Mẫu nhân vật này thuộc nhiều hạng người, tầng lớp người khác nhau, từ người trẻ đến người già, từ người lao động chân tay đến người trí thức, từ người lính xuất ngũ, họa sĩ, nhà văn cho đến nhà sư, ni cô, bác phó cạo, từ quan chức có thế lực đến nhân viên, công chức bình thường,... Tất cả họ đều có nhân cách, lối sống, cách ứng xử, giao tiếp,... văn hóa, chuẩn mực. Trong lớp người văn hóa đó, chúng tôi nhận thấy in đậm dấu ấn nhất trong truyện ngắn Nguyễn Dậu là những mẫu người trí thức, mẫu người lính xuất ngũ và mẫu người nghệ sĩ.
1. Nhân vật - mẫu người trí thức
Nhân vật - mẫu người văn hóa trí thức trong truyện ngắn Nguyễn Dậu là những người có trình độ học vấn, đam mê nghiên cứu khoa học, có lý tưởng cao đẹp, vì quê hương, đất nước; có nhân cách, đạo đức, lối sống cao thượng, vị tha, bao dung với đồng loại. Những người như Thanh Luân (Thung lũng sương mờ), Ngát (Duyên lạ), bác sĩ Trương Thiền Tâm (Nàng đa trốn đi), cô giáo Thanh Liên (Sức mạnh đàn bà), thầy thuốc Nguyễn Tầm Tư (Thầy thuốc tồi tệ), Phạm Phước (Đại sám hối), người họa sĩ - thầy thuốc (Ngựa phi trong bão tuyết),... đều có phẩm chất, lối sống ứng xử văn hóa, chuẩn mực đúng với thuần phong mĩ tục truyền thống của dân tộc. Ngát (Duyên lạ) là người phụ nữ trí thức, có trí tuệ, lí tưởng sống cao đẹp và đức hạnh, thủy chung hết mực. Ngát là một người rất có nghị lực, có khát vọng vươn lên trên con đường học vấn, tương lai của mình. Ước mơ học tiến sĩ ngành nông học để hiện thực hóa khát vọng "có được một giống lúa thần kì để dân khỏi đói". Vì thế mà Ngát đã dốc hết sức lực, trí tuệ của mình ngày đêm kiên trì nghiên cứu, thử nghiệm, để rồi cho ra đời hàng chục giống lúa cao sản, một loạt giống mới hoàn toàn cao vọt, đột biến cả về lượng lẫn chất. Không những giỏi về nghiên cứu, học tập mà trong đời sống gia đình Ngát còn là một người vợ hiền thục, thủy chung và một nàng dâu nết na, hiếu thảo nữa. Mặc dù Ngát không có được một mái ấm hạnh phúc trọn vẹn khi mới lấy chồng được một tháng, thì chồng lên đường nhập ngũ và đã hi sinh nhưng Ngát vẫn không phôi pha một chút nào trong tình yêu dành cho chồng. Mười năm sống trong sự đau khổ, cô đơn vô hạn khi chồng hi sinh, tuổi xuân vẫn phơi phới, thế mà Ngát vẫn không yêu ai, không chịu đi bước nữa, vì Ngát vẫn "chưa thấy nguội lạnh mối tình đầu hoặc chưa tìm được một tình yêu nào vượt trội với tầm mức của mối tình cũ". Cảnh đời là thế, nhưng Ngát không một chút bi lụy, trái lại Ngát vươn lên bằng chính nghị lực phi thường của mình để vượt qua đau thương, mất mát đó và tập trung "hết mình trong công tác, vừa tận nghĩa phụng dưỡng cha mẹ chồng". Chính tình yêu và sự thủy chung mãnh liệt, đã giúp Ngát biến thành sức mạnh tinh thần để tiếp tục sống, vượt qua đau thương, mất mát và chăm sóc gia đình, cống hiến cho quê hương, đất nước. Hành động và tình cảm đó của Ngát đã khiến bố mẹ chồng nể trọng, thương yêu, họ hàng và hàng xóm đều tấm tắc khen ngợi, bầu bạn cũng rất tin cẩn và mến phục. Thanh Luân (Thung lũng mờ sương) lại là một mẫu hình của người phụ nữ khác, đó là mẫu hình của người phụ nữ biết yêu thương, bao dung, độ lượng. Thanh Luân là một cô gái còn rất trẻ, thế mà trước cảnh một đứa trẻ bị bỏ rơi, thì cô lại sẵn sàng nhận nuôi ngay đứa trẻ đó. Cô không hề đắn đo, suy nghĩ vì được cưu mang một linh hôn thơ dại, vô tội. Cô đón lấy đứa bé trong niềm vui, hạnh phúc tràn đầy, rồi ôm đứa bé ghì miết vào lòng, nước mắt lăn chảy ròng ròng. Bà Loan (Hồi nào đó, ta cùng nhau) cũng có nghĩa cử cao đẹp tương tự như Thanh Luân. Dẫu vợ chồng tên phản gián đã từng đánh đập, tra tấn một cách dã man nhưng bà Loan vẫn không một chút hận thù, trái lại nhận dưỡng nuôi, chăm sóc, yêu thương đứa con của họ như chính con đẻ của mình. Chính sự nuôi dạy tốt nên đứa trẻ lớn lên và trưởng thanh, đã trở thành một công dân tốt của xã hội, một đứa con rất hiếu thảo với gia đình. Tấm lòng bao dung, vị tha ấy còn được thể hiện qua nhân vật - cô giáo Thanh Liên (Sức mạnh đàn bà). Thanh Liên lấy chồng là một ủy viên thanh tra giáo dục, vì thế cứ tưởng rằng mái ấm hạnh phúc gia đình nho nhỏ luôn vẹn nguyên theo năm tháng đối với cô. Nhưng thật nghiệt ngã thay, Thanh Liên đớn đau vô cùng khi biết tin chồng của mình ngoại tình với một cô học sinh cũ. Hành động đồi bại của chồng khiến cô Thanh Liên đau khổ, buồn bã nhưng cô lại không bi lụy, điên cuồng, trái lại cô gạt đi nước mắt, bình tĩnh trở lại, tình cách tìm hiểu nguyên nhân, giải quyết sự việc một cách khôn ngoan, cao thượng. Ngay cả khi cô bắt tận tay chồng và người tình đang vụng trộm, thì cô vẫn khéo léo tìm cách tách li để hỏi cô học trò cũ vì sao cướp chồng của cô. Qua lời khai của cô học trò cũ, thì cô Thanh Liên đã hiểu ra là cô học trò cũ cũng chỉ là nạn nhân của sự lừa gạt của chồng mình. Sau đó cô Thanh Liên đã tâm sự với cô học sinh cũ, để rồi cô học trò cũ nhận ra được hành vi sai trái của mình và xin lỗi, cảm ơn, xúc động rưng rưng: "Thật tình, em sợ chị quá đi mất thôi. Thà chị đánh em, xé em, em cũng không thể thấy kinh sợ, nể trọng bằng sự rộng lượng và tử tế của chị từ nãy giờ,... Em đã vỡ lẽ, đã tỉnh ngộ,... Thưa cô giáo, cô đã cho em nhiều bài học, chỉ một lúc". Thầy thuốc Nguyễn Tầm Tư (Thầy thuốc tồi tệ) là mẫu người thầy thuốc chân chính, đúng với tiêu chí "Lương y như từ mẫu", giàu lòng yêu thương, dốc hết tâm lực để khám chữa, cứu sống bệnh nhân. Xuất phát từ lòng nhân ái, mà đôi khi những việc làm của thầy thuốc Tư có chút khác thường đối với bệnh nhân khiến nhiều người hiểu sai, nghi ngờ về nhân cách đạo đức của thầy. Cụ thể là, việc giúp đỡ cô Sính bị bệnh thần kinh phân liệt vì tình. Không một chút đắn đo, vụ lợi cá nhân thầy thuốc Tư đã cất công lặn lội tìm về nơi ở của cô Sính để khám chữa và túc trực, chăm sóc cả ngày lẫn đêm. Chính sự tận tâm hết lòng cứu chữa, giúp đỡ của thầy Tư mà cô Sính đã dần dần đỡ bệnh, "cải tử hoàn sinh" và rồi cô Sính nảy sinh tình cảm, đắm đuối cuồng si với thầy Tư vì mến phục tấm lòng nhân ái, yêu thương, giúp đỡ cô và mọi người. Biết được tình cảm của cô Sính dành cho mình, thầy Tư đã phải làm bằng cách tự vẽ chân dung của mình với một khuôn mặt xấu xí và cả những tật xấu qua những câu chuyện kể cho cô Sính về “những rủi ro, bất hạnh, tật xấu, thậm chí cả đến những chuyện đàng điếm, dơ bẩn” mà thầy Tư tự tưởng tượng ra. Bác sĩ Trương Thiền Tâm trong Nàng đa trốn đi, người họa sĩ - thầy thuốc trong Ngựa phi trong bão tuyết, người thầy thuốc trong Tò vò thương nhện,... cũng là những mẫu người thầy thuốc chân chính, luôn coi trọng y đức, sức khỏe và tính mạng của con người. Bằng trái tim đôn hậu, cao thượng và vị tha, nhân ái mà bác sĩ Trương Thiền Tâm (Nàng đa trốn đi) vượt qua sự dè bỉu, chê bai và đơm đặt của những người xung quanh để cứu vớt ba mẹ con Kim Thư khi cô ấy lâm vào hoàn cảnh bi đát: chồng đi cải tạo và bị gia đình xua đuổi. Người họa sĩ - thầy thuốc (Ngựa phi trong bão tuyết) từng bị thủ trưởng buộc thôi việc vì tội "phạm thượng". Thế nhưng khi người thủ trưởng bị lâm bệnh nặng thì người họa sĩ - thầy thuốc này đã bỏ qua sự thù hận, ích kỉ cá nhân để chữa bệnh cho ông thủ trưởng. Hay nhân vật “tôi” (Sầm Sơn biển hát) - một bác sĩ tài giỏi, có một tấm lòng nhân ái đã hóa giải được một định kiến vốn đã chôn vùi cuộc đời của một người phụ nữ mấy chục năm trời, trả lại danh dự và hạnh phúc cho người phụ nữ ấy trong những năm tháng cuối đời. Nhân vật "tôi" sống hết mình vì nghề nghiệp đã chọn, vì cuộc đời với một suy nghĩ thật là giản đơn nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc vô cùng: “Trước hết cần lòng trung hậu. Sau nữa phải sống lăn lóc hết mình và cũng căm ghét hết mình”,... Nguyễn Dậu còn dựng xây mẫu người trí thức là những kĩ sư tài giỏi, trí tuệ, luôn mang trong mình một nhiệt huyết cháy bỏng được cống hiến trí lực nhằm cùng chung tay xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp. Phạm Phước (Đại sám hối) là một sinh viên trung cấp nông học, tuổi đời còn non trẻ nhưng lại có ý chí, hoài bảo thật lớn lao, luôn "sốt bỏng và bùng cháy trong lòng những ước mơ làm sao cho quê hương no ấm giàu đủ”. Trước thực trạng quê hương của mình đã trở thành hợp tác hóa toàn thôn, thế mà vẫn còn đói khổ, người dân vẫn còn ăn "cơm độn ngô độn khoa, chỉ có bát tương với mấy ngọn rau xanh" nên anh rất đau buồn, giày vò tâm can. Từ đó, anh đi tìm nguyên nhân: "Vì sao đất đai thì màu mỡ, con người thì cần cù mà cuộc sống lại kiệt quệ, thê thảm đến thế?” để có giải pháp phù hợp, giúp người dân thoát cảnh nghèo khổ, mang lại ấm no, hạnh phúc. Quang (Vòng sinh quyển đã xoay) - một kĩ sư địa chất. Anh sinh ra trong một gia đình có nề nếp, gia giáo truyền thống, đó là “một nền giáo dục coi nặng lí tưởng, coi nặng cống hiến và hy sinh, coi nhẹ đồng tiền, coi khinh vàng bạc”. Vì thế, khi vợ Quang là người rất tham lam về tiền bạc, địa vị nhưng Quang vẫn giữ nguyên lập trường, tư tưởng và lối sống khuôn phép của mình: vì cộng đồng, vì tồn vong của dân tộc. Qua sự tìm hiểu mẫu nhân vật - người trí thức trong truyện ngắn Nguyễn Dậu, tôi thiết nghĩ mẫu người trí thức chính là sự kí thác của chính tác giả về những ước mơ, nghĩ suy về cuộc đời và con người, đó là nhân ái và yêu thương.
2. Nhân vật - mẫu người lính xuất ngũ
Nhân vật – mẫu người lính xuất ngũ trong truyện ngắn Nguyễn Dậu chủ yếu là những người lính trở về từ quân ngủ. Họ là, những người lính có lí tưởng cao đẹp, trung kiên, đầy tinh thần trách nhiệm với Đảng, Tổ quốc, Nhân dân; giàu tình yêu thương, vị tha, nhân ái, thủy chung,... trong chiến đấu lẫn trong cuộc sống đời thường. Thiếu tướng Đoàn Văn Mãi (Hương khói lòng ai) là một người lính chuẩn mực, hiện thân vẻ đẹp của người lính cụ Hồ. Thiếu tướng Mãi được mọi người ngợi ca, yêu mến không chỉ đẹp ở vẻ ngoài tráng kiện, mà còn tỏa sáng một vẻ đẹp tâm hồn sáng trong, đôn hậu, bao dung, nặng lòng trắc ẩn và biết trân trọng, gìn giữ di sản văn hóa cổ truyền, đời sống tâm linh. Sống trong một căn biệt thự của một gia đình chí sĩ tản cư do Nhà nước cấp hơn hai mươi năm trời nhưng thiếu tướng Mãi vẫn trân trọng, gìn giữ cẩn thận những vật dụng, đồ đạc đã cũ kĩ như cỗ tràng kỉ, cá án thư, tủ chè, sập gụ, câu đối, hương án tổ tiên,... Hành động, việc làm này đã bị vợ con, bạn bè giễu cợt là thứ gàn dở, cổ lỗ thì thiếu tướng Mãi đã giải thích, tâm sự để mọi người hiểu việc làm của mình. Dẫn dụ như việc người bạn ngang cấp cho rằng việc thiếu tướng Mãi treo câu đối chữ nho ở cột là chả có ích gì vì nó quá “cổ lỗ sĩ” nên đáng vứt bỏ nhưng thiếu tướng vẫn vui vẻ và giải thích để bạn mình hiểu về ý nghĩa về giá trị trường tồn của các câu đối đó: “Những câu đối ấy đều viết về tổ tiên phúc đức, con hiền cháu thảo cả. Cái giáo huấn ấy thì đến muôn đời sau vẫn chẳng bao giờ cũ”. Hay việc vợ con, người thân không thích, thậm chí lên án thiếu tướng Mãi thờ cúng ảnh của một bà già được cho là mẹ hoặc bà cụ tổ của gia đình tản cư, việc những ngày rằm, mùng một thắp và cắm lên bát nhang ba nén hương cùng với một đĩa hoa thơm,... thì thiếu tướng Mãi đã động viên, giải thích cho vợ con hiểu ý nghĩa sâu sắc về việc làm tâm linh của mình: “Để một vong hồn hương lạnh khói tàn là không nên. Vả lại, tôi tự coi bà cụ kia như một người cô, người mẹ của mình". Không những người lính thuộc thế hệ đi trước mà còn những người lính trẻ như nhân vật đại úy (Hồn biển quê hương) cũng là mẫu người văn hóa chuẩn mực. Anh là một người lính trẻ, năng động, có lí tưởng cao đẹp, tri thức sâu rộng và luôn nhiệt huyết với mong muốn đem trí lực của mình góp phần dựng xây quê hương giàu đẹp. Anh trân trọng, gìn giữ những giá trị văn hóa thiêng liêng, vẻ đẹp của thiên nhiên nơi chốn quê của mình, như “những chiếc bánh bèo, miếng cùi dừa, bánh đa kê, nồi khoai sọ chấm mật, chiếc lược gẫy răng của chị gái, sợi xà – tích nối truyền nhiều đời của mẹ, mảnh yếm hoa hiên của bà, lưng trâu và vạt cỏ ven đê, cô Tấm với hoàng tử, tiếng hát chèo ở sân đình, con trâu lá đa và mùi cà cuống nướng”. Tình yêu ấy đã trở thành động lực để anh sống có lí tưởng, quyết chí hi sinh bảo vệ hải đảo, bảo vệ Tổ quốc. Chính lí tưởng sống của anh đại úy đã khiến Lý - nữ kĩ sư cơ khí thay đổi suy nghĩ, quyết định của mình là đưa con trốn ra nước ngoài vì cảm thấy nhục nhã do bị một gã sở khanh lừa gạt mình. Toàn (Gió sông thổi tạt cánh chim) - một thầy giáo dạy tiểu học cũng là một mẫu người lính chuẩn mực, hiền hậu, kháng đạt, yêu thương, giúp đỡ học sinh như chính người con của mình. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thầy Toàn đã tạm gác lại giáo án để lên đường nhập ngủ. Trong quân ngũ, thầy Toàn là một chiến sĩ pháo binh, chuyên phụ trách các máy quan trắc và tính toán các thông số phát xạ, các tọa độ của pháo binh địch để về huấn luyện cho các chiến sĩ khác. Chỉ tham gia quân ngủ sáu năm nhưng với ý chí, nghị lực học tập, rèn luyện thao trường xuất sắc, cống hiến hết mình cho quân đội, thầy Toàn đã được cấp trên phê chuẩn trao cấp hàm đại úy. Sau khi ra quân thầy Toàn trở về quê hương, tình nguyện nộp đơn xin dạy học tại trường cũ và được Phòng giáo dục huyện đồng ý, giao đảm trách nhiệm chức hiệu trưởng trường tiểu học tại quê nhà. Với niềm đam mê, tận tụy cống hiến cho ngành giáo dục quê nhà nên thầy Toàn đã làm tốt công việc cấp trên giao phó, xây dựng lại trường lớp khang trang, chấn chỉnh đội ngủ giáo viên, kiến nghị tăng lương cho giáo viên. Để có thêm thu nhập cho giáo viên, tôn tạo thêm các lớp học thầy Toàn lên kế hoạch "làm kinh tế" như nhận đấu thầu đất để làm lò gạch, khơi rộng, khoét sâu những rãnh lớn bao quanh trường học để thả cá,... Những việc làm của thầy Toàn đã được toàn ngành ủng hộ, phụ huynh đồng tình, vì thế thầy đã trở nên nổi tiếng, được báo đài, nhà phim viết bài tôn vinh. Thế nhưng thành quả đó thầy Toàn không nhận về riêng mình mà vẫn sẻ chia cùng với hai cô hiệu phó và tập thể hội đồng sư phạm của trường. Thầy Toàn đúng là kiểu mẫu của thời đại mới: trí tuệ, sáng tạo, nhiệt huyết và khiêm nhường, giản dị.
Mẫu nhân vật người lính trong truyện ngắn Nguyễn Dậu không chỉ có lí tưởng kiên trung, hi sinh cho quê hương, đất nước mà còn trong đời sống riêng tư họ rất giản dị, lương thiện, bao dung, vị tha,... Nhân vật anh đại úy (Hồn biển quê hương) còn rất trẻ, chưa lập gia đình nhưng anh sẵn sàng mở rộng vòng tay, làm theo "trái tim mách bảo" đã đón nhận mẹ con Lý về ở chung một nhà. Thầy giáo Toàn (Gió sông thổi tạt cánh chim) là một người rất “giỏi giang, mạnh mẽ, lừng lẫy tiếng tăm”, “chỉ khua tay trái cũng vớ được hàng tá con gái lành lặn, tốt đẹp”. Thế nhưng thầy Toàn vẫn không đón nhận những tình yêu ấy mà vẫn cứ đắm đuối, yêu thương Thảo - cô người yêu cũ đã bị tàn phế, liệt cả hai chân. Thầy Toàn yêu Thảo bằng cả trái tim nồng hậu, không hề oán hận hay trách móc Thảo về việc không giữ lời thề năm xưa, mà đi lấy Đãng - chủ tiệm vàng trên phố. Trái lại thầy Toàn quyết tâm hơn để đến với Thảo, đưa về cùng chung một nhà khi Thảo bị liệt hai chân, bị tên Đãng bỏ rơi. Đến với Thảo, thầy Toàn đã bị gia đình ngăn cấm nhưng thầy Toàn vẫn không từ bỏ, quyết đến với Thảo bằng được: “Thảo! Nghe anh nói đây! Em hãy bố trí một vạn quả mìn và một trăm khẩu liên thanh để ngăn cản anh, anh vẫn sẽ băng đến cùng em, em rõ chưa? Chỉ có một điều duy nhất là chúng ta sẽ phải nên vợ nên chồng, thế thôi!”. Nguyễn Đức Tích - tên thường gọi Sẹo (Đôi hoa tai lóng lánh) cũng là một mẫu người lính kiên cường, nghị lực trong cuộc sống đời thường. Nguyễn Đức Tích là một chiến sĩ đặc công, sau khi bị thương nặng tại chiến trường Quảng Trị anh đã được xuất ngủ. Trở về quê hương với tấm thân tàn phế, ngôi nhà bị bom Mĩ phá hủy, san bằng nhưng không làm anh gục ngã và bằng nghị lực, ý chí anh đã dựng lại nhà cửa, vườn tược của mình. Mọi biến cố trong cuộc đời anh đều vượt qua, chiến thắng, thế nhưng anh đã gục ngã trước tình yêu khi biết người yêu - Thanh Luân đi lấy chồng. Để rồi anh đã bỏ xứ ra đi, phiêu bạt khắp nơi, kiếm kế sinh nhai bằng nghề khắc bút, mò cá. Dẫu sống trong khổ đau cả tinh thần lẫn thể xác nhưng anh vẫn rất vui và vui mừng hơn khi anh biết người yêu của mình đang sống hạnh phúc, biết con gái của Thanh Luân có tên giống mình - Nguyễn Thị Đức Tích. Chiến sĩ Lê Đình Lượng (Duyên lạ) lại là mẫu người lính mang vẻ đẹp tỏa sáng ở khía cạnh sẵn sàng hi sinh bản thân để gánh vác trách nhiệm vì đồng đội. Vốn là một chàng trai Hà Thành khôi ngô tuấn tú, đang học khoa Ngữ văn năm thứ hai thì được triệu tập nhập ngủ. Chứng kiến, đối mặt với những đau thương khủng khiếp của cuộc chiến tranh, nhất là nỗi đau mất mát quá lớn đối với Lượng khi cả một gia đình lớn bị một trận bom B52 hủy diệt. Nỗi đau âm ỉ về chiến tranh vẫn còn đó, nó cướp sạch mọi thứ như "máu đàn ông, nước mắt đàn bà, đôi khi cả sinh mệnh". Nhưng Lượng vẫn không có suy nghĩ bi lụy, trái lại có những nghĩ suy về cuộc chiến rất tích cực, đầy cao cả bởi với Lượng chiến tranh dẫu có mất mát thật lớn lao nhưng cũng đã đem lại "niềm tự hào dân tộc, nó cho ta ý chí và nghị lực, nó cho ta sự tôi luyện và trưởng thành, nó cho ta sự đẹp đẽ cả thể xác lẫn linh hồn”. Vẻ đẹp ấy còn thể hiện ở nghĩa tình đồng chí, tình kết nghĩa anh em, đó là Phạm Khắc Lượng - người đồng đội, tình anh em như ruột thịt không may bị tai nạn và trước lúc nhắm mắt Phạm Khắc Lương trăn trối, ước nguyện Lê Đình Lượng thay mình làm con trai của bố mẹ và làm chồng của Ngát thay mình. Chiến tranh kết thúc, anh trở về quê hương tìm đến gia đình Phạm Khắc Lượng cùng chung sống với mái ấm gia đình, làm tròn bổn phận của một người con, của một người chồng. Như vậy mẫu nhân vật người lính trong truyện ngắn Nguyễn Dậu là những con người hình mẫu của thời đại, sống và cống hiến hết mình vì quê hương, đất nước, sẵn sàng hi sinh tất cả vì đồng đội, vì người mình yêu thương.
3. Nhân vật - mẫu người nghệ sĩ
Nhân vật – mẫu người nghệ sĩ trong truyện ngắn Nguyễn Dậu cũng là một mẫu người văn hóa chuẩn mực, chân chính. Nguyễn Dậu xây dựng nhân vật nghệ sĩ rất đa dạng và phong phú, đó là những con người có năng khiếu nghệ thuật như nhà văn, nhà thơ, nhà họa sĩ,... và những người không có tài năng nghệ thuật bẩm sinh nhưng lại có tâm hồn nghệ sĩ, đam mê, trân trọng nghệ thuật. Dẫu mỗi nhân vật nghệ sĩ có những điểm khác nhau nhưng tựu chung ở họ là những nghệ sĩ đích thực, đam mê nghệ thuật, sẵn sàng xả thân vì nghệ thuật, luôn trăn trở về cuộc đời và con người. Nhân vật ông họa sĩ già (Muôn nẻo xe lăn) thời còn trẻ đã có một ước mơ thật giản dị nhưng rất đẹp, có ý nghĩa. Ông họa sĩ già chỉ mơ có “một chiếc xe lăn do ngựa kéo, ở trong đó có cả một xưởng vẽ và một cô vợ yêu chồng" để cùng rong ruỗi khắp chân trời góc bể. Ước mơ đó vẫn không thành hiện thực, vì cuộc đời của ông họa sĩ già quá lận đận. Dẫu sóng gió cuộc đời luôn ập đến với ông họa sĩ già nhưng ông vẫn đam mê nghệ thuật, ngày đêm vẫn miệt mài vẻ để tạo nên những tác phẩm có giá trị cao. Niềm đam mê đó, thể hiện trong việc vẽ lại khuôn mặt của một bà có cái búi tóc theo kiểu búi tó nhưng ông họa sĩ già đã vẽ đi vẽ lại cả hàng trăm lần, vẽ rồi lại xé và xé rồi lại vẽ cho đến khi nào hoàn mỹ mới thôi. Chọn quán cơm nơi có bà lão ngày nào cũng ra ngồi, là vì ông họa sĩ già đã nhận ra ở bà lão với vẻ bề ngoài rất trang nhã, hiền hậu nhưng ẩn đằng sau đó còn là một người phụ nữ có số phận bi kịch, đầy giông bão. Lý giải về việc làm đó của mình, ông họa sĩ già cho rằng: “Nghề nghiệp của chúng tôi là cần có nhiều kí họa. Từ hàng ngàn kí họa, chúng tôi sẽ chưng cất lấy một hai bức họa nào đó rồi đặt nó trước mắt người đời”. Ông già họa sĩ chính là hiện thân của những con người “sinh ra để dấn thân cho cuộc sống, cho nghệ thuật, cho cái đẹp, cho yêu đương, cho khổ đau, không hề run sợ trước mọi điều ác, cũng không hề mỏi tay trước mọi điều thiện”. Nhân vật "tôi" - nhà văn (Phong lan đen) cũng là một mẫu người nghệ sĩ chân chính, luôn vì cuộc đời và vì con người. Nhân vật nhà văn xuất hiện ở ngôi thứ nhất, không những là người tài năng trong sáng tạo nghệ thuật, mà còn là một người biết dấn thân, sẻ chia vui buồn trong cuộc sống thường ngày. Nhà văn "tôi" trăn trở, day dứt về cô gái có tên là Nhược Lan - một cô gái mười tám nhưng có hai bộ mặt. Một mặt, cô là một khuê nữ, cao quý, hiền hậu, nhút nhát, có "kiến thức sâu rộng, sách vở nào cũng thông, sự kiện nào cũng hiểu", nhưng mặt khác cô là một nữ chúa quỷ quyệt, chuyên điều khiển, vạch kế hoạch cho bọn côn đồ bụi đời quanh Hồ Gươm. Chính vì Nhược Lan sống hai mặt như vậy, nên nhà văn "tôi" đã khuyên Thanh Tâm - người yêu Nhược Lan cần phải cảm hóa cô ấy. Vì chỉ có Thanh Tâm dùng sức mạnh của người mình yêu mới đưa cô ấy trở thành người tốt, một công dân tốt. Cái Lã (Ngày mai nở rộ một nhành mai) cũng là người nghệ sĩ kiểu mẫu. Cái Lã vốn một đứa trẻ mồ côi, bán bánh dạo ở hồ Gươm. Mỗi ngày như mọi ngày Cái Lã rao bán bánh nơi đây, ban đầu giọng rao bán bánh của Cái Lã hơi cứng, vô hồn nhưng dần về sau giọng rao trở nên êm ấm, vang vọng, luyến láy du dương hơn. Ngay chính bản thân Cái Lã vẫn không hề hay biết mình được trời phú cho một giọng hát đặt biệt. Và đến một ngày Cái Lã gặp một người khách - nhạc sĩ mua bánh của mình phát hiện ra giọng hát qua tiếng rao bánh. Ông nhạc sĩ ấy rất kinh ngạc, xúc động khi tiếng rao bánh vang lên. Ông nhạc sĩ ấy phân vân tại sao Cái Lã - một thằng bé lang thang, bán bánh dạo lại có "năng khiếu thẩm âm và phát âm chuẩn xác" đến như vậy. Khi hỏi ra mới biết Cái Lã có cuộc sống cơ cực, vất vưởng đầu đường xó chợ như thế nhưng lại được một chú Lê mù chuyên nghề bán sáo trúc ở gốc đa đền Bà Kiệu, cụ Từ cưu mang, thương yêu, đùm bọc, dạy dỗ thổi sáo, ca hát cho Cái Lã. Trân trọng tài năng nghệ thuật của Cái Lã, ông nhạc sĩ ấy đã dành tình cảm đặc biệt để tranh thủ thời gian dạy thêm cách thẩm âm, phát âm cho Cái Lã hầu mong trong một tương lai gần cô bé Cái Lã "sẽ tặng cho cuộc đời này một kho báu" nghệ thuật. Bằng trái tim đôn hậu, yêu nghệ thuật cháy bỏng, những người như ông nhạc sĩ, cái Lã, chú Lê mù, bà cụ Từ hát ả đào - mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng lại gắn kết với nhau bằng cái duyên tri kỷ của tình yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp và nâng niu, ươm mầm để đơm hoa kết trái hiến dâng cho đời. Hai vợ chồng người lái xe (Mỗi cuộc đời một thoáng chốc) lại là một mẫu người nghệ sĩ khác. Hai vợ chồng vốn không biết vẽ gì cả nhưng lại yêu thích hội họa, có "óc thẩm mĩ tinh tế về hội họa", trân trọng và yêu quý nghệ thuật. Chính tình yêu ấy, đã cảm hóa được ông tù già - một họa sĩ chuyên vẽ tranh sơn dầu đang muốn trốn ra nước ngoài sinh sống để hầu mong quên đi "cú sốc thần kinh dữ dội" trong quá khứ. Những việc làm của vợ chồng người lái xe đã sưởi ấm trái tim cô đơn, lạnh giá, bệnh tật của ông tù già - Nguyễn Tầm Tư đã tiếp thêm nghị lực, niềm tin để ông hăng say, miệt mài vẻ. Và rồi chỉ trong một thời gian ngắn ông tù già đã lần lượt cho ra đời "những bức vẽ lấp lánh, sắc cạnh, chan chứa tình nghĩa con người". Vợ chồng người lái xe không phải là một họa sĩ đích thực nhưng lại là những người đam mê, trân trọng nghệ thuật và nhân ái, bao dung, độ lượng. Qua việc xây dựng mẫu nhân vật nghệ sĩ, nhà văn Nguyễn Dậu muốn gửi gắm thông điệp đến với cuộc đời và con người: Hãy đặt niềm tin vào sức mạnh của tình yêu, của bản tính tốt đẹp con người. Có như vậy mới phát hiện ra được cái tài, cái đẹp trong nghệ thuật.
Thế giới nhân vật – mẫu người văn hóa trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu đa dạng và phong phú, thuộc nhiều thế hệ khác nhau, nhiều ngành nghề khác nhau, sống ở nhiều vùng miền, có cảnh ngộ, số phận khác nhau. Nhưng nếu dựa trên hệ quy chiếu chuẩn mực giá trị văn hóa truyền thống dân tộc – nhìn từ mẫu người văn hóa, thì chỉ có ba kiểu nhân vật – mẫu người văn hóa hiện diện trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu, đó là: mẫu người trí thức, mẫu người nghệ sĩ và mẫu người người lính xuất ngũ. Mỗi kiểu nhâ vật - mẫu người văn hóa này có những đặc trưng riêng nhưng lại có điểm chung là: trọng nghĩa, trọng tình, nhâu hậu, vị tha; có tinh thần trách nhiệm với xã hội, với gia đình, với quê hương đất nước và với chính mình. Xây dựng những kiểu nhân vật – con người văn hóa này, nhà văn Nguyễn Dậu đã góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ, tôn vinh những hệ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc giàu tính nhân văn, nhân bản sâu sắc hơn.
Tài liệu tham khảo chính
1. Con thú bị ruồng bỏ (1990), Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội.
2. Rùa Hồ Gươm (1991), Nxb. Hà Nội, Hà Nội.
3. Nhọc nhằn sông Luộc (1995), Nxb. Thanh niên, Hà Nội.
4. Đôi hoa tai lóng lanh (1996), Nxb. Văn học, Hà Nội.
5. Bảng lảng hoàng hôn (1997), Nxb. Văn học, Hà Nội.
6. Gió núi mây ngàn (2000), Nxb. Hà Nội, Hà Nội.