Chiếm 13% diện tích và 19% dân số cả nước, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), thuộc địa bàn các tỉnh Tây Nam Bộ là nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn vùng đã có những đổi thay mạnh mẽ và cuộc sống người dân ngày càng khấm khá. Thành quả đó có được chủ yếu do các địa phương phát huy tốt nội lực cùng sự vào cuộc quyết liệt của đội ngũ cán bộ cơ sở, sự đồng thuận và chung tay góp sức của người dân.
Trong cuộc vận động xây dựng NTM vùng đồng bào dân tộc Khmer Tây Nam Bộ ngày càng xuất hiện nhiều nhân tố tiêu biểu, tích cực, là những cán bộ cơ sở, nông dân, bậc chân tu... cùng chung sự tận tâm, tận lực đóng góp cho cộng đồng, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Trở lại xã Ðịnh Hòa (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang), một trong 11 xã điểm xây dựng NTM của cả nước, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của một xã vùng sâu có đông đồng bào dân tộc Khmer (chiếm 63,5% dân số) sinh sống. Từ một xã nghèo với rất nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, điều kiện sản xuất, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, chỉ sau 5 năm tập trung xây dựng NTM, cuối năm 2015, Ðịnh Hòa đã về đích. Còn hiện tại, xã có hơn 80% diện tích đất được bơm tưới tập thể, hơn 95% diện tích sử dụng giống chất lượng cao góp phần tăng năng suất từ 9,1 tấn lên 12,8 tấn/ha/năm, nhiều mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả cao.
Ở Ðịnh Hòa có hơn 3.200 căn nhà có hàng rào, cột cờ, treo ảnh Bác Hồ (chiếm 83,6% số nhà toàn xã); thu nhập bình quân đầu người từ 10,2 triệu đồng/năm (năm 2009) đến nay tăng lên 39,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,7% xuống còn 4,6% (xét theo hướng đa chiều với các tiêu chí như thu nhập, giáo dục, nhà ở, y tế, nước sạch…).
Thành công của Ðịnh Hòa là vận dụng tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp, dân hưởng thụ". Chủ tịch UBND huyện Gò Quao Võ Văn Trà nhận xét, trong xây dựng NTM, Ðịnh Hòa dựa vào nội lực là chính, phát huy được tính tự chủ, ý thức tự lực, tự cường của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Ðáng chú ý, có sự góp sức của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, khi nhiều vị cao tăng đắc đạo ở các chùa phật giáo Khmer Nam tông đã cùng chung tay với chính quyền vận động tài trợ xây dựng nhiều công trình cầu, đường nông thôn, trường học, trạm y tế...
Người có công lớn trong phong trào xây dựng NTM ở xã Ðịnh Hòa là hòa thượng Trần Nhíp, trụ trì chùa Thanh Gia, tọa lạc tại ấp Hòa Thanh, xã Ðịnh Hòa. Năm nay hòa thượng đã 92 tuổi, nhưng thường xuyên có mặt tại các công trình vận động tài trợ. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Ðịnh Hòa, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, hòa thượng luôn trăn trở với cuộc sống còn khó khăn của người dân cho nên đã trực tiếp vận động, quyên góp xây dựng hơn 200 cây cầu bê-tông, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn và hơn 500 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương…
Với người dân Ðịnh Hòa, hòa thượng là một vị sư già gần gũi, luôn yêu thương và giúp đỡ người yếu thế; là "cây cao bóng cả" để nhiều người nương tựa, học hỏi. Tấm gương vì cộng đồng của hòa thượng đã góp phần giúp người dân Ðịnh Hòa, đặc biệt là bà con dân tộc Khmer có bước chuyển mạnh mẽ về nhận thức, tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống và đóng góp cho cộng đồng.
Ở xã NTM Tham Ðôn (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), mọi người nể phục khi nhắc về ông Lâm Văn Phấn, một lão nông dân tộc Khmer. Ông Phấn vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen với thành tích xuất sắc trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phong trào xây dựng NTM.
Ông Phấn đã vận động bà con, thân nhân và kiều bào ở nước ngoài đóng góp gần hai tỷ đồng xây sáu cây cầu, bốn tuyến đường giao thông. Thấy bà con nông dân vất vả chuyện nắng mưa, ông vận động xây dựng hai căn nhà mát ngoài đồng để bà con trú mưa, nghỉ nắng. Ông còn phân phát hơn 22 tấn lúa cho các hộ khó khăn, trồng hoa hai bên đường làm đẹp ngõ xóm. Trường mẫu giáo Bông Sen rộng hơn 1.000 m2 cũng là công sức do ông Phấn đứng ra vận động người dân hiến đất xây trường.
Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Chụm Bưng Trần Văn Bát nhớ lại: "Hơn 10 năm trước, nơi đây là vùng heo hút nhất của xã Tham Ðôn. Ðường, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế là nỗi khát khao của người dân. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", chỉ trong thời gian ngắn, các tuyến đường liên ấp, liên xã hình thành, ánh điện, nước sạch cũng theo đó về với ấp Chụm Bưng. Trẻ em tuổi mầm non đã được đến trường. Các mô hình kinh tế được đầu tư, chuyển giao, đời sống nhân dân ngày càng khấm khá....".
Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tham Ðôn Tăng Trung Bảo phấn khởi, là xã đặc biệt khó khăn, có hơn 73% đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng đến năm 2018, Tham Ðôn đã được công nhận đạt chuẩn NTM và hiện nay đã đủ tiêu chuẩn công nhận xã NTM kiểu mẫu.
Ở miệt biển tỉnh Cà Mau, nhiều năm qua, cựu chiến binh Lê Nghị Diện, Phó Chi hội trưởng Cựu chiến binh ấp Ðất Sét, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân đã dành hết tâm huyết để cải tạo thửa đất cằn cỗi của gia đình thành những đầm tôm cho năng suất cao. Nhờ áp dụng tốt tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào canh tác mà nhiều năm liền, vụ tôm nào gia đình ông Diện cũng thắng đậm, lãi mỗi năm từ 300-400 triệu đồng. Từ hộ nghèo vươn lên thành hộ khá, ông đã hỗ trợ vốn, cây trồng, vật nuôi... và chỉ dẫn cho 30 hộ khó khăn trên địa bàn ấp cách làm ăn, phát triển kinh tế.
"Ðến nay, hầu hết số hộ được chú Diện giúp đỡ đã thoát nghèo. Chú còn góp tiền, góp ngày công để cùng với hội viên Cựu chiến binh, nhân dân ấp Ðất Sét tham gia san gạt hàng ki-lô-mét đất đen, trồng cây ven sông chống sạt lở, tham gia sửa chữa lộ, mống mố cầu nông thôn bị hư hỏng"- Bí thư Ðảng ủy xã Phú Thuận Võ Thanh Nhũ cho biết. Giống như ông Diện, bà Lý Ngọc Ngân, dân tộc Khmer ở ấp Ðường Ðào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình cũng dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động vì tình làng, nghĩa xóm. Bằng kinh phí tự có và sự ủng hộ thêm từ bạn bè, người thân, trong 5 năm qua, bà đã hỗ trợ cất hai căn nhà cho hộ nghèo trong ấp; góp tiền giúp nâng cấp con lộ nông thôn ở Ðường Ðào từ 1,5 m lên 2,5 m để đạt chuẩn lộ NTM.
Vào những dịp lễ, Tết bà Ngân còn mua quà, gạo, thực phẩm… tặng cho các hộ đồng bào Khmer trong vùng, chung tay với chính quyền xã chăm lo tốt hơn đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Còn vợ chồng ông Nguyễn Trường Giang (thường gọi Út Giang) ở ấp 3, xã Khánh Lâm, huyện U Minh lại trích tiền lương thương binh hằng tháng mua vật tư, bỏ công đi dặm, vá những tuyến đường hư hỏng. Chỉ có một héc-ta đất canh tác nông nghiệp, kinh tế gia đình không dư giả nhưng khi nghe nơi nào trong xã đường sá bị hỏng là vợ chồng Út Giang có mặt. Người trong xóm đã quen với hình ảnh ông chồng đẩy xe vật liệu đi trước, bà vợ cầm cái xô, cây leng bước theo sau cùng làm, chẳng mấy chốc những ổ gà, ổ trâu, đường sá phẳng phiu trở lại.
Nhờ việc làm thiết thực của vợ chồng ông mà con em miệt Khánh Lâm đạp xe đi học không vấp ổ gà, té ngã như trước. Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chia sẻ: Thời gian qua, chính quyền các cấp ở Cà Mau đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với xây dựng NTM, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Trong phong trào xây dựng NTM đã xuất hiện rất nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, đặc biệt là sự đóng góp bằng những việc làm rất cụ thể, thiết thực của những con người bình dị. Việc làm của họ tuy nhỏ nhưng có tác dụng lớn, góp phần tạo sức lan tỏa mạnh làm thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân. Nhiều xã xây dựng NTM thành công cũng nhờ sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ cơ sở, sự vào cuộc tự nguyện và quyết liệt của người dân.
Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu và TP Cần Thơ là hai địa phương ở ÐBSCL đã có 100% xã đạt chuẩn NTM. Một số tỉnh đạt từ 75% xã NTM trở lên là: Ðồng Tháp 97 trong tổng số 115 xã (chiếm 84,34%); Tiền Giang có 119 trong tổng số 143 xã (83,21%); Trà Vinh có 69 trong tổng số 85 xã (81,1%); Kiên Giang 90 trong tổng số 116 xã (77,59%).
Dù có nhiều lợi thế nhưng vùng Tây Nam Bộ vẫn đang đi sau cả nước trong xây dựng NTM, trong đó, số lượng đơn vị hành chính được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) cũng thấp hơn. Hiện các tỉnh Tây Nam Bộ đang nỗ lực nâng số lượng và chất lượng đơn vị đạt chuẩn NTM, với phương châm xây dựng NTM phải thực chất.
So với các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ, Vĩnh Long có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer ít hơn với tổng số 22.630 người, chiếm 2,21% dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc Khmer sống tập trung chủ yếu ở năm xã, gồm: Đông Bình, Đông Thành (thị xã Bình Minh); Loan Mỹ (huyện Tam Bình) và Tân Mỹ, Trà Côn (huyện Trà Ôn). Để tập trung xây dựng NTM ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Vĩnh Long đã huy động nguồn lực từ ngân sách tỉnh, huyện và lồng ghép nhiều chương trình, như: Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình hỗ trợ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội và các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, giải quyết việc làm...
Qua 10 năm triển khai xây dựng NTM, hiện hai xã Đông Bình, Đông Thành (thị xã Bình Minh) đã được công nhận xã NTM; xã Loan Mỹ (huyện Tam Bình) đang quyết tâm đạt chuẩn NTM trong năm 2021. Như vậy cuối năm nay, Vĩnh Long có 3/5 xã đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đạt chuẩn xã NTM (chiếm tỷ lệ 60%).
Điều đặc biệt, qua thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, nhiều ấp, xã, huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống lại về đích NTM trước. Cụ thể như tại tỉnh Trà Vinh, địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer chiếm đến hơn 31% dân số toàn tỉnh đã có 69/85 xã đạt chuẩn NTM (chiếm tỷ lệ 81,1%). Hiện, Trà Vinh không còn xã dưới 10 tiêu chí NTM, số tiêu chí đạt bình quân/xã là 18,12 tiêu chí; có 10 xã đạt tất cả 20 tiêu chí xã NTM nâng cao; 5/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, gồm:
Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long, thị xã Duyên Hải và TP Trà Vinh. Tỉnh phấn đấu cuối năm nay có thêm tám xã đạt chuẩn NTM, gồm: Hòa Lợi, Phước Hảo, Đa Lộc (huyện Châu Thành); Thanh Sơn, An Quảng Hữu (huyện Trà Cú); Đôn Châu (huyện Duyên Hải); Thuận Hòa, Nhị Trường (huyện Cầu Ngang). Phấn đấu xây dựng huyện Châu Thành đạt chuẩn NTM; có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, mỗi xã tăng thêm ít nhất hai tiêu chí so với năm 2020.
Tại Kiên Giang, địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đứng thứ ba toàn vùng với gần 211.000 người, cũng đã có 90/116 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 77,59%), bốn xã khác cũng đang hoàn thành thủ tục để được công nhận trong năm nay. Trong những xã về đích NTM có nhiều xã tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khá cao, nổi bật là huyện Gò Quao, nơi có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đông nhất tỉnh (chiếm 32,47%).
Chủ tịch UBND huyện Gò Quao Võ Văn Trà cho biết, trước khi xây dựng NTM, điều kiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện nhiều khó khăn, hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, lưới điện, nước sạch, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường... đều tạm bợ. Số tiêu chí đạt bình quân ở mỗi xã là 6/19 tiêu chí, có xã chỉ đạt 3/19 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người chỉ 17 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn tới 13,21%. Trở ngại lớn là nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân về xây dựng NTM còn hạn chế. Nhưng sau 10 năm xây dựng NTM, toàn bộ 10 xã của huyện Gò Quao đều được công nhận xã NTM; huyện đạt 9/9 tiêu chí NTM và được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM năm 2020.
"Bộ mặt nông thôn của Gò Quao, nhất là tại các xã, ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đã thay đổi hoàn toàn. Trong 10 năm, tổng nguồn vốn xây dựng NTM của huyện khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ nhân dân khoảng 350 tỷ đồng, 38.450 ngày công và gần 130.000 m2 đất để xây dựng đường và các công trình dân sinh. Trong xây dựng NTM, Gò Quao không có nợ đọng xây dựng cơ bản", đồng chí Võ Văn Trà phấn khởi cho biết.
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, địa phương này có 24 ấp của bốn xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển, gồm: Phú Lợi, Phú Mỹ (huyện Giang Thành), Vân Khánh Đông (huyện An Minh) và Nam Thái A (huyện An Biên). Triển khai thực hiện chủ trương hỗ trợ, giai đoạn 2019 - 2020, Kiên Giang phân bổ 66 tỷ đồng để hoàn thành 18,9 km đường trục ấp, sửa chữa và xây mới được 29 cây cầu dân sinh; đầu tư cho các xã mô hình sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân số vốn 500 triệu đồng/mô hình, với quy mô 90 ha.
Hiện đã có 13/24 ấp thuộc hai xã vùng bãi ngang ven biển cơ bản đạt cả 16 tiêu chí ấp NTM, 11/11 ấp của hai xã vùng biên giới đạt bình quân 11,6 tiêu chí/ấp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, để tiếp tục triển khai xây dựng NTM hiệu quả tại địa bàn các xã khó khăn, Kiên Giang tập trung chỉ đạo rà soát và triển khai thực hiện tốt các nội dung để hoàn thành chỉ tiêu.
Địa phương rà soát, đánh giá để xác định mục tiêu và xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể, nhất là giải pháp hỗ trợ thôn, bản ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới; tiếp tục quan tâm, ưu tiên nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó đẩy mạnh triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng NTM, tăng cường triển khai thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn những xã đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân, từng bước hoàn thiện các tiêu chí xã NTM.
Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã có nhiều mô hình tốt trong xây dựng NTM. Địa phương này vừa tổ chức lễ ra quân công trình "Tuyến đường không rác thải" và mô hình "ấp 5 không 3 sạch toàn diện, tham gia xây dựng NTM kiểu mẫu" tại ấp Xẻo Cao A, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, rất đông phụ nữ trong ấp hưởng ứng.
Tại đây, các chị được hướng dẫn cách thức phân loại, xử lý rác thải hộ gia đình, đồng thời được tặng thùng rác nhựa, túi xách bảo vệ môi trường. Sau nghi thức lễ ra quân, chị em phụ nữ chia nhiều tốp làm cỏ ven đường, quét dọn rác. Chị Huỳnh Ngọc Phỉ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A nói: "Xây dựng cảnh quan môi trường là tiêu chí khó, không phải có vốn là thực hiện được, mà đòi hỏi vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện.
Hoạt động này nhằm tuyên truyền, vận động, giúp đỡ hội viên, phụ nữ ngày càng nâng cao ý thức, thấy được trách nhiệm trong việc tham gia bảo vệ môi trường". Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang, thời gian qua, các cấp hội trong tỉnh đã có nhiều sáng kiến, mô hình như: "Cổng xanh - ngõ đẹp", "con đường đẹp", "Đường sáng tỏ, ngõ sạch đẹp", thùng ủ phân compost, hố xử lý rác gia đình, hố rác liên gia, ra quân quét dọn, vệ sinh các tuyến lộ nông thôn, các khu chợ, trồng hàng rào cây xanh, xây dựng tuyến đường cổng xanh, ngõ đẹp bảo vệ môi trường, hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa...
Đến nay toàn tỉnh Hậu Giang có 640 tổ/nhóm/câu lạc bộ hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường với 12.000 thành viên đã và đang phát huy hiệu quả; có 63.745 hộ gia đình đạt tiêu chí 5 không, 3 sạch, góp phần cho địa phương được công nhận tiêu chí môi trường hằng năm.
Cà Mau là vùng sông nước chia cắt nên xuất phát điểm rất thấp. Khi bắt tay vào xây dựng NTM, toàn tỉnh chỉ đạt 3,5 tiêu chí/xã, thậm chí năm 2010 nhiều xã "trắng" tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo có nơi gần 14%. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh đã có những bước chuyển lớn. Chỉ tính riêng giai đoạn 2010 - 2019, tổng nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM trên địa bàn Cà Mau là hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó dân đóng góp chiếm gần 30%.
Giai đoạn 2020 - 2025, Cà Mau phấn đấu số xã đạt chuẩn NTM khoảng 80%, trong đó có 20% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có từ hai huyện trở lên đạt chuẩn NTM. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, tỉnh tập trung huy động, lồng ghép, đa dạng hóa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM, chú trọng nâng cao nhận thức của người dân để bà con đồng lòng, chung tay...
Trong quá trình xây dựng NTM, Cà Mau xác định phải làm thực chất, không chạy theo thành tích và không được trông chờ ỷ lại, phải lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo để đánh giá kết quả. Cà Mau đặc biệt chú trọng đến các tiêu chí nâng cao đời sống, thu nhập của người dân. "Nếu đạt xã NTM mà đời sống người dân khó khăn, sản xuất còn bấp bênh thì NTM chưa thực chất và không có ý nghĩa", đồng chí Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, qua 10 năm xây dựng NTM, Sóc Trăng đã huy động hơn 14.246 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương là 707 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 999 tỷ đồng, vốn lồng ghép hơn 5.002 tỷ đồng, vốn tín dụng hơn 5.682 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 5.682 tỷ đồng và vốn nhân dân đóng góp hơn 1.139 tỷ đồng. Cùng với phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, Sóc Trăng là địa phương điển hình trong phát triển kinh tế cho người dân vùng nông thôn.
Cụ thể, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng NTM; hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết, sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng các quy trình sản xuất sạch, an toàn gắn với bao tiêu, chế biến, xuất khẩu; chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang nuôi, trồng các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Đặc biệt, Sóc Trăng đã triển khai Đề án của Chính phủ về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và là địa phương có nhiều sản vật nông, lâm, thủy sản đặc trưng, như: gạo thơm ST, gạo tài nguyên, trà mãng cầu, bưởi da xanh, bưởi năm roi, vú sữa tím, nấm rơm đóng hộp, bánh in, mè láo...
Bên cạnh những kết quả tích cực, thực tế thời gian qua cũng cho thấy ở một số địa phương đã xuất hiện tình trạng thỏa mãn trước thành tích nên thiếu tập trung trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát. Nhiều nơi chẳng những không duy trì, nâng chất lượng mà còn dẫn đến "rơi rớt" một vài tiêu chí, như: bảo hiểm xã hội, môi trường, an ninh trật tự...
Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Hậu Giang Huỳnh Thành Hữu cho biết: Trong thực tế xây dựng NTM đã xuất hiện nhiều hạn chế, bất cập và nhiều nơi đã xuất hiện tình trạng lơi lỏng. Để xây dựng NTM thuận lợi và đạt kết quả tốt cần thuộc lòng phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".
Chính quyền phải làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng, tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện nhiệm vụ của mình. Trong chỉ đạo cần có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng kế hoạch sớm, tổ chức thực hiện bài bản, chắc chắn; chủ động có những chính sách phù hợp với điều kiện từng địa phương.
Bên cạnh các nội dung trọng tâm như phát triển sản xuất, giao thông, văn hóa, môi trường, an ninh trật tự... phải đồng thời làm tốt các nội dung khác, không xem nhẹ nội dung nào. Phải gắn kết, lồng ghép các chương trình mục tiêu, xây dựng mô hình điểm để nhân rộng, hướng dẫn cụ thể cách làm gắn với việc thường xuyên kiểm tra, uốn nắn kịp thời, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện.