Tác động của đại dịch COVID-19 và việc khôi phục hoạt động của ngành du lịch

Diễn dàn “Tác động của đại dịch COVID-19 - Hành động quyết liệt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” đã diễn ra ngày 22/9 tại Hà Nội, được phát trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội YouTube.

Chú thích ảnh Khuôn viên Saigon Phu Quoc Resort & Spa (Phú Quốc) được chỉnh trang trước khi đón khách trở lại. Ảnh: TTXVN phát

Du lịch là một vấn đề được quan tâm tại sự kiện này, nhất là trong bối cảnh toàn ngành đang tích cực chuẩn bị thực hiện chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc theo chỉ đạo của Chính phủ, dự kiến bắt đầu vào tháng 10/2021.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, Bộ rất mong muốn khôi phục nhanh chóng hoạt động của ngành du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Theo đó, ngành tập trung sớm nguồn lực, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch du lịch Việt Nam. Quy hoạch sẽ là nhiệm vụ cũng vừa là giải pháp của ngành du lịch nước ta.

Tổng cục Du lịch phải kết nối với các địa phương để bản đồ du lịch thể hiện được tính toàn diện; rà soát, thẩm định, nâng cấp, làm mới các sản phẩm du lịch. Chỉ tiêu đặt ra là mỗi tỉnh, thành phố phải có một sản phẩm du lịch độc đáo, kết nối các sản phẩm du lịch để tạo điểm nhấn, đẩy mạnh các hoạt động lữ hành...

Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Du lịch nhanh chóng vận hành trang web mà Hội đồng Tư vấn du lịch đã thực hiện trước đó; các địa phương số hóa điểm đến, đưa lên không gian mạng. Trên cơ sở đó đơn vị chức năng sẽ quản lý và điều hành, nếu có thể thì kết nối để tạo ra cơ sở dữ liệu.

Đối với các địa phương đã kiểm soát được dịch  COVID-19  nhanh chóng chủ trì, phối hợp, kết nối với các hiệp hội du lịch, doanh nghiệp để tổ chức diễn đàn, hội nghị xúc tiến quảng bá, đầu tư để du lịch “sống lại”. Bộ trưởng nhấn mạnh việc phải làm cho du lịch đi vững trên đôi chân của mình, trong đó chú ý thị trường nội địa và tiếp đó là thị trường quốc tế khi có điều kiện.

Một vấn đề được Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh là cần nhanh chóng đưa Quỹ hỗ trợ phát triển vào hoạt động để tăng cường nguồn lực cho công tác xúc tiến, quản bá du lịch đạt hiệu quả cao hơn.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết: Chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi các hoạt động du lịch trong bối cảnh mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL, tập trung vào 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có việc tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch.

Theo đó, trước hết là truyền thông, quảng bá, thu hút khách góp phần đảm bảo thực hiện thành công Kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc (Kiên Giang). Trên cơ sở đó, ngành chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến trong cả nước, tiếp tục triển khai những hoạt động truyền thông, kích cầu du lịch trên cơ sở kế thừa chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”; lấy du lịch nội địa làm nội lực duy trì hoạt động của ngành, phát huy liên kết giữa các cơ quan quản lý - doanh nghiệp - cơ quan truyền thông.

Tổng cục Du lịch cho rằng cần chú trọng truyền thông, quảng bá du lịch trên mạng xã hội và một số nền tảng trực tuyến. Do đó, Tổng cục Du lịch đã xây dựng hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch…; xây dựng “Bản đồ số du lịch Việt Nam an toàn”, tích hợp vào ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”; đồng thời hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp du lịch quảng bá dịch vụ, kết nối và cập nhật thông tin phục vụ du khách.

Tổng cục Du lịch đề nghị Chính phủ có chính sách vaccine phòng COVID-19 riêng cho một số trung tâm du lịch trọng điểm, tạo môi trường an toàn để có thể khôi phục hoạt động du lịch nội địa và thu hút khách quốc tế đi du lịch Việt Nam...

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, do tác động của dịch COVID-19 nên lượng khách du lịch sụt giảm nhiều, tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch. Năm 2020 khách quốc tế đến Việt Nam giảm 80% so với năm 2019, khách du lịch nội địa giảm 34%, tổng thu từ khách du lịch giảm 59%. Trong 8 tháng của năm 2021, khách du lịch nội địa đạt 31,2 triệu lượt (giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó có 16,1 triệu lượt khách nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ khách du lịch 8 tháng qua đạt khoảng 136.520 tỷ đồng.

Tại diễn đàn này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã nghe nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, đa chiều về các lĩnh vực, vấn đề của ngành, để từ đó “gạn đục khơi trong” nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất để việc thực hiện thời gian tới đạt hiệu quả, đồng thuận cao nhất từ cơ sở. Từ chia sẻ thực tiễn hoạt động của địa phương đến tỉnh, Bộ, cố gắng lựa chọn mô hình đúng trúng, có tác dụng lan tỏa để tiếp tục khẳng định và nhân rộng trên phạm vi toàn quốc, đồng thời nhìn nhận khó khăn, hạn chế để sửa chữa, tháo gỡ...

Quan trọng hơn cả, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng là phải từ văn hóa, bằng văn hóa, chúng ta lan tỏa những giá trị tốt đẹp nhất của văn hóa dân tộc, cùng Đảng và Nhà nước, nhân dân chiến thắng dịch bệnh. Qua đó khẳng định rằng khi đại dịch COVID -19 tác động, gây khó khăn dồn dập thì những giá trị tốt đẹp của ngành văn hóa, nền văn hóa Việt Nam được phát huy cao độ nhất, những người làm văn hóa, thực hành văn hóa xây dựng lối sống đẹp để từ đó có nhận thức đúng và hành động đẹp...