Ông quê ở làng Bích Câu, Đống Đa, Hà Nội. Gọi là quê nhưng từ nhà ông ở tại Hàng Bột, đi mấy bước ra nhà số 85 cùng phố, chỗ ngã 3 Hàng Bột - Phan Văn Trị, ông đã nhìn thấy quê cách đó chỉ hơn trăm mét. Dãy nhà của trường Cao đẳng Y tế Hà Nội bây giờ, nằm trên phần đất làng Bích Câu xưa.
Làng Bích Câu là một trong những làng cổ như Hương Miến, Thanh Miến, An Trạch, Hào Nam, Lương Sử, Văn Hương, Văn Chương, Thịnh Hào, Thổ Quan (Quan Thổ), Linh Quang… làm nên con đường Hàng Bột – Con đường thiên lý xuất phát từ cửa Nam thành Thăng Long, qua Ô Chợ Dừa ở cuối phố Hàng Bột để xuôi vào Nam.
Làng Bích Câu cũng là nơi hàn sỹ Tú Uyên gặp nàng tiên Giáng Kiều, nay vẫn được lưu trong truyền thuyết Bích Câu kỳ ngộ.
Bích Câu nghĩa chữ Hán là “Ngòi Biếc”. Con kênh xanh chảy từ Tây Bắc thành Thăng Long, chạy qua Thụy Khuê, Ngọc Hà, Cát Linh, Hàng Bột rồi quặt sang Hồ Giám, Lương Sử, Ngô Sỹ Liên rồi tiếp tục chảy vào hồ Kim Âu ở phố Khâm Thiên. Hà Nội xưa kênh rạch chằng chịt. Tương truyền chúa Trịnh Sâm đã từ Phủ chúa ở mạn Tràng Thi – Quang Trung, đi thuyền đến tận hồ Kim Âu và hồ Giám (hồ Văn bây giờ).
Có lẽ được sinh ra trên mảnh đất tấp nập khách văn thơ và cả xóm trọ của học trò xưa mà nhạc sỹ Thế Song đã thấm đẫm nền văn hóa dân tộc. Ông có những ca khúc đặc biệt, bất hủ về tình yêu Tổ quốc. Năm 2017, ông đã được trao giải thưởng Nhà nước về các tác phẩm Nơi đảo xa, Bài ca trên đỉnh Pò Hèn, Tình yêu bên suối. Ca khúc Nơi đảo xa là bài ca hay nhất, giàu cảm xúc nhất của nền âm nhạc Việt Nam nói về tình yêu Tổ quốc của những người con đang ngày đêm bảo vệ biên cương, hải phận của quốc gia.
Phố Hàng Bột tự hào có di chỉ Văn Miếu – Quốc Tử Giám, có Đàn Xã tắc của nước Nam.
Phố Hàng Bột cũng tự hào khi có nhạc sỹ Thế Song, người nhạc sỹ có những bài ca viết về người chiến sỹ trên tuyến đầu chống giặc ngoại xâm.
Nhạc sỹ Thế Song tên đầy đủ là Nguyễn Thế Song. Ông sinh ngày 1/12/1933 tại làng Bích Câu – Hàng Bột.
Năm 1955, ông là diễn viên hát tại Đoàn ca nhạc Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam và là cán bộ biên tập âm nhạc của Đài. Ông cũng là Ủy viên Ban chấp hành Hội âm nhạc Hà Nội 3 kỳ liên tiếp (từ 1995 đến 2010). Ông đã viết gần 600 ca khúc, trong đó có những ca khúc viết về người lính đảo : Ngôi nhà lính đảo, Biển mưa, Biển chuyện tình hóa đá, Hoa hồng biển đảo, Mênh mang Trường Sa, Tình em theo cánh sóng, Hát từ vùng gió xoáy, Hòn mưa, Sóng ru, Vũng Tàu tình yêu biển, Cát Bà tình em, Biển hẹn Cà Mau...
Ngoài những ca khúc mang âm hưởng hào hùng, những ca khúc trữ tình của ông đã được tập hợp trong Tuyển tập tình khúc Thế Song. Ông quan niệm : "Phải tích luỹ vốn dân ca của ông cha để lại mà tìm tòi phát hiện cái hay, cái đẹp trong đó để sáng tạo trong tác phẩm của mình mang tính thời đại”.
Theo Chuyện làng quê