Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: "Giấy báo tử" đầu tiên của Việt Nam có nội dung như thế nào ?

Tôi có may mắn và vinh dự là Tác giả ý tưởng, Người khởi xướng và trực tiếp tham gia Ban Tổ chức 2 Cuộc vận động Sưu tầm Kỷ vật Lịch sử lớn nhất Việt Nam.

Đó là "Cuộc vận động Sưu tầm và Giới thiệu Những kỷ vật Kháng chiến" (Bộ Quốc phòng tổ chức, 2008 - 2010) và "Cuộc vận động Sưu tầm và Tuyên truyền Kỷ vật lịch sử Công an nhân dân" (Bộ Công an tổ chức, 2012 - 2016); bằng nguồn kinh phí xã hội hóa hàng chục tỷ đồng... Đã có hàng vạn kỷ vật từ khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài được sưu tầm qua 2 cuộc vận động đó...

ch1dvh1-1658029495.jpg
ch2dvh2-1658029601.jpg
Hai ảnh trên do tác giả cung cấp.

 

Có một kỷ vật nhỏ, nhưng mang ý nghĩa lớn, tôi rất muốn được chia sẻ cùng bà con làng facebook nói chung và Diễn đàn "Trái tim người lính": Một tờ "Giấy báo tử" có từ tháng 11 năm 1946, do một Nhà Sưu tầm Tem tại TP. Hồ Chí Minh gửi tặng.

Giới thiệu tóm tắt nội dung kỷ vật trên như sau (xin được "dịch" và chép lại, bổ sung dấu tiếng Việt, vì văn bản sử dụng máy chữ gõ kiểu cũ, phần lớn đều thiếu dấu):

Cơ quan phát hành "Giấy báo tử": Tỉnh bộ, Thị bộ Việt Minh Phú Thọ và các đoàn thể cứu quốc tại thị xã Phú Thọ (nay thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ - ĐVH); Số: 581/VM, ngày 1/11/1946.

Nội dung "Giấy báo tử":

"Chúng tôi vừa được tin anh Hoàng Van Thuan (theo phong bì có chữ viết bút mực là Hoàng Văn Thuần - ĐVH) - Một đồng chí trung kiên trong đoàn thể đã xung phong đi Nam tiến từ lâu nay bị tử thương ở Nam Bộ, rất lấy làm mến tiếc rằng chúng tôi đã mất một người bạn hiếm có và Tổ quốc thiệt một người con yêu quý.

Chúng tôi trân trọng kính viếng anh hồn đồng chí Hoàng Van Thuan đã chết một cách xứng đáng trong tuổi thanh niên và chia buồn cùng quý quyến".

Thay mặt Tỉnh bộ Việt Minh.

Đã ký (không đề họ tên người ký) và đóng dấu đỏ.

Ngoài chữ ký của người thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh bộ Việt Minh, còn có chữ ký của người đại diện Ban Thường vụ Thị bộ Việt Minh (không có dấu). Bên cạnh đó, là chữ ký của Đại biểu các Giới Cứu quốc: Phụ nữ, Phụ lão, Thanh niên, Viên chức...

Theo tôi, nội dung kỷ vật trên đây cho thấy đó là một trong những tờ "Giấy báo tử" đầu tiên của Việt Nam, sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Nghĩa là nó được phát hành trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kỳ Quyết định lấy ngày 27/7/1947 làm ngày cả nước tri ân Thương binh - Liệt sỹ.

Nếu có ai biết về những nhân vật liên quan đến liêt sĩ Hoàng Văn Thuần ghi trong nội dung "Giấy báo tử" làm ơn để lại bình luận hoặc tin nhắn!

Hà Nội, 17/7/2022

Đ.V.H