhạc một cách tự nhiên và để lại cho đời nhiều bài ca đặc sắc, dù ông chưa được học qua một trường lớp chính quy nào. Những bài hát của ông thường được sáng tác trên đàn ghi ta hay măngđôlin. Những năm gần đây, nhạc sĩ Xuân Giao bị tai biến đến ba lần, rồi lại phải mổ túi mật khiến sức khỏe giảm sút nhiều. Cuộc sống của ông chủ yếu gắn với chiếc giường và nhờ vào bàn tay tần tảo, chịu thương chịu khó của người vợ cùng con cái.

Tuy vậy, niềm say mê âm nhạc vẫn không hề tắt trong ông. Dù bị tai biến, nhạc sĩ Xuân Giao vẫn sáng tác. Tay run không viết được, ông nhờ con gái chép hộ khuông nhạc. Dù khi còn công tác ở Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị hay sau này về Nhà xuất bản Âm nhạc, nhạc sĩ Xuân Giao luôn được bạn bè yêu mến vì sự cần mẫn, tận tụy trong công việc. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và sự yêu mến của công chúng với những sáng tác của ông là quà tặng vô giá với một người nghệ sĩ./.